Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Du lịch sinh thái "làm hại" môi trường?

Du lịch sinh thái "làm hại" môi trường?

Viết email In

Vừa đi máy bay vừa bảo vệ môi trường. Có thể được không? Đó là câu hỏi mà ngày càng có nhiều người quan tâm tới vấn đề khí hậu trái đất nóng lên đặt ra. Là một luật sư chuyên trách về vấn đề môi trường, James Brusslan cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm với hiện tượng biến đổi khí hậu. Ông thường đạp xe đạp tới văn phòng làm việc và dán những mẩu giấy nhỏ lên xe hơi của bạn bè mình có ghi: “Tôi đang làm thay đổi khí hậu! Hãy hỏi tôi cách làm!”.

  • Khí thải phát sinh từ máy bay là một trong những nguyên nhân góp phần làm thay đổi khí hậu 

Người đàn ông 50 tuổi này mới đây đã chi hết 2.800 đôla cho chuyến du lịch 1 tuần của mình tới vịnh Disco (Greenland) cách Bắc Cực 300km về hướng Bắc. “Tôi muốn tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra”, James Brusslan vừa nói vừa ngắm nhìn bề mặt khu vịnh nơi một tảng băng lớn đang tự chia tách thành các khối băng nhỏ. “Sau 10 năm nữa, rất có thể tảng băng này sẽ không còn tồn tại”, ông nói. James còn dự tính sắp tới sẽ đến Tứ Xuyên (Trung Quốc) để tiếp tục quan sát hiện tượng băng tan.

Từ hiện tượng trái đất nóng lên, một lĩnh vực mới trong ngành du lịch sinh thái đã ra đời, đó là du lịch khí hậu. Lĩnh vực này nhắm tới các địa điểm trên thế giới nơi những ảnh hưởng của hiện tượng trái đất nóng lên đang bắt đầu diễn ra một cách rõ rệt. Nhiều người đánh giá loại hình du lịch này là mâu thuẫn bởi chính những chuyến đi bằng tàu hỏa, máy bay hay tàu thủy của ngành dịch vụ du lịch lại tạo ra khí thải cacbonic góp phần làm nhiệt độ trái đất ngày càng tăng cao.

Jeff Gazzard, nhân viên thuộc Hiệp hội Hàng không vì môi trường (Aviation Environmental Federation) từng lên tiếng về việc các khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát sinh từ các chuyến máy bay của những người được gọi là “khách du lịch sinh thái” đang góp phần làm khí hậu trái đất nóng lên đồng thời cũng khiến mực nước biển tăng cao.

Theo Liên hợp quốc, mỗi năm Bắc Cực đón hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch tới tham quan, trong khi đó vào đầu những năm 1990, con số này chỉ dừng ở mức 1 triệu. Hiện tượng mùa hè ngày càng kéo dài và nóng hơn làm cho băng ở Bắc Cực dần tan chảy, một mặt mở đường cho tàu thuyền của khách du lịch dễ dàng tiến vào sâu hơn nhưng mặt khác lại gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đe dọa tới môi trường.

Với hy vọng được khám phá những hòn đảo mới xuất hiện sau khi băng tan, nhiều khách du lịch hiện đang chọn quần đảo Svalbard ở Bắc Cực (còn được biết đến dưới cái tên Spitzberg) là điểm đến cho mình. Mỗi năm có khoảng 80.000 khách du lịch tới Svalbard, một nửa trong số họ chọn tàu chở khách là phương tiện đi lại. Việc di chuyển của tàu thuyền đã phá huỷ thảm thực vật của nhiều hòn đảo bởi nguy cơ dầu loang là rất lớn.

  • Cuộc sống của gấu trắng Bắc Cực đang bị đe doạ từng ngày

 

Trước thực tế này, một điều luật đã ra đời buộc các tàu thuyền phải dùng dầu diesel hàng hải thay cho dầu nặng. Động thực vật địa phương đang bị đe doạ nghiêm trọng không chỉ bởi sự biến đổi khí hậu. “Trước đây, rất khó có thể đến được những vùng đất nơi gấu trắng Bắc Cực sinh sống nhưng hiện giờ, với tốc độ băng tan ngày càng nhanh, tàu thuyền của khách tham quan đã có thể dễ dàng di chuyển tới đó khiến cuộc sống của loài gấu trắng ngày càng có nguy cơ bị xáo trộn”, ông Bergström, một quan chức chịu trách nhiệm về môi trường tại quần đảo phát biểu.

Hạn chế du lịch sinh thái

Viện Earthwatch là một hiệp hội của Mỹ chuyên tổ chức các chuyến đi tham quan cho những cá nhân có mong muốn được giúp đỡ các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu, chẳng hạn như nghiên cứu các rặng san hô ngầm ở Bahamas hay các tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đến loài hoa lan ở Ấn Độ. Với chủ đề “Biến đổi khí hậu tại bờ Bắc Cực”, Viện Earthwatch đã tổ chức một chuyến đi kéo dài 11 ngày với mức phí trong khoảng 2.849 – 4.349 đôla/người (không kể giá vé máy bay) với mục đích đo lượng cacbon nằm trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu của Bắc Cực. Thời gian gần đây, nhiều sáng kiến mới đã được thông qua nhằm hạn chế bớt ảnh hưởng tiêu cực của các tour du lịch sinh thái. Một trong số đó là chiến dịch mang tên “Du lịch và suy ngẫm về hiện tượng nóng lên toàn cầu” mà Công ty Du lịch sinh thái Quốc tế (International Ecotourism Society) có trụ sở đóng tại Washington phát động nhằm kêu gọi hành khách “giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của mình tới hệ sinh thái” thông qua việc sử dụng năng lượng một cách tối ưu và cân bằng lượng khí thải. Tháng 3 năm 2008, công ty hàng không SAS đã triển khai một chương trình đặc biệt khuyến khích các hành khách trả mức phí 8 euro trên mỗi chuyến bay trong khu vực Châu Âu nhằm bù trừ cho việc phát sinh khí thải cacbon. Số tiền thu được sẽ dành để phục vụ cho dự án phát triển các nguồn năng lượng tái sinh.

Tuy vậy, mặc dù công ty hàng không này mỗi tháng chuyên chở tới hơn 4 triệu lượt khách hàng nhưng cho tới thời điểm hiện nay, mới chỉ có 600 hành khách tự nguyện đóng góp. Tuy không là những người phải chịu trách nhiệm hàng đầu về hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhưng nhiều khách du lịch quan tâm tới việc biến đổi khí hậu cũng đã nhận ra rằng mình đang đứng giữa ngã ba đường. “Tôi rất tò mò muốn được khám phá nhiều vùng đất hoang sơ nhưng tôi cũng ý thức được rằng nếu đặt chân tới đó, tôi sẽ phần nào gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Phải giải quyết vấn đề này ra sao? Tôi vẫn chưa có câu trả lời”, Anne Patrick, một giáo viên người Mỹ đã từng có chuyến đi tham quan tới Bắc Cực và đảo Greenland, tâm sự. Phần đông khách du lịch đến đảo Greenland đều tới thăm Ilulissat, một địa điểm rất đặc trưng với những ngôi nhà nhiều màu sắc mang đến cho tảng băng trôi một quang cảnh vô cùng thú vị. Ilulissat đã trở thành một biểu tượng cho hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trước kia, nhiệt độ vào tháng giêng ở đây thường xuống tới mức -40oC thì nay đã tăng lên vào khoảng -25oC. Từ năm 2002, tảng băng gần nhất với Ilulissat mang tên Jacobshavn đã lùi xa đến 15km. Nước hồ không còn đóng băng nữa nên hằng năm, người ta thường xuyên lui tới đây câu cá và vì thế lượng hải sản cũng theo đó mà ngày càng sụt giảm.


Thành phố Ilulissat, một điểm đến hấp dẫn khách du lịch nhưng cũng là biểu tượng của
hiện tượng nóng lên toàn cầu (cache.virtualtourist.com)


Trong năm nay, tính tới thời điểm hiện tại đã có 35.000 lượt khách du lịch đến với Ilulissat, tăng hơn 25.000 lượt so với cách đây 5 năm. Có khoảng 5000 người dân đang sinh sống ở thành phố này cùng với một số lượng lớn chó kéo xe. “Du khách luôn được đón chào ở đây, nhưng chúng tôi cũng không muốn họ tới quá nhiều và cũng không muốn xây dựng thêm nhiều khách sạn lớn nữa. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để bảo tồn đời sống thiên nhiên và văn hoá của mình”, ông Anthon Frederiksen, thị trưởng Ilulissat nói. Mới đây, trong khi một chiếc tàu chở đầy khách du lịch đang tiến tới gần Ilulissat thì bất ngờ một vạt tường của ngôi nhà nhỏ nằm gần bờ đổ sụp, làm dậy lên một con sóng cao 2m. Nước ập vào làm tàu lắc lư mạnh. “Cảm giác mới thú vị làm sao”, bà Ingeborg Mathiesen, một du khách Na Uy 68 tuổi vừa bám chặt vào thành tàu vừa nói. Còn trước đó một ngày, một con sóng cao tương tự đã làm 17 du khách người Anh ở Svalbard bị thương. Bà Mathiesen dự định sẽ tiếp tục đến thăm quần đảo Svalbard vào mùa hè năm sau để được chiêm ngưỡng các tảng băng trôi cùng đàn gấu trắng. “Chúng tôi sẽ phải tới đó sớm, bởi vì chỉ 5 năm nữa thôi, chúng sẽ có thể hoàn toàn biến mất”, chồng bà Mathiesen giải thích.

Diệu Châu (theo The Wall Street Journal)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo