Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Phản biện Xây dựng văn minh đô thị - hành trình dài lâu

Xây dựng văn minh đô thị - hành trình dài lâu

Viết email In

Đô thị hóa đòi hỏi con người phải chuyển động theo tốc độ chuyển động của nó. Tức là, một khi, nơi nào đó đã có hiện tượng đô thị hóa, thì nơi ấy đòi hỏi một lối sống khác, một cách ứng xử văn hóa khác, thậm chí khác hẳn với lối sống, với nếp ứng xử văn hóa trước đây.


Lối sống văn minh đô thị sau nhiều năm vẫn chưa được nâng cao, thậm chí có nhiều hướng ngược lại “nông thôn hóa thành thị“. Ảnh minh họa : Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội (nguồn: xomnhiepanh.com)

Những cú sốc văn hóa

Điều này hiển nhiên, sẽ tạo nên những cú sốc văn hóa (shock culture) mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng. Một giai đoạn “quá độ” với những xung đột gay gắt giữa thói quen ứng xử cũ và mới, truyền thống và hiện đại, lạc hậu và tiên tiến… là điều phải buộc chấp nhận đối với bất kỳ cuộc cách mạng đô thị nào. Vấn đề đặt ra là, quá trình chuyển động đó nhanh hay chậm, trì trệ hay tích cực còn tùy thuộc ở cách tư duy và phương pháp xử lý các yếu tố mâu thuẫn của các nhà hoạch định chiến lược và quản lý đô thị. Muốn thế, từ góc độ quản lý, chủ thể quản lý phải xây dựng được những giá trị văn hóa, những tiêu chí văn minh phù hợp với đặc trưng bản sắc dân tộc để định hướng cho cuộc cách mạng đô thị này.

Nhiều công trình nghiên cứu gần đây đặt tiêu cực trên mối quan hệ giữa văn hóa và văn minh mà đưa ra nhận xét xác đáng: Đô thị Việt Nam chỉ là loại hình liên làng và siêu làng. Người dân vẫn có thói quen sống ở làng quê, với tính dân dã tuỳ hứng của thôn quê, vẫn là con người có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp là chủ yếu (trước đây trên 90% dân số Việt Nam là nông dân - nông nghiệp - nông thôn, nay con số đó cũng xấp xỉ trên dưới 70%). Bản chất và tính cách nông dân vẫn luôn chi phối mạnh mẽ cách hành xử của cộng đồng cư dân nơi thành thị.

Hiểu điều này sẽ dễ lý giải hơn vì sa Với nạn kẹt xe đã trở thành nỗi “ám ảnh kinh hoàng” diễn ra hàng ngày, người dân sống ở hai đại đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội vẫn thích nghi và tồn tại được? Là bởi, truyền thống linh hoạt đã tạo cho người Việt Nam khả năng thích ứng cao, giỏi biến báo trong mọi hoàn cảnh (không đi được ôtô, xe buýt - vì kẹt, thì xuống tìm “xe ôm”; “xe ôm”, xe máy bất lực thì cuốc bộ; đường đúng luật không đi được thì “len lỏi” lên vỉa hè; đường chính “tắc” thì tìm hẻm mà “thoát”…miễn là đến đích!). Tuy nhiên, mặt trái của tính linh hoạt sẽ dẫn đến hậu quả xấu: người dân quen sống tùy tiện, ứng xử cảm tính, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật… Từ đó tác động trở lại, khiến việc xây dựng văn minh đô thị vốn đã bề bộn lại càng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ý thức của người dân về lối sống văn minh đô thị sau nhiều năm vẫn chưa được nâng cao, thậm chí có chiều hướng ngược lại là "nông thôn hóa thành thị", sống bằng “lệ” nhiều hơn “trọng luật”. Thêm nữa, văn hóa nông nghiệp mạnh về truyền thống trọng tình. Nguyên tắc sống trọng tình cảm làm cho bệnh tùy tiện, coi thường phép nước càng trở nên trầm trọng hơn. Từ đó tạo ra hệ quả xấu là bệnh cả nể, thiếu kiên quyết, dẫn đến vi phạm luật mà vẫn như “lẽ thường tình”, vẫn “thoát”.


Gánh rong (ảnh : my.opera.com/quynhmy-nhim/blog) 

Thoát khỏi tư duy tiểu nông

Để khắc phục những “cú sốc” văn hóa đó, bản thân những nhà xây dựng luật, những chiến lược gia về quản lý đô thị và xây dựng văn minh đô thị phải là nhóm người tiên phong hàng đầu trong đổi mới và vượt thoát khỏi tư duy nông dân. Tư duy lãnh đạo thế nào thì chủ trương, chính sách, cơ chế, pháp luật… như thế ấy. Lối suy nghĩ tiểu nông, tư duy nhiệm kỳ và phong cách quản lý xã hội trì trệ không quy rõ trách nhiệm và quyền lợi kéo dài trong suốt mấy chục năm quan liêu bao cấp đã níu kéo tầm tư tưởng về phát triển đô thị hiện đại.

Ngoài những khác biệt về nguồn gốc, chức năng, chủ thể quản lý... ở mọi loại hình đô thị hóa lại có một điểm thống nhất chung, đó là ba tính chất quan trọng và phổ biến:

1. Tính chất không thể đảo ngược: Đô thị hóa bao giờ cũng là một sự thay đổi mà từ đó, ta không bao giờ quay ngược lại được trạng thái trước kia, một nơi nào đã có đô thị hóa thì xã hội hiện đại ấy không thể trở lại trạng thái tiền đô thị như trước đây.

2. Tính tăng tốc: Tốc độ của đô thị hóa càng ngày càng tăng nhanh, nhanh đến nỗi mà các chuyên gia về đô thị học vẫn phải luôn loay hoay trong việc cập nhật tìm hiểu về bản chất và đánh giá những ảnh hưởng của nó lên xã hội, nhưng vẫn không cập nhật được.

3. Tính đứt đoạn: Những thay đổi do đô thị hóa mang lại, tạo ra những đứt đoạn trong quá trình chuyển động. Mô hình và cơ chế mới trong xã hội hoàn toàn khác với những gì đã ngự trị trước đây. Cuộc cách mạng đô thị này tạo nên những đổi thay đột ngột làm cho con người bị cắt đứt với những hành vi quen thuộc đã có, bắt họ phải học cách suy nghĩ, cách hành động mới. 

Sự “manh mún” ấy là biểu hiện của tư duy lãnh đạo kiểu nhà nông, thực chất, cũng bắt nguồn từ văn hóa nông nghiệp truyền thống. Văn hóa nông nghiệp mang tính thời vụ cao. Hết “áp lực” của thời vụ là có thể dông dài, thư nhàn thụ hưởng. Lâu dần tập nhiễm thành thói “nước đến chân mới nhảy”… luôn giải quyết mọi việc theo kiểu “tình thế”, nặng về đối phó hơn là hình thành những chiến lược với một tầm nhìn dài hạn. Đã vậy, cư dân nông nghiệp quen sống trong làng xã, với những mối quan hệ hàng xóm láng giềng thân thuộc, không cần giữ ý tứ, sống gần thiên nhiên nên cũng rất “hồn nhiên” (việc “phóng uế, xả rác, nhổ bậy”…, mấy nghìn năm nay sống trong làng xã, ai nấy đều tự “giải quyết” nhu cầu một cách rất bản năng, rất “hồn nhiên”, “cả làng đều thế phải mình…em đâu” mà mắc cỡ!). Họ quen ung dung, tư tại, thoải mái tự do trong một bầu không khí dân chủ kiểu làng xã. Tư duy “trọng nguyên tắc, trọng lý lẽ, trọng luật” dường như còn vắng bóng khá nhiều nơi.

Thay đổi tư duy lãnh đạo

Muốn thay đổi thói quen ứng xử của người dân thì trước hết các nhà quản lý, lãnh đạo cần xác định việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị phải là một cuộc hành trình dài lâu, bền bỉ. Nghĩa là, về phương pháp luận, không thể vội vàng “đánh trống bỏ dùi”, chạy theo thành tích, phong trào hoặc chỉ tập trung vào giải quyết các việc “sự vụ” như hô hào dọn rác, căng áp phích, panô tuyên truyền hoặc báo cáo đã xây dựng được bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng, lắp đặt được bao nhiêu thùng rác… Những truyền thống văn hóa lâu bền không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, muốn điều chỉnh và thay đổi phải có khoảng thời gian đủ dài và rộng, ít nhất hàng trăm năm, để các mô hình ứng xử cũ không còn thích hợp bị phá vỡ, thay thế vào đó là những phương thức ứng xử mới phù hợp hơn với quá trình vận động và phát triển của đất nước. Quan trọng là nhận thức ấy phải được thể hiện thống nhất giữa các nhà lãnh đạo. Nếu cứ mỗi năm lại đề ra một “tiêu điểm” mới, một phong trào mới, những yếu tố tích cực vừa gieo trồng, chưa kịp chăm sóc vun xới cho sâu rễ bền gốc, cây còn non nớt, èo uột… đã vội vàng cày xới gieo hạt trên luống đất khác, thì dù tốn kém sức người, sức của cho nhân công, giống má, cây trồng đến mấy, cũng khó hi vọng có được những vụ mùa bội thu.

Th.S Lê Thị Trúc Anh - Đại học KHXH&NV TP.HCM

>> Hướng tới một phương thức sống tiên tiến ở đô thị 

 

Lời bình  

 
0 # nguyễn thanh chính 16/10/2012 15:16
Thế nào là nếp sống văn minh đô thị?
Chính quyền các cấp đã có không ít đợt tuyên truyền và khẩu hiệu vận động cư dân các thành phố thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
Vậy mọi người nên hiểu sống như thế nào mới gọi là nếp sống phù hợp với khẩu hiệu?
Trước tiên tôi nghĩ chúng ta tức là đại chúng cần phải cùng hiểu vấn đề với cùng một mẩu số chung có nghĩa là cần có một định nghĩa rỏ ràng, đầy đủ, chuẩn xác và có sự thống nhất cao đối với chủ đề tren.
‘Văn minh’ theo tự điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, bản tiếng Anh là một thuật ngử có đinh nghĩa khá phức tạp do đó ở đây ta đinh nghĩa theo một cách giản đơn cho dể hiểu nếp sống văn minh là nếp sống phù hợp với thời đại và đồng thời nếp sống riêng của cá nhân và gia đình hòa theo, không mâu thuẩn và làm tổn hại đến chất lương cuộc sống của các gia đình láng giềng trong cộng đồng và vì nhằm vào đối tượng là cư dân đô thị nên có nét đặc thù riêng so với dân cư các địa bàn khác.
Các tiêu chí góp phần và cấu thành nếp sống văn minh đô thị sắp xếp theo mức độ từ cơ bản đến nâng cao:
- Làm và giử vệ sinh môi trường công cộng tốt
- Giử gìn trật tự đô thị không lấn chiếm diện tích hoặc không gian công cộng để làm việc riêng.
- Hành vi trong các khía cạnh cuộc sống và cách ứng xử của mọi người với tự bản thân, với gia đình và cộng đồng là phù hợp chuẩn mực đạo đức.
- Giử gìn tốt thuần phong mỹ tục.
- Thưc hiện văn hóa giao thông tốt.
Các tiêu chí trên đươc diễn giải bằng ngôn từ bình dân là
:Không vứt các loại rác và chất thải các loại không đúng nơi qui định
Không thả chó mèo tự tìm chổ phóng uế nơi cộng cộng.
Không tiểu, đại tiện, khác nhổ, vứt tàn thuốc nơi công cộng
Không dùng lời lẽ thô tục thửi thề nói tục trong giao tiếp hoặc chửi bới lăng mạ người kháckhi có mau thuẩn
Không có hành vi gây tiếng ồn làm xâm hại đến quyền tụ do được hưởng sử yên tĩnh nghĩ ngơi của mọi người: la lối lớn tiếng, sủ dung xe móc bô, nẹt bô xe, không ca hát hoặc mở nhac lớn tiếng trong giờ nghĩ ngơi.
Mong các bạn đoc góp ý hoặc bồ sung đễ định nghĩa này càng rỏ ràng chuẩn xác hơn.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo