Ashui.com

Wednesday
Jan 22nd
Home Tương tác Góc nhìn Golf và kinh tế golf tại Việt Nam

Golf và kinh tế golf tại Việt Nam

Viết email In

Giữa hai luồng ý kiến ủng hộ và kỳ thị trong xã hội, yêu cầu định vị lại môn thể thao golf và nền kinh tế golf trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là rất cần thiết. Dù đó là một hành trình không đơn giản... 

Việt Nam đã mở cửa, hội nhập quốc tế hơn 25 năm và cùng với quá trình đó, môn thể thao golf cũng đã được du nhập vào Việt Nam từ 20 năm trước. Tuy nhiên, cho đến nay, câu chuyện về môn thể thao golf và kinh tế golf tại Việt Nam vẫn là đề tài được tranh luận, thậm chí đôi khi khá gay gắt cả trên nghị trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng.  

Những người ủng hộ golf cho rằng, golf là môn thể thao thịnh hành trên thế giới, Việt Nam đã mở cửa, hội nhập quốc tế, các nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài vào nước ta ngày càng đông nên cần phát triển môn thể thao golf, chí ít nhằm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, du lịch. Golf cũng là môn thể thao có thể mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội không nhỏ thông qua việc đóng góp cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm và thu hút khách du lịch cao cấp. 

Ngược lại, không ít ý kiến cho rằng, golf là môn thể thao của người giàu, việc phát triển sân golf làm mất đi đất “bờ xôi ruộng mật”, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, đẩy người nông dân vào cảnh mất kế sinh nhai; sân golf sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm nguồn nước; hiệu quả kinh tế của golf mang lại không đáng kể so với diện tích đất dành cho nó. 

Theo ông Hoàng Ngọc Phong, Phó viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước hiện có 29 sân golf đã đi vào hoạt động và 61 sân golf nằm trong quy hoạch xây dựng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kết quả rà soát 90 sân golf này mới đây cho thấy, các sân golf đều gắn với các vùng, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, là các vùng đất cát, đất trống đồi trọc, không có khả năng sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Diện tích đất lúa chiếm 2% tổng diện tích đất dành cho các sân golf, trong đó hoàn toàn không có đất lúa hai vụ.

Một số chuyên gia cho rằng, việc kết tội golf lấy đi quá nhiều đất trồng lúa xuất phát từ sự bùng nổ quy hoạch sân golf cách đây vài năm khi một số địa phương, nhất là Long An, quy hoạch và thậm chí cấp phép cho quá nhiều sân golf. Điều này đã được báo chí lên tiếng cảnh báo và được các cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh. 

Về đóng góp của golf cho phát triển kinh tế - xã hội, theo số liệu của Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2010, các sân golf đã nộp ngân sách 505 tỷ đồng và giải quyết 10.000 việc làm cho người lao động. Ngoài ra, golf cũng đã tạo ra các nguồn thu gián tiếp khác thông qua việc thu hút khách du lịch. 

Về vấn đề gây ô nhiễm môi trường, kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, các thông số được kiểm tra như chất lượng nước thải, tồn dư của các loại hóa chất trong đất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong đất và nước của sân golf đều phù hợp với tiêu chuẩn môi trường. Trao đổi về vấn đề này, GS. TS. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư nhận định một cách hài hước rằng: “Nếu môi trường tại các sân golf bị ô nhiễm thì các tỷ phú ở các nước sẽ không dại gì tới đó, vì ắt hẳn họ là những người coi trọng sức khỏe nhất”. 

Về vai trò của sân golf đối với phát triển du lịch quốc tế, một số công ty du lịch lữ hành cho biết, sắp tới sẽ phát triển mạnh việc đưa golf thủ nước ngoài vào Việt Nam bởi nhu cầu rất lớn, không khác gì loại hình du lịch hội thảo (MICE) đang rất sôi động. Ở Thái Lan, mỗi năm thu hút trên 400.000 du khách kết hợp chơi golf. Bên cạnh đó, vấn đề bất động sản trong sân golf cũng cần phải được nhìn nhận theo hướng có lợi cho thu ngân sách nhà nước và cần phải phân định rõ, đâu là bất động sản phát triển trên diện tích được cấp phép cho sân golf và đâu là bất động sản nằm trong dự án tổng thể có sân golf. 

Nhìn ra các quốc gia trong khu vực, golf từ lâu đã được coi là một môn thể thao chuyên nghiệp, được quan tâm, đầu tư có định hướng, có trọng điểm, sân golf và các dịch vụ đi kèm rất phát triển. Bảng dưới đây là một vài con số so sánh: 

Quốc gia

Diện tích (km2)

Dân số

(Người)

Số sân golf

Số golf thủ

Việt Nam

331.698

90.549.390

29

10.000

Indonesia

1.919.440

237.512.352

151

100.000

Philippines

299.764

94.013.200

121

80.000

Thái Lan

514.000

66.404.688

260

500.000

Singapore

692,7

5.977.800

25

55.000

Malaysia

329.758

26.207.102

220

300.000

Như vậy, cần phải định vị lại môn thể thao golf và kinh tế golf trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt, các đơn vị liên quan cần có trách nhiệm hơn trong việc nâng cao nhận thức xã hội về môn thể thao, lĩnh vực kinh tế này, qua đó khai thác hiệu quả hơn các mặt tích cực của golf tại Việt Nam. 

Hà Anh 
 

Góc nhìn người trong cuộc 

Đánh giá cao tiềm năng phát triển sân golf và kinh tế golf của Việt Nam, cũng như đóng góp của golf cho sự phát triển của thể thao, du lịch và cả kinh tế, các chuyên gia và các doanh nghiệp cho rằng, xã hội cần thay đổi cách nhìn về golf. 

Ông Jon Tomlinson, Tổng giám đốc Sân golf Montgomerie Links
“Sở hữu các bất động sản trong sân golf mang lại những lợi ích lớn” 

Dù bất động sản sân golf vẫn là một khái niệm tương đối mới tại Việt Nam, nhưng nó đã nhanh chóng trở nên hấp dẫn. Trong đó, bất động sản trong sân golf thu hút nhiều người vì nó mang lại nhiều lợi ích lớn, nhất là tại các thị trường đang phát triển như Việt Nam. Ở Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc hay Malaysia, giá bất động sản trong sân golf thường cao gấp 3 - 10 lần giá bất động sản trung bình trên thị trường, thậm chí cao hơn nếu sân golf đó được thiết kế bởi những kiến trúc sư danh tiếng như Colin Montgomerie, Jack Nicklaus, Gary Player và Robert Trent Jones. 

Tại The Montgomerie Links, việc mở cửa sân golf rơi vào đúng thời điểm kinh tế toàn cầu suy giảm năm 2008 và việc phát triển CLB cũng ở vào thời kỳ kinh tế gặp nhiều thách thức trong những năm sau đó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 25 - 50% nhờ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến thiết kế mang đẳng cấp thế giới của Colin Montgomerie, nền tảng thành viên CLB rất vững và sự phát triển của ngành du lịch. Bên cạnh đó, việc Công ty Indochina Capital, chủ đầu tư đã khai trương các khu resort nổi tiếng như The Nam Hải, Hyatt Regency Danang Resort & Spa và Six Senses Côn Đảo cùng thời điểm với Montgomerie Links cũng hỗ trợ rất nhiều cho Montgomerie Links. 

Hiện nay, giá bất động sản tại The Montgomerie Links Villa vào khoảng 45 triệu đồng/m2. Với việc thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, có thể nói, đây là thời điểm tốt để cân nhắc đầu tư vào loại sản phẩm đẳng cấp này. 

Ông Hoàng Ngọc Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): 
“Các sân golf đều đảm bảo tiêu chuẩn môi trường”  

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sân golf, các bộ, ngành địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện việc xây dựng sân golf theo đúng Quy hoạch được duyệt. 

Kết quả rà soát kiểm tra 90 sân golf nằm trong Quy hoạch cho thấy, diện tích đất lúa sử dụng làm sân golf từ 28% xuống còn 2% và hoàn toàn không có đất lúa 2 vụ; đất lâm nghiệp có rừng sản xuất chủ yếu được sử dụng cho mục đích du lịch sinh thái của nhiều sân golf chiếm 97%; chỉ có 3% đất rừng (68 héc-ta) chuyển sang mục đích khác; đã đưa vào sử dụng 7.200 héc-ta đất trống đồi núi trọc, đất ven biển, đất đầm lầy chiếm 41% diện tích đất các sân golf. 

Về môi trường, trong số 90 dự án, có 64/90 dự án đã lập báo cáo đánh giá môi trường, trong đó 55 dự án đã lập báo cáo đánh giá môi trường và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, còn lại 9 dự án đang thực hiện. 

Về kết quả phân tích chất lượng nước và đất tại khu vực có các dự án sân golf, Đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường báo về kết quả phân tích chất lượng nước thải, lấy mẫu đất sân golf để xác định tồn dư của các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong đất và nước của sân golf cho thấy các thông số được kiểm tra đều phù hợp với tiêu chuẩn môi trường. 

Ông Vũ Duy Thành, Tổng giám đốc Sân golf Đầm Vạc: 
“Việc bất động sản xuất hiện ở sân golf là hoàn toàn bình thường” 

Việc xây dựng nhà ở trong sân golf, ở bờ biển, hay trong đô thị là chuyện bình thường. Phát triển bất động sản ở sân golf không sai về mô hình kinh tế, không sai về đạo đức xã hội và cũng không sai về lý thuyết phát triển bất động sản, câu hỏi là, liệu nó đã hợp thời chưa, lộ trình để nó đi vào thị trường bất động sản như thế nào? Chúng ta sẽ phải hướng dẫn và quản lý ra sao? Trong giai đoạn mọi chuyện còn chưa rõ ràng, thì tôi rất chia sẻ với việc Chính phủ chỉ đạo không gắn sân golf với biệt thự. Đấy cũng có thể là một cách minh bạch cho golf, để tránh công luận đang hiểu không đúng về golf lại hiểu nhầm thêm rằng, bất động sản núp bóng golf. Nhưng về lâu dài, việc bất động sản xuất hiện ở sân golf là hoàn toàn bình thường. 

Ông Nguyễn Quê, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: 
“Cấm sử dụng đất lúa để xây sân golf là chính xác” 

Chuyện Chính phủ muốn đảm bảo an ninh lương thực nên cấm sử dụng đất lúa để xây sân golf là chính xác. Tuy nhiên, cũng còn phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Ở Chân Mây - Lăng Cô, nếu phát triển nông nghiệp thì hiệu quả rất thấp, trong khi nếu cho xây dựng sân golf thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều. Trong kinh tế thị trường, một trong những yếu tố rất quan trọng cần xem xét là hiệu quả kinh tế - xã hội như thế nào. 

Hiện nay, ngoài sân golf Laguna sẽ đi vào hoạt động trong tháng 9 tới, chúng tôi đang đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung hai sân golf của Tập đoàn Phong Phú và Công ty Phát triển Lập An (Đan Mạch) vào Quy hoạch phát triển sân golf đến năm 2020.

Ông Bùi Minh Chính, Giám đốc PVC-Petroland: 
“Tiềm năng phát triển sân golf là rất lớn” 

Tôi cho rằng, tiềm năng phát triển sân golf tại Việt Nam là rất lớn và những giá trị kinh tế golf mang lại không nhỏ. Trong khi đó, số lượng sân golf ở nước ta là quá ít, nếu so với những nước trong khu vực. 

Hiện nay, người chơi golf ở một số nước có xu hướng sử dụng dịch vụ tại một nước thứ 3. Tại châu Á, những nước có số lượng người chơi golf lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang có xu hướng sử dụng dịch vụ ở các nước lân cận. Trong đó, Việt Nam nằm trong lựa chọn của nhiều người chơi golf, do khí hậu dễ chịu và an ninh tốt. 

Mặc dù giá trị kinh tế do sân golf mang lại là rất lớn, song doanh nghiệp đầu tư vào sân golf hiện cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, việc đầu tư xây dựng sân golf đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, trong khi đó, việc thu hồi vốn phụ thuộc vào những dịch vụ kinh doanh đi kèm, đặc biệt, quá trình thu hồi vốn có thể kéo dài đến 50 năm, nếu doanh nghiệp chỉ kinh doanh sân golf. 

Một khó khăn nữa đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng sân golf là theo quy định mới, chủ đầu tư không được sử dụng đất cấp cho sân golf xây biệt thự hoặc sử dụng vào mục đích khác. Song muốn khai thác sân golf hiệu quả, cần phải phát triển bất động sa n trong sân golf như biệt thự, resort, nhà nghỉ. Việc không được phép phát triển bất động sản trong sân golf khiến các doanh nghiệp không còn nhiều mặn mà với sân golf dù tiềm năng khai thác. 

Ông Rick Blackie, Giám đốc Sân golf Sài Gòn: 
“Sân golf tạo lợi ích lớn cho kinh tế - xã hội” 

Việt Nam có thể trở thành một trong những điểm đến về golf hàng đầu tại châu Á nếu Chính phủ không áp mức thuế cao. Chúng ta đều biết rằng, sân golf đang tạo cơ hội việc làm cho lao động địa phương và tạo ra nguồn lợi lớn qua các hình thức kinh doanh đi kèm. 

Điều chúng tôi quan tâm hiện nay là làm sao để phát triển bền vững môn golf, quản lý môi trường, đảm bảo tính tin cậy của hệ thống điểm chấp (handicap) quốc gia, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giảm xuống mức hợp lý, tăng cường sự tham gia của Tổng cục Du lịch và chính quyền địa phương trong việc phát triển ngành golf để giúp tạo thêm thu nhập cho đất nước (Thái Lan là một ví dụ rất tốt về việc này). Ngoài ra, nâng cao chất lượng bảo hành sân golf cũng là điều đáng để quan tâm. 

(Đầu tư Chứng khoán) 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...