Cuối cùng, việc xử lý xây dựng sai phép ở dự án Đảo Kim Cương (ĐKC), quận 2 cũng được quyết định theo hướng điều chỉnh quy hoạch, cho tồn tại phần diện tích xây dựng sai phép.
Tuy nhiên, dư luận không khỏi băn khoăn với sự can thiệp xử lý theo kiểu chuyện đã rồi của Bộ Xây dựng trong trường hợp của dự án ĐKC, thì trong tương lai ở TPHCM sẽ rất khó ngăn chặn việc xây dựng trái phép.
Chịu thua công trình xây dựng sai phép
Sau gần nửa năm nhùng nhằng, cuối cùng Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TPHCM cho phép giữ nguyên hiện trạng công trình xây dựng sai phép tại dự án khu dân cư phức hợp ĐKC (gọi tắt là dự án ĐKC) của Cty cổ phần BĐS Bình Thiên An. Theo biên bản do Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM và Thanh tra xây dựng quận 2 lập ngày 21/2/2012 khi kiểm tra công tác xây dựng tại dự án ĐKC, thì cả 6 block chung cư của dự án đều xây dựng sai phép. Dự án này được xây dựng theo quyết định phê duyệt dự án do Sở Xây dựng TPHCM cấp ngày 29.6.2009 do ông Nguyễn Văn Danh – Phó GĐ Sở Xây dựng- ký. Theo quyết định phê duyệt, toàn bộ công trình ĐKC gồm khối đế 2 tầng, khối tháp gồm 6 block cao 16, 18, 19, 20, 24 và 25 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là 122.165m2.
Tại thời điểm kiểm tra ngày 21/2/2012, toàn bộ công trình đã xây dựng xong phần thô và đang trong quá trình hoàn thiện. Kết quả kiểm tra cho thấy cả 6 block của khối tháp chủ đầu tư xây dựng thêm từ 1 đến 2 tầng. Cụ thể, 5 block 16, 18, 20, 24 và 25 tầng chủ đầu tư đã xây dựng tăng thêm 1 tầng; riêng đối với block 19 tầng, chủ đầu tư xây dựng thêm 2 tầng. Cũng theo kết luận của cơ quan chức năng, tổng diện tích xây dựng sai phép là 2.899,6m2.
Sau khi phát hiện sai phạm, Sở Xây dựng thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư khắc phục theo đúng giấy phép xây dựng đã được Sở Xây dựng cấp. Bản thân ông Nguyễn Tấn Bền – Giám đốc Sở Xây dựng - khi trả lời phỏng vấn báo chí về việc xây dựng sai phép ở dự án ĐKC đã thể hiện quyết tâm chấn chỉnh sai phạm tại dự án này. Theo ông Nguyễn Tấn Bền, việc xử lý sai phạm ở dự án ĐKC là thể hiện sự công bằng, bởi người dân xây dựng không phép, sai phép còn bị cưỡng chế, huống gì một dự án lớn như ĐKC.
UBND thành phố cũng có văn bản chỉ đạo đối với trường hợp xây dựng sai phép ở dự án ĐKC. Theo đó: “Tập thể thường trực UBND TP thống nhất hướng xử lý với các sai phạm của chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình trên theo đề xuất của Sở Xây dựng” (tháo dỡ phần xây dựng sai phép – PV). Mặc dù, các cơ quan chức năng của TPHCM trong quá trình xử lý xây dựng sai phép ở dự án ĐKC đã thể hiện sự quyết liệt để lập lại trật tự, nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận cho công trình này tồn tại theo hiện trạng như một chuyện đã rồi.
Sẽ còn nhiều sai phạm kiểu ĐKC
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ các cơ quan chức năng có lý do để cho dự án ĐKC tồn tại theo hiện trạng sai phạm, bởi căn cứ vào quy hoạch 1/500. Quy hoạch 1/500 trở thành “lá bùa” để chủ đầu tư thoát hiểm vào phút chót của vụ việc. Theo quy hoạch 1/500 của dự án ĐKC, tổng diện tích 79.994,4m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 215.600m2; mật độ xây dựng 15,8%; hệ số sử dụng đất là 3,5; chiều cao công trình là 113,4m; tầng cao xây dựng là 29 tầng và tổng số căn hộ là 1.100 căn. Riêng giai đoạn 1, diện tích sàn xây dựng 122.000m2; tổng số căn hộ 313 căn và số tầng xây dựng là 25 tầng.
Sau khi vụ việc xây dựng bị phát hiện, chủ đầu tư đã tổ chức gặp gỡ báo chí để giải thích. Theo chủ đầu tư thì mặc dù xây dựng sai so với giấy phép được cấp, nhưng vẫn còn nằm trong quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt. Theo đó, giai đoạn 1, diện tích sàn xây dựng 122.000m2; tổng số căn hộ 313 căn và số tầng xây dựng là 25 tầng. Thực tế, Cty Bình Thiên An đã xây dựng: Tổng diện tích sàn xây dựng là 88.000m2; tổng số căn hộ là 249 căn và tầng cao xây dựng là 27 tầng. Như vậy, tổng diện tích sàn xây dựng và tổng số căn hộ xây dựng thực tế ít hơn chỉ tiêu được phê duyệt. Riêng chỉ tiêu tầng cao là vượt 2 tầng.
Từ câu chuyện xử lý vi phạm xây dựng ở dự án ĐKC cho thấy, có một sự không thống nhất trong cách nghĩ và hành động trước một vụ việc cụ thể giữa các cơ quan chức năng. Bộ Xây dựng cho rằng buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ tầng lửng, trong khi công trình đã cơ bản hoàn thành phần thô sẽ phá hủy toàn bộ công trình, gây lãng phí lớn. Trước đó, Sở Xây dựng TPHCM đã đề xuất phá dỡ phần xây dựng sai phép để lập lại trật tự kỷ cương.
Đến thời điểm hiện nay, câu chuyện xây dựng sai phép ở dự án ĐKC đã hạ màn. Tuy nhiên, dư luận không khỏi băn khoăn liệu với cách xử lý như vừa kể trên thì lấy gì để đảm bảo trong tương lai không còn có những trường hợp xây dựng sai phép như dự án ĐKC trên địa bàn TPHCM. Các chủ đầu tư sẽ cố tình xây dựng sai phép để rồi xin phép tồn tại theo hiện trạng. Hơn thế nữa, các cơ quan chức năng của TPHCM sẽ ăn nói như thế nào với những người dân xây dựng không phép, sai phép bị cưỡng chế trước đây, khi mà một công trình lớn xây dựng sai phép đã lọt qua lưới pháp luật, còn những ngôi nhà nhỏ của người dân thì bị phá dỡ không thương tiếc.
Ngọc Huân
- Hà Nội hướng đến một thành phố du lịch bền vững
- Dự thảo Luật Thủ đô: Thuận cho chính quyền, khó cho dân
- Số phận ngôi chùa cổ đi về đâu?
- Bảo hành nhà: Nên hay không?
- Bảo tàng thì tốn, bảo tồn thì... chán!
- Nhà chia lô nông thôn - xu thế hay hệ lụy?
- Luật đất đai: Hoãn để "chín" hơn?
- Hãy học nghề “bảo tồn” nhé!
- Nhìn sâu vào quá khứ
- Golf và kinh tế golf tại Việt Nam