50 năm tới, một số quốc đảo ở Thái Bình Dương có thể không còn tồn tại nếu khí hậu vẫn diễn biến theo chiều hướng hiện nay. Tăng trưởng kinh tế cao ở Đông Á và Thái Bình Dương kèm theo đô thị hoá, chặt phá rừng đã khiến khu vực này gặp nhiều biến động về môi trường.
Đó là những nhận định trong báo cáo Phát triển thế giới mới nhất được Ngân hàng thế giới (WB) công bố chiều 4/2/2010 tại Hà Nội.
Hành động ngay, cùng nhau và theo cách khác
Theo Chủ tịch WB Robert B. Zoellick, các quốc gia phải hành động ngay bây giờ, cùng nhau và theo một cách thức khác trước đây để đối phó với biến đổi khí hậu.
- Ảnh bên : Công bố Báo cáo phát triển thế giới (Ảnh: Chinhphu.vn)
Ba thông điệp: Hành động ngay, hành động cùng nhau và hành động theo cách khác được đưa ra nhằm kêu gọi tất cả các nước cùng chung tay giảm thiểu phát thải carbon, giảm các nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.
Để giữ cho nhiệt độ tăng không quá 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, cần một cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu để triển khai ngay lập tức các công nghệ ít carbon hiện có. Hệ thống năng lượng của thế giới phải được chuyển đổi sao cho lượng khí thải toàn cầu giảm 50 – 80% trong vài thập kỷ tới. Các cơ sở hạ tầng chống chịu được điều kiện khí hậu cực đoan mới cần được xây dựng.
Theo bà Xiaodong Wang thuộc nhóm tác giả soạn thảo báo cáo, các nước cần hành động cùng nhau bởi không một quốc gia nào có thể tự mình ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu.
Các quốc gia phát triển đóng vai trò chủ chốt trong việc giảm bớt dấu vết carbon ngay tại nước mình và giúp các nước đang phát triển cung cấp tài chính cho những hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu.
Bên cạnh đó, thay vì hoạch định chính sách dựa trên các điều kiện khí hậu của quá khứ, các nhà hoạch định chính sách cần chú ý đến những trạng thái khác nhau của khí hậu trong tương lai.
Hướng tới "một thế giới khôn ngoan về khí hậu”
Ba yếu tố chính khiến người dân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu là: Lượng dân cư lớn sống dọc theo bờ biển và ở đảo thấp; một số nước nghèo phụ thuộc vào nông nghiệp; các nền kinh tế khu vực phụ thuộc nhiều vào nguồn thuỷ hải sản.
- Ảnh bên : Scanpix/Reuters
Vì vậy, “các nước cần thúc đẩy sự tăng trưởng khôn ngoan với khí hậu”, ông Alexander Lotschi thuộc nhóm báo cáo nói. Nhiều quốc gia đang hướng tới con đường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tiến hành nhiều giải pháp mới để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và cũng đã chủ động có kế hoạch hành động cùng cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Đức, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng các công nghệ giảm carbon. Chương trình mục tiêu quốc gia chống biến đổi khi hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kịch bản nước biển dâng cũng đã được công bố dựa trên các cơ sở nghiên cứu thực tiễn.
Một số nước khác cũng đã giảm sự thâm dụng năng lượng, đầu tư vào năng lượng tái tạo, tích cực bảo vệ rừng, xây dựng các đô thị thông minh với khí hậu.
Thái Lan đang theo đuổi con đường năng lượng tái tạo để cải thiện an ninh năng lượng. Quốc gia này dự kiến tăng tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tái tạo toàn quốc từ 1% như hiện nay lên 20% vào năm 2020.
Hay như Trung Quốc đang xây dựng các toà nhà chọc trời ở thành phố Rizhao có khả năng sử dụng năng lượng mặt trời. 99% hộ dân của thành phố sẽ sử dụng hơn 500.000 m2 tấm đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, giảm được một nửa phát thải cacbon.
Theo báo cáo, hiện tại, vấn đề đặt ra là cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, thuyết phục cộng đồng đương đầu với sự thay đổi và nắm bắt các cơ hội để đạt được sự tăng trưởng bền vững.
Thu Cúc
- Thủy điện Sapa sẽ phá hủy sinh thái
- Làm sao cứu sông Mê-kông?
- Con người đang cạnh tranh nước với thiên nhiên
- Thực thi REDD và tác động đối với người bản địa
- Làng nghề Bát Tràng tìm không khí trong lành
- Ứng phó với biến đổi khí hậu: trách nhiệm của cả cộng đồng
- Làng nghề Đông Mai ô nhiễm môi trường trầm trọng
- Môi trường thế giới đón chào 2010
- Khí thải giao thông hạn chế sự phát triển bền vững
- COP15: Chúng ta đã phung phí suốt 20 năm