Sài Gòn xưa lưu lại chừng mười căn nhà tuổi đời trên 100 năm nằm rải rác ở khắp các quận, huyện, chủ yếu ở vùng ngoại thành như Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức. Trước sự tàn phá của thời gian, những nhà cổ này đều đã xuống cấp, tìm một nhà cổ để chiêm ngưỡng đã khó, nghe câu chuyện giữ gìn bảo tồn nhà cổ còn khó hơn bội phần.
Các chi tiết trong nhà cổ của ông Nguyễn Kim Chung ở Nhà Bè.
Các ngôi nhà cổ trên 100 tuổi, với lối kiến trúc mang đậm chất nhiệt đới, là sự phối hợp của kiến trúc bản địa (nhà rường) và kiến trúc thuộc địa (kiểu Pháp) với tường bao bảo vệ, trường lang ngăn cách không gian nội thất và ngoại thất tạo sự thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè và giữ nhiệt ấm áp cũng như bảo vệ phần nội thất vào mùa mưa gió, đây là những kiến trúc nhà cổ hiếm hoi còn lưu lại của những chủ nhân một thời khai phá vùng Sài Gòn – Gia Định xưa. Mỗi ngôi nhà là một câu chuyện đầy hấp dẫn về lai lịch hình thành, cùng vẻ đẹp kiến trúc thăng trầm theo năm tháng. Bởi vậy luôn là tâm điểm để giới kiến trúc, sử gia, những người yêu kiến trúc cổ đến tìm hiểu, đưa ra câu chuyện bảo tồn, gìn giữ vẻ đẹp xưa này như một vốn quý, đồng hành cùng sự phát triển đi lên của Sài Gòn – Gia Định xưa và TP.HCM hôm nay. Thế nhưng, câu chuyện bảo tồn những giá trị cổ xưa này đến nay chưa đem lại kết quả gì khả quan, mọi chuyện liên quan đến bảo tồn, vẫn chỉ dừng lại ở phần lý thuyết.
Dễ nói
Tìm đến ngôi nhà cổ ở 34/14 ấp 5, thị trấn Nhà Bè, đang do bà Trần Thị Kim Hồng trông coi, được xác định xây dựng trong khoảng năm 1864, với vẻ ngoài còn khá chỉn chu, các chi tiết trang trí phần tường bao, mái ngói, đến nội thất đều còn khá nguyên vẹn, ngôi nhà này thường được chọn là phim trường cho những bộ phim cổ trang Nam bộ của các hãng phim lớn. Giữ được ngôi nhà đến hôm nay là cả một sự nỗ lực cố gắng của gia đình bà Hồng: “Không đủ tiền sửa chữa toàn bộ căn nhà nên cứ phải chắp vá, dột nát tùm lum, hư đâu sửa đó. Nhiều phái đoàn đến bàn chuyện bảo tồn, nhưng cũng chỉ đến rồi đi, lâu lâu tôi nhận được vài tấm giấy khen với thành tích bảo tồn và gìn giữ nhà cổ nên thôi ráng giữ lại căn nhà đến đâu hay đến đó”. Ngôi nhà cổ này hiện đóng cửa để đó, dành phần làm phim trường hơn là mục đích sử dụng, bà Hồng đã chuyển ra ở ngôi nhà kế cận mới xây sau này bởi những bất tiện khi sống trong không gian nhà cổ đã phần nào xuống cấp theo thời gian.
Theo tiêu chí của ngành bảo tồn di tích, để được gọi là nhà cổ dân gian thì phải có các yếu tố cơ bản, trên 100 tuổi và có phong cách kiến trúc dân gian truyền thống. Lối kiến trúc dân gian truyền thống thường gặp trong các nhà cổ vùng Sài Gòn – Gia Định xưa thường là lối kết cấu nhà rường Huế. Đếm lại những nhà cổ có đủ chỉ hai yếu tố cơ bản đấy ở Sài Gòn cũng chỉ nằm trên đầu ngón tay.
Ngoại thất của ngôi nhà cổ 130 năm tuổi với lối kiến trúc đặc trưng miền nhiệt đới.
Cái “dễ nói” trong chuyện bảo tồn nhà cổ là bởi chẳng cần phải có cấp độ chuyên môn cũng đủ để nhìn ra vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ đang dần xuống cấp, và bức thiết phải được bảo tồn trước sự tàn phá của nắng mưa, sương gió. Ngôi nhà của ông Nguyễn Kim Chung ở 18/9 khu phố 7, thị trấn Nhà Bè, với hơn 130 năm tuổi là một ví dụ. Đây là một trong những ngôi nhà cổ hiếm hoi của Sài Gòn – Gia Định xưa được bảo tồn nguyên vẹn vẻ đẹp ban đầu, và chủ nhân hiện tại thuộc đời thứ tư vẫn đang sống trong đó. Được xây dựng từ năm 1879, ngôi nhà này do ông Nguyễn Văn Trọng huý danh Nguyễn Hiền Hào, xưa là một viên quan dưới thời Minh Mạng, triều Nguyễn, vào nam khai hoang lập ấp dựng nên. Vùng đất Phú Xuân – Nhà Bè chính là tên gọi của người đi khai hoang đặt tên Phú Xuân ở Huế cho vùng đất mới, như một gợi nhớ về nơi xuất thân của mình và dòng họ. Ông Chung cho biết: “Từ cả chục năm nay hết đoàn này đến đoàn nọ, có cả nước ngoài cũng đến để khảo sát, đo đạc, rồi nói về chuyện trùng tu, tôn tạo nhưng cũng chỉ nghe vậy chứ chưa thấy có động thái gì cụ thể về chuyện bảo tồn, tôn tạo cả. Tôi sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà này, cố giữ đến ngày nào hay ngày đó, hư thì sửa, dột thì vá, cũng chẳng hy vọng hay chờ đợi gì chuyện bảo tồn đâu, nhà mình thì mình tự chăm sóc lấy thôi”.
Những ngôi nhà cổ khác như nhà cụ Vương Hồng Sển, chuyện bảo tồn, tôn tạo từ năm 2002 đến nay vẫn mãi nằm trên giấy vì những tranh chấp phức tạp. Nhà của bà Lê Thị Hạnh ở 107A/4 ấp 1, xã An Phú Tây, Bình Chánh được xây dựng từ năm 1885 lại nằm trong khu quy hoạch của công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, ở quận 9 cũng có ba ngôi nhà của ông Huỳnh Hữu Thời, bà Dương Thị Sáu, ông Nguyễn Minh Triết nằm trong khu quy hoạch khu công nghệ cao TP.HCM. Nếu những dự án này thực hiện, số phận các ngôi nhà cổ sẽ chỉ còn là vẻ đẹp của thời quá khứ.
Ngôi nhà cổ của bà Nguyễn Thị Kim Hồng được bảo tồn khá nguyên vẹn, là “phim trường” của điện ảnh thành phố.
Khó làm
Cái khó chung nhất là các ngôi nhà cổ này đang sở hữu tư nhân, đưa vào diện xếp hạng di tích, sự riêng tư bị phá vỡ, nếu hư hại gì, muốn sửa sang cũng mệt. Nhà cổ nằm trong quy hoạch, nếu dự án thực hiện thì cũng đành phải hy sinh, giữ lại một ngôi nhà cổ để thay đổi một đề án quy hoạch hình như chưa bao giờ có tiền lệ ở Việt Nam. Nói đến bảo tồn, lần nào cũng rầm rộ phái đoàn khảo sát, chụp hình, săm soi, rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy, nhà cổ cứ già nua dần. Trong khi giữa cái đẹp, cái cần bảo tồn, và cái lợi ích, cái được của chủ sở hữu ngôi nhà chưa bao giờ tìm được sự cân bằng hay tiếng nói chung. Bởi vậy, nhà cổ vẫn cứ mỗi ngày một… cổ và già yếu thêm.
Sự bảo tồn những ngôi nhà cổ nếu được thực hiện, có lẽ, nhìn khắp cả Việt Nam, những người yêu thích giá trị cổ xưa không mấy tin tưởng lắm vào câu chuyện bảo tồn, phục chế, bởi đã thấy kết quả nhãn tiền từ nhiều công trình khắp Trung – Nam – Bắc, kể cả những công trình mang tính trọng điểm quốc gia, được bỏ tiền tỉ bảo tồn, trùng tu, kết quả chung phần nhiều bao giờ cũng thấy xấu đi, giả tạo hơn so với vẻ đẹp ban đầu của nó.
Với sự bùng nổ của cơn sốt nhà đất, diện tích tổng thể vườn tược, ao hồ quanh nhà cổ ở khu vực thành phố đang dần thu hẹp lại, đất chia năm xẻ bảy, phân lô bán nền, để còn lại cuối cùng là căn nhà cổ cũng bị những mâu thuẫn ngay chính trong những người đồng chủ sở hữu ngôi nhà xâu xé nốt. Sự phức tạp của sở hữu ngôi nhà, sự chậm chạp của câu chuyện bảo tồn, sự rắc rối của những thủ tục pháp lý sẽ là những yếu tố cộng thêm làm tàn lụi những ngôi nhà cổ ngày một nhanh hơn.
Ngoại thất của ngôi nhà cổ 130 năm tuổi với lối kiến trúc đặc trưng miền nhiệt đới.
Ngôi nhà cổ của bà Nguyễn Thị Kim Hồng được bảo tồn khá nguyên vẹn, là “phim trường” của điện ảnh thành phố.
Chuyện bảo tồn nhà cổ vẫn còn nhiều rào cản khó vượt qua, người có tâm huyết thì lại thiếu thẩm quyền, người có thẩm quyền thì thiếu chuyên môn, người có chuyên môn lại thiếu kinh phí, có kinh phí rồi thì lại vướng quyền sở hữu… cái vòng luẩn quẩn ấy đợi đến lúc giải quyết xong thì ngôi nhà chắc đã thành tan nát. Với kiểu thức bảo tồn kiến trúc cổ không đồng bộ như thế, chắc chắn vẻ đẹp vĩnh cửu của những kiến trúc dân gian truyền thống này, sẽ chỉ còn tồn tại trong ký ức hay trong những hình ảnh hiếm hoi được lưu lại trước khi những ngôi nhà cổ cuối cùng của Sài Gòn – Gia Định xưa mất hẳn khỏi nhịp sống đô thị. KTS Nguyễn Trường Lưu từng nhận định: “Một thành phố đẹp phải có dấu ấn thời gian, mà trong đó vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ sẽ tạo cho đô thị mới có một chiều sâu về văn hoá”.
Nguyễn Đình
- Đừng "mua vui" với tuk tuk
- Quyền lợi của dân “treo” cùng dự án
- Xanh đôla vs. xanh cây lá
- Chuyển đổi chợ truyền thống sang trung tâm thương mại: Sửa lỗi đầu tư vì "quả đắng"
- Di sản ở Chợ Lớn
- Dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: những dấu hỏi lớn
- Hợp tác công tư (PPP) xây dựng hạ tầng: Cân đối lợi ích các bên
- 10 năm thi hành Luật Đất đai: “Công” và “tội”
- Giấc mộng "Đô thị sinh thái"
- Để giữ một dòng kênh đẹp