Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Tham số nông thôn trong bài toán giao thông đô thị

Tham số nông thôn trong bài toán giao thông đô thị

Viết email In

Chưa năm nào mà chuyện tắc đường, kẹt xe ở các thành phố lớn lại được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn chính thức như năm nay. Lý do chính có lẽ là do sự việc đang ngày càng trở nên đáng quan ngại.

Thiệt hại mà xã hội đã và đang phải gánh chịu là rõ ràng: chừng đó xe cộ, xăng dầu không được dùng để vận chuyển theo lộ trình bình thường trên những tuyến đường thông thoáng, mà chỉ đứng một chỗ và tiêu hao dần; chưa kể sự chậm trễ trong di chuyển khiến cho nhiều hoạt động giao tiếp, đối tác làm ăn bị trì hoãn, thậm chí bị huỷ bỏ. Cứ để cho năng lượng xã hội bị lãng phí trong các vụ tắc đường kinh niên kiểu này, thì còn lâu Việt Nam mới đuổi kịp các nước.


Ở nước ta hiện nay, sự gia tăng dân số cơ học có nguyên nhân chủ yếu là trào lưu di cư tự phát từ nông thôn ra thành thị (Ảnh minh hoạ: Từ An) 

Một trong những biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng tắc nghẽn giao thông đô thị ở Việt Nam là cải thiện chất lượng cuộc sống ở vùng nông thôn. 
Sự bức xúc của xã hội dường như đã lên cao trào, đến nỗi Quốc hội đã phải dành hẳn một khoảng thời gian thích hợp trong kỳ họp cuối năm để đưa vấn để giải toả ách tắc giao thông đô thị ra phân tích, thảo luận. Có người còn nói rằng Quốc hội có lỗi trong việc để cho căn bệnh trở nên trầm kha, do lâu nay đã lơi lỏng trong hoạt động giám sát.

Thực ra không chỉ ở các đô thị lớn của Việt Nam mới có cảnh tắc tị giao thông công cộng thường xuyên. Bất kỳ nơi nào mà đất chật, người đông cũng đều chịu chung cảnh ngộ, có thể chỉ khác biệt ở mức độ trầm trọng. Bởi suy cho cùng, có một quy luật hiển nhiên: nếu tốc độ phát triển, mở rộng đường sá không theo kịp tốc độ gia tăng số cư dân, thì không gian giao thông sẽ trở nên chật chội hơn, việc đi lại sẽ khó khăn hơn. Có những nơi người ta đã giải quyết được vấn đề một cách hợp lý, nhờ đó đã khắc phục được hoặc ít nhất giảm thiểu được vấn nạn này; còn mình thì chưa…

Về mặt lý thuyết, có hai cách để lựa chọn chìa khoá của giải pháp cho bài toán giao thông đô thị: tập trung đầu tư cho việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, bằng cách xây thêm đường, cầu vượt…; hoặc, giảm tốc độ gia tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn để qua đó giảm nhu cầu đi lại. Cách nào cũng đòi hỏi những khoản đầu tư lớn của Nhà nước, xã hội. Thực ra, đất nước, dù chưa phải giàu có gì, không hẳn không đủ sức chi trả cho các mục tiêu này. Vấn đề là việc thực hiện giải pháp đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành (giao thông, xây dựng, công thương, công an…), nghĩa là cần có vai trò của một cơ quan đứng ra điều hoà, phối hợp, chịu trách nhiệm về tổng thể. Cho đến nay, một cơ quan như thế chưa xuất hiện.

Vả lại, theo kinh nghiệm của các xứ sở phát triển, việc xây dựng trong nội ô thành phố nhiều con đường chất chồng lên nhau thành bốn, năm tầng bêtông uốn lượn quanh co trông rất hoành tráng như ở Bắc Kinh hay Quảng Châu (Trung Quốc) không phải là giải pháp tích cực. Cách tốt nhất là làm thế nào để người ta có thể làm việc, sinh hoạt, nói chung là sống cuộc sống bình thường mà không cần đi vào nội thành. Xây dựng các đô thị vệ tinh quanh các thành phố lớn thường được cho là một trong những giải pháp ưu việt theo cách này, đã được áp dụng thành công ở nhiều nước phát triển.

Ở nước ta hiện nay, sự gia tăng dân số cơ học có nguyên nhân chủ yếu là trào lưu di cư tự phát từ nông thôn ra thành thị. Hầu hết người nhập cư gốc nhà quê, về phần mình, vào thành phố với mong muốn có công ăn việc làm, có tiền để tự nuôi thân, đồng thời để giúp đỡ gia đình ở quê nhà. Người dân quê ở Việt Nam rất gắn bó với cội nguồn; việc họ lặn lội đến chốn phồn hoa đô hội để mưu sinh hẳn vì ở nơi chôn nhau cắt rốn, họ bị bế tắc trước bài toán sinh kế. Một cách hợp lý, nếu giải được bài toán ấy ngay tại nơi đó, thì nhiều khả năng họ sẽ không ra đi, thành phố sẽ không đông người… và rốt cuộc nạn kẹt xe, tắc đường triền miên ở đô thị sẽ không xảy ra.

Nói khác đi, một trong những biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng tắc nghẽn giao thông đô thị ở Việt Nam là cải thiện chất lượng cuộc sống ở vùng nông thôn. Cụ thể, phải có chính sách đầu tư xây dựng đường, cầu phục vụ đi lại ở vùng quê cho tiện lợi; xây nhà ở khang trang rồi bán trả góp cho nông dân; phải làm thế nào để người dân quê có điều kiện lao động bền vững, cho thu nhập khả quan và ổn định để không chỉ có thể ăn tiêu, thanh toán các khoản mua trả góp, mà còn tích luỹ; các dịch vụ văn hoá, y tế, giáo dục phải được cung ứng tại chỗ với chất lượng chấp nhận được: có tiền, bà con sẽ sẵn lòng chi trả để được thụ hưởng, chẳng tội gì đi xa.

Nhưng việc làm nào cho nhà nông thu nhập khả quan và bền vững? Kinh nghiệm của Hà Lan, một nước phát triển dựa vào nông nghiệp, cho thấy người nông dân có thể làm giàu bằng chính công việc trồng trọt, canh tác, chăn nuôi mà họ đã quen. Điểm khác biệt chủ yếu so với anh lực điền ít học, mộc mạc, vụng về của ngày xưa là nhà nông ngày nay, nhờ các chương trình khuyến nông và chuyển giao tri thức, công nghệ, huấn luyện kỹ năng mềm và năng lực quản trị kinh doanh, đã trở nên thông thái, năng động, hoạt bát và khôn khéo. Làm chủ các tri thức khoa học ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, người nông dân hiện đại làm ra được nông phẩm có hàm lượng chất xám cao và giá trị kinh tế cũng cao; được trang bị kiến thức kinh tế và được huấn luyện chu đáo về các kỹ năng cần thiết, nhà nông trở thành doanh nhân nông nghiệp, biết tổ chức công việc làm ăn một cách khoa học, hợp lý và có hiệu quả.

Tất cả những điều đó có thể tốn còn ít chi phí xã hội hơn là việc đầu tư mở rộng đường, xây đường mới, cầu vượt nhiều tầng ở các thành phố hoặc xây các đô thị vệ tinh chung quanh. Vả lại, hiện đại hoá nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng, đã có hẳn một nghị quyết được soạn riêng để nói về chuyện này. Vấn đề còn lại là có chính sách công, khung pháp lý và khoản ngân sách cần thiết để hiện thực hoá chủ trương ấy.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo