Nhân xem bài “Không bắc cầu đá vào chùa Trấn Quốc" (VietNamNet ngày 25/6/09), xin có vài lời bàn về phong trào làm mới di tích tại Hà Nội.
Đường Cổ ngư xưa, chầm chậm bước ta về
Hồ Tây xưa mênh mông là nước , con đường nhỏ như sợi tơ mỏng manh giữa hai bờ nước nên ngưòi ta phải làm cho chắc lại - cố ngự , nói trại đi mà thành Cổ Ngư… Nhỏ nhắn nhưng kỳ ảo lung linh,nơi lưu dấu bao bước chân yêu dấu, hẹn hò trời biển. Những năm 1960, hàng vạn thanh niên Thủ đô lao động đắp cho rộng ra thành con đường mang biểu tượng Thanh Niên.
Đường Cổ Ngư xưa… và cổng chùa Trấn Quốc mờ ảo trong nắng chiều
Kiến trúc chùa Trần Quốc thể hiện thẩm mỹ kiến trúc gắn bó cảnh quan trời - nước xung quanh. Uy nghiêm ở bên trong nhưng giản dị, khiêm nhường nếu nhìn từ bên ngoài, thể hiện sự cân bằng tuyệt đối giữa công trình kiến trúc với cảnh quan hồ nuớc, cây xanh với quan niệm mỹ học phương Đông.
Khoảng mươi năm lại đây việc tu sửa, cơi nới đã làm biến đổi cảnh quan Chùa khá nhiều. Lối đi được mở rộng thêm đến mấy lần, kè bờ cứng hoá, sân lát gạch thay cho nền đất với cỏ cây, những bức tường đắp sơn màu loè loẹt. Đầu những năm 2000 thêm ngôi bảo tháp màu đỏ sẫm vươn cao… Có vẻ những xôn xao, ồn ào của phố phường đang từng bước lấn sâu vào không khí tĩnh lặng, u ẩn, sang trọng.
Chùa Trấn Quốc năm 1940
Mặt nước và không gian văn hóa Hà Nội
“Sông hồ HN là những yếu tố xuất hiện trước cả TP, vì thế nó giúp ta duy trì ký ức về nguồn cội. Là khoảng không gian phản chiếu tinh thần, tôn giáo, thần bí và giàu chất thơ...” (Christian Pédelahere de Loddis)
Đình chùa là trung tâm văn hoá tín ngưỡng, là không gian sinh hoạt cộng đồng, nơi chuyển tải yếu tố tâm linh mà thiên nhiên xung quanh đóng góp phần quan trọng. Xây dựng theo luật “Phong thủy”, kiến trúc đình chùa còn thể hiện trí tuệ, phẩm chất của người trụ trì hay hưng công tạo lập, luôn biểu đạt tối đa giá trị tinh thần bằng phương tiện vật chất tối thiểu.
Nhiều đình chùa còn giữ được giá trị kiến trúc cảnh quan cho đến nay vì bảo quản có phương pháp. Từ năm 1880, Hà Nội đã lập danh sách 40 công trình lập tại Hà nội và chùa Trấn Quốc có vị trí hàng đầu. Ngay từ lúc đó các nhà văn hoá, sử học và kiến trúc sư đã thuyết phục, tranh luận với giới quân đội, tôn giáo và viên chức Pháp về các biện pháp bảo tồn nguyên trạng. Ví dụ như toàn bộ số tháp gạch trong vườn chùa được viện Viễn đông Bác cổ (có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia người Việt) đo đạc và duy trì nguyên trạng ngay từ cuối thế kỷ 19 và vẫn nguyên vẹn như vậy trong suốt thế kỷ 20. (*)
Theo biến đổi của xã hội, đình chùa ngày nay là nơi đón tiếp nhiều khách thập phương nên quy mô lớn dần, nhưng rất tiếc cái khát vọng vật chất to lớn được thoả mãn thì khả năng biểu đạt tinh thần ít dần, đa phần là tầm thường, trống rỗng. Chùa Trấn Quốc là một ví dụ. Sau mỗi lần sửa chữa, Chùa xấu đi một phần và phương án chuẩn bị xây lại Chùa sẽ là dấu chấm hết cho một thắng cảnh đất Thăng Long xưa.
Không có Tháp và Tháp mới xây ở chùa Trấn Quốc lừng lững vươn cao, những năm 2000
Chùa Trấn Quốc đã bị bê tông hóa và..."điểm trang" lòe loẹt
Tại diễn đàn về đô thị và di sản, chúng ta được nghe các vị quản lý văn hoá cấp Bộ và TP đăng đàn diễn thuyết rất tâm đắc: "Không gian cảnh quan có giá trị cũng là di sản…” nhưng thực tế thì họ vẫn buông tay cho ra đời những sản phẩm như phương án làm mới Chùa Trấn Quốc (cho dù có hay không cầu thì cũng vậy). Một sản phẩm như vậy ra đời có trách nhiệm của Chủ đầu tư, tác giả thiết kế và cơ quan phê duyệt. Một phần do năng lực nhưng một phần thiếu hiểu biết, thiếu tư liệu để học hỏi tài năng của cha ông ta đã làm rất thực hiện thành công từ xa xưa.
Chùa Trấn Quốc còn gọi là Khai Quốc hay An Quốc, cái tên nói lên khát vọng bình yên của dân tộc - đất nước. Không chỉ giới hạn bởi một địa dư hay thời khắc, nó vượt ra khỏi khuôn viên toạ lạc, không gian cây cỏ gỗ đá. Nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng và tổ chức một cuôc thi nghiêm túc, chắc chắn sẽ có phương án chất lượng cao hơn.
Xin gửi thêm một ví dụ nữa về không gian đền Quán Thánh bên đường Cổ Ngư xưa. Cũ hay mới đẹp xin bạn đọc cho ý kiến.
Quán Thánh bên đường Cổ Ngư xưa
(*) Christian Pédelahere de Loddis: “Hà Nội, những di sản kiến trúc nổi bật” trong cuốn "Hà Nội: chu kỳ của những đổi thay" (NXB KHKT-2003)
Trần Huy Ánh - Ảnh : HanoiData sưu tầm & biên soạn
Không bắc cầu đá vào chùa Trấn Quốc Mấy tuần nay, con đường Thanh Niên đột nhiên mang màu sắc lễ hội: khắp nơi là băng rôn, pano giới thiệu lễ khởi công động thổ dự án tu bổ, tôn tạo chùa Trấn Quốc rất hoành tráng vào ngày mai, 26/6/2009. Ngay sau con ngõ đẹp nổi tiếng với hàng cau xanh thẳng thớm dẫn vào chùa là tấm pano lớn vẽ phác diện mạo của ngôi chùa Trấn Quốc trong tương lai: hiện đại và có thêm một chiếc cầu đá cong cong dẫn vào thay cho chính con đường nhỏ đẹp đẽ này. Không chỉ có thế, những hạng mục sẽ được sửa sang hoặc làm mới gồm có: tam quan, tả vu, hữu vu, tháp mộ, lan can... Nghĩa là, sẽ có một cuộc trùng tu quy mô lớn và ngày mai, 26/6 có lễ động thổ lấy ngày. Gần đây nhất, 22/6/2009 đã có buổi làm việc chính thức giữa chủ đầu tư, chùa Trấn Quốc và Bộ VH-TT&DL, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng đã chính thức yêu cầu "rút" hạng mục cầu đá khỏi các hạng mục của lần trùng tu này. Về mặt pháp lý, Cục Di sản chưa đồng ý đưa hạng mục cầu đá thay thế con đường dẫn vào chùa Trấn Quốc hiện nay và như thế cũng có nghĩa là văn bản thỏa thuận hồ sơ thiết kế trùng tu chùa Trấn Quốc, di tích lịch sử-văn hoá cấp quốc gia này chưa được phê duyệt chính thức. Có dịp hỏi qua một số giáo sư đầu ngành, không ai biết gì về dự án, và ai cũng băn khoăn nhất trước hai hạng mục: cầu đá và tam quan. Cầu đá thay thế con đường với hai hàng cau, tam quan quy mô thay thế cổng chùa hiện tại... Chùa Trấn Quốc không chỉ là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đã vài chục năm nay, mà còn "tự hào" là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây trên bãi sông Hồng từ thời Lý Nam Đế (541 - 547) với tên Khai Quốc. Đến thế kỷ 17 (thời Lê Trung Hưng), chùa đã phải dời vào trong đê, dựng trên nền cũ cung Thiếu Hoa (thời Lý) và điện Hàn Nguyên (thời Trần). Tuy ngôi chùa hiện tại cũng không còn nhiều hạng mục "gốc", nhưng trùng tu với quy mô lớn đến thế thì vẫn cần hết sức cẩn trọng. Cổng vào chùa Trấn Quốc, theo khẳng định của Cục Di sản, là công trình mới xây sau này (không thuộc yếu tố gốc), quy mô nhỏ, hình dáng kiến trúc "không phù hợp", nên việc chủ đầu tư muốn xây một tam quan mới là phù hợp. Cục Di sản cũng đã đề nghị tháo dỡ những cánh sen được "xây" xung quanh hồ hiện tại, và nhà chùa đã đồng ý. Chỉ khi được Cục Di sản phê duyệt chính thức phương án trùng tu, tôn tạo chùa Trấn Quốc thì mới được phép bắt đầu tiến hành nên ngày khởi công 26/6/2009, chỉ có ý nghĩa tượng trưng để "lấy may" mà thôi. Khánh Linh (VietNamNet, 25/6/09) |
[ Chuyên đề : Bảo tồn di tích ]
- Siêu dự án đô thị ven sông Hồng: Giới chuyên môn đứng ngoài?
- Xây dựng hệ thống tiêu chí về thành phố sống tốt cho Thủ đô Hà Nội
- Không gian kiến trúc làng ngoại thành trong quá trình đô thị hóa ở Hà Nội
- Chợ vấn thân thiện với người dân Hà Nội hôm nay và mai sau
- Hà Nội - thành phố thân thiện, sống tốt: thực trạng & trách nhiệm
- Đô thị sinh thái - hướng đi của tương lai
- Quy hoạch, kiến trúc cho nhà ở xã hội: Giải pháp nào?
- Di sản đô thị: nhận thức và ứng xử
- Bảo tồn phố cổ : cũ mà vẫn mới
- Nhà giá rẻ có thực sự rẻ?
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này