Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Phản biện Đường hầm xuyên lòng hồ Tây: Đã sáng suốt, hợp thời chưa?

Đường hầm xuyên lòng hồ Tây: Đã sáng suốt, hợp thời chưa?

Viết email In
Tin Hà Nội sẽ có cái hầm xuyên qua lòng hồ Tây làm cho nhiều người khá ngạc nhiên… đến sửng sốt, nhất là đối với những ai quan tâm đến các vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị Hà Nội. Tuy vậy, dự án chọn thời điểm nào, ai làm và làm thế nào mới là chuyện bàn tính.

>> Hà Nội sẽ có hầm đường bộ xuyên qua lòng... hồ Tây?

Khả thi nhưng có hợp thời?

Đó là ấn tượng đầu tiên khi biết tin này. Khi trải bản đồ quy hoạch giao thông HN nội ra thì thấy: Đây là con đường ngắn nhất nối trung tâm TP Hà Nội đến các đầu mối giao thông phía Bắc (Quốc lộ 3,5,18...), phía Tây nối với đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đặc biệt là nó có thể trở thành con đường bộ nhanh nhất đi từ Nội Bài - với kế hoạch trở thành sân bay quốc tế lớn nhất VN, về đến các khu vực có mật độ dân số tập trung, hoạt động sôi động nhất VN.

Có thể so sánh nó với “Suốt Bắc Kinh” - hành lang giao thông lý tưởng nối sân bay quốc tế Bắc Kinh với trung tâm TP: Khả năng di chuyển khối lượng hành khách tập trung đông nhất trong thời gian ngắn nhất  - một trong những thành tựu đáng tự hào trong các công trình phục vụ Olympic Bắc Kinh 2008. Như vậy, xét về mặt quy hoạch giao thông - đây là một ý tưởng sáng suốt.

Ở góc độ kinh tế - xã hội, thì đây là phương án hết sức khả thi (tất nhiên dự toán cần chi li và nhiều đơn vị đấu thầu mới có giá thành hợp lý) do thấy rằng ở hai đầu cầu, mật độ dân cư còn thấp. Riêng giải pháp loại cầu nào thì ngoài chỉ tiêu kinh tế, còn cần xem xét các yêu cầu trị thủy sông Hồng và chiến lược khai thác giao thông thủy của sông Hồng và sông Đuống.


Phối cảnh hầm đường bộ xuyên qua hồ Tây - dự án vừa được Posco E&C
đề xuất với UBND TP Hà Nội


Yếu tố văn hóa - lịch sử, theo cá nhân tôi không có vấn đề gì - miễn là đừng lấp thêm một phân vuông nào của hồ Tây nữa (tất nhiên nhỡ đào thấy Trâu Vàng dưới đáy hồ Tây thì không biết chuyện này sẽ dẫn đến đâu).

Xem xét đến khía cạnh kỹ thuật, riêng cái tunnel đặt ngầm xuyên qua  hồ Tây - vốn hình thành từ khúc sông Hồng xa xưa (nhìn bản vẽ phương án thì nó mới nằm ở lớp cát hay cát pha sét gì đó) nên cũng không có gì là khó. Hầu hết đô thị các nước quanh VN, loại này chi chít dưới lòng đất, nhiều nơi còn gặp nhiều vấn đề phức tạp hơn nhiều mà họ vẫn giải quyết tốt.

Tunnel này nếu làm thì có thể là cái đầu tiên, sau này HN phát triển, không khéo sơ đồ tunnel ngầm chồng chéo, đan quyện vào nhau như đĩa mỳ spagety. Tóm lại, về mặt kỹ thuật là rất có thể.

Tổng hợp các yếu tố trên cho thấy: Ý tưởng này rất sáng suốt, cần thiết và khả thi. Tuy vậy, dự án chọn thời điểm nào, ai làm và làm thế nào mới là chuyện bàn tính.

Hà Nội đang cần nhất những gì?

Hà Nội cần nhiều thứ, nhưng hỏi bất cứ ai phải ra đường mỗi ngày thì rất nhiều người sẽ ao ước: "Có lẽ cần nhất bây giờ là giải tỏa ách tắc giao thông khi giờ cao điểm". Ngay bây giờ cần lắm vài chục cái cầu vuợt qua các giao lộ đường xuyên tâm với vành đai, đặc biệt là các vị trí xung đột từ khu trung tâm ra vòng ngoài TP, mỗi cái có đến 10 - 20 triệu USD không? Giá mà mỗi năm làm được 5 - 10 cái thì ắt là nạn tắc đường không còn là nỗi ám ảnh của cả triệu người Hà Nội mỗi ngày.

Nếu bạn có quyền lựa chọn giữa 20 cái cầu vượt và cái cầu Tứ Liên thì bạn cần cái nào trước? Vì cầu Tứ Liên có làm thì trước mắt sẽ dễ bán đất Đông Anh. Lẽ dĩ nhiên, kinh phí là từ quỹ đất mà ra, dự án nào cũng phải tính toán lợi nhuận sao cho hấp dẫn thôi.

Hà Nội mở rộng nên có diện tích lớn gấp ba, nhưng không phải chỗ nào cũng giá trị như nhau. Trông về phía Tây đường còn loáng thoáng, nhưng bên kia sông Hồng mạng lưới ken khá dày. Ba cầu cũ, hai cầu mới mà thông suốt thì từ sân bay Nội Bài trở lại tự thế nó vẫn sôi động.

Sông Hồng vẫn là trục trung tâm TP nhưng muốn nó giá trị thì phải di dân - đầu tư đúng tầm. Khó nhất là chuyện dịch cư mà dễ nhất là đưa bà con sang bên kia sông - nhiều lần HN đã chuyển dân sang đó ổn thỏa. Đương nhiên là vẫn phải có thêm cầu, nhưng đất đôi bờ đã là đất sạch thì có giá, thừa sức mà làm cả vài chiếc cầu to đẹp. Quỹ đất giá trị của TP không chỉ 2.170ha bên Đông Anh mà còn 1.700ha ven sông Hồng nữa.


Một góc hồ Tây và hồ Trúc Bạch - Hà Nội. Ảnh: internet

Thế mới biết, HN cần lắm một bản kế hoạch khai thác quỹ đất đôi bờ sao cho hiệu quả mà lại "ấm lòng" bà con. Giá mà được như vậy thì chuyện dịch cư cũng nhanh mà tiền đầu tư cũng thu hồi sớm.

Nhiều tiền rồi ta lại làm tunnel ngầm xuyên dưới hồ Tây. Có lẽ nhanh thì dăm năm mà chậm thì mươi năm nữa, kể thì hơi muộn nhưng chuyện gì cũng cần cân nhắc trước sau. Phát triển ra bên ngoài, đồng thời giãn mật độ bên trong. Nóng vội bán nhà sinh thái bên ngoài mà dân ken trong phố vẫn không đủ tiền mua để chuyển ra, e là trong chưa xong mà ngoài thì đã hỏng.

Nhân thể bàn thêm về chuyện thu tiền qua cầu. HN ta phải thu phí mới được, càng thu nhiều thì cầu đường càng có cơ hội mở rộng (bù cho bà con nghèo đi xe buýt miễn phí 100%) chỉ thu ông nào chạy xe kiếm ra tiền hay có nhiều tiền chạy xe chơi.

Xăng dầu lên giá, dân Malaysia tranh nhau đi xe buýt, nhiều đến mức Chính phủ phải nhanh chóng mở thêm tuyến và mua thêm xe (thu nhập của họ gấp 10 lần VN). Giàu như nước Mỹ, đất nước nhiều ôtô riêng nhất thế giới mà có TP người dân cũng tranh thủ đi xe đạp, chính quyền TP phải bổ sung luật lệ để bảo vệ người đạp xe.

Đằng này, cái trục đường cao tốc nối khu vực sắp sửa tập trung toàn người giàu: Khu công nghệ cao Hòa Lạc với vô số dự án nhà vườn, biệt thự sinh thái hai bên đường từ Bắc Anh Khánh đến Đồng Trúc - Ngọc Liếp sang tận bên đất Hòa Bình cũ cũng còn mấy cái dự án như vậy... Thế mà tư vấn lại đặt vấn đề không thu phí…

Thật là tính chưa hết, tính thế thì HN không bao giờ đủ tiền làm cầu đường.

Cân nhắc ngần ấy yếu tố thì cá nhân tôi thấy: Dự án này đặt ra ở thời điểm này chưa thích hợp. Tính toán cần thêm cân nhắc và còn nhiều điều cần tìm hiểu kỹ hơn.

Ở đâu ra mà có cái dự án hay thế?

Một ý tưởng rất hay, rất cảm ơn người đưa ra cái phương án mới lạ. Báo đưa tin PoscoE&C là người đề xuất, lo tài chính, quy hoạch, thiết kế và xây dựng… có nghĩa là làm rất nhiều việc. Thương hiệu này được người HN biết đến từ hồi liên doanh với VINACONEX làm đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, rồi dự án đây đó ở Hà Tây cũ… Cái tên Posco khá quen thuộc với VN đã lâu là nhà sản xuất thép lớn của Hàn Quốc.

Tuy vậy, trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, chúng tôi có tìm hiểu thông tin 100 hãng tư vấn hàng đầu (trên mạng) thì không thấy có cái tên này. Có báo giới thiệu là làm nhiều công trình ở Hàn Quốc và VN, nhưng lạ là muốn chiêm ngưỡng một vài sản phẩm (website PoscoE&C) thì chưa thấy.

Biết rằng DN đang rất nỗ lực tại thị trường VN, đặc biệt ưu ái HN, nên chăng tự giới thiệu để nhiều người biết thêm, giống như nhiều văn phòng thiết kế có vài người, mở website của họ cũng thấy họ bày la liệt các bản vẽ: cái đã xây, cái mới dựng phối cảnh, chí ít thì cũng hiểu được tầm vóc đến đâu hay để mở rộng tầm mắt mà học hỏi.

Ở một địa phương tại HN, gói thầu vài trăm triệu VNĐ đóng bàn ghế học sinh, DN cũng phải tự giới thiệu kinh nghiệm làm cho ai, bằng máy móc gì và khách hàng đã nhận xét sau mấy năm bàn ghế có hư hỏng không.

Thiết nghĩ một dự án gần 1 tỷ USD thì nhà đầu tư, dẫu có khiêm tốn mấy thì cũng cho bà con biết đôi chút kinh nghiệm làm cầu đường, đô thị, dự án đã làm ở đâu, quốc gia nào và hiệu quả ra sao? Thêm hiểu biết cũng là thêm gần gũi.
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo