LTS: Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A do Tập đoàn Đức Long - Gia Lai làm chủ đầu tư kéo dài đến nay đã 6 năm trời. Gần đây, trên công luận, tại các hội nghị, hội thảo và đặc biệt là trên nghị trường Quốc hội, “câu chuyện” thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A đã trở nên nóng bỏng.
Nhiều người phản đối quyết liệt vì nó tác động xấu đến môi trường, xâm hại nghiêm trọng đến Vườn quốc gia Cát Tiên, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của cư dân hạ lưu sông Đồng Nai... Song cũng không ít người lại lên tiếng ủng hộ vì cho rằng chủ đầu tư đã nỗ lực tới mức tối đa để giảm thiểu tác động môi trường, rằng cái gọi là rừng nguyên sinh trong khu vực thuỷ điện thực chất chỉ là rừng nghèo, rằng phải giải quyết có lý, có tình bài toán giữa đầu tư phát triển với bảo vệ môi trường mới mong thoát đói, thoát nghèo...
Còn những người thận trọng, khách quan hơn thì cho rằng, cần đảm bảo hài hoà các lợi ích giữa Nhà nước - người dân - chủ đầu tư - bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có vẻ như câu chuyện thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A không chỉ đơn giản có “3 nhánh” ý kiến như vậy. Dường như các nhà quản lý có trách nhiệm quyết định số phận của dự án này đã khá lúng túng và chịu sức ép khá nhiều của dư luận khi họ đưa ra những đánh giá và kết luận một cách dứt khoát về số phận của dự án này.
- Ảnh bên: Đập dâng thuỷ điện Đồng Nai 4 và đoạn sông sau đập bị chết do chuyển nước (Ảnh: N.T-L.Đ.D.)
Đây cũng là lý do để dự án này bị “treo” đến 6 năm nay và chưa thấy có hồi kết. Nhà đầu tư như ngồi trên lửa vì dự án càng kéo dài, tiền của họ bỏ ra đánh giá tác động môi trường càng bị “treo” theo năm tháng. Rồi các địa phương, người dân nơi có nhà máy và các vùng lân cận cũng thấp thỏm không yên.
Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc và công luận một bức tranh tổng thể, trung thực, khách quan về dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, phóng viên Báo Lao Động đã có một chuyến đi thực tế dọc sông Đồng Nai - nơi có tới 14 dự án thuỷ điện lớn nhỏ đã và đang được xây dựng - để tận mắt thấy, tai nghe những tác động môi trường, hệ luỵ của ô nhiễm, thay đổi của dòng chảy..., lắng nghe những ý kiến mong muốn của người dân và lãnh đạo nơi dự kiến đặt nhà máy.
Đồng thời, báo Lao Động cũng sẽ đăng tải các ý kiến nhiều chiều của các địa phương, cơ quan chức năng có liên quan đến dự án với một mục đích duy nhất: Cần sớm quyết định dứt khoát số phận của dự án đã kéo dài quá nhiều năm nay và tốn kém quá nhiều công sức của chủ đầu tư, các nhà khoa học, các địa phương, các cơ quan quản lý và công luận.
Những “lát cắt” trên sông
Đồng Nai - con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ Việt Nam. Như bao con sông khác, dòng chảy của sông Đồng Nai đang hoà cùng dòng phát triển của đất nước qua việc phát điện, tưới tiêu… Nhưng rồi, quá trình đó cũng nảy sinh tranh cãi giữa con người về việc làm nên lợi ích từ dòng sông mà nhiều khi chính nó mới trả lời được. Và đây là câu chuyện “đánh đổi” giữa sự phát triển với sự mất mát; câu chuyện về một phần số phận của dòng sông…
Ánh sáng
Sông Đồng Nai có tổng diện tích lưu vực là 38.160km2, dài 610km, chảy qua 11 tỉnh, thành phố như Lâm Đồng, Đắc Nông, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TPHCM... Ngày 19.11.2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch khai thác bậc thang thuỷ điện sông Đồng Nai với tổng cộng 16 bậc thuỷ điện. Từ cao nguyên xuôi xuống, bây giờ có thể gặp rất nhiều nhà máy thuỷ điện với quy mô lớn.
Nhánh chính của sông Đồng Nai có tới 9 bậc thuỷ điện, được Chính phủ quy hoạch theo thứ tự từ cao xuống thấp, gồm: Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5, 6, 8 và thuỷ điện Trị An. Nhánh La Ngà bắt nguồn từ TP.Bảo Lộc của Lâm Đồng có 3 bậc thuỷ điện, gồm Bảo Lộc, Hàm Thuận, Đa My. Nhánh sông Bé bắt nguồn từ tỉnh Bình Phước hợp lưu với sông Đồng Nai, sau hồ Trị An, cũng có 3 bậc thuỷ điện, gồm Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng.
Từ ngày được Thủ tướng phê duyệt đến nay, trong 16 bậc nói trên chỉ còn thuỷ điện Đồng Nai 6 và 8 là chưa được triển khai. Còn lại, 14 bậc đã hoàn thành hằng năm đem về công suất điện lên tới 2.632MW cho quốc gia, sản lượng lên tới 10,5 tỉ kWh. Cạnh yếu tố tích cực này, với thuỷ điện Đa Nhim, có diện tích lòng hồ rộng khoảng 1.100ha, dung tích 165 triệu mét khối nước, trong đó có 5% lượng nước được chuyển dòng về phục vụ tưới cho tỉnh khô khát nhất nước là Ninh Thuận.
Thuỷ điện Đại Ninh với 2.000ha mặt nước, dung tích 320 triệu mét khối, chuyển 7% lượng nước cứu hạn cho vùng có nguy cơ sa mạc hoá ở Bắc Bình và bắc TP.Phan Thiết (Bình Thuận), hàng chục ngàn hécta đất nông nghiệp được hưởng lợi. Quá trình này cũng đem lại lợi ích về dân sinh và cơ sở hạ tầng cho những vùng toạ lạc. Đây chính là những mặt tích cực về lợi ích của hệ thống sông Đồng Nai.
- Ảnh bên: Đập tràn của thuỷ điện Đồng Nai 4 (Ảnh: N.T-L.Đ.Dũng)
Và những khoảng tối…
Đi qua thuỷ điện Đồng Nai 3, có gần 1km dòng sông bị “chết” do nước được chuyển qua hệ thống đường ngầm rồi mới trả về sông chính. Tại hồ thuỷ điện Đồng Nai 4, một thân đập cao sừng sững đến 128m - chỉ sau thuỷ điện Sơn La, Bản Vẽ - được xây dựng để ngăn nước. Sau đập này cũng có khoảng 4km sông bị chết hẳn do nước bị chuyển qua lòng núi. Cây cầu mà chúng tôi đi qua bỗng dưng cao vời vợi vì nước đã cạn kiệt. Những khúc sông ở sau thân đập giờ chỉ còn là những con lạch đầy phèn, mà mùa này “con nước” không còn đủ sức đẩy cho một chiếc thuyền giấy của trẻ con. Các loại thuỷ sinh, mặc nhiên không có khả năng tồn tại.
Theo một số chuyên gia thuỷ điện, hệ luỵ này là do quá trình tính toán xây dựng trước đây chỉ quan tâm đến hiệu suất điện năng, mà ít quan tâm đến yếu tố trả nước cho sông mẹ để phục hồi môi trường thuỷ sinh. Bên cạnh những đập nước và lòng hồ thuỷ điện Đồng Nai, những vách núi và hầu hết những ngọn đồi đã không còn rừng, màu xanh từ cây bụi vẫn đang nhẫn nại “mở đường” cho dòng sông phát sáng. Từ vùng thượng lưu xuống vùng trung lưu của dòng chính sông Đồng Nai, hầu hết dân cư thưa thớt; hai bên lòng sông là vách núi dựng đứng. Quá trình này và ngay từ đầu, đã ít nhiều tác động đến sinh cảnh của Vườn Quốc gia Cát Tiên, chỉ có điều đến nay đã không có mấy ai quan tâm nhắc đến.
Kỳ thực, tác động đến Vườn Quốc gia Cát Tiên còn có nhiều yếu tố “lịch sử” của vùng này. Từ cuối thập kỷ 70, làn sóng di dân từ phía bắc đã tạo mới và phân bổ lại cơ cấu dân cư toàn vùng, liên quan đến các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, trong đó có nhiều ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tại vùng lõi của vườn, hiện nay đã có hàng ngàn hộ dân sinh sống lâu năm, gồm cả đồng bào bản địa và dân nhập cư mà trong quá khứ, họ cũng từng vô thức tác động đến tài nguyên của vùng trong bàng quan của chính quyền ngày đó.
Toàn vườn hiện đã hình thành nên những “vườn quốc gia điều” và một số cây trồng khác, rộng trên 2.500ha, ở vùng lõi và vùng đệm. Loại cây trồng này vốn cho giá trị kinh tế thấp mà người dân vốn nghèo không có chọn lựa nào khác. Trong đó và tại vùng trung lưu của sông Đồng Nai, khó khăn nhất là khu Cát Lộc (khu A, khu B là khu Nam Cát Tiên) gồm các xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên) và Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Có hơn 2.000 người dân sinh sống trong vùng lõi này, phần lớn là đồng bào dân tộc Châu Mạ, Stiêng. Hiện trạng rừng ở khu Cát Lộc đã bị tác động, xâm lấn nhiều. Đời sống đồng bào khu vực này còn nhiều khó khăn: Đối với xã Đồng Nai Thượng tỉ lệ hộ nghèo chiếm 45,53% (148 hộ), thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/năm, trình độ dân trí thấp; đối với xã Phước Cát 2, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 40,87% (230 hộ), thu nhập bình quân đạt 19 triệu đồng/người/năm.
Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng kém, trở ngại giao thông, kinh tế chủ yếu dựa vào vườn điều, lúa, bắp, và khai thác lâm sản (măng, tre, nứa, mây...) Hiện các xã Đồng Nai Thượng và Phước Cát 2 đã chuyển đổi khoảng 2.627ha đất rừng sang đất trồng cây công nghiệp, nông nghiệp lâu năm và ngắn hạn. Điều này một mặt giống như “hợp thức hoá” những tác động vào vườn Cát Tiên trong quá khứ; cũng mở ra hướng đi mới cho một vùng nghèo khó.
Tiến trình này diễn ra khá tương đồng với “lịch sử” mất rừng như ở vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên... trước đây vậy.
- Ảnh bên: Nuôi cá bè trên sông Đồng Nai đang gây ô nhiễm nặng (Ảnh: H.A.C)
Hạ lưu cũng gồng mình vì ô nhiễm
Dọc thượng lưu sông Đồng Nai đã chịu ảnh hưởng từ việc xây dựng thuỷ điện. Không khá hơn, phía hạ du, hàng triệu người dân ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM cũng đang phải chịu khổ sở theo một cách khác. Hằng ngày, một lượng ô nhiễm đồ sộ thải ra từ các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở y tế và nước thải sinh hoạt... đang làm ngập ngụa bẩn cả dòng sông, tác động trực tiếp đến sức khoẻ con người.
Từ nhiều năm nay người dân TP.Biên Hoà có thói quen xả thẳng nước thải sinh hoạt ra sông, suối, do chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt; nghiêm trọng nhất là khu vực suối Linh, suối Săn Máu. Người dân sống bấp bênh trên sông Cái, sông Đồng Nai (các đoạn đi qua P.Thống Nhất, P.Long Bình Tân, P.Tân Mai, xã Hiệp Hoà, thuộc TP.Biên Hoà) còn trực tiếp sản xuất, xả thải sinh hoạt ra sông.
Theo thống kê, hiện có trên 850 bè cá của gần 400 hộ dân tập trung tại khu vực này, khiến tình hình ô nhiễm trở nên trầm trọng do mật độ bè cá, số lượng cá và số hộ dân sinh sống trên sông ngày càng dày đặc; trong số này có khoảng 190 hộ sống trực tiếp trên bè, nước thải sinh hoạt được đổ trực tiếp xuống sông.
Chính từ thói quen đó, nhiều năm qua, dân làng bè Tân Mai đã phải chịu cảnh khốn đốn do cả trăm tấn cá chết hàng loạt, do mật độ lồng nuôi dày đặc, vượt mức quy định cùng nước thải sinh hoạt của người dân sống trên bè và tàu thuyền... làm môi trường ô nhiễm nặng, khiến dịch bệnh bùng phát trên đàn cá.
Riêng tại tỉnh Đồng Nai, kết quả quan trắc hằng tháng cho thấy mức độ ô nhiễm nghiêm trọng tại một số khu vực hạ lưu sông Đồng Nai như: đoạn từ cầu Hoá An tới cầu Đồng Nai; khu vực giữa làng cá bè, cống thải nhà máy giấy Tân Mai và bến đò An Hảo. hàm lượng các chất hữu cơ, sắt và vi khuẩn gây bệnh đều vượt quy chuẩn. Chất lượng nước hợp lưu suối Săn Máu, hợp lưu suối Linh cũng chỉ đạt mục đích sử dụng cho giao thông thuỷ, còn lại rất nguy hại đối với con người vì mang nhiều mầm bệnh.
Đoạn sông Buông đến hợp lưu sông Sài Gòn với sông Đồng Nai cũng đang bị ô nhiễm không kém. Đi qua xã Tam An, xã Long Tân hay rạch Nước Trong... người dân không thể ngửi nổi, bởi dòng nước ở đây hôi hám, đục ngầu.
Ông Trương Văn Vở - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đồng Nai: Nên dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Trao đổi với Lao Động bên lề Quốc hội về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông Trương Văn Vở cho rằng: Để xây dựng hai thủy điện này sẽ có hơn 372 hécta rừng bị mất, trong đó có gần 137 hécta vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên và gần 144 hécta thuộc rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Hiện phía thượng nguồn dòng sông này đã có 5 nhà máy thủy điện bậc thang, chúng đua nhau tích nước làm tình trạng thiếu nước trên sông Đồng Nai đã trở nên nguy cấp, khiến tình trạng xâm mặn phía hạ lưu trở nên gay gắt, đe dọa an ninh lương thực cũng như an sinh xã hội trên lưu vực sông này. Nếu nay thêm 2 nhà máy thủy điện này nữa thì tình hình càng trở nên trầm trọng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị: Các cơ quan chủ quản cho dừng triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. (D.H ghi) Khi phóng viên Báo Lao Động đặt vấn đề: Trong Luật Bảo vệ môi trường có nói đến vấn đề sử dụng nước đầu nguồn phải xin phép các tỉnh ở hạ lưu. Quy định này có được áp dụng trong trường hợp này không? Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng: Chúng ta phải xem lại quy định như thế nào là có xin phép các tỉnh hạ lưu không. Các tỉnh hạ lưu hoàn toàn có quyền lên tiếng vì những tác động này. Ví dụ như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tác động xuống dưới về mặt môi trường chủ yếu là các tỉnh phía dưới, nên Đồng Nai và các tỉnh khác họ có ý kiến là vì lý do thế. Nhưng các tỉnh đặt các công trình thủy điện đấy họ cũng có lý của họ vì họ có nguồn thu ngân sách nên những tỉnh có công trình này thì họ ủng hộ, còn những tỉnh ở dưới chịu tác động thì họ không ủng hộ. Đấy là những vấn đề phải được xem xét cho thật thấu đáo. (Anh Đào ghi) |
Đoạn trường… Đồng Nai 6
Trở lại chuyến khảo sát của chúng tôi. Ở khu vực dự kiến xây dựng Thủy điện Đồng Nai 6 (sau này tách làm 2 bậc là Đồng Nai 6 và 6A - tọa lạc ở hai đoạn sông gần nhau thuộc vùng trung lưu nhưng thuộc địa bàn khác nhau là huyện Cát Tiên - Lâm Đồng và huyện Bù Đăng - Bình Phước).
Đây là công trình gây nhiều tranh cãi mà từ thực địa và thực tế, cần có một cái nhìn khách quan, công tâm, trong mối tương quan giữa lợi ích kinh tế của quốc gia, của dân sinh, của nhà đầu tư, và yếu tố tác động môi trường.
Công trình gây tranh cãi
Trung lưu của dòng chính sông Đồng Nai nằm ở huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), chảy qua giữa vùng đệm và vùng lõi của VQG Cát Tiên, tạo nên một trong năm loại sinh cảnh của vườn là đất ngập nước. Đường xuống sông gần nhất để đến chân đập tương lai là Đồng Nai 6, từ thôn 3 (Bù Gia Rá), xã Đồng Nai Thượng - một xã mới lập, và một thôn cuối cùng heo hút nhất ở huyện nghèo Cát Tiên; là nơi cộng cư giữa người Châu Mạ bản địa với dân di cư từ phía bắc trong nhiều thập kỷ trước - chủ yếu là từ Gia Viễn, Ninh Bình.
- Ảnh bên: Người dân làm rẫy về cạnh dự án ĐN 6A (Ảnh: N.T - L.Đ.Dũng)
Nói gần nhất, nhưng kỳ thực phải đi một đoạn xe ôm với cái giá “đau cả hầu bao”, và một cung đường lội bộ tụt dốc với vách sông nhiều đoạn như dựng đứng; với những vườn điều mênh mông, và qua một khu rừng chỉ còn toàn cây bụi và lồ ô; lác đác vài “cổ thụ gỗ tạp” như sung, bằng lăng rỗng ruột...
Anh Nguyễn Duy Trinh - trú thôn 3, xã Đồng Nai Thượng, một “thổ công” sống lâu năm ở đây - sắp xếp một đội xe máy chở chúng tôi xuống lòng sông. Đi qua vùng đệm của VQG là ngút ngàn những rừng điều kéo sâu đến vùng tiếp giáp nằm ngay sông. Rải rác hai bên đường ngày hết việc, vài hộ dân người dân tộc Châu Mạ đang tụm năm tụm bảy nói chuyện.
Anh Trinh cho biết, con đường vào vùng lõi gần nhất đi qua thôn 3, nơi có hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. “Từ khi cái dự án thủy điện này có quy hoạch, người ra vào cũng nhiều, thế là mấy người trong thôn có thêm việc chạy xe ôm, mỗi chuyến như vậy giá 200.000đ/người. Chỉ vào chiếc xe máy không ra hình dạng, anh Trinh hóm hỉnh: Cái xe cà tàng của tôi cũng đã từng chở bộ trưởng ấy chứ”, ý anh là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát - người đã từng lặn lội “thám sát” xuống tận lòng sông.
Mất khoảng vài cây số, đội xe dừng lại đầu dốc cuối vườn điều để đi bộ thêm khoảng gần cây số nữa xuống lòng sông. May mắn là đang vào ngày khô, cả một rừng lồ ô, cây bụi bên bờ sông chưa có vắt. “Thổ công” Trinh cho biết: “Ở đây còn mấy cây gỗ bằng lăng không còn giá trị, tôi vào đây 17 năm rồi cũng biết. Ngày xưa ở đây là vùng gỗ cẩm lai mà giờ nó lấy không còn một cành, dân tứ xứ đến lấy. Còn vài ba cây bằng lăng, gỗ tạp thôi”.
Xuống khu vực sông - nơi được quy hoạch làm thủy điện Đồng Nai 6 - duy nhất chỉ có hộ anh Điểu K Hành (người dân tộc Châu Mạ) sinh sống. Anh Hành có 4 người con cùng vợ vào canh tác tại đây từ khi chưa thành lập VQG Cát Tiên, họ dựng lều làm chỗ ngủ, trồng bắp, đánh cá trên sông, kiếm sản vật rừng làm kế sinh nhai. Anh Hành cho biết: “Toàn vùng này bây giờ chỉ còn vài cây bằng lăng, lồ ô, dây leo. Cá trên sông cũng không còn nhiều, nên đi rừng là chủ yếu. Mà rừng cũng đã cạn kiệt từ lâu lắm rồi, trong rừng lồ ô này giỏi lắm thì gặp con gà rừng với khỉ mà thôi”.
Rồi Điểu K Hành chỉ cho chúng tôi thấy cả một vùng mênh mông ngay bên lòng sông của dự án thủy điện Đồng Nai 6. Chỉ thấy còn lại 3 cây gỗ sao trơ trụi, dưới mép sông một cây sung cổ thụ sum suê và còn lại ngút ngàn cây bụi, dây leo.
Từ TĐ ĐN 6 đi qua TĐ ĐN 6A phải đi vòng vài chục cây số đường bộ đến đoạn sông Đồng Nai thuộc xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Tại đây - khu vực dự kiến xây TĐ ĐN 6A - hầu như không có dân cư. Ngoài bạt ngàn những vườn điều, khu vực lòng hồ và đập chỉ toàn rừng lồ ô, cây bụi, lác đác vài miếng rẫy cũ của dân bản địa, không thấy miếng rẫy mới nào được hình thành từ việc phát rừng chờ đợi đền bù như dư luận. Ngay bên kia bờ sông, dự án chuyển đổi rừng nghèo trồng caosu theo chủ trương của Chính phủ, rộng chừng 10.000ha của Lâm Đồng, đã áp sát vùng TĐ ĐN 6A dự kiến tọa lạc. Caosu non đã kịp lên xanh.
- Ảnh bên: Gia đình anh Điểu K Hành sinh sống và canh tác giữa vùng lõi và vùng đệm của VQG Cát Tiên. (Ảnh: N.T - L.Đ.Dũng)
Câu chuyện của bí thư huyện
Sau một buổi thám sát trên sông, chúng tôi tìm gặp ông Huỳnh Văn Đẩu - Bí thư Huyện ủy huyện Cát Tiên. Bữa cơm tối ông đãi chúng tôi món cá lăng ngon nổi tiếng trên sông Đồng Nai, ăn món cơm lấy từ hạt lúa thương hiệu Cát Tiên. Ông Đẩu cho biết, toàn tỉnh Lâm Đồng chỉ có huyện Cát Tiên là được phục vụ nông nghiệp từ sông Đồng Nai; tuy nhiên do vẫn chưa chủ động được việc điều tiết nước nên diện tích chưa thể mở rộng.
Vị bí thư đã đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo tại huyện này cũng đã ngót 33 năm, là một “bảo tàng sống” về đời sống bản địa. “Riêng huyện chúng tôi có tới 19 dân tộc anh em, trước đây khi tôi từ Bình Định lên dạy học, cuộc sống còn hoang sơ lắm” - ông Đẩu nhớ lại. Có một lần, tôi đi nắm tình hình địa phương, bất ngờ gặp một người phụ nữ dân tộc Châu Mạ đang tắm truồng. Chúng tôi hỏi thăm địa chỉ thì họ bưng mặt lại và dùng chân để chỉ đường. Tôi bụm miệng cười mà không hiểu vì sao họ lại chỉ che mặt mà không che những cái đáng che.
Tìm hiểu ra mới biết, với người Châu Mạ, họ nghĩ rằng chỉ có gương mặt của mỗi người mới khác nhau, còn những bộ phận khác thì ai cũng thế cả. Ấy vậy nên lúc bất ngờ như vậy, ngượng quá thì người ta bưng mặt lại mà chỉ đường cho khách đã lỡ thế phải hỏi. Bây giờ thì những chuyện đó như là cổ tích rồi, kinh tế phát triển, văn hóa giao thoa tự khắc người ta hiểu và thay đổi cả.
Liên quan đến chuyện Vườn Quốc gia Cát Tiên, vị lãnh đạo huyện hóm hỉnh tiếp tục câu chuyện của mình về con tê giác, mà theo ông đã phải dở khóc, dở cười vì nó. Ấy là khoảng vào năm 2011, khi con tê giác Java được phát hiện ở VQG Cát Tiên bị bắn chết, và tuyên bố tuyệt chủng ở Việt Nam, thế là họ gọi tôi ra Hà Nội để lên diễn đàn này nọ, quy trách nhiệm này nọ. Trong lúc đó, khi phát hiện con tê giác này vào năm 2010 thì cũng chính những nhà khoa học tuyên bố rằng có 7 con, làm dự án bảo tồn rầm rộ, đến khi chết đi một con thì họ kêu là tuyệt chủng. Lúc ra Hà Nội, họ hỏi trách nhiệm của tôi như thế nào. Tôi mới hỏi lại, vậy 6 con còn lại ở đâu mà chỉ mới chết 1 con đã kêu là tuyệt chủng thì họ chẳng trả lời được.
Trong lúc đó, khi phát hiện ra con tê giác, huyện chỉ tham gia bảo vệ vùng đệm của VQG, còn vùng lõi thì thuộc quản lý của vườn. Ông Đẩu tếu táo: “Lúc phát hiện ra con tê giác thì mấy nhà khoa học đi nước ngoài xoành xoạch, và tôi chẳng biết chuyện gì, đến khi nó chết thì lại kêu tôi ra Hà Nội hạch sách. Còn như loài bò tót (vốn nặng hàng tấn), khu vực rừng này không thể có như người ta nói, vì đặc trưng đơn giản nhất của loài này là không thể đi thụt lùi, trong khi điều kiện địa hình ở đây độ dốc cực kỳ ghê gớm”.
Vẫn tiếp tục "treo"
Lại nhắc tới câu chuyện thủy điện, ông Đẩu chia sẻ: “Nói thật, chứ anh nào mà vào làm cái ĐN 6, 6A là thiệt thòi, tại nước “nó” (các thủy điện bậc thang phía trên) hứng cả rồi”. Ông Đẩu cũng cho hay, vấn đề đang đau đầu nhất của huyện chính là việc khai thác cát trái phép, còn xây dựng đập thủy điện thì hoàn toàn không có ảnh hưởng gì cả. Mà thậm chí chỉ có lợi cho dân huyện ông. Ông cay đắng ví von: “Nếu dân huyện tôi (nơi có Vườn Quốc gia Cát Tiên) cũng phá rừng như nhiều nơi khác, rồi lấy vốn trồng càphê... thì huyện tôi đã giàu rồi; nhưng huyện quản lý ngặt lắm. Giờ mong thủy điện khởi động để kinh tế của huyện cũng có cơ hội đi lên. An ninh trật tự cũng tốt hơn khi có công trình tọa lạc mà không biến thành cái “vùng lõm” của tội phạm trôi dạt từ 3 tỉnh liền kề”.
Dự án khởi động đã gần 6 năm kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép khảo sát lập dự án đầu tư; được các bộ ngành, các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông và Bình Phước ủng hộ bằng văn bản; nhà đầu tư đã tốn kém nhiều tỉ đồng rồi mà hiện vẫn chưa đâu vào đâu, do còn chờ thêm việc thẩm định lại ý kiến phản biện, và kết quả phê duyệt báo cáo tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng Nai 6... vì thế, vẫn tiếp tục “treo”.
Lợi hay hại - từ góc nhìn thực tế
“Nếu Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mà không được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bằng văn bản cho phép xây dựng dự án theo đúng quy hoạch đã được duyệt thì doanh nghiệp đã không dám bỏ vốn liếng và công sức để theo đuổi đến giờ này” - ông Bùi Pháp - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai - nói như một tiếng thở dài.
Mặc dù như đã phân tích, theo sự phát triển kinh tế của đất nước và từng khu vực, sông Đồng Nai cũng đang phải gánh chịu nhiều hậu quả liên quan trực tiếp đến đời sống, môi trường. Câu chuyện đó đã và đang là vấn đề từ nhiều năm trước. Còn bây giờ, so sánh bài toán tiếp tục phát triển với giá trị còn lại để bảo tồn thì lại rất khập khiễng. Có những dự án thủy điện đã xây dựng từ trước, việc chuyển nước gây chết nhiều đoạn sông đã xảy ra. Tại đoạn chảy qua những khu công nghiệp lớn phía hạ du, dòng sông cũng đang từng ngày bị ô nhiễm từ việc xả thải của các nhà máy, khu dân cư. Còn khu vực trung lưu, bài toán cân nhắc giữ rừng lồ ô hoặc phát triển công nghiệp điện mà vị Bí thư Huyện ủy Cát Tiên tâm sự cũng khiến người ta không thể không bận tâm
Rừng giàu chỉ còn 4ha?
Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (ĐN 6, 6A) nằm ở trung lưu dòng chính sông Đồng Nai, đoạn rìa bắc khu Cát Lộc VQG Cát Tiên thuộc huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) và cách khu Nam Cát Tiên thuộc huyện Tân Phú (Đồng Nai) 35km.
Theo quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt năm 2002, thủy điện ĐN 6 có tổng công suất 180MW, sản lượng điện bình quân năm hơn 773 triệu kWh. Từ tháng 5.2007, báo cáo đầu tư đã xem xét nhiều vị trí tuyến và đề xuất chia bậc thang thủy điện ĐN 6 theo quy hoạch cũ thành hai bậc thang: ĐN 6 công suất 135MW và ĐN 6A công suất 106MW với tổng giá trị sản lượng điện khoảng 1 tỉ kWh/năm tạo giá trị gần 1.000 tỉ đồng/năm.
Theo thống kê, các dự án thủy điện ĐN 6, 6A có tổng diện tích sử dụng đất là hơn 372ha, trong đó diện tích sử dụng lâu dài là hơn 323ha, tương đương tỉ lệ 1,34ha/MW là thấp nhất về mất đất rừng so với bình quân các dự án thủy điện trong cả nước. Liên quan đến VQG Cát Tiên; ĐN 6, 6A sử dụng 137ha đất khu Cát Lộc với trên 95% số diện tích là rừng nghèo, lồ ô và nương rẫy (theo đánh giá của Bộ NN&PTNT) dọc một đoạn sông Đồng Nai để hình thành nên một phần lòng hồ với khoảng cách từ mép sông hiện hữu đến mép hồ về phía khu Cát Lộc bình quân chỉ khoảng 53m; lớn nhất ở vị trí đập (ĐN 6 là 112m, ĐN 6A là 176m) và nhỏ dần đến phạm vi lòng sông cũ về phía thượng lưu. Khu vực ngập thêm của hồ chứa cũng là khu vực thường xuyên bị ngập tự nhiên về mùa lũ. Theo kết quả kiểm kê tài nguyên rừng, hiện trạng diện tích đất và rừng khu vực các dự án này chỉ còn 4,32ha rừng giàu; tới hơn 80% là rừng nghèo, lồ ô; gần 24% số đất có gỗ và không có gỗ tái sinh, cây rừng phân tán…
Huyện Cát Tiên có 19 dân tộc anh em chung sống với tỉ lệ hộ nghèo là 12,7%. Huyện có 42.000 dân sống phụ thuộc vào 27.000ha của VQG Cát Tiên, nhưng thực tế hiện tại chỉ có 8.000ha, còn lại là đồi trọc; do đó phát triển cây công nghiệp và trồng rừng là kinh tế chủ đạo vì đường sá, cơ sở hạ tầng không thuận lợi.
Giữa lợi và hại
Bí thư Huỳnh Văn Đẩu tâm sự: “Trước đây, huyện cũng có kế hoạch làm khu công nghiệp nhưng khi doanh nghiệp tới thì họ không đầu tư được vì cơ sở hạ tầng quá yếu kém, huyện lại ở vào ngõ cụt. Mùa lũ dữ của sông Đồng Nai, thậm chí sân huyện ủy còn chạy bo bo được. Nếu có thủy điện 6, 6A và các thủy điện đã có dù không cắt lũ được nhưng sẽ biến lũ bị động thành lũ chủ động - như vai trò của các thủy điện trên sông Đồng Nai đã có trước đây”.Thủy điện ĐN 6, 6A theo thiết kế đã bổ sung thì được xây dựng kiểu đập dâng, hồ chứa nhỏ, nhà máy đặt ngay sau đập và sử dụng tuabin loại Kaplan có thể phát điện ở lưu lượng thấp, sau khi phát điện nước được trả lại nguyên cho sông ngay sau đập, đồng thời có cống xả lũ nên không gây ra đoạn sông chết. Đây là điểm nổi trội được rút kinh nghiệm từ chính những công trình đã làm trên sông Đồng Nai.
Ông Đẩu cho biết thêm, sau khi có quy hoạch thủy điện ĐN 6, 6A thì chúng tôi đã đón đầu và đưa ra bàn thảo nhiều tại HĐND huyện. Mục đích là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng giá trị công nghiệp lên bằng cách hướng tới công nghiệp điện, phát triển tiểu thủ công nghiệp, sản xuất gia công, chế biến gỗ từ rừng trồng… vì ở sau hai dự án này không có đất canh tác, người dân cũng không sống trong vùng quy hoạch. Như vậy, nếu thủy điện ĐN 6, 6A hoàn thành sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho huyện. Hai nữa, nếu hai dự án này dù chưa biết đầu tư bên nào (phía Lâm Đồng hay Bình Phước) nhưng thực tế người dân quanh vùng dự án sẽ được hưởng lợi, an sinh xã hội sẽ được giải quyết tốt.
Một trong những lo ngại đã được đặt ra là việc xây dựng hai đập thủy điện sẽ ảnh hưởng tới các di tích và thay đổi văn hóa người bản địa. Trả lời vấn đề này, lãnh đạo huyện Cát Tiên cho biết những di tích đã thám sát trên địa bàn huyện không hề bị ảnh hưởng từ việc hình thành thủy điện 6 và 6A do cách quá xa và cao; gồm có khu di chỉ khảo cổ học, khu di tích kháng chiến (đầu tư 100 tỉ). Còn khi nền kinh tế phát triển, có sự liên hệ giữa đồng bằng và miền núi thì tự văn hóa đã giao thoa rồi nên không làm cái thủy điện này thì nó cũng tự giao thoa tiếp.
Ông Huỳnh Văn Đẩu - Bí thư Huyện ủy huyện Cát Tiên: “Thực tế tại hai vị trí thủy điện ĐN 6, 6A hiện còn rất ít rừng giàu mà chủ yếu là rừng lồ ô, gỗ bằng lăng. Mấy cây gỗ đó bây giờ cho dân người ta cũng không thèm lấy vì nó không có chất lượng. Chính người dân, chính tụi tôi ở đây mới biết và lo lắng cho sự ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của mình nên hơn ai hết chúng tôi phải quan tâm”. Ông Điểu K Giá - Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, địa phương nằm trong ảnh hưởng của thủy điện ĐN 6 - cho biết: “Toàn xã có 336 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ, Xtiêng. Hiện xã có 108 hộ nghèo. Trước đây có cả rừng cẩm lai nhưng bị đốn gần hết cách đây đã mười năm rồi. Thú rừng quanh đây thì đã cạn kiệt hết rồi. Khu vực này đâu còn gì nữa. Xã Đồng Nai Thượng là một xã cụt, đường sá rất khó khăn. Nếu xây dựng đập thủy điện thì bà con có con đường mà đi, qua lại thăm nhau, hàng hóa được thông thương”. |
Việc đón đầu dự án hướng tới thay đổi cơ cấu kinh tế của huyện Cát Tiên có thể được xem là một cách nhìn thực tế và hiệu quả. Bí thư Huỳnh Văn Đẩu khẳng định rằng đất rừng thuộc hai dự án trên đều là rừng nghèo (mặc dù thuộc VQG Cát Tiên); “mà giữ rừng cây bụi thì để làm gì?”. Có thể hình dung bài toán này và trong bối cảnh hiện nay bằng hình ảnh giữ rừng lồ ô hoặc tiếp tục phát triển công nghiệp điện.
Theo tính toán sơ bộ của chuyên gia, tổng sản lượng điện hằng năm của hai thủy điện ĐN 6, 6A gần 1 tỉ kWh cho giá trị kinh tế thu về gần 1.000 tỉ đồng/năm, tính ra một ngày doanh nghiệp sẽ đóng ngân sách khoảng 884 triệu đồng qua thuế tài nguyên, VAT, phí môi trường rừng, thuế doanh nghiệp. Sản lượng điện này tương đương với 540.000 tấn than đá hoặc 270.000 tấn dầu mỗi năm để sản xuất nhiệt điện (thải ra 514.000 tấn khí CO2/năm). Cứ hình dung rằng, dùng nhà máy nhiệt điện để thay thế thủy điện ĐN 6, 6A theo đúng công suất như trong quy hoạch phát triển năng lượng điện thì mỗi ngày sẽ có khoảng 140 chuyến xe, mỗi xe 10 tấn than đá cho nhà máy “ăn” để sản xuất ra điện.
“Quả bóng” cuối cùng?
Sau 6 năm, hồ sơ dự án TĐ ĐN 6 và 6A đã đi qua “cửa” của nhiều bộ, ngành, địa phương, và như cách ví von thông tục, “quả bóng” bây giờ đang nằm trong “chân” của Bộ Tài nguyên và Môi trường (gần đây từ diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã thẳng thắn trả lời báo chí về quan điểm của bộ mình - PV), trước khi lên bàn Thủ tướng và Quốc hội. Trở lại với quan điểm phản biện về tác động môi tường trên hệ thống sông Đồng Nai và VQG Cát Tiên, chúng tôi cho rằng có nhiều yếu tố đã thuộc về “trách nhiệm lịch sử” trải qua nhiều thập kỷ, tạo ra “bộ mặt” của hệ thống sông Đồng Nai như đã phân tích. Việc VQG Cát Tiên vừa bị loại ra khỏi danh sách đề cử Di sản thiên nhiên thế giới cũng hiển nhiên minh chứng cho điều này. Để khôi phục lại “nguyên thủy” chân dung của hệ thống sông Đồng Nai và VQG Cát Tiên như Việt Nam và thế giới mong muốn cần có nhiều thời gian, tâm sức và tư duy, không thể một sớm một chiều.
Hết sức rõ ràng và để chấm dứt tranh luận trong “vụ Đồng Nai 6”, yếu tố tiên quyết bây giờ là nhà đầu tư cần nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tác động môi trường (được hợp đồng thực hiện bởi Viện Môi trường tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), trình lên Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét. Cần thiết phải có thêm sự hội luận công khai, minh bạch và có tính khoa học đích thực với sự tham gia của đại diện chính thức các luồng ý kiến trái chiều trong sự cầm chịch của cơ quan đủ thẩm quyền, nhằm giải quyết minh bạch, rốt ráo vấn đề.
Nguyễn Thịnh - Lê Đình Dũng (Báo Lao Động)
- Áp dụng công cụ tài chính giảm thiểu rủi ro thiên tai
- Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Khó đạt chỉ tiêu
- Các nước đang phát triển sẽ dẫn đầu về năng lượng xanh
- Lựa chọn giải pháp xử lý nước thải đô thị
- Đô thị hóa bất hợp lý, châu Á gánh nhiều thiên tai
- Nếu trái đất ấm lên thêm 2°C, TPHCM nằm trong 5 thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất
- Kiểm kê phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng
- "Tỉnh Cà Mau có thể biến mất trong vài thập kỷ tới"
- TP.HCM đề nghị di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1
- Giảm thiểu tác động của môi trường ở sông Mekong