Ashui.com

Friday
Jan 10th
Home Tương tác Phản biện Thăng Long ngàn xưa và tên gọi Thủ đô mới hôm nay

Thăng Long ngàn xưa và tên gọi Thủ đô mới hôm nay

Viết email In
…Trên thế giới không có đất nước nào mà hình dáng, truyền thuyết về cội nguồn và địa danh lại có nhiều liên hệ tới Rồng như nước Việt Nam ta…Phải chăng đây cũng là khát vọng ngàn đời, là sứ mệnh thiêng liêng cha ông đã đặt lên vai con cháu- hãy kiên cường vượt qua phong ba bão táp để hóa Rồng…

Có lẽ do một sự sắp đặt của Trời - Đất mà Tổ quốc Việt Nam của chúng ta mang hình dáng của một con Rồng đang vươn ra biển Đông. Phần đầu của Rồng là miền bắc với chiều rộng lớn hơn, đủ để thể hiện những chi tiết uy nghi như sừng, bờm và râu. Miền trung thon, hẹp là thân Rồng đang bay lượn uyển chuyển và miền nam thể hiện những khúc cuộn của Rồng nên có hình thái phình ra to hơn và kết thúc tại mũi Cà Mau có dáng dấp như mỏm đuôi Rồng đang vẫy vùng. Hoàng Sa, Trường Sa là nơi móng Rồng vươn ra làm điểm tựa giữa đại dương cuộn sóng .

Bằng trí tuệ anh minh và qua  những trải nghiệm lịch sử, các triều vua trị vì đất nước đã sớm nhận ra vị trí trung tâm đầu não của quốc gia phải chính là nơi ngự trị của mắt Rồng. Vào buổi bình minh của đất nước, năm 544  sau công nguyên, Lý Bí xưng Đế dựng nước Vạn Xuân và đã đóng đô ở khu vực Thăng Long – Hà Nội ngày nay. Ông đã cho xây dựng chùa Khai Quốc (Chùa Mở nước, sau đổi tên thành chùa Trấn Quốc ở khu vực Hồ Tây- Hà Nội). Vào mùa xuân năm Canh Tuất (1010) khi vua Lý Công Uẩn viết chiếu dời đô ông đã khẳng định giá trị phong thủy (ngày nay gọi là môn  Địa lý - Môi trường) có một không hai của vùng đất này và sau đó là người đầu tiên đặt tên Thăng Long cho kinh đô nước Việt.

Trên bản đồ Việt Nam vùng đất Thăng Long – Hà Nội nằm đúng vị trí mắt Rồng với miệng của nó mở ra nơi cửa sông Thái Bình, mũi Rồng là vùng Quảng Ninh- Hải Phòng và hàm dưới chính là vùng Thanh Hoá ngày nay. Với một góc nhìn như vậy thì cái tên Thăng Long – Rồng bay lên được đặt cho Thủ đô một nước có hình dáng đặc biệt của một con Rồng đang vươn ra biển Đông thật là phù hợp với ước nguyện xây dựng tương lai hưng thịnh và đi lên của các bậc tổ tiên và hài hòa trong mối quan hệ thiên – địa – nhân.

Lại nói thêm về chữ nhân hay yếu tố nhân hòa, trong cuộc sống thường ngày đó là lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng chống ngoại xâm và xây dựng đất nước an bình, giàu mạnh.Trong dân gian từ thuở xa xưa đã có niềm tin rằng tên hay đem lại điều tốt nên vua Lý Công Uẩn lấy tên Thăng Long để thể hiện khát vọng và ý chí vươn lên mạnh mẽ của dân tộc, chứa đựng ý niệm thiêng liêng về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên.

Chính vì vậy sau nhiều lần đổi tên như Đông Đô (1397-1407, 1428-1430), Đông Quan (1407- 1427), Đông Kinh (1430- 1789), Bắc Thành (1789- 1831) thì cái tên Thăng Long vẫn lắng đọng lại một cách thân thương và đầy tự hào trong sâu thẳm tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Còn Hà Nội đối với chúng ta cũng rất thân thuộc và trìu mến, nó có nghĩa là thành phố trong sông (chỉ con sông Hồng ngày nay), là chốn kinh kỳ trên bến dưới thuyền mà vua Minh Mạng năm 1831 khi thực hiện cải cách hành chính chia lại các tỉnh thuộc vùng Đàng Ngoài cũ đã đặt cho.

Theo đó, từ Quảng Bình trở ra được chia làm 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội, còn Thủ đô của Việt Nam lúc đó đã chuyển vào Phú Xuân – Huế. Rõ ràng là vào thời điểm năm 1831 việc đặt tên cho Hà Nội chỉ đơn thuần là đặt tên cho một tỉnh lẻ ở Đàng Ngoài, dựa trên vị trí của nó so với một dòng sông mà không mang cái khí thế long trọng và ý nghĩa thiêng liêng như khi vua Lý Công Uẩn dời đô [1]. Nhân đây tôi xin cung cấp cho các độc giả thêm một chi tiết lịch sử lý thú là bên Trung Quốc từ thời Đông Hán đã có địa danh Hà Nội. Nếu đọc lại Tam Quốc hẳn chúng ta sẽ thấy đoạn chiến lược gia Tuân Úc khuyên Tào Tháo như sau : “Xưa Cao Tổ giữ Quan Trung, Quang Vũ chiếm Hà Nội mà tạo ra cái thế rễ sâu, gốc vững mà chế ngự thiên hạ…”(Tinh hoa mưu trí trong Tam Quốc, tác giả Hoắc Vũ Giai, người dịch Nguyễn Bá Thính, các trang 61, 353, NXB Lao động, 1996).

Hiện nay được biết tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (dưới thời Tam Quốc vùng này thuộc nước Thục)  có thị tứ Hà Nội. Nằm về phía đông của Ôsaka Nhật Bản, trên đường đi Kyôtô cũng có một khu vực mang tên Kawachi có nghĩa là Hà Nội (trong sông) với cách biểu đạt bằng chữ tượng hình theo Hán tự giống như Hà Nội của Việt Nam ta. Địa danh này ra đời từ thế kỷ 7 sau công nguyên, tức là lâu đời hơn Hà Nội của chúng ta tới 1200 năm. Sự trùng hợp này được giải thích là do Nhật Bản trước kia cũng chịu ảnh hưởng cách định danh của người Trung Hoa, định vị tọa độ theo hình thế núi sông (2). Suy rộng ra thì có thể còn có nhiều địa danh Hà Nội nữa ở những vùng sông nước trong khu vực Đông Á ngày nay.

Để khơi dậy lòng tự hào dân tộc mà một đất nước láng giềng ASEAN của chúng ta đã lấy tên Singapura (tiếng địa phương là con sư tử) để đặt cho quốc gia non trẻ của mình. Trên thực tế đất nước nhỏ bé này không có sư tử sinh sống như ở châu Phi nhưng những kỳ tích trong phát triển kinh tế- xã hội của nó đã đưa đảo quốc này lên hàng sư tử hay rồng trong số các quốc gia mới trỗi dậy ở Á Châu.

Có thể nói trên thế giới không có đất nước nào mà hình dáng, truyền thuyết về cội nguồn và địa danh lại có nhiều liên hệ tới Rồng như nước Việt Nam. Nào là thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, sông Cửu Long, Hoàng Long, núi Hàm Rồng, đảo Bạch Long Vĩ, sự tích con Rồng cháu Tiên v.v…Phải chăng đây cũng là khát vọng ngàn đời, là sứ mệnh thiêng liêng mà cha ông đã đặt lên vai con cháu – hãy kiên cường vượt qua phong ba bão táp để hóa Rồng ?

Hôm nay đây sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước Việt Nam đã đạt được những đổi thay thần kỳ. Thế và lực của chúng ta không ngừng được nâng cao, nhiều người đã bắt đầu nói đến Việt Nam như một con Rồng mới của Châu Á đang vươn ra đại dương hội nhập quốc tế. Tuy nhiên trong cuộc cạnh tranh quốc tế diễn ra rất khốc liệt hiện nay, muốn con Rồng Việt Nam có thể bơi xa, bay cao nhất thiết phải có được một  cú hích, một sự đột phá quyết liệt trong nhận thức và hành động của toàn xã hội.

Nếu khiêm tốn mà nhìn nhận bản thân thì chúng ta tuy gần đây có đạt được sự tăng trưởng nhưng vẫn chưa  thoát ra khỏi sự tụt hậu so với các nước trong khu vực đang chạy đua tăng tốc, và bản thân sự tăng trưởng của chúng ta vẫn chưa bền vững. Những di sản nặng nề trong nếp nghĩ của quá khứ quan liêu bao cấp, sự thiếu hiểu biết về quản lý kinh tế - xã hội trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế cùng với gánh nặng mới của tệ tham nhũng đang  níu kéo con Rồng  muốn bay lên và thực chất là – dù vô tình hay hữu ý đang hà hơi tiếp sức cho những thế lực đen tối luôn âm mưu kéo tụt con Rồng Việt Nam xuống.

Gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài đã xuất hiện những giọng điệu hiếu chiến lỗi thời, hằn học gọi Việt Nam ta là một con “rắn nước có hình thù kỳ quái” và đe dọa sẽ dạy cho chúng ta một bài học nữa bằng cách đánh gãy đầu rắn ở đốt sống thứ 7 tức là vào vị trí Thanh Hoá. Đã đến lúc phải gióng lên một hồi trống để đánh thức lòng tự tôn dân tộc vốn sẵn có trong huyết quản mỗi người Việt Nam, đánh thức con Rồng Việt đã nhiều năm nay gối đầu trong dòng sông Hồng mang nặng phù sa để nó vươn mình bay cao trên biển cả như thời Lý, Trần mấy trăm năm lịch sử oanh liệt và rạng rỡ.

Hãy lấy lại cái khí thế hào sảng trong “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư…” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh để động viên triệu triệu con tim người Việt yêu nước trong công cuộc chấn hưng và bảo vệ Tổ quốc, quyết không để kẻ nào thấy Rồng Việt Nam vùi đầu trong sông bấy lâu nay mà dám cao giọng miệt thị chúng ta là rắn nước. 

Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội chúng ta hãy khơi dậy lòng yêu nước và chí khí quật cường vùng vẫy một phương trời của con Rồng Việt Nam bằng việc chính thức lấy lại tên Thăng Long cho Thủ đô đất Việt. Hãy nhắc nhở cho con cháu trong các sách giáo khoa rằng giang sơn gấm vóc này từ thuở̉ lập nước đã có cái thế uy nghi của một con Rồng vươn ra biển Đông chứ không chỉ giản đơn là hình chữ S trong bảng chữ cái Latinh như sau này phương Tây vẫn quen gọi một cách vô thức.

Trong quá khứ, người Việt ta chưa có truyền thống chinh phục biển như nhiều dân tộc khác cho nên chiến lược biển của Đảng đã đề ra  gần đây phải được đưa vào cuộc sống từ việc xây dựng “tâm thức” về biển cho mỗi công dân từ thuở niên thiếu rằng  kinh tế biển là không gian sinh tồn bền vững của đất nước mang hình dáng con Rồng vươn ra đại dương. Đây sẽ là một cú hích cần thiết trong nội tâm mỗi chúng ta góp phần tạo nên một khí thế vươn lên trong toàn thể trẻ già, trai gái. Đối với thế giới, khi nhắc đến Việt Nam  mọi người sẽ liên tưởng ngay tới một đất nước có thủ đô mang tên Rồng bay đầy hào khí đi lên và rất ấn tượng, mang một nét văn hóa đặc thù. Đặc điểm này sẽ có một ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.


Mô hình dự án xây dựng thành phố ven sông Hồng

Qua nhiều đổi thay của lịch sử và trong quá trình hoàn thiện tổ chức, cải cách quản lý chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về việc thay đổi địa danh các đơn vị hành chính. Thiết nghĩ, nếu có lấy tên Thăng Long làm tên giao dịch chính thức cho Thủ đô thì cũng sẽ không gây ra một sự xáo trộn bất lợi và chi phí hành chính quá cao nào. Nếu so sánh với chi phí khi chia tách hai tỉnh thì việc chỉ đổi tên một thành phố bên cạnh những chi phí bắt buộc liên quan tới việc ra thông báo với trong nước và quốc tế, làm lại con dấu, biểu mẫu giấy tờ của các cơ quan hành chính thì sẽ không đòi hỏi tới những chi phí cho việc xây dựng thêm một trung tâm hành chính với đủ các ban ngành cho một tỉnh mới được thành lập.

Ngoài ra chúng ta vẫn có thể áp dụng nhiều biện pháp quá độ uyển chuyển để việc thay đổi tên gọi không gây trở ngại và tốn kém trong các quan hệ dân sự, giao dịch hành chính và ngoại giao. Cái tên Hà Nội (3) vẫn sẽ được dùng trong cuộc sống đời thường, thơ ca, nghệ thuật cũng như chúng ta dùng tên Sài Gòn, còn tên Thăng Long sẽ là tên gọi chính thức mang địa vị, tính chất pháp lý và hành chính như đối với cái tên gọi thành phố Hồ Chí Minh. Vả chăng nay Thủ đô đã được mở rộng nhiều ra phía Hà Tây, Hòa Bình . . . cho nên ý nghĩa thực tế của cái tên Hà Nội “Thành phố trong sông” đã trở nên không còn phù hợp chí ít là về mặt không gian địa lý (4). Trong khi đó nếu lấy tên Thăng Long cho Thủ đô trên đà phát triển, tương lai bao gồm nhiều địa phương sáp nhập lại, sẽ tạo nên khí thế của sự hợp nhất, đi lên, đồng lòng và đoàn kết anh em một nhà.

Chưa bao giờ đất nước ta lại đứng trước những vận hội to lớn như hiện nay, đó là thiên thời. Đất nước Việt Nam giờ đây thống nhất, con Rồng Việt  nằm trải dài suốt một dải bên bờ biển Đông, vóc dáng của nó đã lớn hơn nhiều so với cái buổi ban đầu tổ tiên ta dựng nước, đó là địa lợi. Và một khi hơn 80 triệu trái tim và khối óc được thôi thúc vươn lên bởi hào khí Thăng Long thì yếu tố nhân hòa sẽ được cộng hưởng, tạo nên một sức bật mãnh liệt. Không còn nghi ngờ gì nữa trong thời đại Hồ Chí Minh, Rồng Việt sẽ  lại vươn cao và bay xa.


(1) Lịch sử của Thăng Long cho tới hôm nay là 998 năm với năm lần đổi tên, chỉ có 388 năm Thủ đô của đất Việt mang tên Thăng Long thôi. Đó là vào thời Lý (217 năm), Trần (171 năm) được đánh giá là một giai đoạn lịch sử phát triển thịnh vượng và bền vững nhất về kinh tế, hùng mạnh về quân sự (ba lần đánh thắng quân Nguyên-Mông) đồng thời mang đậm sắc thái riêng của Việt Nam trong phát triển Phật giáo, văn hóa nghệ thuật và y học. 12 năm mang tên Đông Đô đánh dấu sự sụp đổ của triều đại Hồ Quý Ly, 20 năm mang tên Đông Quan chỉ gợi lại nỗi ô nhục khi bị giặc Minh đô hộ tàn bạo, hủy diệt tận gốc truyền thống văn hóa của dân tộc.

Giai đoạn khá dài 354 năm mang tên Đông Kinh là một thời kỳ xen lẫn giữa vinh quang (Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh) và ô nhục (Lê Chiêu Thống dâng đất nước cho nhà Thanh). Đó cũng là thời kỳ đất nước rối ren,  mất đoàn kết và bị phân chia (các cuộc tranh giành Lê-Mạc, vua Lê- chúa Trịnh, Trịnh –Nguyễn phân tranh dẫn đến tình trạng Đàng Trong, Đàng Ngoài ). Trong giai đoạn này các triều đại thường tồn tại không quá 100 năm và không đạt được sự cường thịnh như thời Lý, Trần. 42 năm mang cái tên Bắc Thành là một giai đoạn mà các vua nhà Nguyễn muốn làm lu mờ dần đi cái tên Thăng Long trong tâm thức của tầng lớp sĩ phu và nhân dân Bắc Hà vốn ủng hộ nhà Tây Sơn.

Với  tên Hà Nội được đặt vào năm 1831 thì cho tới nay mới có 177 năm chúng ta đã bị thực dân Pháp đô hộ hơn 80 năm, Mỹ xâm lược gần 30 năm và 10 năm chiến tranh biên giới, tổng cộng là gần 2/3 thời gian đầy khó khăn, ,đất nước chưa có được bao nhiêu thời gian để phát triển. Riêng với cái tên Hà Nội một số học giả dựa vào triết lý âm – dương ngũ hành của phương Đông còn phân tích rằng tên Thủ đô (trung tâm đầu não) là Hà Nội thuộc thủy mà tên đất nước (yếu tố bao trùm) là Việt Nam thuộc hỏa, thủy- hỏa tương khắc trong cùng một hệ thống giữa những thành phần trọng yếu nhất thì sự phát triển ắt phải gian nan, khó ổn định dài lâu và rất hao tổn sức lực mới đạt được mục đích.

(2) Xem bài: “Hãy thả cho Rồng bay lên của nhà sử học Dương Trung Quốc đăng trên Lao Động cuối tuần số 15, ngày 11/4/2008

(3) Xung quanh sự kiện vua Minh Mạng đặt tên Hà Nội có nhiều ý kiến cho rằng trước đó,  từ thời  vua Gia Long –Nguyễn Ánh (năm 1805) đã ra lệnh triệt phá Hoàng Thành Thăng Long, hạ độ cao tường thành cho thấp hơn kinh đô Phú Xuân và bắt dân đọc chệch chữ Long trong Thăng Long thành Lung (trong từ lao lung ). Để sĩ phu và nhân dân Bắc Hà quên hẳn hào khí Thăng Long nên năm 1831 Minh Mạng đã đặt tên Hà Nội. Nếu ghép cái tên khai sinh là Thăng Long với tên Hà Nội (sẽ là Rồng bay trong sông) thì dễ dàng thấy hình ảnh một con Rồng đang bị giam hãm trong một dòng sông chật hẹp chứ không phải đang được bay giữa trời, biển bao la. Điều này có khác chi hổ chạy trong cũi, cá bơi trong chậu hoặc chim bay trong lồng?

Đó là một hành động có tính toán rất thâm thúy để đáp lại việc trước kia sĩ phu và nhân dân Bắc Hà đã nhiệt thành ủng hộ nhà Tây Sơn (hẳn chúng ta còn nhớ quan đại thần của Gia Long là Đặng Trần Thường đã cho đánh chết Ngô Thì Nhậm ngay trong sân Văn Miếu Quốc Tử Giám vì tư thù và tội đã đắc lực phò nhà Tây Sơn. Ngay đến hài cốt của vua Quang Trung cũng bị đày đọa thê thảm như thế nào thì mới thấy được sự hằn học của nhà Nguyễn đối với di sản của Tây Sơn). Sau này triều đình nhà Nguyễn đã dễ dàng thỏa thuận với thực dân để Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp.

(4) Riêng Hà Tây với núi Ba Vì  và  đền Thượng có một vị trí phong thủy (địa lý- môi trường) vô cùng quan trọng đối với long mạch ( và vận mệnh) của đất nước Việt Nam. Xưa kia Cao Biền sang đô hộ nước ta đã trấn yểm ở đây mà không thành. Nay, nếu vùng núi Ba Vì với những huyệt đạo linh thiêng lại bị ghép vào cái thế “ở trong sông” của địa danh Hà Nội thì e rằng câu truyện  Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh trước kia  sẽ có hồi kết ngược lại và kéo theo những hậu quả khôn lường do âm thịnh  mà dương suy. Nhưng nếu Ba Vì thuộc Thăng Long thì lại là  một sự phối hợp tuyệt hảo, tạo nên cái thế thăng tiến vững bền mà không phải thủ đô của quốc gia nào trên thế giới cũng có được. 

>> KTS Trần Thanh Vân: Vì sao nên lấy tên Thăng Long?
 

Lời bình  

 
+2 # huynh thanh giau 29/07/2013 16:23
neu noi ve ban do viet nam ma vi vua ly thai co cam hung de dat ten nuoc la Thang Long chac co le ban chua xem ve lich su cua vn qua tung doi vua!hay hoc lich su lai di!
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...