Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Tâm và tầm, được và mất

Tâm và tầm, được và mất

Viết email In

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại rộ lên những ý kiến trái ngược nhau giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường và phản ứng về việc xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Sau những sự cố thủy điện ở một số nơi vận hành xả nước không theo quy trình gây các tác hại về kinh tế xã hội ở vùng hạ lưu đập thì bây giờ dư luận có vẻ thận trọng và “cảnh giác” khi nghe tin đâu đó chuẩn bị khởi công dự án thủy điện nhất là đó lại là công trình trọng điểm quốc gia cần xin ý kiến của Quốc hội.

Tầm nhìn của quốc gia



Một số quốc gia ngày nay có nhận thức rất cao về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, đây là vấn đề "sống còn" chứ không phải chỉ là phương án “kinh tế kỹ thuật”. Với trình độ phát triển khoa học công nghệ hàng đầu tại các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức v.v. họ vẫn muốn nhập khẩu xi măng, dầu hỏa, khoáng sản hơn là khai thác tài nguyên từ chính quốc gia họ. Có chuyên gia cho rằng  với trình độ khoa học kỹ thuật của con người hiện nay, khi khai thác dầu khí trên biển thì tỉ lệ thất thoát lên tới 50-70%!  Có thể đây chính là lý do các nước phát triển rất "khôn" khi chọn phương án "mua" thay cho "khai thác" trong bối cảnh hiện tại. Họ để dành các tài nguyên này cho thế hệ con cháu sau này, với trình độ khoa học công nghệ cao hơn, khai thác sẽ hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy tỉ lệ thất thoát khi khai thác khoáng sản, dầu khí ở ta rất cao. Nguy cơ một khi khai thác hết, bán hết, chúng ta sẽ phải mua lại, nhập khẩu lại các khoáng sản này với giá cao hơn nhiều giá xuất khẩu hiện nay!

Tình trạng giao đất rừng, khai thác rừng tràn lan dẫn đến tàn phá thiên nhiên, ảnh hưởng đến đời sống con người đã được chính thiên nhiên cảnh báo bằng các dấu hiệu thiên tai, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra dồn dập, càng lúc càng nguy hiểm.

Trách nhiệm chủ đầu tư và cơ quan tư vấn

Xưa nay, ở Việt Nam xảy ra tình trạng hầu hết các chủ đầu tư dự án không thực sự quan tâm đến đánh giá tác động môi trường (ĐTM), họ coi đó chỉ như là thủ tục hành chính, nên thường khoán trắng cho tư vấn miễn làm sao có được quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM ở cấp có thẩm quyền.

Về tư vấn, chất lượng của báo cáo ĐTM cũng khá phổ biến tình trạng “cắt dán” bất cẩn trong biên tập báo cáo do phụ thuộc vào nguồn kinh phí, năng lực và thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Dù có biện minh bằng bất cứ nguyên nhân nào, các báo cáo thuộc dạng này đều đáng phải bị phê phán, lên án.



Lỗ hổng trong văn bản pháp luật

Theo Nghị quyết của Quốc hội số 49/2010/QH12, trong đó theo tiêu chí nêu tại khoản 1b, điều 3 thì dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thuộc dự án, công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xin quyết định chủ trương đầu tư. Về nguyên tắc, để đạt được sự bền vững trong thực tế, mọi quyết định về phát triển (từ quyết định về chủ trương đầu tư cho đến quyết định về dự án đầu tư cụ thể) đều phải dựa trên cơ sở kết quả của các bộ môn về đánh giá tác động (tác động môi trường, tác động xã hội, tác động sức khỏe và tác động kinh tế). Theo quy trình làm việc hiện hành của Bộ Tài nguyên và môi trường, bộ chỉ xem xét, thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của các dự án này sau khi Quốc hội đã có chủ trường cho phép đầu tư. Vậy câu hỏi được đặt ra là: Nếu chưa có kết quả thẩm định về tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền thì liệu Quốc hội lấy đâu ra căn cứ về môi trường để ra chủ trương?

Liệu đây có phải là câu chuyện tương tự như chuyện con gà và quả trứng đã từng xảy ra trước đây ở Hà Nội liên quan đến quy định về nhập hộ khẩu và tuyển dụng biên chế đối với cán bộ nhà nước? Thời đó, cơ quan có thẩm quyền về hộ khẩu đòi hỏi đương sự phải có biên chế là cán bộ nhà nước thì mới xem xét đến việc cho nhập hộ khẩu, ngược lại, cơ quan tiếp nhận biên chế lại đòi hỏi phải có hộ khẩu thì mới xem xét đến việc tiếp nhận biên chế!?  Theo quan điểm của chúng tôi, đây là một sự bất hợp lý trong thủ tục hành chính và là lỗ hổng đáng nói trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về môi trường.

Một điểm đáng nói nữa là, hiện tại ở Việt Nam còn thiếu hẳn các quy định pháp luật về quy hoạch môi trường và quy hoạch bảo vệ môi trường. Nếu được làm tốt, quy hoạch môi trường sẽ là căn cứ hữu ích cho việc xây dựng các quy hoạch phát triển cũng như các dự án đầu tư để đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội  và  bảo vệ môi trường; quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ là cơ sở để bảo đảm cho các dự án đầu tư, các cơ sở đang hoạt động đạt được sự bền vững trong thực tế.



Nhìn lại quy hoạch điện VII

Quy hoạch điện VII, đang được trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt, thì chủ yếu rà soát lại tiến độ thực hiện và tình hình triển khai xây dựng các nhà máy thủy điện giai đoạn từ năm 2010-2015 vì hầu hết các thủy điện lớn và vừa công suất từ 100 MW trở lên đều đã được đưa vào lịch xây dựng từ năm 2006-2015. Trong giai đoạn 2016-2020 chỉ còn thủy điện Lai Châu (1.200 MW), Đồng Nai 6, các nhà máy thủy điện tích năng và các nhà máy thủy điện tiềm năng ở Lào và Campuchia. Do tiến độ của nhiều nhà máy nhiệt điện bị chậm nên tỉ trọng thủy điện tăng từ 37,6% năm 2009 lên hơn 40% năm 2010 và dự kiến tiếp tục chiếm hơn 40% giai đoạn từ năm 2011-2013. Dự kiến tỉ trọng thủy  điện sẽ giảm dần và còn 25% vào năm 2020 và 20% vào năm 2025.

Quy hoạch ngành điện cần có một kế hoạch tổng thể quốc gia - master plan và các phương án thay thế  tránh các trường hợp lợi dụng chủ trương chính sách nhà nước của các nhóm lợi ích để trục lợi. Ví dụ: lợi dụng phát triển sân golf để giải tỏa đền bù giá rẻ và chiếm đất của dân, sau đó bán lại biệt thự, nhà phố giá cao. Lợi dụng làm thủy điện hay trồng rừng, khai thác rừng để chặt cây, khai thác gỗ quý, chiếm dụng đất rừng để kinh doanh du lịch, khu nghỉ dưỡng v.v..

Điều chỉnh Quy hoạch bậc thang thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai đã được Bộ Công thương phê duyệt thì bậc thang thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 8 được thay thế bằng các bậc thang Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A, Tà Lài, Phú Tân 1, Phú Tân 2, Thanh Sơn và Ngọc Định. Các thủy điện này đều là loại thủy điện đập dâng điều tiết ngày có dung tích hồ chứa rất nhỏ so với hai thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 8 trong quy hoạch trước đây. Việc quy hoạch các công trình bậc thang thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai được nghiên cứu trên quan điểm sử dụng tổng hợp nguồn nước xem nguồn nước và tiềm năng thủy điện là tài nguyên của quốc gia. Các hồ chứa thủy điện ngoài việc khai thác tài nguyên thủy năng còn tham gia điều tiết nguồn nước cho hạ lưu để cấp nước cho các mục đích sử dụng khác.

Khai thác thủy điện rõ ràng là ngoài lợi nhuận đem lại từ điện cũng đã gây ra một số tác động tiêu cực rất rõ là mất đất, mất rừng do làm hồ và một số hệ quả xấu khác như ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường. Việc chia nhỏ công trình thủy điện Đồng Nai 6 thành hai bậc vừa có sản lượng điện tốt hơn vừa giảm bớt ngập lụt (mất mát) so với trước đây. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vị trí xây dựng rất đặc thù và phải xem xét, đánh giá một cách cẩn trọng, khoa học ảnh hưởng đến việc gây ngập trong tổng số 372, 23 ha diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp sẽ phải sử dụng cho dự án, trong đó có 136,98 ha thuộc vườn quốc gia Cát Tiên là vấn đề rất nhạy cảm, gây ra các phản ứng trong xã hội là điều dễ hiểu.



Lập hội đồng thẩm định

Cần phải thành lập Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để xem xét, đánh giá  báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Nếu ĐTM chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là chưa đánh giá nghiêm túc, đầy đủ đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của vườn quốc gia Cát Tiên (tiêu chí buộc dự án phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư) thì đó là lỗi của chủ đầu tư (tập đoàn Đức Long) và cơ quan tư vấn và nhất định phải yêu cầu họ bổ sung, thậm chí phải làm lại, chứ không thể chờ Quốc hội cho chủ trương đầu tư thì mới lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM! Dĩ nhiên, để xem xét đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, đòi hỏi phải tiến hành khảo sát, phân tích và đánh giá về hiện trạng môi trường, dự báo tác động của nó đến toàn bộ hệ thống môi trường tại khu đất chuyển đổi và khu vực có liên quan, trong đó các yếu tố thuộc sinh quyển và thủy quyển là rất đáng quan tâm do tính dễ biến đổi và tính nhạy cảm đặc biệt của chúng.

Cách tốt nhất, khoa học và thiết thực nhất là chủ dự án và cơ quan tư vấn do chủ dự án thuê phải thực hiện đầy đủ các đánh giá tác động về môi trường, tác động về kinh tế, tác động về xã hội và tác động về sức khỏe để làm cơ sở cho các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương đầu tư cũng như về dự án đầu tư. Trên thế  giới, người ta cũng phải làm như vậy. Nhưng rất đáng tiếc rằng, hiện tại ở Việt Nam chưa có quy định riêng về đánh giá tác động xã hội, tác động sức khỏe và tác động kinh tế, mà vẫn còn nhầm lẫn rằng ĐTM có nhiệm vụ giải quyết hết các khía cạnh tác động này! Mặt khác, thủy điện trên sông Đồng Nai là hệ thống bậc thang, do đó, việc xem xét, đánh giá (dự báo) tác động của từng dự án cụ thể cần phải dựa trên cơ sở và gắn kết chặt chẽ với kết quả của việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho quy hoạch phát triển thủy điện của cả hệ thống bậc thang này.

Do dân số ngày càng tăng, nhu cầu phát triển kinh tế, con người phải tác động vào tự nhiên sẽ dẫn đến được và mất. Cái chính là làm sao cái được là lớn nhất và cái mất là ít nhất, đây là bài toán đánh đổi phải được luận chứng một cách khách quan và khoa học vì liên quan đến cả chính trị, khoa học, kinh tế xã hội và môi trường. Dĩ nhiên, cái khó bó cái khôn và cũng phải biết hi sinh cái này đổi lấy cơ hội khác. Vấn đề là các mức độ ưu tiên khác nhau, cái nào quan trọng, điều gì cần hơn, quyền lợi của ai sẽ là tối thượng trong bài toán trade-off (đánh đổi) này?  Các nhà hoạch định chính sách cần rà soát, đánh giá, xem xét, làm rõ quan điểm chiến lược  phát triển trong bảo vệ hay bảo vệ trong phát triển.  Việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang là một thử thách cái tâm, cái tầm của nhà quy hoạch và đòi hỏi sự cân nhắc thận trọng ở các cấp có thẩm quyền giữa cái được, và cái mất khi chúng ta đang phấn đấu cho sự phát triển bền vững.

TS Tô Văn Trường - Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo