Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Những nhà máy xử lý nuớc thải tỷ đô có làm sông hồ Hà Nội sạch trong?

Những nhà máy xử lý nuớc thải tỷ đô có làm sông hồ Hà Nội sạch trong?

Viết email In

Tiền của để khôi phục lại môi trường khi đã ô nhiễm, đã suy thoái trầm trọng lớn gấp nhiều lần chi phí cho việc bảo vệ môi trường tiến hành đồng thời với phát triển kinh tế. Chưa kể có những trường hợp không bao giờ khôi phục lại được môi trường khi đã bị hủy hoại.

Nhưng có dự án cải thiện môi trường tốn kém mà chưa thuyết phục, tại sao ta không xem lại cho kỹ trước khi tiến hành?
 
Các nhà khoa học và quản lý nhận thức như thế nào về ô nhiễm nước thải?

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam - BXD, số 07/2008 chuyên đề “Kiến trúc xanh & Môi trường phát triển bền vững“ có  nhiều trao đổi về vấn đề này. Chúng tôi xin trích dẫn:

Ông Trần Hồng Hà - thứ trưởng Bộ TNMT : “… Hiện tại , chúng ta đang tập trung giải quyết tình trạng này bằng cách xây dựng và thực hiện các dự án xử lý nước thải (XLNT) tập trung. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng giải pháp này không hoàn toàn phù hợp với điều kiện VN, việc lựa chọn các giải pháp XLNT tại nguồn thích hợp hơn. Việc nuớc thải chưa qua xử lý là nguyên nhân của vấn đề (ô nhiễm) môi trường… Thực tế do chưa thể giải quyết ngay những nguyên nhân nói trên, do các dòng sông , kênh chảy qua các khu đô thị bị ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cấp nước sinh hoạt. Vì vậy cần có nhà máy XLNT tập trung. Về lâu dài, cần có giải pháp XLNT tại nguồn ...” .

Ông Phạm Sĩ Liêm - Tổng hội xây dựng VN : “Đầu tư cho xử lý nước thải tốn kém gấp 3 lần đầu tư cho cấp nước. Nhưng nếu không hành động  ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ phải gánh hậu quả quá lớn về môi trường".

Ông Nguyễn Tôn - Chủ tịch Hội cấp thoát nước VN : ”Để thực hiện triệt để việc XLNT sinh hoạt thì chúng ta phải làm từ đầu nguồn, tức là phải  có hệ thống  XLNT trong mỗi hộ gia đình hoặc cụm dân cư trước khi thoát ra ngoài “.

Ông Bùi Xuân Đoan - Vụ phó vụ hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây Dựng : “Tốt nhất là nên sử dụng hình thức xử lý nước thải tại nguồn. Nước thải trọng nội đô của ta thường vẫn đổ ra các  con sông trong khu vực, nên nếu được xử lý từ gốc là tốt nhất , tránh ô nhiễm trên các con sông”.

Ông Nguyễn Xuân Bảo Tâm - Vụ phó Vụ hợp tác quốc tế , Bộ TNMT : “ Vấn đề nước thải mà VN đang gặp phải hiện nay cũng giống như những gì đã xảy ra với các nước đang phát triển như Nhật , Mỹ ..đầu thế kỷ trước. Tại Nhật Bản, hiện vấn đề XLNT gần như triệt để nhờ công nghệ XLNT tại nguồn“.

Ai cũng biết rõ như vậy, sao vẫn làm?

Đọc nhưng dòng trên ta thấy rất phấn khởi vì các nhà khoa học đã đành, ngay cả những vị lãnh đạo có trách nhiệm quản lý môi trường nước ta cũng thấy rõ là : Giải pháp XLNT tại nguồn tiên tiến hơn – thích hợp hơn giải pháp XLNT tập trung. Nhưng hiện nay, Tp Hà Nội vẫn đang khảo sát để triển khai phương án thu gom để XLNT tập trung ở cuối nguồn. Lưu vực cũng mới chỉ gồm một phần Hà Nội cũ ( không gồm  huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, phần lớn huyện Đông Anh ) ; Toàn bộ HN mở rộng ( ngay cả TP Hà Đông ) chưa tính đến. Tổng đầu tư 7 nhà máy XLNT đã làm và dự kiến làm đã gần 1 tỷ USD (1). Chưa thấy một tài liệu nào thảo luận, so sánh hay thuyết minh lợi ích về kinh tế , công nghệ khi XLNT tập trung, chỉ thấy bài báo ngợi ca cái dự án Yên Sở  sau khi hoạt động sẽ đưa nước sạch ra sông Hồng (2) hay nhà máy Phú Đô, Yên Xá sẽ cấp nước sạch cho sản xuất nông nghiệp mấy xã cuối huyện Thanh Trì .Chắc chắn cá Sông Hồng và rau Thanh Trì sẽ hưởng nứơc sạch, còn cả triệu ngưòi HN vẫn lĩnh đủ mùi hôi,  chất thải độc hại trôi theo dòng , ngấm vào đất trên sông Tô , Sông Nhuệ suốt dọc chiều dài TP - lý do là Sông Nhuệ thì thu gom bờ phải , bờ trái vẫn thải tự do ; Sông Tô thì mới gom hai bờ còn các cống hộp lớn (như cống Nghĩa Đô) vẫn đổ thẳng vào. Sông Lừ, sông Sét  khi chìm khi nổi len lỏi trong phố không có gì mới.


Phố hai bên sông ở Copenhagen - Đan Mạch 

Dự án thoát nứớc và xử lý nước thải do tư vấn Nhật Bản liên danh với VN thực hiện. Nhật Bản là quốc gia cung cấp ODA quan trọng cho VN và Hà Nội  được hưởng nhiều lợi ích từ các dự án do Nhật tài trợ  - toàn những dự án  phức tạp về kỹ thuật và được tiếp nhận  trong hoàn cảnh quan hệ quốc tế  khó khăn. Cách đây một thế kỷ , phong trào Đông Du  ra đời , cho thấy VN ta đã coi Nhật Bản là tấm gương học hỏi. Ngày nay , Nhật Bản vẫn có nhiều kinh nghiệm quý  khi phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ tốt thiên nhiên và cân bằng xã hội mà VN ta có thể học tập : Ví dụ khi CN phát triển, năng xuất lao động cao – lao động dôi dư nhiều , họ phát triển mạnh dịch vụ , ngày nay dịch vụ chiếm 73,3% GDP, nhiều lao động dịch vụ trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường . Như vậy đem lại một tác dụng kép để Nhật Bản trở thành một trong những đất nước sạch sẽ nhất  và tỷ lệ thất nghiệp ít nhất trên Thế giới .

Tuy vậy, nếu như phương án XLNT tập trung do bạn đề xuất mà tốn kém không hiệu quả như đã trình bầy thì nên chăng Tp HN cũng nên dừng lại ngay từ lúc này. HN đã từng sửa sai dự án do tư vấn nước ngoài đề xuất ngay cả khi đã đi vào sử dụng, thí dụ dỡ bỏ toàn bộ phân luồng vô lý bằng các khối bê tông trên đường Giải Phóng hay vô số các các giọt nước BT, đảo GT rối rắm các ngã tư, vậy đây cũng không nên là ngoại lệ.


Cảng Copenhagen - Đan Mạch 

Đề xuất của tôi cũng có thể sai , lý do chưa đủ thông tin và hiểu biết còn hạn chế - Nếu nhận được những kiến giải thuyết phục tôi sẽ là người đầu tiên cải chính sau đó sẽ  ngợi ca  cái hay ho của dự án. Nếu nhận định của tôi đúng, thì số tiền gần 1 tỷ USD  nên dùng làm hàng trăm hệ thống XLNT có quy mô thích hợp, bố trí khắp các khu dân cư, bệnh viện, cơ sở sản xuất và men theo hai bờ tất cả các con sông HN, cứ vài trăm mét  hai bờ sông một trạm thu gom XLNT. Mô hình đáng học nhất là từ Nhật Bản với “Hệ thống XLNT tại nguồn” , tiếng Nhật là Johkasou -  viết tắt là JKS . Quy mô áp dụng từ gia đình  đến cụm dân cư 5000 người ( một phường xã cần 2 - 3 cái ). Tại Nhật bản , XLNT tại nguồn –JKS được ghi thành Luật, bắt buộc các hộ gia đình , cơ quan , nhà máy phải thực hiện theo phương châm : Nhà nước và nhân dân cùng làm . Theo đó Nhà nước, địa phương và người dân , mỗi bên chịu 1/3 chi phí lắp đặt hệ thống XLNT . Nhờ đó mà nước này hiện có trên 90% hộ gia đình đã sử dụng hệ thống JKS (3).

Làm thế nào để có JKS – made in VN?

Tại một làng quê Hà Nội mới ( ngày xưa gọi là Hà Tây) có nghề làm miến dong , nước thải còn thừa bột bẩn lên men , bốc mùi thối um cả làng , lan sang cả các làng xung quanh. Một ngày kia, không chịu nổi mùi ấy – có một trai làng bèn thu gom nước lại, lọc  lấy bột, làm phân bón vi sinh.  Kể từ hồi ấy, nhà chàng khấm khá và với đà này các kênh mương  lớn nhỏ của làng chỉ còn mỗi nước trong – Có phải đây là  JKS.VN ? Làm sao đây để HN có hàng ngàn trai làng như vậy (4) . HN có gần 2000 làng . Trong mỗi làng có hàng trăm thanh niên được đào tạo các trình độ , làng nào cũng không thiếu các bậc hiền triết . Có thể không phải ai cũng  yêu quý mảnh đất sinh ra, nuôi họ khôn lớn ( vì có hiện tượng một số ít đã bán đất ruộng mua xe máy) Nhưng 100%  không bao giờ muốn hủy hoại môi trường sinh sống và chính họ sẽ đề xuất  giải pháp  tốt nhất để ứng dụng JKS phù hợp với làng , có điều ai là người giao cho họ nhiệm vụ ấy và ai sẽ cung cấp thông tin tổng thể - kết nối với mạng lưới lớn hơn (Mô hình phân công thích hợp tôi xin gác lại và trình bầy dịp khác - tác giả).

HN hiện có gần 300 dự án quy mô từ vài Ha đến gần 3000Ha (5) làm nhà ở,  du lịch dịch vụ, khu CN hay cụm CN. Hầu hết nội dung XLNT chưa thuyết phục. Bằng chứng là 43 khu đô thị mới sử dụng  tại HN cũ có duy nhất một cái có JKS . Để chứng minh nhận định của tôi sai , kính đề nghị các cơ quan thẩm định XLNT đưa lên mạng nội dung nghiên cứu  liên quan ( bắt đầu từ chữ JKS sau đó tên dự án và địa chỉ , để tiện tìm kiếm). Tôi tin là  rất nhiều ý kiến phân tích có thái độ xây dựng và hợp tác từ hàng ngàn sinh viên các trường  đại học, các kỹ sư, kiến trúc sư còn ở làng hay đã đi xa , và không ít các nhà khoa học thực sự  tham gia - nhất là tại các địa điểm liên quan đến quê hương , làng xóm mà họ đã từng sinh sống hay có nhiều kỷ niệm gắn bó. Tp HN sẽ tiết kiệm một khoản vì chẳng tốn đồng nào mà lại có một tài liệu đánh giá tác động môi trường của vài trăm dự án, đặc biệt có giá trị vì sản phẩm không chỉ sinh ra từ tri thức mà còn là tâm huyết,  trách nhiệm với quê hương. Sản phẩm như vậy nhiều tiền mà không dễ kiếm .

Từ giải pháp tổng thể cho đến đơn vị nhỏ nhất TP thực hiện XLNT hiệu quả, thải ra toàn nước sạch , thì chắc chắn  là sông hồ HN chỉ còn toàn là nước trong.

Bình sinh có một tấm lòng , chẳng vì thiếu hiểu biết mà không dám giãi bầy. Bởi xét cho cùng, sông hồ HN dẫu có ô nhiễm đến mấy, thì HN không biết chuyển nó đi đâu. Còn tôi cũng không biết đi đâu, sống ra sao mà không có Hà Nội.

Chú dẫn

(1) Tổng hợp trên VNN, thống kê các dự án NM-XLNT Hà Nội như sau:

(2) Bài viết: “Nguồn nước thải ở Hà Nội chảy về đâu?” Vietimes 16/7/2008 (Bài viết cho thấy người viết không hiểu gì về nguyên lý XLNT và còn "ngây thơ" khen một đại gia đầu cơ BĐS là "Ông Bụt” - tác giả) :
“ …với số tiền đầu tư vào nhà máy này là 253 triệu USD. Nhà máy xử lý nước thải có công suất 195,000 m3/ ngày, có khả năng xử lý một nửa lượng nước thải của Hà Nội, phục vụ khoảng 1,2 đến 1,5 triệu người dân Hà Nội và giúp giảm thiểu lượng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông Hồng. Hiện nay, dự án này đang được thi công và 5 hồ nước bị ô nhiễm nặng trong Công viên Yên sở đang được tiến hành nạo vét và làm sạch.

Dự án công viên Yên Sở sẽ cải tạo công viên hiện tại thành một công viên sạch đẹp mang tiêu chuẩn quốc tế bao gồm các khu trường học, triển lãm và bảo tồn văn hóa. Không chỉ có nhà máy xử lý nước thải giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước tại các ao, hồ trong khu vực mà bản thân công viên Yên Sở cũng mang lại một môi trường sống tốt hơn và trong lành hơn cho người dân Hà Nội bằng cách cung cấp nước sạch, phục vụ tưới tiêu, đồng thời nâng cấp môi trường xung quanh nhờ xây dựng một không gian thư giãn, giải trí hiện đại.

Tôi còn nhớ câu chuyện về một “ông Bụt” hiện ra chữa bệnh loà mắt cho cả một làng. Làng này có tên là làng Vĩnh ở Hà Tây. Cả làng có một cái giếng ở giữa làng. Tất cả nước sinh hoạt của dân làng đều lấy từ cái giếng này. Không hiểu vì sao mà làng này đời này qua đời khác đều bị bệnh toét mắt rồi dẫn đến loà. Nhưng một ngày, có một người làm nghề bẫy chim ngói đi qua. Khi biết chuyện cả làng mắc bệnh toét mắt, ông đi quanh làng xem xét rồi chỉ cho dân làng cách nạo vét và giữ sạch giếng nước. Từ đó, dân làng không ai mắc bệnh toét mắt dẫn đến mù loà nữa. Dân làng Vĩnh tin rằng người đàn ông làm nghề bẫy chim ngói là một ông Bụt đến để giúp họ. Vì thế cứ vào tháng Mười hàng năm, người làng Vĩnh thổi xôi với chim ngói mang ra giếng làng thắp hương để nhớ tới công ơn của ông. Câu chuyện này về bản chất giống các dự án làm nước sạch trong thời hiện đại mà thôi...”

(3) Ông Nguyễn Xuân Bảo Tâm - Vụ phó Vụ hợp tác quốc tế , Bộ TNMT  bài “ cần XLNT tại nguồn –TCKTVN số 07/2008

(4)  Bài viết ‘ Biến Bùn Thành tiền “ SGGP Thứ tư, 26/03/2008
Nguyễn Phi Sinh đã đoạt giải Nhì Giải thưởng KAWAI Nhật Bản năm 2005; Giải nhất “Ngày Sáng tạo Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới kết hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường (6-2005); Giải ba Giải thưởng của Hội Nông dân Việt Nam. Gần đây nhất, anh đạt cúp Vàng  danh hiệu “Vì sự nghiệp Bảo vệ Môi trường Việt Nam”.
Từ những đống bã thải bốc mùi nồng nặc, chất đầy cống rãnh của các cơ sở sản xuất miến dong trong xã, anh Nguyễn Phi Sinh ở đội 4 xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ)  đã biến nó thành những hạt phân vi sinh chất lượng, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

(5) Phụ lục tổng hợp các dự án – Bản đồ các dự án đang thực hiện trên địa bàn Hà Nội, tháng 8/2008 : số lượng dự án thống kê các trạng thái từ nghiên cứu QH đến đang thi công xây dựng  – NXB Bản đồ thực hiện , tiêu đề Sở Kế hoạch đầu tư.

>> Bài toán xử lý nước thải sinh hoạt của nước nghèo? 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo