Nội dung chính của quyết định duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2.000 và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục đường Mai Chí Thọ – Võ Văn Kiệt mà UBND TP.HCM vừa ban hành tháng 8/2012, có ý định biến trục đường trên thành "con đường di sản chạy suốt hơn 300 năm hình thành và phát triển Sài Gòn – TP.HCM".
Đó là một ý tưởng thú vị. Thú vị ở chỗ, có thể hình dung rằng, một ngày nào đó, khi đã hiện thực hoá, một người lạ mới đến Sài Gòn lần đầu, chỉ cần được một cư dân bản địa đèo trên xe máy đi dạo đại lộ Võ Văn Kiệt dài 24km, qua tám quận của thành phố đã có thể làm một chuyến "xuyên không" (trở về quá khứ) hơn 300 năm Sài Gòn mà không cần đến một cỗ máy thời gian nào. Một du khách phương xa muốn nghiên cứu, tìm hiểu văn hoá Sài Gòn, chỉ cần hỏi ngoắt thuyền đi trên dòng Bến Nghé, qua kênh Tàu Hũ, rạch Lò Gốm, đắm mình trong không khí chợ nổi ngày thường, chợ hoa cuối năm ở bến Bình Đông hay nằm dưới tán cây xanh bên con đường yên tĩnh… là đã có thể gặp lại hình ảnh một Sài Gòn năm xưa với những kho bãi cũ, đời sống giao thương trên bến dưới thuyền.
Và, thú vị biết mấy khi du khách được tham quan, lưu trú, thưởng ngoạn di sản kiến trúc Hoa – Việt – Pháp hai bên con đường thuỷ, bộ nói trên.
Hình ảnh trên bến dưới thuyền đã không còn nữa.
"Rất tiếc, việc thiết kế đô thị về cảnh quan và bảo tồn cho trục đường này nay mới bàn đến thì cũng đã có phần muộn, bởi một số công trình đã phá huỷ không còn nữa, chẳng hạn như những dãy phố cổ được cấu tạm bởi những nhà hình ống của người Hoa, được xây từ đầu thế kỷ 17 nằm trên trục đường Trần Văn Kiểu, chạy dọc kênh Tàu Hũ, hay cây cầu sắt ở bến Bình Đông. Tất nhiên, việc lưu giữ nguyên trạng và nguyên khối của các di tích là rất khó, nhưng nếu khéo léo thì vẫn có thể làm được một cách mỹ thuật và tinh tế, chẳng hạn chỉ cần giữ lại một hai căn nhà phố cổ làm điểm nhấn tham quan, việc giữ lại cây cầu sắt cũ như một nhân chứng lịch sử cạnh cây cầu mới, hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến nhau mà còn tôn nhau lên nữa" – TS Nguyễn Minh Hoà nói về "sự muộn" trong tính toán dẫn đến việc thất thoát một số di sản trong việc bảo tồn.
Hẳn điều này không phải bây giờ mới có người nhận ra. Thử nhớ lại. Ngày 5/7/2000, khi Thủ tướng chính phủ vừa đặt bút ký quyết định phê duyệt đầu tư với tên dự án là "Dự án xây dựng đại lộ Đông Tây TP.HCM", trên nhiều báo chí trong nước, giới văn nghệ sĩ, trí thức, đặc biệt các chuyên gia bảo tồn đã bày tỏ nỗi lo lắng sâu sắc về việc loạt di sản sẽ bị san phẳng.
Nhưng chữ nghĩa đã không ngăn nổi những vết cào xới trên đại công trường vì không thay đổi được tầm nhìn của người có quyền. Sự "muộn", trong cách nói của TS Nguyễn Minh Hoà lẽ ra đã được nhìn thấy từ trước nếu như chính quyền chịu nghe phản biện của người dân và giới chuyên môn.
Vùi lấp biết bao di sản để đánh đổi lại một đại lộ sáng sủa hiện đại, văn minh rồi khi phóng xe trên đại lộ với vận tốc trên 80km/giờ, chúng ta hỏi nhau điều gì còn lại trong di chỉ từ hôm qua?; điều gì giúp chúng ta thấu hiểu chiều kích sâu và rộng của phát triển?; điều gì khiến ta rung động, đồng cảm và bén rễ chặt vào thân phận một thành phố?...
Bài toán khó đó cũng đang thách thức những chuyên gia quy hoạch kiến trúc thành phố Đà Lạt thể hiện qua hội thảo "Ý tưởng quy hoạch chung cho thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050", do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức tháng qua. Một "định nghĩa mới" về Đà Lạt được GS.TS.KTS Bruno De Meulder thuộc nhóm nghiên cứu kiến trúc đô thị Vương quốc Bỉ, nêu ra: "đô thị – phi đô thị", "một cực đối lập với thành phố, nhưng đồng thời cũng là một thành phố lý tưởng".
Liệu hai chữ thơ mộng có còn là nét đặc trưng của Đà Lạt.
Đà Lạt hiện tại có diện tích 392km² thế nhưng trong tương lai, theo một ý tưởng quy hoạch mới được đưa ra trong hội thảo 3.308km². Câu chuyện "phình rộng" bao giờ cũng kéo theo những tranh cãi về văn hoá, nhân học (điều này chúng ta đã chứng kiến với việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội). Trên thực tế, việc phình to một đô thị bao giờ cũng kéo theo nhiều hệ luỵ, xáo trộn, nhất là với đô thị di sản. Chưa nói, Đà Lạt trong hình dung của mọi người là thành phố nhỏ (có khi hôm qua, đô thị này từng đẹp nhờ... nhỏ) nằm trên cao với tầng khí hậu, không gian kiến trúc và đời sống văn hoá bản địa rất đặc thù, riêng có. Sự mở rộng sẽ không những làm thay đổi "số liệu" cụ thể về trung bình cao độ, nhiệt độ, mật độ cây cối, con người và cảnh quan; mà còn làm thay đổi nếp sống, tinh thần một đô thị đã tạo ra dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí những người từng đến và gắn bó. Nỗi lo một "Đà Lạt mới" hoành tráng sẽ nhấn chìm đi ấn tượng về một thành phố nhỏ thơ mộng trong tâm tưởng mỗi người là rất thật.
Ngay từ bây giờ, với sự đột biến về dân số, sự ồ ạt của xây dựng thiếu tính toán làm ảnh hưởng tới phong cảnh núi đồi, sinh thái, khí hậu, nhiều người từng gắn bó với Đà Lạt trong nhiều năm khi trở về đã ngậm ngùi – "rất tiếc". Chính cư dân nơi đây hôm nay cũng ít yêu thành phố mình đang sống hơn, chỉ vì những cái cơ tầng tâm thức Đà Lạt được trao truyền từ quá khứ qua cái sinh quyển hằng ngày mình hô hấp đã bị "đứt gãy". Tính cách Đà Lạt nhẹ nhàng, thư thái trong con người và cảnh sắc đang bị đánh mất cùng với sự ra đi của kiến trúc, rừng cây, cỏ hoa, dốc đồi, khí hậu và sương khói bao bọc.
Vậy điều gì còn lại trong cuộc chạy đua phát triển, mở rộng chỉ để nâng tầm đô thị về mặt hành chánh? Làm sao để không phải nói "rất tiếc" khi mọi sự đã rồi?
Không thể có cái gọi là tầm nhìn trong những ý tưởng, bản quy hoạch một con đường, một thành phố nếu tinh thần của nó chỉ hướng tới tương lai mà thiếu một cái nhìn sâu vào chiều kích quá khứ.
Nguyễn Nguyên Thảo
- Bảo tàng thì tốn, bảo tồn thì... chán!
- Xử lý xây dựng sai phép ở dự án Đảo Kim Cương: Tạo tiền lệ xấu
- Nhà chia lô nông thôn - xu thế hay hệ lụy?
- Luật đất đai: Hoãn để "chín" hơn?
- Hãy học nghề “bảo tồn” nhé!
- Golf và kinh tế golf tại Việt Nam
- Công tác giải phóng mặt bằng: Làm sao an dân?
- Xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Dừng lại khi chưa muộn!
- Nhân chuyện bảo tàng
- "Nhà ta ta cứ xây..."