Tình trạng ô nhiễm môi trường, từ nước, không khí, đến đất, v.v... ngày càng nặng nề ở nhiều địa phương được giải thích bằng rất nhiều nguyên nhân: chế tài, xử phạt chưa nghiêm, sự thiếu ý thức, thiếu kiểm tra giám sát, thiếu tiền… Những lý do này đều đúng nhưng có một nguyên nhân rất lớn lâu nay hầu như không được nói đến. Đó là cách quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư, cải thiện môi trường – một khoản chi không hề nhỏ trong tổng chi ngân sách quốc gia hàng năm (1%). Một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới được công bố cho thấy việc sử dụng tuỳ tiện, sai trái nguồn kinh phí, tên gọi đúng là “chi cho sự nghiệp môi trường”, ở phần lớn các tỉnh, thành phố đã khiến cho công tác quản lý, hiệu quả đầu tư thấp.
Theo quy định của luật Bảo vệ môi trường, luật Ngân sách và các nghị định, thông tư hướng dẫn thì các bộ, ngành, địa phương phải sử dụng, quản lý khoản chi 1% ngân sách nói trên đúng mục đích, đúng tỷ lệ trong tổng chi từ ngân sách (15% từ Trung ương và 85% từ ngân sách địa phương). Nhưng kết quả kiểm toán nguồn chi này từ năm 2006 – 2008 cho thấy, bình quân hàng năm, tại tất cả các đơn vị được kiểm toán, mới chỉ có 0,6% tổng chi ngân sách được thực hiện. Do đó, nói thiếu kinh phí cho bảo vệ môi trường là điều cần phải xem lại. Hơn thế nữa, việc sử dụng nguồn kinh phí đã được xuất chi là vô cùng tuỳ tiện ở nhiều nơi, có những nơi chi cho những việc không dính dáng gì đến yêu cầu bảo vệ môi trường. Ví dụ như tỉnh Đồng Nai nguồn thu phí bảo vệ môi trường được để lại để mua… ôtô (hết 497 triệu đồng). Ở chi cục Bảo vệ môi trường, TP.HCM, KTNN xác định là cơ quan này lấy kinh phí tiết kiệm (từ nguồn trên) bổ sung thu nhập sai quy định số tiền 586,6 triệu đồng. Các khoản kinh phí được sử dụng sai mục đích, chi sai chế độ, chi quá tay, chi cho những đơn vị không đủ điều kiện nhận… là rất lớn. Số tiền mà KTNN sơ bộ xác định ở các đơn vị được kiểm tra cũng đã lên đến gần 20 tỉ đồng. Rất lạ là trong số tiền sai phạm dạng này, cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong quản lý nhà nước về môi trường là bộ Tài nguyên và môi trường cũng chiếm tới 19 tỉ đồng. Tỉnh Thanh Hoá chiếm 0,85 tỉ đồng. Các bộ, ngành, địa phương dùng tiền chi cho môi trường để mua sắm tài sản, chi thường xuyên với số lượng lớn bao gồm: tỉnh Khánh Hoà 25,58 tỉ đồng; Hà Nội 1,74 tỉ đồng; bộ Y tế 389 tỉ; Đồng Nai 132,4 tỉ đồng…Các khoản chi sai đơn giá, chi khống, vượt khối lượng thi công cho các dự án môi trường cũng rất nhiều. Tính sơ bộ là trên 30,1 tỉ đồng. Trong số này, TP.HCM chi 26,27 tỉ đồng, Hà Nội 168,2 triệu đồng, Bình Dương 1,86 tỉ đồng… Các khoản chi chưa đủ điều kiện đã được đưa vào quyết toán cũng rất lớn: ngay cơ quan tổng cục Môi trường, bộ Tài nguyên và môi trường cũng chi sai 4,2 tỉ đồng; công ty Môi trường và công trình đô thị Thanh Hoá chi sai 2,9 tỉ đồng…
Có những việc làm khó tin như sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM dùng tiền bồi thường sự cố tràn dầu (10,9 tỉ đồng) gửi vào ngân hàng, hưởng lãi suất không kỳ hạn (tính đến 31.12.2008 cả lãi và gốc là 12,56 tỉ đồng) thay vì nộp ngân sách. Tỉnh Quảng Nam cũng không nộp ngân sách số tiền mua tài sản còn thừa hàng trăm triệu đồng… Việc không nộp kịp thời các khoản thu được từ việc thu phí môi trường hay tiền phạt lẽ ra phải nộp ngân sách mà lại để chi tiêu bất hợp pháp có thể nói là dạng sai phạm cần phải xử lý mạnh trong khi ngân sách còn phải đi vay để đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường.
Sẵn tiền ngân sách chi cho môi trường, có nơi cho cả những nhà thầu yếu kém về năng lực thi công. Ví dụ như tại TP.HCM, qua kiểm tra 3/4 gói thầu tại khu quản lý giao thông số 1 thuộc sở Giao thông vận tải, người ta thấy hồ sơ dự thầu của nhiều nhà thầu đã không đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính, thiết bị thi công nhưng vẫn được chọn lựa, được chi tiền để nạo vét các kênh, rạch: rạch Ông Du, rạch Cầu Cụt, rạch Sông Chùa 2 năm 2008. KTNN còn phát hiện nguồn kinh phí dành cho môi trường được dùng tạm ứng cho công ty TNHH Chất thải rắn Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) để đầu tư xây dựng dự án Bãi xử lý chất thải rắn Đa Phước, trái với quy định của luật Ngân sách số tiền lên tới 9 triệu USD.
Một vấn đề lớn cũng rất đáng nói là trong khi kêu ca thiếu kinh phí chi cho bảo vệ môi trường thì nhiều địa phương lại rất kém trong việc tổ chức thu phí môi trường. Tính cho đến tháng 4.2009, chưa hề có một tỉnh, thành phố nào thực hiện thu phí bảo vệ môi trường với chất thải rắn theo quy định tại nghị định số 174/2007/NĐ-CP. Hà Nội và TP.HCM còn chưa triển khai thu phí môi trường với khai thác khoáng sản, Bình Dương chưa thu phí nước thải sinh hoạt. Thu phí nước thải công nghiệp là một nguồn thu lớn nhưng hầu hết các địa phương đều chỉ thu theo đơn vị tự kê khai mà không nắm được số lượng thực tế phải thu. Cơ quan chức năng đưa ra thống kê: ở TP.HCM, số đơn vị chưa được quản lý về môi trường tính đến năm 2008 chiếm 34%, Nghệ An: 55,6%... Do sự dễ dãi ấy mà các đơn vị, doanh nghiệp nợ phí môi trường ngày càng lớn. Như TP.HCM, năm 2006, số doanh nghiệp nợ phí chiếm 28,7%, năm 2007 chiếm 36%, năm 2008 chiếm 43,3%... với số nợ hàng tỉ đồng. Ở Thanh Hoá, nhiều nhà máy hoá chất lớn không hề nộp phí bảo vệ môi trường trong nhiều năm nhưng chính quyền cũng không có biện pháp xử lý.
Sự yếu kém trong việc sử dụng, quản lý kinh phí cho môi trường còn được giải thích do một số chính sách, quy định hiện nay rất bất hợp lý, như nghị định 81/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính để bảo vệ môi trường có những mức phạt quá thấp như phạt về hành vi xả chất thải có chất phóng xạ chỉ có mức phạt cao nhất là 70 triệu đồng…
Chỉ qua một cuộc kiểm toán kéo dài chưa đầy hai tháng, toàn bộ thực trạng ô nhiễm môi trường đã có một lời giải thích hợp lý hơn. Với những gì KTNN phát hiện ra, có thể thấy môi trường ở nhiều nơi đã có thể tốt hơn rất nhiều nếu người ta biết sử dụng hết nguồn kinh phí cho môi trường dù nó còn được coi là hạn hẹp; nếu người ta biết thu đủ và sử dụng đúng mục đích…
Phạm Anh / ảnh minh họa : Ashui.com
>>
- Ứng phó với biến đổi khí hậu: trách nhiệm của cả cộng đồng
- Làng nghề Đông Mai ô nhiễm môi trường trầm trọng
- Môi trường thế giới đón chào 2010
- Khí thải giao thông hạn chế sự phát triển bền vững
- COP15: Chúng ta đã phung phí suốt 20 năm
- Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen: Hy vọng và chờ đợi
- Biến đổi khí hậu và thủy điện
- Đầu tư cho năng lượng sạch tăng chưa từng thấy
- Khu dự trữ sinh quyển thế giới kêu cứu
- Cung cấp nước sạch: Cách tiếp cận mới