Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Phản biện Nói thẳng về những dự án quy hoạch Hà Nội

Nói thẳng về những dự án quy hoạch Hà Nội

Viết email In

Thật lạ là trong khi các chuyên gia hàng đầu thế giới khuyên ta đừng biến Hà Nội thành bất kỳ một TP nào khác , thì người Hàn Quốc tuyên bố khu đô thị Tây Hồ Tây hơn 200ha đầu tư 100% vốn Hàn Quốc và sẽ mang”phong cách Hàn Quốc”.

1. Tiềm ẩn nguy cơ “gửi trứng cho ác”

Là một trong những người đứng hẳn về nhóm ý kiến ủng hộ phương án mở rộng Thủ đô ra cả tỉnh Hà Tây, tôi không chỉ giơ tay tán đồng, mà còn viết bài và cung cấp nhiều thông tin tư liệu để chứng minh nghị quyết đó không chỉ phù hợp với tiến trình lịch sử phát triển của Thủ đô chúng ta, mà còn phù hợp với trào lưu phát triển đô thị hiện đại của thế giới, giúp ta cơ hội xây dựng một Thủ đô văn minh, bền vững vào bậc nhất trong nhiều thế kỷ tới.

Có điều, khác với một số người, trong khi ý kiến chưa thống nhất, thì tôi nóng lòng mong mọi người sớm tìm ra ”tiếng nói chung”. Hôm nay ”tiếng nói chung” đã tìm ra rồi, thì tôi thực sự thấy lo lắng, vì ba tháng đã trôi qua mà Nhà nước ta vẫn chưa làm xong công việc "chọn mặt gửi vàng”, nếu không nói rằng hiện đang tiềm ẩn nguy cơ ”gửi trứng cho ác”.


Phối cảnh hầm đường bộ xuyên qua hồ Tây - một dự án vừa được
Posco E&C đề xuất với UBND TP Hà Nội


Với kinh nghiệm nghề nghiệp của hơn 40 năm nghiên cứu quy hoạch Thủ đô, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng không có một chuyên gia nước ngoài nào làm quy hoạch cho Thủ đô chúng ta tốt hơn chính chúng ta.

Nói như vậy, thì ta có cần tư vấn nước ngoài nữa không? Có, ta rất cần. Ta cần những mặt họ mạnh hơn ta, để bổ sung những yếu kém của ta, ta cần những bài học mà họ đã va vấp, để giúp ta tránh đi vào vết xe đổ của họ và ta cần những công nghệ hiện đại mà họ đã ứng dụng để nếu ta muốn ứng dụng, thì ta sẽ không phải mò mẫm từ con số không.

Vậy việc chọn chuyên gia tư vấn lúc này là vô cùng quan trọng.

2. Chọn ai?

Bạn bè đồng nghiệp của tôi thường nói đùa rằng: các KTS quy hoạch là "lừa" giỏi nhất, bởi vì chỉ một nét vẽ tùy hứng của KTS quy hoạch là nhiều tỷ đồng bị chôn vùi xuống đất. Tôi dẫn câu nói vui này ra để nhắc mọi người rằng chớ bị lừa bởi những bức tranh phối cảnh hoành tráng, hay nôm na hơn là ”chớ nghe lời anh ta nói, mà hãy nhìn việc anh ta làm.”

Ngày nay, công nghệ thông tin đang bùng nổ, cả thế giới đang nóng bỏng đi tìm lối thoát cho những đô thị xám đe dọa cuộc sống của con người. Kiến trúc sư toàn thế giới thường xuyên trao đổi về các vấn đề kiến trúc và quy hoạch mà nước họ đang phải đối đầu. Cứ 3 năm một lần, Liên hiệp hội KTS quốc tế UIA tổ chức một đợt diễn đàn quốc tế để thông báo những cố gắng của giới quy hoạch và kiến trúc, nhằm ngăn chặn những biến đổi xấu của khi hậu khiến trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, thiên tai, động đất, lũ lụt… Họ giới thiệu những giải pháp chống bức xạ mặt trời, tìm lại mầu xanh thiên nhiên và giảm dần những tòa nhà cao tầng và tấm kính lớn với hiệu ứng nhà kính gây tổn hại đến con người.

Diễn đàn quốc tế năm nay tổ chức ở Turino - Italia từ 30/6 đến 3/7/2008, người ta bắt đầu bàn nhiều về khắc phục những hậu quả của đô thị xám và quyết tâm xây dựng đô thị xanh.

Một thành phố vườn mẫu mực và xinh đẹp được cả thế giới ngợi khen như quốc đảo Singapore, mà KTS Tai Lee Siang - Chủ tịch Hội KTS Singapore vẫn tự đánh giá là còn”lạc hậu” vì vẫn phải dùng điều hòa nhiệt độ, vẫn xả khí nóng ra môi trường và vẫn chưa giải quyết được vấn đề rác thải.

Còn thành phố hiện đại Tokyo thì đang tích cực xây dựng thành phố rừng (to gấp 4 Tokyo và cách trung tâm ngót 100 Km). Kiến trúc sư Nhật đang quyết tâm làm việc để có cái ”trình làng” trong Diễn đàn quốc tế UIA sẽ tổ chức năm 2011 ở Tokyo. Kiến trúc sư Satoshi Ohkuma, Chủ nhiệm ban tổ chức quốc tế UIA 2011Tokyo nói rằng: ”Nước Nhật rất thấm thía những va vấp mà Tokyo đã trải qua và quyết tâm đạt sự thành công mẫu mực từ nay đến năm 2050”.

Nhìn bản đồ quy hoạch thành phố Tokyo, tôi thấy Hà Nội của chúng ta còn may mắn hơn nhiều, vì thành phố đa cực của chúng ta, theo sơ đồ định hướng đã được Quốc hội thông qua, thì khu hạt nhân là Hà Nội cũ sẽ được bảo tồn, không xây dựng thêm và sẽ từng bước “nhổ” đi những thứ xen cấy, cơi nới lộn xộn, còn các khu đô thị vệ tinh chỉ cách trung tâm Thủ đô 40 km, đặc biệt 7 năm qua, tổ chức JICA của Nhật đã giúp ta xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc và đã có thành công bước đầu.

Hôm nay quy hoạch khu đô thị Hòa Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ quy mô 500ha lên 1584ha. Đây sẽ là một trong những đô thị xanh mẫu mực đầu tiên của Thủ đô và hy vọng sẽ trở thành một trong những thung lũng Silicon của Việt Nam, một mô hình sáng tạo khoa học tri thức của hệ thống thế giới.


Mô hình khu công nghệ cao Hòa Lạc

Ngược lại với việc làm có tầm chiến lược này, thì tại sơ đồ quy hoạch phát triển đô thị ven sông Hồng của Hàn quốc lại định xóa các làng hoa truyền thống như Nghi Tàm, Tứ Liên, Quảng Bá, Nhật Tân đi, để xây khi phức hợp quốc tế công nghệ cao và khu cư trú cao cấp. Trong bản thuyết minh đầy sức hấp dẫn mà Liên danh Hàn Quốc - Mỹ báo cáo trước Thủ tướng và Thường trực Chính phủ ngày 3/8/2008 thì hành động và lời nói của họ đang rất mâu thuẫn với nhau.

Đặc biệt tập đoàn Posco E&C Hàn Quốc, thành viên chính trong liên danh này, tự giới thiệu có 30 năm hành nghề, có 2500 công nhân viên tài giỏi, đồng thời là một nhà đầu tư cực mạnh, nhưng Posco E&C lại đang đề nghị được hợp tác với Hà Nội để làm đường hầm bộ xuyên qua Hồ Tây và xây cầu Tứ Liên để tiếp tục xây một khu đô thị hiện đại cao cấp nữa ở Đông Anh, theo quy hoạch đã duyệt năm 1998.

Như vậy là thế nào? Như vậy là do họ không hiểu gì về định hướng quy họach phát triển Thủ đô hay vì điều gì khác?

Tôi đã đọc và đã phản biện bài phát biểu của ông Tom Wright, chuyên gia quy hoạch Mỹ. Thật lạ, trong khi một chuyên gia của một nước hàng đầu thế giới còn thừa nhận”người Mỹ đã đi quá đà”, và khuyên ta hãy khai thác bản sắc riêng của Hà Nội, “đừng biến Hà Nội thành một bất kỳ thành phố nào ở Đông Nam Á”, thì người Hàn Quốc tuyên bố khu đô thị Tây Hồ Tây hơn 200ha đầu tư 100% vốn Hàn Quốc và sẽ mang ”phong cách Hàn Quốc”.

Vậy "phong cách Hàn Quốc" sẽ là phong cách gì? Xin mời các bạn nhìn vào mô hình tòa nhà cao 70 tầng đang xuất hiện trên đường Phạm Hùng của Thủ đô ta mà vừa qua có một số người muốn cho nó mang vinh dự là công trình “biểu tượng của Hà Nội văn minh hiện đại”.

Đọc mẩu tin đó có độc giả nào thấy bị xúc phạm hay không? Còn tôi thì xin mạn phép thông báo rằng xu thế kiến trúc đô thị thế giới đang bắt đầu bài trừ loại công trình này, vì đó là một cái nhà máy khổng lồ ngốn điện suốt ngày đêm và ngày đêm thải ra hơi nóng, góp phần làm trái đất nóng lên. Còn con người sống trong đó thì rất dễ mắc bệnh tật, bị giảm thọ và hiệu xuất lao động cũng giảm rất nhanh, do họ bị cách ly với mầu xanh thiên nhiên và thiếu khí trời.


Mô hình tòa nhà 70 tầng trên đường Phạm Hùng

"Theo thông tin mà Posco E&C công bố, hầm đường bộ sẽ xuyên qua Hồ Tây, nối phố Văn Cao sang đường Nghi Tàm. Nếu so với đường bộ hiện nay quanh Hồ Tây thì chỉ ngắn hơn được 2km. Nói về hiệu suất sử dụng, đi chơi không ai chui xuống đó làm gì, còn công việc thì 2km không phải là vấn đề.

Bên cạnh đó, đường hầm này được đầu tư hơn 500 triệu USD, vậy đến bao giờ thì thu hồi được vốn? Hay nhà đầu tư có mục đích gì khác?

Trên thế giới tôi thấy chỉ có hầm đường bộ qua sông, qua biển, chưa thấy qua hồ bao giờ. Các nước họ chỉ làm đường hầm khi thấy thực sự cần thiết cho việc giao thông và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

... Nhà đầu tư cam đoan đường hầm sẽ không can thiệp vào bán đảo Quảng An. Tuy nhiên, không chỉ Quảng An mà chúng ta phải bảo vệ toàn bộ vùng văn hóa Hồ Tây. Nơi đây có quá nhiều những di tích lịch sử, văn hóa quan trọng.

Ví dụ như nơi sẽ làm chân cầu ở đường Nghi Tàm, trong sử sách chính là trại Tầm Tang của công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông. Xây dựng chân cầu ở đây đồng nghĩa với việc xóa đi một di tích.

Tại đây còn có đình Nhật Tân, Yên Phụ và đình Thủ Lệ cùng thờ Đức Linh Lang, con vua Hồng Bàng trong truyền thuyết làm nên thế chân vạc.

Những địa danh này nằm trong Thăng Long tứ trấn. Nếu xây dựng, hầm đường bộ sẽ cắt ngang tam giác này, phá tan Hồ Tây.

Posco E&C không hiểu gì về định hướng quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội, hay còn vì mục đích nào khác?"

Trích phần trả lời phỏng vấn của KTS Trần Thanh Vân trên báo Gia đình & Xã hội, số 109, 10/9/2008

3. Ai có quyền chọn?

Hiển nhiên, người đầu tiên có quyền chọn là những nhà chuyên môn, những kiến trúc sư, các nhà quy hoạch, những người đang đảm nhiệm công việc này, bởi vì họ là người hiểu họ đang gặp khó khăn gì và họ hiểu ai sẽ là người giúp họ giải quyết những khó khăn đó. Buồn thay, quyền chính đáng đó hình như đang bị o ép bởi một sức mạnh ngầm hòng xoay chuyển tình thế. Tại sao lại như vậy?

Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Viện phó Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị Nông thôn Bộ xây dựng, là người được Bộ xây dựng giao trách nhiệm chuẩn bị nội dung phương án mở rộng Thủ đô đã được Quốc hội phê duyệt hồi tháng 5 vừa qua, nói với tôi rằng:

“Viện ta được Bộ trưởng giao nhiệm vụ hợp tác với JICA Nhật Bản nghiên cứu vùng Thủ đô và định hướng quy hoạch Thủ đô mở rộng, lâu nay JICA cũng giúp ta làm tốt khu CNC Hòa Lạc, vừa rồi hồ sơ đấu thầu của liên danh Nhật và Hà Lan đã vào vòng chung kết. Nhật thì đã hợp tác lâu nay rồi, tiếp tục hợp tác thì quá thuận lợi, còn Hà Lan là vùng đất thấp hơn mặt biển, quy họach của họ rất độc đáo, họ có những thế mạnh về thủy lợi và ứng dụng năng lượng sức gió. Chúng tôi đã tưởng sẽ được tiếp tục làm việc với họ, vậy mà…  Hôm nay không hiểu sao lại có thể bị kẻ khác chen vào một cách thô bạo? Thật buồn quá ”.

Người thứ hai có quyền chọn tư vấn là quần chúng nhân dân. Đừng nghĩ rằng quần chúng nhân dân không hiểu biết gì nên làm thế nào cũng xong đâu. Chính quần chúng là người nhạy cảm nhất và nhanh chóng nhận ra mặt trái của vấn đề mà đôi khi các quan chức vì hời hợt chủ quan nên chưa biết đến.

Ví dụ như năm 1998, khi dự án Thủy cung Thăng Long được công bố, dân Phủ Tây Hồ chưa kịp biết dự án hay dở thế nào, vừa nghe ông chủ nhiệm hợp tác xã thông báo: đất vườn quất được đền bù 18.000đồng/m2, ao rau muống được đền bù 7,600 đồng /m2, chưa kịp lên tiếng phản đối thì họ nhận được bản chụp một tờ hợp đồng mua bán 400m2 tại chính khu vườn quất nhà họ với giá 3.500.000đồng/m2, bên mua đã giao cho bên bán 8000USD. Thế là họ làm đơn khiếu nại và mọi việc mới vỡ lở.

Năm 2007, khi Triển lãm khu đô thị sông Hồng vừa khai mạc ở 47 Tràng Tiền, rất nhiều người đến xem và không ít người trầm trồ khen đẹp. Chỉ có một bác nghệ nhân làm nghề trồng đào làng Nhật Tân đứng ra một góc, tính nhẩm vài phút rồi nói luôn: ”Không được, nhà tôi bị biến thành chung cư cao tầng rồi đây này, tổ tiên tôi sống bằng nghề đào, mấy năm nay đã 2 lần mất vườn đào rồi, tôi phải đi mua đất về cải tạo bãi cát và trồng đào thế để cho thuê, tôi thu được mỗi vụ hơn 500 triệu đồng, nay người ta lại đuổi tôi đi, hơn 3 sào cả nhà lẫn vườn được đền bù vài tỷ, mua một căn hộ chung cư cũng không đủ, rồi sẽ làm gì để sống?”

Như vậy đấy, những điều mà dân phản đối là những điều cụ thể, thiết thực nhưng chính quyền đã không biết đến.

4. Những việc ta phải tự làm

Đó là tạo ra bộ mặt mới trên vùng đất xanh rộng tới trên 2000 km2 cho khoảng 3 triệu dân sinh sống của Thủ đô. Vào ngày chính thức sát nhập Thủ đô, chủ tịch UBND thành phố nói với báo chí rằng”Thủ đô là một thành phố đông nông dân, nhưng sẽ có một nền kinh tế tri thức”. Để làm tốt công việc này, một sơ đồ quy hoạch tốt chưa đủ và không có một chuyên gia nước ngoài nào có thể làm thay ta.

Chủ trương và chính sách, nguồn vốn đầu tư là công việc của chính quyền, còn chúng ta thì cần nhớ một điều là: người nông dân xưa kia rất nghèo và sống rất vô tư, nay nhà nào cũng đã có tiền, có người đã có rất nhiều tiền, hãy động não nghĩ cách giúp họ dùng những đồng tiền đó đúng chỗ hữu ích nhất, hãy giúp họ tìm ra những mô hình ăn ở thông minh và làm sao tiền lại đẻ ra tiền, tiền không đẻ ra những anh xe ôm và bọn cờ bạc nghiện hút.

Riêng tôi, tôi đã và sẽ hướng dẫn các cháu, các anh em trẻ đi vào một làng quê để làm nên được một mô hình”Làng đô thị mầu xanh”. Tôi nghĩ, một sẽ nhân ra mười, mười sẽ nhân thành trăm. Đúng là phải làm đúng sức mình, phải thiết thực, chớ viển vông, nhưng phải mạnh dạn và hãy từ bỏ đi nếp sống an phận, rụt rè đã đè nặng lên cuộc sống của người Hà Nội hàng trăm năm nay.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo