Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Kiến trúc nào cho thành phố sông Hồng?

Kiến trúc nào cho thành phố sông Hồng?

Viết email In

Kể từ ngày khởi dựng kinh đô Thăng Long, với tầm nhìn sáng suốt của Vua Lý Thái Tổ, đã cho thấy sự định đặt khéo léo một đô thành trong một khung cảnh thiên nhiên giàu tiềm năng. Còn tương lai, với sự phát triển của HN, kiến trúc nào sẽ phù hợp?

Trở lại thuở lập đô, phía đông Thăng Long có sông Hồng để thuyền bè giao lưu, mặt bắc hồ Tây rộng mở, xa về phía tây có Ba Vì làm lưng tựa rồi thoải dần theo phương nam ra biển. Một thế đất "lưng tựa núi, mặt nhìn sông" rõ là địa bàn đẹp cho quá trình phát triển gần nghìn năm của kinh đô này.

Khi còn ở quy mô vừa phải, thành phố chọn hướng mở rộng về phía tây trên một địa hình đủ cao cho nền đất xây dựng tiện bề thoát nước là định hướng phát triển đúng. Theo hướng này, nhiều công trình quan trọng được xây dựng như sân vận động quốc gia, các khu ở mới tại Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị quốc gia và tới đây là Bảo tàng Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quốc gia... đã cho thấy một "thế hệ kiến trúc" mới của Thăng Long - Hà Nội, rõ nét của sự hội nhập quốc tế.

Có con sông chảy qua như sông Hồng đối với HN là một lợi thế mà ít có đô thị nào lại bỏ qua. Thành phố chưa bao giờ "quên" và người dân lại càng không quên lợi thế này, tuy việc khai thác nó không dễ dàng như nhiều con sông khác, bởi chế độ thuỷ văn khắc nghiệt: Khi lên cao tới 13m (mặt đê hiện nay), khi thấp thì lộ cả lòng sông. Sau ngày HN giải phóng năm 1954, các cơ quan chính phủ về lại thủ đô, nhu cầu nhà ở cho cán bộ tăng đột biến, trên rẻo đất ngoài đê đã mọc lên một loạt nhà "tạm" cho cán bộ Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc. Đây chính là hạt nhân cho sự hình thành sau đó một "thành phố sông Hồng" tự phát, tấp nập và sôi động, do cả Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Quỹ đất phát triển thành phố về phía tây cũng chỉ có mức độ, nên phải tính đến phát triển sang phía đông và phía bắc sông Hồng. Một mặt bằng đô thị phủ cả hai bên sông, rẻo đất dọc sông nay ở giữa thành phố tất yếu phải được đô thị hoá, phải được xây dựng chính quy chứ không thể cứ giữ mãi một "thành phố phi chính quy" như trước. Nhưng làm thế nào và như thế nào chính là những bài toán khó đang đặt ra trước các chuyên gia quy hoạch đô thị.

Câu hỏi làm thế nào là để nói tới các giải pháp kỹ thuật thuỷ lợi, đê điều, sao cho chế độ thuỷ văn không còn quá khắc nghiệt và những chính sách để có thể giải toả "thành phố tự phát" trước đây. Còn như thế nào là nói về tạo hình không gian kiến trúc, giải pháp kiến trúc nào là phù hợp nhất trong thực tế cảnh quan đô thị ở ven bờ sông Hồng. Bài viết này chỉ xin đề cập câu hỏi thứ hai.



Hình ảnh về không gian kiến trúc được triển lãm gây ấn tượng hoành tráng với rất nhiều cao ốc kiểu nhà tháp, xếp ngang dọc. Hình thái kiến trúc này cần được cân nhắc trước khi quyết định. Phía bờ nam sông Hồng là nơi đã có quá trình đô thị hoá lâu và đã hình thành nhiều cảnh quan có giá trị như khu phố cổ "36 phố phường", ngược lên phía bắc là hồ Tây, lui xuống phía nam là khu phố cũ thời Pháp. Tất cả đều mang dáng dấp đô thị truyền thống, chủ yếu là kiến trúc nhỏ, thấp tầng, nhưng giữ được những vẻ đẹp đặc sắc của quá khứ. Vẻ đặc sắc này rất hài hoà với khung cảnh bờ đê, mặt nước sông Hồng. Còn nay, nếu chen vào đây một cấu trúc kiểu "khu đô thị mới" với những toà tháp dãy ngang, dãy dọc thì cấu trúc không gian truyền thống sẽ bị phá vỡ. Dãy cao ốc dọc bờ đê sẽ án ngữ tầm nhìn của thành phố ra sông và khó tránh một cảm giác tức tối.

Đặt vào đây những khu cao ốc dày đặc cũng có nghĩa là quy tụ một lượng người rất lớn, kéo theo nhiều yêu cầu về giao thông vận chuyển cho người và hàng hoá. Khó có thể hình dung nhu cầu này được đáp ứng khi mà giao thông giải toả lại chỉ là tuyến độc đạo dọc theo bờ sông. Một nơi hội tụ đông đúc như thế gắn với một quy hoạch giao thông như thế, thì xe cộ ách tắc là điều khó tránh. Cấu trúc đô thị "quy tụ lớn và giao thông độc tuyến" còn tạo nên nhiều mối lo lớn về xử lý môi trường bởi việc cung cấp năng lượng cũng như chất thải loại đều phải đi theo tuyến độc đạo này.

Bắt tay vào việc nghiên cứu một dự án lớn với rất nhiều bài toán khó, là một thử thách không nhỏ cho người nghiên cứu. Một tổ chức hợp tác khoa học thích hợp sẽ là điều cần thiết cho việc tìm lời giải của bài toán khá đặc biệt này. Cũng không loại trừ khả năng, để tìm lời giải đáp thích hợp về hình thái kiến trúc sẽ cần đến một cuộc thi tuyển kiến trúc ở tầm quốc tế, bởi "thành phố sông Hồng" phải thực sự là thành phố của tương lai.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo