Ashui.com

Wednesday
Jan 22nd
Home Tương tác Góc nhìn Công tác giải phóng mặt bằng: Làm sao an dân?

Công tác giải phóng mặt bằng: Làm sao an dân?

Viết email In

Tuần qua, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trong các dự án phát triển kinh tế và đô thị đã là một trong những nội dung làm nóng nghị trường của HĐND TPHCM. Và không chỉ ở TPHCM, vấn đề này cũng nóng ở nhiều địa phương khác trên địa bàn cả nước.  

Phương thức nào cũng có hạn chế 

Cách đây hơn một tháng, trả lời phỏng vấn trên báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Trần Minh Thơ, Trưởng ban Đền bù giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh (TPHCM) đã chia sẻ một kinh nghiệm rất quý trong công tác này. Đó là cần sự tận tâm, hết lòng của người cán bộ làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng đối với người dân bị giải tỏa. Ông Trần Minh Thơ chứng minh: Trong dự án đền bù giải phóng mặt bằng cho công trình xây dựng đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài, phần đi qua quận Bình Thạnh, nếu người cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng không tận lực tìm ra bằng chứng, chứng minh người dân đã ở trong hành lang an toàn của ngành điện trước khi hành lang này được thiết lập thì người dân ở đây đã không được đền bù về đất đai và nhà cửa đầy đủ khi phải di dời. Hành động ấy không những làm người dân tâm phục, khẩu phục mà còn giúp quận Bình Thạnh trở thành quận có tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất thành phố trong dự án xây dựng đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài. 

  • Ảnh bên: Người dân tháo dỡ nhà bàn giao mặt bằng trên đường Nguyễn Thị Định, quận 2. 

Thế nhưng, chính những người làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng thừa nhận, điều nêu trên tưởng chừng như đơn giản, như đương nhiên phải vậy, song đâu phải tất cả cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng đều làm được. Ngoài cái tâm lo cho dân, họ còn phải có trình độ am hiểu sâu sắc về pháp luật và quan trọng hơn cả đó là sự kiên trì và bản lĩnh. Bản lĩnh dám tham mưu, phân tích cho lãnh đạo hiểu và mạnh dạn giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tế mà luật pháp chưa bao quát hết trên tinh thần hợp tình, hợp lý. 

Hiện nay, về cơ bản Nhà nước bồi thường nhà, đất cho người dân theo giá thị trường nhưng mức độ đền bù như thế nào lại phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng pháp lý nhà và đất của người dân. Do vậy, những phẩm chất như trên lại càng quan trọng hơn hết đối với người làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đó là chưa kể đến tình huống quá tải. Hiện nay, ban đền bù giải phóng mặt bằng của nhiều quận, huyện “ngập đầu” trước hàng loạt dự án trọng điểm cần triển khai nhanh. Sự quá tải ít nhiều đã làm họ không còn đủ kiên nhẫn và minh mẫn để nhìn ra những bức xúc chính đáng của người dân và giúp họ giải quyết vấn đề. Đây chính là hạn chế lớn nhất trong phương thức đền bù, giải phóng mặt bằng do Nhà nước thực hiện. 

Báo cáo tại cuộc họp chuyên đề về quy hoạch và quản lý đô thị tuần qua của HĐND TPHCM, UBND TPHCM đã xác nhận: “Phần lớn các dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng và triển khai chậm là các dự án sử dụng vốn ngân sách. Các dự án sử dụng đất vào mục đích công cộng, mặc dù mục tiêu thu hồi đất được đa số người dân đồng tình nhưng lại không nhận được sự đồng tình của nhiều người dân về mức giá bồi thường, hỗ trợ”. UBND TPHCM cũng cho biết: Các dự án kinh doanh mà chủ đầu tư tự thỏa thuận mức giá bồi thường với người sử dụng đất, thường không có khiếu nại. 

Phương thức nhà đầu tư chủ động đàm phán và mua lại đất của người dân không phát sinh những vấn đề giống phương thức nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của nó chính là một số người dân trong các dự án đã lợi dụng điều này để đẩy mức giá đất lên cao làm giá nhà, đất nói chung trên thị trường tăng lên. Nhà đầu tư ngán ngại làm các dự án phát triển địa ốc lớn và hậu quả là nhiều dự án phát triển đô thị nhỏ, lẻ ra đời. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã phải kêu lên: “TP mà có quá nhiều dự án nhỏ, lẻ như thế, việc kết nối hạ tầng kỹ thuật sẽ rất khó mà đồng bộ”. 

Nên chọn giải pháp an dân 

Hiện nay có khá nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các phương thức đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, xu hướng nổi trội nhất vẫn là một phương thức tập hợp được tất cả các ưu điểm của hai phương thức đền bù, giải phóng mặt bằng đang được áp dụng hiện nay. Đó là Nhà nước nên đưa công tác này ra kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Một mặt vừa huy động được nguồn lực xã hội vào công tác đền bù giải phóng mặt bằng vốn cần rất nhiều kinh phí, thậm chí trong nhiều trường hợp chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng còn cao hơn nhiều lần chi phí xây dựng công trình trên diện tích đất được giải tỏa. Mặt khác, quan trọng hơn để người dân được chủ động thỏa thuận giá đền bù với nhà đầu tư, để họ không cảm thấy bị thiệt thòi, bị oan ức trong đền bù - một trong những lý do quan trọng đầy người dân khiếu kiện về đất đai. 

TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh thành khác nói chung đang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa mạnh mẽ. Tình trạng chuyển nhượng nhà, đất, công tác xây dựng diễn biến rất phức tạp. Nếu áp dụng theo cách xem xét cụ thể tình trạng pháp lý của từng miếng đất, từng công trình để đền bù, vừa tốn thời gian, nhân lực làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng, vừa khó cân đối được lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp, nhất là khi đa phần người không có giấy tờ nhà, đất hợp pháp là người nghèo. “Nếu giải quyết không thỏa đáng, rất có thể đẩy những người này rơi vào tình trạng khó khăn hơn. Mà điều đó đâu phải là mục tiêu khi tiến hành đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta?” - ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM, hiện là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận xét. Theo ông Đặng Văn Khoa, khi nhà đầu tư thỏa thuận đền bù với dân, chi phí đền bù có thể cao hơn so với khi nhà nước thực hiện công tác này. Thế nhưng, bù lại, thời gian giải phóng mặt bằng thường nhanh hơn và như thế nhìn về tổng thể tất cả các bên vẫn có lợi. Trong trường hợp nhà đầu tư không thể thỏa thuận mua đất với dân như nhiều dự án phát triển địa ốc hiện nay, nhà nước có thể xem xét hỗ trợ họ. Tất nhiên, chỉ trong tình huống nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng được một diện tích nhất định theo quy định, phần còn lại phải là thiểu số thì Nhà nước mới hỗ trợ. 

Để quy hoạch được triển khai hiệu quả, ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu là chính sách đền bù cho người dân trong khu quy hoạch phải đồng đều như nhau. Hộ dân nằm trong khu quy hoạch làm các công trình công ích như công viên cây xanh, đường giao thông… phải được đền bù như hộ dân nằm trong khu quy hoạch làm nhà ở, kinh doanh địa ốc. Trong phiên trả lời chất vấn HĐND TPHCM vừa qua, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cũng nói đến chính sách đền bù một giá thống nhất chung cho một khu quy hoạch theo hướng quan tâm đúng mức đến lợi ích chính đáng của người dân. 

Nguyễn Khoa 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...