Ashui.com

Sunday
Nov 10th
Home Tương tác Phản biện Kiến trúc nông thôn xưa, nay: trách nhiệm và những hành động...

Kiến trúc nông thôn xưa, nay: trách nhiệm và những hành động...

Viết email In

Xưa, nhắc đến nông thôn - làng quê Việt, người ta thường nghĩ đến cây đa bến nước, sân đình, đến luỹ tre rủ bóng mát trên con đường làng, đến những ngôi nhà giản dị, thoáng mát, với hàng rào râm bụt, vườn cây ao cá... Và ở đó người ta có thể tìm thấy một cuộc sống thanh bình. Nay, cái không khí ấy dường như đang dần mất đi để thay vào đó là những dãy nhà hộp, đường làng, bờ rào được bê tông hoá... nhiều nếp sống văn hoá nông thôn thay đổi.


Cổng làng Mông Phụ - Đường Lâm

Xưa...

Với hệ thống tự cung, tự cấp về kinh tế, người nông dân trước đây vốn sống trong các ngôi làng khép kín. Khi sinh con, người ta đã tính ngay nên trồng bao nhiêu cây xoan để đủ làm một ngôi nhà 3 gian hay 3 gian 2 chái lúc con cái lấy vợ sau 20 hay 25 năm. Vì kèo, đòn tay, rui mè đã có... tre trồng quanh vườn. Gạch thì lấy đất từ ao hay ruộng rồi tự xây lò gạch để nung. Vôi thì lấy ở núi đá vôi hoặc mua. Gỗ xoan, tre trước khi đem xây được ngâm kỹ dưới bùn ao khoảng một năm để chống mối mọt. Rơm lợp nhà là rơm của nhà. Người nông dân vốn tay phải cầm cày, tay trái cầm dùi đục, cưa của người thợ mộc hay cái bay của thợ ngõa. Người trong gia đình, bà con, láng giềng, mỗi người giúp một tay. Quan trọng nhất là có một người thợ cả biết chỉ huy với cái thước tầm giản đơn mà kỳ diệu!


Cổng vào nhà ở làng cổ Đường Lâm

Tất cả hệ kết cấu được ngàm vào nhau bằng mộng, cả ngôi nhà dựng lên không cần tới một cái đinh. Khi cần, người ta có thể tháo rời ra để di chuyển... Tường nhà được xây bằng gạch đất nung dày khoảng 20 cm, mạch được để trần hay trát. Hướng nhà chính bao giờ cũng quay về phía Nam, Đông Nam để đón gió mát thổi từ hướng Nam, hơi nước từ mặt ao trước sân vào nhà. Lưng nhà ở phía Bắc không có cửa, hai hồi có cửa sổ nhưng thường rất nhỏ để chống cái rét của gió mùa Đông Bắc. Ba gian chính để thờ, tiếp khách. Hai chái để ở, cất đồ gia dụng quý giá và để chứa thóc, gạo. Cái nhà phụ thường nhỏ hơn, mái lợp rơm dùng để làm bếp và nơi chứa công cụ nhà nông. Khi cần, chủ nhà có thể tháo các cánh cửa gỗ, nới rộng không gian từ nhà, qua hiên, đến tận sân thành một không gian mở phục vụ cả năm, bảy chục người ngày lễ... Khu vườn bao quanh thường có hàng cau trước ngõ, những bụi chuối phía sau. Những ngôi nhà như vậy, những cái vườn như vậy, tạo nên những cái làng có luật, có lệ của nó như là một cơ thể sống thống nhất và đã tồn tại với lịch sử ngàn năm.

Nay...

Những biến cố lịch sử của chiến tranh đã hủy hoại rất nhiều di sản kiến trúc... Nhưng sự biến đổi nhanh chóng của kiến trúc nông thôn Việt Nam, đặc biệt là nông thôn miền Bắc chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây làm cho chúng ta thực sự thấy sửng sốt. Nó dữ dội gần bằng cả ngàn năm lịch sử: Không quy hoạch, không quản lý, xô bồ, mạnh ai nấy làm miễn là có tiền, đâu có đất trống là xây... với đủ các kiểu nhà, các chi tiết kiến trúc Đông, Tây, Trung Cận Đông...

Bây giờ về nông thôn có cảm giác hễ cứ nhà mới là dựng đứng lên như cái ...tủ. Nhiều gia đình trước khi làm nhà đều chọn phương án kiến trúc bằng cách: lên thành phố chụp ảnh. Ngay cả những ngôi nhà năm gian cổ với bậc thềm cao vút, ngói âm dương mát lạnh, cửa gỗ uy nghi… của các gia đình giàu có thủa xưa cũng bị con cháu họ đập đi để thay bằng những căn nhà 2 hoặc 3 tầng hiện đại. Những ngôi nhà kiểu đô thị đó thoát ly khỏi mặt đất, trong khi người nông dân sống dựa vào đất.

Xã hội nông thôn đã có những thay đổi lớn lao. Cái làng ngày xưa, phương thức sản xuất ngày xưa không còn nữa. Người nông dân đang giàu lên, nông thôn ngày càng ít nhà lá, nhà đất, nhiều nhà gạch, nhà bê tông. Kiến trúc nông thôn buông lỏng, đi vào một số làng cũng giống như phố. Mà nông thôn thì cần gì mặt tiền? Cũng lại xây đường, rồi 2 nhà mặt tiền nhìn nhau; trong khi ngày xưa thì vườn trước ao sau. Cảnh quan thay đổi, các mặt của đời sống văn hoá, tinh thần cũng có những biến đổi.

Có thể nói kiến trúc nông thôn hiện nay không được hướng dẫn cả về quy hoạch lẫn thẩm mỹ. Nhà cửa, ngõ xóm xây dựng ít khi theo quy hoạch (mà ai quy hoạch cho họ?) tạo nên sự hỗn độn, sự chen chúc, phá vỡ khung cảnh thôn quê vốn dĩ nền nã, nhuần nhị.

Hình như nhiều người nghiễm nhiên cho rằng, nông thôn thì cần gì kiến trúc. (!)

Ai chịu trách nhiệm về quy hoạch, kiến trúc ở nông thôn?

Quy hoạch kiến trúc ở nông thôn đang bị bỏ quên (hay phó mặc !). Cảnh quan và không gian văn hoá làng quê đang bị phá vỡ, điều kiện môi trường ngày càng báo động, bức bối về giao thông… là những hệ luỵ có nguyên nhân từ quy hoạch xây dựng không ai lo. Ai chịu trách nhiệm trước tình hình trên? Chả lẽ Luật Xây dựng chỉ dành cho các đô thị? Câu trả lời dành cho các cơ quan chức năng, nhưng không thể chậm trễ thêm trước cuộc tấn công của đô thị hoá vào nông thôn hiện nay.

Công tác quy hoạch nông thôn chỉ thể hiện mờ nhạt trong một số chương trình phát triển nông thôn. Các đề án đều mang tính rời rạc và chắp vá. Nhiều mâu thuẫn nảy sinh như: Nhiều con đường khi làm xong không có hành lang an toàn giao thông, không tính đến sự phát triển của phương tiện ngày càng hiện đại, thậm chí không có lộ giới mang tính dự báo, để dân xây dựng, lấn chiếm tràn lan, khi cần mở rộng thì “sự đã rồi”... Nguyên nhân trước hết và cũng là không còn cách giải thích nào hơn là do nhiều nhà quản lý địa phương “không có tầm nhìn chiến lược” và lối tư duy bao cấp, hoặc “hết nhiệm kỳ sẽ có người khác lo”...


Bê-tông bắt đầu "xâm lấn" gạch đá ong


Ở góc độ quy hoạch, có ba khu vực rõ rệt: đô thị, vùng ngoại ô và nông thôn. Ngày trước, sự phát triển của khu vực nông thôn chủ yếu trông chờ vào nông nghiệp. Nhưng hiện nay, nông nghiệp không còn vai trò quan trọng nữa mà thay thế dần là nghề phụ, dịch vụ. Lao động đổ xô ra thành phố tìm kiếm việc làm. Cơ chế hoạt động nội tại, cấu trúc xã hội của nông thôn đã thay đổi, dẫn tới sự thay đổi về diện mạo, kiến trúc, không gian của khu vực này. Xu hướng hiện nay là cả đô thị lẫn nông thôn đều đang mở dần về phía ngoại ô và phát triển khá lộn xộn. Nếu không điều chỉnh kịp bằng quy hoạch thì 10 hay 20 năm nữa, khó mà hình dung nổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, có người cho rằng nói chuyện quy hoạch nông thôn bây giờ dường như không phải lúc bởi ngay cả các đô thị, trong đó có Hà Nội, còn chưa được làm đến nơi đến chốn; ngay vùng ngoại ô còn chưa được để mắt tới, nói gì nông thôn.

"Vấn đề quy hoạch phát triển nông thôn không chỉ có Bộ Xây dựng mà liên quan đến nhiều bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn" - Ý kiến trao đổi của KTS Nguyễn Trực Luyện. Như vậy có thể thấy, quy hoạch nông thôn chỉ mới dừng lại ở một vài khía cạnh, không đồng bộ. Giải quyết vấn đề này yếu tố cần thiết nhất là Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp để đưa ra những quy hoạch thật sự có tính hệ thống và quy mô mang tính chiến lược cho các địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền phải nhận thức được vấn đề và lựa chọn, xây dựng mô hình phù hợp đối với địa phương mình.

Thực tế là trong những năm 1964-1965, ông Hoàng Như Tiếp, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn lúc đó đã quan tâm đến vấn đề này. Ông đã cho triển khai Khu Tam thiên mẫu quy hoạch xây dựng nông thôn với khu dân cư, khu sản xuất nông nghiệp riêng biệt... theo kiểu hình dáng đô thị trong nông thôn. Mô hình này đã được xây dựng ở một số nơi như Hưng Yên, Bắc Ninh... gây được ấn tượng một thời!

Việc không gian làng truyền thống bị phá vỡ, lỗi không hoàn toàn thuộc về người nông dân. Song, nếu nhận thấy hết những giá trị không gian trật tự, ổn định của làng truyền thống, nơi phát nguồn của văn minh đô thị tại Việt Nam; thì hẳn, nông dân chúng ta sẽ biết trân trọng và làm mới không gian sống của mình trong một chỉnh thể ổn định vốn có của làng. Ngay gần chúng ta Nhật Bản đã phát triển đến thế nào mà vẫn rất coi trọng vốn văn hoá cổ và những không gian đó được người Nhật hết sức giữ gìn. Ý thức đó không dễ gì có được nếu chưa phải trả giá. Ở Pháp, trước khi phát triển đô thị, người ta quy hoạch vùng phụ cận (ngoại ô và nông thôn). Nếu quy hoạch tốt ngoại ô và nông thôn thì không ai dại gì đổ xô về thành phố. Đó là giải pháp mà người Pháp mới thực hiện được trong một thập niên trở lại đây- sau khi họ thấm thía hậu quả từ sự phát triển quá nhanh của đô thị. Quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch nông thôn dễ hơn ở đô thị, vì thế nên làm ngay đi.

Vấn đề nan giải nhất ở đây là tạo ra mẫu trong thực tế, lấy cái được, cái hay để thuyết phục, và quan trọng hơn, tìm ra phương thức quảng bá.


Nhà ở nông thôn đang bị bê-tông hóa


Đô thị hóa như một dòng nước đang tự chảy về nông thôn. Không có một cơ quan nào, một tài liệu nào hướng dẫn người nông dân xây nhà làm sao để phù hợp với điều kiện kinh tế, làm sao tốn ít mà lại đẹp. Chưa có tổ chức, cá nhân nào giới thiệu một mô hình làng đẹp thôn quê, các chương trình trên truyền hình cũng chỉ nói về kiến trúc đô thị... 

Kiến trúc nông thôn đang đứng trước những vấn đề về mô hình, quy hoạch, thiết kế, kiến trúc, tổ chức cuộc sống cộng đồng, duy trì môi trường cảnh quan, bảo vệ môi trường v.v... Những vấn đề gay gắt không kém các đô thị.

Các cuộc hội thảo, nghiên cứu phát triển các đô thị, ta đã có hàng trăm. Nhưng, không gian làng truyền thống, quỹ kiến trúc nền tảng đầy giá trị và kinh nghiệm này, lại chưa được nhìn nhận và nghiên cứu đúng với vai trò của nó. Mô hình nhà ở nông thôn đã có lúc được đưa vào những cuộc thi, nhưng trao giải xong, nó không được áp dụng vào thực tế.

Ta hay dùng khái niệm “xã hội hoá” nhưng thực chất nó bao che về sự đóng góp. Xã hội hoá là mọi người cùng quan tâm đến, nhưng không thể không nói vai trò của nhà nước. Bây giờ vào WTO chúng ta có thể có nhiều cách đầu tư cho nông thôn mà vẫn không phạm luật khi tham gia vào thị trường tự do.

Không ai có thể đòi giữ lại làng với phần lớn các công trình nhà ở kiến trúc đơn giản, tạm bợ. Không gian làng Việt phải giữ lại nét đẹp trong cảnh quan, công trình kiến trúc cổ. Nhưng không vì thế mà quy hoạch chắp vá, tuỳ tiện, để đến một ngày làng quê trở nên ngột ngạt, quá tải… Vấn đề quy hoạch không gian làng nên giao cho cơ sở đảm nhiệm, có tập huấn hướng dẫn, phổ biến tiêu chuẩn, mô hình mẫu… về hạ tầng, về không gian chung cho các công trình phúc lợi, công trình văn hoá, thể thao… Chỉ như vậy việc quy hoạch nông thôn mới được "xã hội hoá" để nhân dân tham gia góp vào việc chuẩn bị không gian sống cho chính mình, trên cơ sở quy định chung, chuẩn hoá nhà nước về quy mô, tiêu chuẩn các công trình hạ tầng, công trình công cộng… Và chỉ như vậy, nông thôn mới được làm quy hoạch khi lực lượng kiến trúc sư không thể đông đảo tới mức "phủ sóng" cho hàng chục nghìn làng xóm bản mường…

Cần giáo dục tuyên truyền cho người dân để họ có ý thức và kiến thức cần thiết khi lựa chọn mẫu mã nhà phù hợp với không gian làng xã. Nếu không sẽ có sự sao chép dễ dãi, chạy theo kiến trúc đô thị mà quên mất vẻ đẹp cần có của kiến trúc thôn quê, với rặng duối, bờ tre, cây đa, mái đình… Công việc này hiện đang được một số kiến trúc sư trẻ - thành viên diễn đàn VNArchitects.com khởi động, với sự cố vấn của các bậc lão thành như KTS Nguyễn Trực Luyện, các kiến trúc sư Việt Kiều như KTS Mai Thế Nguyên (Na-uy) và các văn phòng kiến trúc (1+1>2,...)

Đối với nông thôn, ta không thể áp đặt một kiểu kiến trúc cho mọi ngôi nhà và không gian làng truyền thống. Bởi, mỗi vùng sẽ có sắc thái riêng nhờ địa thế, tập quán sống khác nhau. Vì vậy, việc thiết lập quy hoạch tổng thể cho không gian làng dựa trên cơ sở thực tế từng địa phương, cũng như việc tìm ra mô hình kiến trúc nhà ở thực sự hợp lý cho nông thôn hiện đại, sẽ giúp cho không gian làng truyền thống tìm thấy được vị trí của mình trong sự phát triển tới tương lai. 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo