Chuyện tách riêng hay nhập chung chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu với chương trình bảo vệ môi trường và tài nguyên hiện hiện còn nhiều các ý kiến tranh cãi khác nhau. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Phó giáo sư Tiến sĩ Phan Minh Tân, nói rằng đây là một vấn đề quan trọng nên cần phải có thời gian nghiên cứu thêm, dù thành phố đã lập một ban chỉ đạo về chương trình biến đổi khí hậu.
Tách riêng hay gộp chung?
Giáo sư Lâm Minh Triết, Chủ nhiệm Chương trình Bảo vệ môi trường và tài nguyên TPHCM, cho biết các nhà khoa học đầu ngành ở thành phố đang soạn thảo một chương trình về phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch về môi trường; trong đó đề xuất gộp chung chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình bảo vệ môi trường, tài nguyên của Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Ảnh bên : Triều cường biến đường phố thành sông ở TPHCM (Ảnh: Internet)
Nhiều chuyên gia cũng nhất trí rằng công tác ứng phó với biến đổi khí hậu từ trước đến nay thực chất vẫn là hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường, vì thế không nên tách ra. Phó giáo sư Tiến sĩ Đoàn Cảnh, Viện Sinh học nhiệt đới, cho rằng biến đổi khí hậu nên là nhánh thứ ba, sau môi trường và tài nguyên. Mô hình này hiện đang được Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Cần Thơ áp dụng với các trung tâm và viện nghiên cứu biến đổi khí hậu nằm trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu khi nó được nhập chung với các chương trình về bảo vệ môi trường, vì tình hình môi trường thời gian qua chẳng những không được bảo vệ mà còn bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.
Một chuyên gia thuộc Viện Khí tượng thủy văn và môi trường, nói rằng tầm quan trọng và mục đích của chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu đáng để tách thành một chương trình riêng. Ông nói biến đổi khí hậu tác động lớn nhất đến bộ phận người nghèo, và cũng ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp, ngành nghề khác. Vì thế, theo ông chương trình biến đổi khí hậu của thành phố, nếu đặt chung trong chương trình bảo vệ môi trường, tài nguyên sẽ khó thu hút được sự quan tâm của các sở ngành khác.
Nhiều nhà khoa học cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng biến đổi khí hậu đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, đe dọa đến sinh kế của người dân, làm suy giảm chất lượng tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng sức khỏe của xã hội. Vì thế nên coi đây là một chủ đề riêng, với một chương trình độc lập để có giải pháp ứng phó một cách hiệu quả hơn.
Dù biến đổi khí hậu là một vấn đề khá mới, nhưng thời gian qua thành phố cũng đã ý thức được mức độ ảnh hưởng của nó, và đã đưa ra một chương trình nhằm huy động tất cả các sở ngành cùng tham gia, kêu gọi các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đề làm cơ sở khoa học cho một chương trình hành động ứng phó.
Bà Huỳnh Thị Thu Hà, chuyên viên môi trường của UBND TPHCM, cho biết trước hội nghị Copenhaghen, Sở Tài nguyên và Môi trường có soạn thảo một chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu trình UBND, nhưng bà đề nghị chưa ký, vì nội dung còn quá chung chung. Bà nói rằng cần có thêm thời gian để các sở ngành và giới khoa học ngồi lại để bàn bạc nên làm gì và làm như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Theo bà, nếu không có luận chứng khoa học thì mọi chương trình chỉ mang tính đối phó, không bền vững nên chắc chắn sẽ không thành công.
Sống chung với biến đổi khí hậu
Trong khi vấn đề tách riêng hay nhập chung còn chưa ngã ngủ, và theo ông Phan Minh Tân là cần phải suy nghĩ thêm, thì các chuyên gia đều cho rằng dù chọn cách nào, giải pháp vẫn là phải "sống chung với biến đổi khí hậu".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quán, Trưởng khoa Môi trường và Bảo hộ lao động, Đại học Tôn Đức Thắng nói rằng thành phố nên bàn về giải pháp ứng phó bằng sự thích nghi với biến đổi khí hậu vì những tác động của nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Đoàn Cảnh nói thêm rằng cần phải thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu, như người dân ĐBSCL phải sống chung với lũ từ bao năm qua.
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đã hiện hữu ở thành phố từ lâu qua diễn biến thất thường của thời tiết. Lượng mưa lớn, trái mùa, nắng nóng, triều cường gây ngập lụt kéo dài, năm sau cao hơn năm trước. Các vấn đề về bệnh dịch do biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm là những bài toán khó giải trong những năm sắp tới.
Mực nước biển dâng cao đặt ra vấn đề nên hay không thực hiện tuyến đê bao dài 200 km tốn kém, mà thành phố đã phê duyệt. Một chuyên gia nói rằng thay vì xây dựng một tuyến đê như thế, chính quyền nên đi tìm giải pháp thích ứng, sống chung với biến đổi khí hậu. "Vấn đề này không thể do Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường hay sở ngành nào khác thực hiện, mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng", chuyên gia này nói.
Hiện nay, TPHCM đã cơ bản xây dựng xong kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó các sở ngành liên quan có những nhiệm vụ khác nhau trong một chương trình lớn. Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý rác, lập kế hoạch sử dụng tài nguyên hợp lý; Sở Giao thông vận tải tìm cách phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế xe cá nhân để giảm phát thải khói xe; Sở Xây dựng khuyến khích các công trình sinh thái; Sở Quy hoạch và Kiến trúc đưa nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào các đồ án quy hoạch… |
Phi Tuấn
- Làm sao cứu sông Mê-kông?
- Con người đang cạnh tranh nước với thiên nhiên
- Thực thi REDD và tác động đối với người bản địa
- Làng nghề Bát Tràng tìm không khí trong lành
- Ba thông điệp hành động chống biến đổi khí hậu
- Làng nghề Đông Mai ô nhiễm môi trường trầm trọng
- Môi trường thế giới đón chào 2010
- Khí thải giao thông hạn chế sự phát triển bền vững
- COP15: Chúng ta đã phung phí suốt 20 năm
- Môi trường tệ hại do cách dùng kinh phí