Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Lựa chọn giải pháp xử lý nước thải đô thị

Lựa chọn giải pháp xử lý nước thải đô thị

Viết email In

Dự án vệ sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đợt 1 do hạn chế vốn đầu tư nên phải chấp nhận giải pháp tạm thời xả nước thải chưa qua xử lý vào sông Sài Gòn để chờ đợt 2. Từ giải pháp tình thế ấy ta lại có được mô hình thực tế để kiểm chứng bài toán pha loãng và tự làm sạch của dòng sông.  

Sau 1 năm đưa công trình vào khai thác, mặc dù chưa có số liệu quan trắc được công bố nhưng bằng trực quan có thể đánh giá chất lượng nước sông Sài Gòn tại khu vực xả nước và lân cận không suy giảm đáng kể. Điều này chứng tỏ các dự báo của chuyên gia tư vấn dự án là đáng tin cậy, từ đây cho phép ta nghĩ đến một giải pháp khác cho bài toán đầu tư thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) của TPHCM. 


Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè 

Bao quanh TPHCM có nhiều con sông lớn hơn so với sông Sài Gòn, với khối lượng dòng chảy rất lớn nằm ở hạ lưu là sông nước mặn, hiện nay chỉ sử dụng vào mục đích giao thông đường thủy, nên yêu cầu mức độ vệ sinh thấp hơn so với sông nước ngọt. Vậy nếu ta khai thác năng lực pha loãng và tự làm sạch của nó thì trước mắt ta chưa cần xây dựng các nhà máy XLNT hoàn chỉnh mà vẫn đảm bảo yêu cầu vệ sinh (chỉ với nước thải đô thị). Xin hãy hình dung ý nghĩa kinh tế của giải pháp thông qua ví dụ sau đây. Chẳng hạn nếu dự kiến xây dựng nhà máy XLNT công nghệ hiếu khí, cấp II, vào năm 2015 nhưng với giải pháp kỹ thuật hợp lý không gây nên bức xúc về môi trường nên lùi lại đến 2025 mới đầu tư (10 năm) thì sẽ tiết kiệm được khoản chi phí vận hành tương đương với tổng giá trị xây lắp, thiết bị của chính nhà máy đó. 

Theo quan điểm đó, đối với dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè đợt 2 nên như sau: 

Tiếp tục đầu tư tuyến cống bao để dẫn nước thải đến nhà máy XLNT như đã dự kiến ở quận 2, chấm dứt việc xả nước thải vào sông Sài Gòn đồng thời thu nhận nước thải quận 2 và một phần của quận 9. Nước thải sau khi được xử lý sơ bộ sẽ được xả vào sông Nhà Bè. Nhà máy XLNT quy mô dự kiến 480.000m3/ngày tạm thời chưa thực thi. Quãng thời gian tạm dừng bao nhiêu năm tùy thuộc vào số liệu thực tế. Nếu đối chiếu với diễn biến của sông Sài Gòn thì có thể dự báo không dưới 10 năm. 

Giải pháp này tôi đã đề cập một vài lần ngay sau khi có số liệu đối chứng (sông Sài Gòn). Tôi xin được thêm một lần đề nghị: Khoản vốn dự kiến xây dựng nhà máy XLNT đã được WB thỏa thuận, nay đề nghị được chuyển sang đầu tư cải tạo vệ sinh môi trường các kênh rạch trong thành phố. Đối với TPHCM để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhìn từ góc độ vệ sinh thì việc cải tạo kênh rạch, hoàn thiện mạng lưới thu gom nước thải nên có trước so với XLNT. Nếu như đến 2020 toàn bộ các kênh rạch có được chất lượng tương tự như Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ thật tuyệt vời. Sau đó, tập trung đầu tư các nhà máy XLNT quy mô lớn để đến 2025 hoặc chậm nhất năm 2030 có được hệ thống thoát nước hoàn chỉnh cho một siêu đô thị, vậy là một thành công lớn. 

Như vậy, mục tiêu không thay đổi nhưng giải pháp cần linh hoạt để thích ứng với năng lực tài chính còn hạn chế. Bài toán pha loãng được nhiều nước quan tâm, đặc biệt là Mỹ. Với TPHCM có điều kiện tự nhiên thuận lợi thì ta nên khai thác. 

KS Trần Văn Mô 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo