Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Báo chí và sân golf - Khi tình cảm xã hội thay thế cho sự kiện và phân tích khách quan

Báo chí và sân golf - Khi tình cảm xã hội thay thế cho sự kiện và phân tích khách quan

Viết email In

Phát triển sân golf trong những năm gần đây nổi bật trên báo chí như là một sự phát triển mang tính chất đe dọa đến môi trường kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Có nhiều lý do để giải thích, bài viết sau phân tích sự thể hiện của báo chí thông qua phân tích từ ngữ thường sử dụng và thử tìm cách lý giải hiện tượng trên.

 

 

Tác động của xây dựng sân golf

Bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ 20, golf trở nên một môn thể thao phổ biến hơn trên thế giới khi thu nhập trên đầu người ở tăng ở nhiều quốc gia châu Á. Một thống kê thực hiện năm 2005 cho thấy Nhật Bản có 1700 sân, ở Mỹ có 18000 sân, ở Singapore thì cứ 35 cây số vuông diện tích đảo thì có 1 sân. Riêng ở Việt Nam, cùng với sự gia tăng thu nhập và đầu tư, chúng ta cũng thấy diện tích sân golf tăng lên không ngừng. Theo báo cáo của Bộ Kế Họach và Đầu tư được một số báo đăng lại vào ngày 3 tháng 8 năm 2011, số lượng sân golf 18 lỗ và 36 lỗ sẽ đạt 115 vào năm 2020. Hiện tại con số này là 87 sân với diện tích trung bình là 112 hecta/sân. 28 sân dự kiến sẽ thêm 3.812 hecta đất, nâng tổng diện tích đất dành cho sân golf lên hơn 13.500 hecta vào năm 2020.

Đìều đáng chú ý là các sân golf hiện được xây dựng ở 34 tỉnh thành bao gồm các thành phố lớn nhu thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và cả tại những tỉnh nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đã có lo lắng rằng đất được quy hoạch sân golf sẽ ảnh hưởng dự trữ đất nông nghiệp. Tuy nhiên, với sự điều chỉnh quy hoạch sân golf, các sân được xây trong tương lai sẽ không thuộc khu vực trồng lúa 2 vụ. Tuy nhiên có vẻ như việc xây dựng sân golf tại Việt Nam gặp một số vấn đề xã hội khác. Theo nhiều bài báo, quá trình chuyển đổi trên tác động lớn tới đời sống của nguời nông dân trong khu vực trực tiếp bị ảnh hưởng. Người nông dân khi giao đất lại cho nhà đầu tư xây dựng sân golf, họ chỉ còn chọn lựa là phải đi tìm việc nơi khác nếu không nằm trong một số ít may mắn được nhà đầu tư mướn làm việc tại sân golf. Họ còn phải có quyết định khôn ngoan trong việc chi tiêu số tiền bồi thường và thực tế cho thấy trong nhìều trường hợp thì người nông dân không sử dụng số tiền bồi thường theo cách đem lại lợi ích kinh tế lớn nhất và lâu dài. Họ nhanh chóng tiêu hết số tiền bồi thường và sau đó phải vất vả mưu sinh bằng cách đi làm thuê nơi khác.

Ngoài tác động của việc xây dựng sân golf đối với đời sống người nông dân bị thu hồi đất, sân golf được xem là một nguồn gây ô nhiễm đối với môi trường đất và nước trong khu vực. Lý do là để duy trì họat động, nhất là ở một khu vực nhiệt đới thì sân golf cần rất nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và diệt trừ nấm mốc. Và nếu không có các biện pháp giám sát và xử lý thì số lượng các chất độc hại này sẽ xâm nhập mạch nước ngầm và làm ô nhiễm cả nước ngầm và nước bề mặt. Dưới tác động của phân bón và việc xây dựng, đất của sân golf cũng sẽ dần dần mất đi sự màu mỡ vốn có của nó và trở nên “chai”, dẫn tới hệ lụy tất yếu là gia tăng lượng hóa chất cần thiết để duy trì sức sống sinh học cho sân golf với những vạt cỏ xanh ngút ngàn. Gần đây, xuất hiện một chu kỳ kinh doanh sân golf với việc hình thành, sau đó là vận hành không hiệu quả hoặc không vận hành, và xuất hiện dự án bất động sản. Ngoài ra cũng đã có những dự án sân golf đi kèm bất động sản đã ra đời làm dấy lên sự nghi kỵ đối với kinh doanh sân golf.

Tuy nhiên, ngoài các vấn đề đã nói ở trên, sân golf mang lại một số lợi ích nhất định cho nền kinh tế địa phương và nền kinh tế quốc gia, và một số vấn đề môi trường có thể được khắc phục phần nào. Trước tiên là nguồn thuế thu từ họat động của sân golf như thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân,các nguồn thu gián tiếp qua các họat động kinh tế hưởng lợi từ họat động của sân golf ví dụ các dịch vụ cho thuê phòng, khách sạn, nhà hàng, các cửa hàng bán đồ thể thao và đồ lưu niệm. Dĩ nhiên không phải lúc nào các hiệu quả kinh tế cũng được như mong đợi đối với cả chính quyền khi quyết định giao đất cho nhà đầu tư và cả dành cho nhà đầu tư. Đã có nhiều sân golf tuyên bố phá sản tại Nhật Bản sau một thời gian kinh doanh không hiệu quả. Riêng ở Việt Nam, một số sân golf sau một thời gian kinh doanh không hiệu quả thì cũng xin chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở. Do vậy việc sân golf có đem lại hiệu quả kinh tế đối với nền kinh tế vùng hoặc quốc gia hay không là câu hỏi đòi hỏi một số tính toán phân tích cụ thể. 

Thực tế cho thấy những vấn đề về môi trường và kinh tế của sân golf có thể mang tính tích cực và tiêu cực. Cũng có những nền kinh tế địa phương được hưởng lợi lớn nhờ sân golf. Báo cáo của chính quyền tiểu bang South Carolina (Hoa Kỳ) năm 2007 cho thấy việc kinh doanh sân golf đem lại nguồn thu nhập tới 276 triệu đô la tiền thuế, và tạo ra 33.500 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Một số báo cáo và nghiên cứu được thực hiện cho thấy có những biện pháp kỹ thuật nhằm làm cho việc phát triển sân golf trở nên có trách nhiệm hơn với môi trường. Đặc biệt đáng chú ý là nghiên cứu cho thấy sân golf có thể được thiết kế làm một vùng đệm bảo vệ những khu vực nhạy cảm về môi trường và những khu vực phát triển dân cư. Tuy nhiên những biện pháp nói trên cần phải được kiểm chứng thêm và nghiên cứu phương pháp ứng dụng vào các địa phương cụ thể trước khi có thể được phổ biến rộng rãi như là một phương pháp tối ưu tại Việt Nam.

 

Phản ánh của truyền thông Việt Nam về sân golf 

Trên thực tế tại Việt Nam, có lẽ khi báo chí mô tả và đề cập về sân golf thì khái niệm sân golf thường được gắn với một tình cảm ít nhiều mang tính tiêu cực. Trong vai trò phục vụ xã hội, thường thỉ chỉ dừng lại ở một vài bài hay một vài tờ báo gắn tình cảm vào bài của mình và bên cạnh đó cũng sẽ có những bài phân tích khách quan hơn. Tuy nhiên trong trường hợp khi kênh truyền thông chỉ có tính chất này thì nó sẽ góp phần tạo ra một định kiến trong cách xã hội và chính quyền đánh giá một vấn đề cần tính khách quan khi quyết định cho phép hay không cho phép xây dựng sân golf.

Liệu có hay không có tình cảm tiêu cực của báo chí Việt Nam đối với xây dựng sân golf? Để trả lời câu hỏi này, một nghiên cứu nhỏ được thực hiện thông qua công cụ tìm kiếm của Google™. Bằng cách tìm những từ/cụm từ được báo chí Việt Nam sử dụng kèm với cụm từ “sân golf” trong những bài báo đăng tải trên các báo điện tử từ trước đến hiện tại, chúng ta có thể tính được tần suất xuất hiện của các từ này. Thông qua so sánh những tần suất thì chúng ta có thể phát hiện những khuynh hướng cụ thể để xác định xem có hay không có một khuynh hướng tiêu cực.

Các báo được sử dụng cho nghiên cứu có thứ hạng phổ biến tại Việt Nam do tổ chức chuyên xếp hạng website toàn cầu Alexa (www.alexa.com) thực hiện.  Các thứ hạng này được liệt kê trong Bảng 1 (thực hiện tháng 8/2011) dưới đây:

Báo

Địa chỉ web

Xếp hạng do Alexa thực hiện trong phạm vi Vietnam[1]

VnExpress

vnexpress.net

3

Dân Trí

dantri.com.vn

9

Vietnamnet

vietnamnet.vn

13

Tuổi Trẻ

tuoitre.vn

23

Tiền Phong

tienphong.vn

101

Người Lao Động

nld.com.vn

113

Lao Động

laodong.com.vn

126

Sài Gòn Giải Phóng

sggp.org.vn

559


Các kết quả tìm kiếm của Google™ được ghi nhận dưới đây theo hình thức con số kết quả tìm kiếm (Bảng 2) và tỉ lệ phần trăm trên tổng số kết quả tìm kiếm chỉ với cụm từ “sân golf” (Bảng 3) cho từng tờ báo điện tử được chọn.

Bảng 2 - Số lượng kết quả tìm kiếm kết hợp giữa “sân golf” và một trong các cụm từ/từ khóa khác:
(thực hiện tháng 8/2011)

 

 

“sân golf” VÀ “…”

sân golf

tác hại

tác động tiêu cực

có hại

tác động kinh tế

nghiên cứu kinh tế

Người nghèo

tuoitre.vn

17,400

90

55

27

0 *

84

1680

vietnamnet.vn

4,110

50

0

43

1

1 *

81

tienphong.vn

1,470

6

5

0 *

0

0 *

80

vnexpress.net

7,060

20

3*

0*

0 *

2 *

83

nld.com.vn

3,940

6 *

7 *

0

0 *

0

205

sggp.org.vn

1,360

3 *

4*

0

0

0 *

68

laodong.com.vn

1,870

3*

2

0 *

0

2

37

dantri.com.vn

4,870

3*

3 *

1 *

3 *

2 *

152

(*) Số lượng kết quả tìm kiếm cao hơn một chút (<10) nhưng sau khi loại bỏ các kết quả thể hiện bài báo không liên quan thì còn lại như trên.

Bảng 3 - Tỉ lệ kết quả tìm kiếm kết hợp giữa “sân golf” và một trong các cụm từ/từ khóa khác:
(thực hiện tháng 8/2011)

 

“sân golf” VÀ “…”

 

sân golf

tác hại

tác động tiêu cực

có hại

tác động kinh tế

nghiên cứu kinh tế

Người nghèo

vnexpress.net

7,060

0.28%

0.04%

0.00%

0.00%

0.03%

1.18%

dantri.com.vn

4,870

0.06%

0.06%

0.02%

0.06%

0.04%

3.12%

vietnamnet.vn

4,110

1.22%

0.00%

1.05%

0.02%

0.02%

1.97%

tuoitre.vn

17,400

0.52%

0.32%

0.16%

0.00%

0.48%

9.66%

tienphong.vn

1,470

0.41%

0.34%

0.00%

0.00%

0.00%

5.44%

nld.com.vn

3,940

0.15%

0.18%

0.00%

0.00%

0.00%

5.20%

laodong.com.vn

1,870

0.16%

0.11%

0.00%

0.00%

0.11%

1.98%

sggp.org.vn

1,360

0.22%

0.29%

0.00%

0.00%

0.00%

5.00%

Kết quả từ Bảng 2 và 3 cho thấy có một sự chênh lệch đáng kể giữa số lượng các bài báo có sử dụng cụm từ “sân golf” kết hợp với những từ mang tính chất tiêu cực như “tác hại”, “người nghèo” so với sự kết hợp mang tính chất không tiêu cực như “nghiên cứu kinh tế” hay “tác động kinh tế”.  Khuynh hướng thiên về mô tả sử dụng những từ ngữ mang tính tiêu cực đối với sân golf cho thấy báo chí đã phản ánh theo một chiều hướng cụ thể khi bàn về vấn đề sân golf.

 

Lý giải 

Có thể có nhiều cách lý giải hiện tượng trên. Một lý giải là sân golf là một sản phẩm có tính chất dành cho những người có thu nhập cao như tô phở 800 ngàn, hay xe Lexus. Tuy nhiên khác với những loại hàng hóa kia, sân golf và môn thể thao golf lại ra đời trên cơ sở lấy đất của những người nông dân, có thu nhập rất thấp và sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất. Chính vì điều này làm cho dư luận nói chung có khuynh hướng bênh vực những người thiệt thòi hơn trong quá trình phát triển kinh tế mà không nhận ra rằng đất nông nghiệp vẫn đang bị lấy để xây dựng những công trình nhà ở, mà trong đó không ít công trình nhà ở với giá rất cao. Ở đây chính xã hội đã định hình những tình cảm theo khuynh hướng nhất định, và những bài báo khi ra đời về vấn đề liên qua đã ít nhiều bị tình cảm đó của xã hội chi phối làm cho chúng mất đi giá trị phân tích và nhận định.

Khoan bàn về việc đúng sai của tình cảm này của xã hội và tác giả các bài báo, những số liệu trên có thể là một sự cảnh báo cần thiết đối với những người làm công tác quy hoạch hay phát triển kinh tế tại Việt Nam. Tình cảm là cần thiết nhưng khi xã hội trao cho những nhà chuyên môn hay những nhà chính trị một công cụ quyền lực thì áp dụng tình cảm và định kiến đối với một nhóm người trong xã hội là đi ngược lại với những nguyên tắc nghể nghiệp và kỳ vọng của xã hội.

TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan

Tiến sĩ Nguyễn Lưu Bảo Đoan hiện là Giám đốc Phòng nghiên cứu đô thị tại Đại học Quốc gia – TPHCM, đồng thời giảng dạy tại các trường Đại học Kinh tế, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, và Đại học Hoa Sen. Trước đó, TS Đoan phụ trách Chương trình Bất động sản tại Đại học Maryland (Hoa Kỳ) trong 3 năm 2007 – 2010. Ông có bằng tiến sĩ ngành Quy hoạch & Thiết kế Vùng và Đô thị, chuyên ngành phát triển kinh tế tại trường Đại học Maryland. Các nghiên cứu của ông đã được giới thiệu trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín như Urban Studies, Environmental and Planning B: Planning and Design, và Economic Development Quarterly

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo