"Được một cây cầu" - câu trả lời đã rõ. Đây là cây cầu Tứ Liên đã được qui hoạch từ lâu song nhiều nhà chuyên môn khẳng định chưa thực sự cấp thiết phải xây dựng, thậm chí trong quá khứ từng có ý kiến không nhất thiết xây dựng cầu này...
Thực tế cũng đã trả lời cho sự cấp thiết hay không cấp thiết phải xây dựng cầu Tứ Liên, bởi trong khi hàng loạt cầu khác đã, đang được gấp rút xây dựng trên sông Hồng (như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân) bên cạnh những cây cầu đã có (như Chương Dương, Long Biên) thì mãi đến bây giờ, cầu Tứ Liên vẫn đang chỉ là những cuộc nghiên cứu, bàn bạc.
>>
Theo Phó Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Hà Nội - KTS Đào Ngọc Nghiêm, với vị trí nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nhất là khi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo cần bổ sung phương án khôi phục cầu Long Biên đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả và tải trọng phục vụ giao thông đô thị Thủ đô Hà Nội thì cầu Tứ Liên sẽ chỉ mang tính nội đô, thiên về cảnh quan là nhiều!Chắc chắn thời gian tới, việc xây cầu Tứ Liên sẽ còn được bàn định kỹ càng hơn, xem sẽ kết nối với dự án đường sắt đô thị khu vực đó như thế nào, chứ chưa thể gấp rút "vào" ngay giai đoạn 1...
Posco E&C đã đề xuất phương án 1 cho tuyến hầm đường bộ qua hồ Tây
(Ảnh tư liệu).
Từ cuối năm 2005, Sở Kế hoạch & Đầu tư HN đã đưa dự án xây dựng cầu Tứ Liên vào danh mục vận động vốn ODA 2006 - 2010 của TP Hà Nội. Khi ấy, tổng mức đầu tư để xây cây cầu này chỉ dự tính là 220 triệu USD (trong đó, vốn ODA dự trù khoảng 180 triệu USD, còn lại là vốn trong nước).
Tháng 6/2008, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã có buổi lắng nghe Posco E&C đề xuất không chỉ xây cầu Tứ Liên mà còn làm hầm đường bộ qua hồ Tây và kế hoạch bán một diện tích đất khá lớn (bằng khoảng 1/9 diện tích tự nhiên toàn huyện Đông Anh) kế cận khu di tích Cổ Loa thiêng liêng.
Dĩ nhiên, lắng nghe là quyền và trách nhiệm của chính quyền, cũng như phản biện là quyền và trách nhiệm của người dân trong cùng một câu chuyện.
Tuy nhiên, chỉ khác: Đông đảo nhân dân và cả các nhà chuyên môn khi đón nhận thông tin này đã đưa ra ngay rất nhiều ý kiến (đa phần phản đối việc "xuyên thủng" hồ Tây), trong khi chính quyền lại "có ý kiến gì đâu" (trả lời Giadinh.net của Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Chí Công)!?
Được biết hiện nay, các đề xuất này của Posco E&C vẫn đang được phép tiếp tục nghiên cứu, dù hầm đường bộ theo đề xuất của nhà đầu tư này hoàn toàn chưa có trong qui hoạch, còn khu đô thị đa chức năng chiếm 1/9 huyện Đông Anh kia rất cần được kiểm tra xem có "vênh" với các khung, định hướng qui hoạch trước đó hay không (nhất là giờ đây Hà Nội mở rộng đang mở ra nhiều định hướng qui hoạch mới).
Và đây là giá bán đất đã được Posco E&C dự kiến:
Posco E&C có thể "lời" khoảng 456 triệu USD nếu mọi việc suôn sẻ đúng
như tính toán với dự án này? (Ảnh tư liệu)
Mô tả cơ bản tuyến đề xuất cầu Tứ Liên của Posco E&C: - Theo sát vị trí cầu trong Qui hoạch tổng thể TP Hà Nội 1998 (đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ ~ quốc lộ 3, huyện Đông Anh). - Tổng chiều dài 6.810m (chiều dài phần đường 4.220m; chiều dài phần cầu 2.590m; cầu cáp dây văng: 430m). - Tổng chi phí 395,9 triệu USD (trong đó, chi phí xây dựng 302,7 triệu USD; chi phí đền bù 93,2 triệu USD). Mô tả tuyến đề xuất hầm đường bộ qua hồ Tây của Posco E&C: - Vị trí: phố Văn Cao (quận Ba Đình) ~ đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ). - Tổng chiều dài 3.020m (trong đó chiều dài phần đường 760m, chiều dài phần cầu 2.260m (shield TBM: 1.900m). - Tổng chi phí 534,2 triệu USD (trong đó, chi phí xây dựng 442,1 triệu USD; chi phí đền bù 92,1 triệu USD). - Phần hầm qua lòng hồ Tây kéo dài, không can thiệp vào bán đảo Quảng An. |
... với tính toán khá nhanh: Nếu đầu tư (bằng vốn cổ phần và vốn vay) khoảng 1.388 triệu USD thì sau khi thực hiện dự án sẽ thu về lợi nhuận 563 triệu USD. Khoảng 1.110 triệu USD vốn đầu tư vay ngân hàng, còn lại với cơ cấu TP Hà Nội 19% vốn cổ phần (góp 53 triệu USD ban đầu) sẽ lợi nhuận 107 triệu USD, còn Posco E&C với 81% (góp 225 triệu USD ban đầu) sẽ lợi nhuận 456 triệu USD.
Trong quyển đề xuất in ngang khổ giấy A4 của Posco E&C, chỉ có 3 trang gồm vài dòng mô tả vắn tắt và 2 hình vẽ cho cả một tuyến hầm đường bộ qua hồ Tây, không hề đặt vấn đề về môi trường, địa chất, văn hóa, giao thông khu vực dự kiến xây hầm này - trong khi có tới 12 trang với vô số ảnh về kế hoạch phát triển đất phía đông Đông Anh (các phép tính chi tiết tới từng mét vuông của từng tầng, từng khu, từng giai đoạn; rồi số tầng, số hộ, tỉ lệ diện tích sàn...)!?
Đến cuối cùng của quyển này, nhà đầu tư nhã ý dành 1 trang cho "Di tích Cổ Loa và ngàn năm Thăng Long - Hà Nội" với hình "nền" là thành Mongchon (Seoul) và gạch đầu dòng vài dự kiến: Khu trưng bày hiện vật Cổ Loa/Bảo tàng lịch sử quốc gia/Công viên điêu khắc lịch sử/Bảo tàng nghệ thuật đương đại/Khu vực biểu diễn ngoài trời.
Nhà đầu tư cũng đưa ra ý tưởng về một khu văn hóa - cây xanh gắn liền di tích Cổ Loa này, với hành lang cây xanh chiều rộng 250m nối Cổ Loa và sông Hồng.
Nhà đầu tư cũng tính đến cả việc TP Hà Nội mở rộng về phía Tây, vì vậy cần cải thiện khả năng đi lại giữa các vùng ngoại vi và khu trung tâm, giảm cự ly giao thông từ Đông Anh đến Láng - Hòa Lạc, thông suốt Bắc - Nam Hà Nội.
Tuy nhiên, cái được nhà đầu tư "tốn giấy mực" nhắc đến nhiều nhất là đô thị đa chức năng gồm 3 khu: khu thương mại đạt chuẩn quốc tế với trung tâm tài chính, trung tâm hội nghị, nhà ở cho người nước ngoài; khu văn hóa - cây xanh với nhà thấp tầng gần gũi môi trường và làng quốc tế chất lượng cao cho người nước ngoài; khu dân cư đa dạng các kiểu nhà ở .
Khu đô thị đa chức năng trong đề xuất của Posco E&C chiếm 1/9 diện tích
tự nhiên huyện Đông Anh (Ảnh tư liệu).
Cả 2 giai đoạn phát triển đất này được nhà đầu tư dự tính sẽ mang lại 8.107.668m2 nhà ở các loại, 1.076.555m2 khu thương mại quốc tế và mua sắm, còn lại là cây xanh, mặt nước, đường và công viên.
Và với "xuất phát điểm", mục tiêu chính là cây cầu Tứ Liên theo qui hoạch, trên đây là những cái nhà đầu tư cho rằng họ và TP Hà Nội cần nhanh chóng hợp tác thực hiện (kể cả phải "vẽ" thêm vào qui hoạch) và sẽ thành công.
- Thăng Long ngàn xưa và tên gọi Thủ đô mới hôm nay
- Thăm sông Seine, nghĩ về "Quy hoạch Sông Hồng"
- Đường mòn Golf Hồ Chí Minh làm phương hại lúa gạo của Việt Nam
- Quy hoạch thành phố sông Hồng: Trách nhiệm trước lịch sử
- Hà Nội cần một quy hoạch khỏi chỉnh sửa trong tương lai!
- Đường hầm xuyên lòng hồ Tây: Đã sáng suốt, hợp thời chưa?
- Nói thẳng về những dự án quy hoạch Hà Nội
- Kiến trúc nông thôn xưa, nay: trách nhiệm và những hành động...
- Kiến trúc nào cho thành phố sông Hồng?
- Văn minh đô thị hay duy trì cuộc sống?
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này