Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Phản biện Không gian kiến trúc làng ngoại thành trong quá trình đô thị hóa ở Hà Nội

Không gian kiến trúc làng ngoại thành trong quá trình đô thị hóa ở Hà Nội

Viết email In

Quá trình đô thị hoá ở Hà Nội trải qua các thời kỳ đã tác động làm biến đổi cấu trúc không gian làng truyền thống - một đặc trưng trong đô thị cổ Việt Nam. Tác động của kinh tế thị trường đã làm thay đổi đáng kể đến cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân ngoại thành. Những tác động tích cực của đô thị hoá ở Hà Nội đã làm cho các làng xã ngoại thành có sự thay đổi lớn về kinh tế - xã hội và bộ mặt kiến trúc tại các tụ điểm dân cư thị - thôn mới. Nhưng xét về tổng thể chung trong thành phố sự giao tiếp giữa cuộc sống nông thôn và cuộc sống thành thị về các mặt kinh tế, xã hội, văn hoá, lối sống cho thấy xu hướng nông thôn áp đảo thành thị. Căn tính nông dân và tư duy nông nghiệp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý đô thị, đồng thời không phát huy được các giá trị đặc trưng sẵn có của văn hoá truyền thống. Ngược lại do có sự giao lưu, tiếp xúc của cuộc sống nông thôn với văn minh kỹ thuật đô thị theo xu hướng "hướng ngoại" đã và đang có nhiều tác động vào cấu trúc làng, làm ảnh hưởng đến những giá trị văn hoá  truyền thống. Kết quả tác động theo cả hai chiều nêu trên dẫn đến sự va chạm giữa yêu cầu hiện đại, văn minh của cuộc sống đô thị và tính truyền thống, văn hoá của cuộc sống nông thôn.


Nhà ở nông thôn đang bị bê-tông hóa 

Nhưng sự chuyển biến vừa qua của các làng ngoại thành diễn ra tự phát, từ từ và khó kiểm soát được. Sự biến đổi ở mỗi nơi mỗi lúc với tốc độ và mức độ khác nhau nhưng vẫn trên một mặt bằng văn hoá chung có nguồn gốc nông nghiệp. Sự biến đổi phần vỏ vật chất của không gian kiến trúc chưa đồng bộ với nội dung bên trong là con người, xã hội, văn hoá, lối sống nông thôn. Do thiếu quản lý, hướng dẫn kịp thời hoặc tư tưởng nóng vội của mỗi cá thể muốn ngôi nhà của mình trở thành nhà ở kiểu thành phố  đã tạo nên sự biến đổi tự phát lộn xộn làm ảnh hưởng đến đặc trưng của không gian văn hoá quần cư truyền thống. Sự biến đổi nêu trên là theo quy luật tự phát thiếu sự cân bằng giữa các yếu tố con người, xã hội, môi trường và cân bằng giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá.

Bài học kinh nghiệm này đã được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá thế giới UNESCO nhấn mạnh trong tuyên bố mở đầu thập kỷ thế giới phát triển văn hoá  như sau:

- "Kinh nghiệm của hai thập kỷ vừa qua cho thấy trong mọi xã hội hiện nay, bất luận ở trình độ phát triển kinh tế nào hoặc xu hướng nào văn hoá và phát triển là hai mặt gắn liền nhau."

- "Nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hoá  thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hoá và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ suy yếu rất nhiều."

Hà Nội là trung tâm của tiểu vùng văn hoá Thăng Long - Hà Nội, trong vùng văn hoá  châu thổ sông Hồng. Đặc trưng nổi bật về địa lý và khí hậu là môi trường thực vật và sông nước với hệ thống các làng gắn liền sông, hồ, đầm của thành phố. Mỗi một làng lại là một đơn vị cân bằng sinh thái trong hệ thống các làng. Làng truyền thống ngoại thành là một cộng đồng dân cư, đơn vị kinh tế xã hội, là môi trường văn hoá, đơn vị xã hội cơ sở. Làng là một đơn vị cơ bản bao gồm những thành tố: công trình công cộng truyền thống, nhà ở, không gian giao tiếp công cộng. Các thành tố này đan xen hoà quyện gắn bó chặt chẽ tạo thành một không gian thực thể chứa đựng những giá trị văn hoá  truyền thống  (văn hoá vật thể và phi vật thể). Nghề truyền thống là một đặc trưng của văn hoá sản xuất, mang giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Đặc trưng này gắn liền với sinh hoạt văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán và hương ước là những giá trị văn hoá phi vật thể tạo nên đặc trưng cộng đồng văn hoá của mỗi làng. Đây là những yếu tố nội lực sẵn có trong kiến trúc làng truyền thống cần nghiên cứu phát triển.


Bê-tông bắt đầu "xâm lấn" gạch đá ong 

Làng truyền thống ngoại thành là một thành phần trong cấu trúc đô thị Hà Nội. Vì vậy trong quá trình đô thị hoá ở Hà Nội cần theo quan điểm tiếp cận hệ thống để nghiên cứu và tác động hợp lý vào việc chuyển đổi kinh tế, xã hội, văn hoá và  tổ chức không gian kiến trúc. Việc tổ chức không gian kiến trúc làng trong môi trường đô thị hoá thực chất là sự hiện đại hoá và hợp lý hoá mối quan hệ tương tác giữa các thành tố trong cơ cấu làng sao cho phù hợp với yêu cầu mới của cuộc sống văn minh mà vẫn giữ gìn phát triển được các giá trị văn hoá  truyền thống sẵn có.

Đô thị là phát triển, làng xóm là tĩnh tại xét một cách tương đối. Đô thị phát triển, ruộng đất có xu hướng giảm, không gian kiến trúc làng là có giới hạn trong khi đó đời sống hiện đại đòi hỏi nhiều nội dung mới, yêu cầu mới. Đây là yếu tố động bắt buộc phải có sự chuyển hoá cả về lượng và về chất. Làng truyền thống vốn là cấu trúc cân bằng động vừa hướng nội, vừa hướng ngoại. Khi một trong các thành phần không gian trong cấu trúc này đáp ứng thiên lệch cho một nhu cầu mới nào sẽ làm ảnh hưởng lấn át các thành phần không gian khác... Để cho các làng ngoại thành trong quá trình đô thị hoá ở Hà Nội đến năm 2020 trở thành một cộng đồng dân cư truyền thống đổi mới hiện đại  rất cần phải nghiên cứu về chúng như một thực thể có ảnh hưởng quan trọng tới chất lượng quy hoạch Thủ đô của nước ta. 

Đô thị hoá ở Hà Nội là quá trình giao tiếp giữa các yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh của văn hoá làng. Vì vậy, không gian kiến trúc làng ngoại thành trong quá trình biến đổi chứa đựng cả ba nhân tố: truyền thống, sự đan xen, sự đổi mới. Như vậy trong quá trình hiện đại hoá các làng xóm ngoại thành cần có "môi trường đô thị hoá". Đây là môi trường tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi của con người, lao động, nghề nghiệp, văn hoá và lối sống đô thị tác động vào cấu trúc không gian làng. Xét về mặt kinh tế kỹ thuật đây là môi trường thương mại, chuyển giao giữa công nghệ hiện đại với kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cổ truyền, xét về văn hoá  đây là môi trường giao lưu giữa văn hoá  truyền thống và văn minh hiện đại. Môi trường này mang tính chất là không gian chuyển tiếp giữa đô thị và nông thôn.

  • Ảnh bên : Cổng vào nhà ở làng cổ Đường Lâm 

Với ý nghĩa là một thành tố của văn hoá, không gian kiến trúc làng cũng có quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá với văn minh đô thị theo hướng có chọn lọc, nói cách khác là có độ khúc xạ nhất định để tạo thành nét riêng theo bản lĩnh của văn hoá  truyền thống. Như vậy, hiện đại hóa không gian kiến trúc làng cũng cần theo quan điểm tiếp thu, tiếp nhận cái mới của văn hoá  ở hai mức độ: tiếp nhận tự nguyện và tiếp nhận cưỡng bức. Trong sự tiếp nhận chọn lọc có ba hình thức có sự sáng tạo, kiểm soát của lý trí.

- Tiếp nhận chọn lọc những yếu tố, giá trị phù hợp với những gì có sẵn.
- Tiếp nhận cả hệ thống nhưng đã có sự sắp xếp lại theo quan niệm giá trị của cộng đồng là chủ thể.
- Tiếp nhận theo dạng mô phỏng và biến thể một số thành tựu của văn minh đô thị.

1 - Mô hình không gian mềm 

Do ảnh hưởng của đô thị hoá, cấu trúc làng truyền thống sẽ biến đổi từ các nhân tố con người - xã hội - môi trường của văn minh nông nghiệp (nông thôn) sang văn minh công nghiệp (đô thị). Quá trình này có thể mô phỏng như sau: Những đặc tính của văn minh đô thị và văn hoá truyền thống về định tính và định lượng được biểu diễn theo chiều đứng. Những đặc tính về không gian, khoảng cách đối với đô thị (tính từ trung tâm trở ra đến ngoại thành), được biểu diễn theo chiều ngang  Phương pháp mô phỏng này sẽ cho thấy kết quả theo quy luật: các mặt định tính và định lượng của đặc trưng đô thị và đặc trưng nông thôn phát triển tăng giảm ngược nhau trong quá trình đô thị hoá theo không gian và khoảng cách đối với trung tâm thành phố. Thí dụ như sau:

- Về đất đai : Đất nông nghiệp giảm dần và đất xây dựng đô thị tăng lên để xây dựng các khu chức năng thành phố. Càng vào gần trung tâm định lượng và định tính nông nghiệp giảm xuống thấp, ngược lại càng xa trung tâm định lượng và định tính công nghiệp dịch vụ đô thị giảm . Nếu cứ lần lượt xét từng yếu tố một cũng có thể thấy theo quy luật như vậy. Lao động nông nghiệp giảm xuống, lao động công nghiệp tăng lên. Trình độ dân trí quan hệ xã hội và lối sống đô thị tăng lên, quan hệ cộng đồng làng xóm, lối sống nông nghiệp  và giá trị truyền thống giảm dần. Nghề truyền thống có xu hướng giảm dần, các loại sản xuất khác theo hướng hiện đại hoá tăng lên. Truyền thống trao đổi hàng hoá được thay đổi sang hình thức kinh doanh dịch vụ buôn bán thị trường. Các giá trị văn hoá  sinh hoạt và sản xuất  đồng thời giảm dần đến mức chỉ còn lại những cốt lõi mang tính chất đặc trưng: đền, chùa, miếu, lễ hội tín ngưỡng, thủ công mỹ nghệ tinh xảo gia truyền. Không gian, môi trường cảnh quan văn hoá làng truyền thống giảm xuống, nhường chỗ cho công trình nhà cửa kinh tế kỹ thuật và  môi trường đô thị...

- Về không gian ở : Càng vào gần nội thành làng không còn là đơn vị cộng cư khép kín mà trở thành những nhóm ở hoặc đơn vị trong đô thị vì vậy cần có nội dung mới của cuộc sống thành thị như cửa hàng, dịch vụ, giáo dục, đường giao thông, bến bãi đỗ xe. Sự thể hiện tách bạch rõ ràng chức năng ở, công cộng, sản xuất của đô thị thay thế cho đơn vị cộng cư kiểu nông thôn.

Vận dụng hệ quả của quan điểm tiếp cận hệ thống, mô phỏng tác động của đô thị hoá tự nhiên và chủ động, để tạo được sự phát triển bền vững hài hoà thiên về đô thị và công nghiệp hoá việc tổ chức không gian làng trong đô thị phải có một "không gian mềm"làm "môi trường đô thị hoá" hay là "phần đệm" giữa phần đô thị và cấu trúc làng truyền thống.  


Làng Chuông (Thanh Oai - cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km). Ảnh: Photo.vn

- Về định lượng : phần không gian mềm này tuỳ theo vị trí của mỗi loại làng trong thành phố theo thời gian dự báo của quy hoạch thành phố và cũng có xu hướng giảm dần khi càng gần trung tâm thành phố. Về định tính phần không gian mềm này là không gian chứa đựng sự giao thoa của văn minh, kỹ thuật, lối sống đô thị với văn hoá  truyền thống, lối sống nông thôn.

- Về vị trí : phần không gian mềm này trùng với hệ thống luồng thông tin, kinh tế - xã hội của quá trình phát triển đô thị. Không gian mềm chính là các hành lang kinh tế, các trục không gian huyết mạch nối tiếp các điểm đô thị, thị trấn, thị tứ theo dạng hướng tâm, lục lăng hoặc tam giác tuỳ theo đặc điểm địa lý và tự nhiên của thành phố, từ phần không gian này các yếu tố mới có thể được tiếp nhận vào cấu trúc làng truyền thống. Ngược lại những nội dung cũ do yêu cầu mới nảy sinh không chứa đựng được trong khuôn khổ làng sẽ được đưa ra phần không gian mềm để biến đổi phù hợp hơn. Thí dụ: nhà ở dãn dân, cơ sở sản xuất nghề truyền thống, không gian công cộng truyền thống như chợ, không gian dịch vụ công cộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật...Không gian mềm, môi trường đô thị hoá là phần không gian mang ý nghĩa như phần đệm hay dự trữ ngoài phần đất thổ cư của làng, xóm truyền thống để giải quyết các nhu cầu mới do tác động và yêu cầu của đô thị hoá.

2 - Mô hình hệ thống làng trong tổng thể đô thị Hà Nội

Trong tổng thể quy hoạch thành phố, trung tâm thành phố ảnh hưởng trực tiếp đến các trung tâm khu vực, điểm đô thị, thị trấn, trung tâm quận, huyện theo tầng bậc thông qua là hệ thống huyết mạch, các hành làng kinh tế - xã hội, giao thông, kỹ thuật... Đây chính là hệ thống không gian cứng thiên về đô thị được tạo ra có sự tham gia gắn kết liên hoàn của các không gian mềm đã nêu trên theo dạng mạng lưới vòng, lục lăng, tam giác. Tuy làng truyền thống là một hệ thống khép kín phức hợp nhưng trong không gian đô thị chúng lại có mối quan hệ mở đối với nhau tạo thành hệ thống.


Nông thôn, đô thị và bi kịch của sự phát triển không bền vững
(Ảnh: byfiles.storage.msn.com & hvtc.edu.vn.) 

Các làng liên hệ tiếp nối với nhau qua hệ thống không gian cảnh quan môi trường mặt nước cây xanh, sông, hồ, mương, đầm. Hệ thống này được coi như hệ thống mềm thiên về đặc trưng của địa lý văn hoá - môi trường thực vật và sông nước của nền kinh tế nông nghiệp chứa đựng rất nhiều những giá trị văn hoá truyền thống vật chất và tinh thần như: đền, chùa, đình, tôn giáo tín ngưỡng, sinh hoạt văn hoá. Vì vậy khi tổ chức không gian kiến trúc làng truyền thống trong tổng thể quy hoạch thành phố, ngoài vấn đề tổ chức không gian một làng đơn lẻ còn cần quan tâm tổ chức hệ thống các làng truyền thống với đặc trưng là một hệ thống không gian mềm nhằm phát huy các giá trị phi vật chất. Đây chính là giải pháp tạo ra sự phát triển bền vững của đô thị tổng thể với sự đan xen hoà hợp giữa: "kỹ thuật, kinh tế, mật độ, tốc độ, thị trường, cá thể" với "văn hoá truyền thống, tâm lý cộng đồng, tốc độ từ tốn, môi trường yên tĩnh". Sự tương tác của hai yếu tố này tạo ra sự cân bằng trong phát triển kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường thiên nhiên của Thủ đô Hà Nội.

3 - Phân loại không gian kiến trúc làng theo cơ cấu chức năng

Trong sự biến đổi không gian kiến trúc làng thì đô thị hoá là nguyên nhân khách quan, con người và cộng đồng dân làng là yếu tố chủ quan. Không gian kiến trúc làng truyền thống trước đây với chức năng chính là ở và kết hợp kinh tế tự cung tự cấp. Do yêu cầu hiện đại hoá, với ý nghĩa là không gian chuyển tiếp giữa văn minh đô thị và văn hoá truyền thống sẽ cần có thêm một số chức năng mới  bên cạnh các chức năng cũ như sau: Chức năng ở , Chức năng kinh tế , Chức năng văn hoá, xã hội, giáo dục  Chức năng hành chính, Chức năng nghỉ ngơi giải trí giao tiếp, Chức năng giao thông, thông tin liên lạc, kỹ thuật hạ tầng. 

Như vậy cả chức năng cũ và mới đều cùng nằm trong không gian có giới hạn của làng, mang tính chất giải quyết nhu cầu cần nhưng chưa đủ điều kiện thoả mãn cho đời sống hiện đại trong đô thị. Thí dụ: chức năng sản xuất đặt trong làng với một số nghề có thể dẫn đến ảnh hưởng môi trường sống của dân cư, nhà trẻ, trường học được bố trí ở các nhà kho hợp tác một vài gian nhà cấp IV cũ có sẵn là không phù hợp, đặc biệt chức năng giao thông và hạ tầng không đảm bảo yêu cầu cho bản thân cuộc sống trong làng. Vì vậy, cần phân biệt làm ba loại không gian truyền thống(cố định, cứng), không gian linh hoạt (động, mềm) và không gian đan xen hỗn hợp trong tổ chức cơ cấu quy hoạch làng nhằm cân đối các điều kiện cần và đủ nêu trên

  • Không gian truyền thống cố định (cứng)

Phần thổ cư (đất ở) làng có xóm, ngõ, cụm và các khuôn viên nhà ở. Các công trình lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng gồm đình, chùa, đền, nhà thờ phục vụ cho các sinh hoạt công cộng, văn hoá, truyền thống. Bên cạnh đó đường làng, ngõ xóm, ao, hồ, đầm, vườn cây, cây đa, giếng nước, cảnh quan môi trường là nơi sinh hoạt giao tiếp truyền thống.

  • Không gian linh hoạt (mềm, động)

Do yêu cầu mới của đời sống hiện đại chức năng ở mới của dân làng luôn luôn tăng lên do phát triển dân số và hình thành gia đình hạt nhân. Để tránh sự mua bán chia nhỏ đất làm tăng mật độ xây dựng trong không gian làng , các nhu cầu ở mới cần bố trí trong phần không gian mềm. Đặc trưng của các gia đình hạt nhân trẻ là có nghề nghiệp mới, trình độ dân trí cao, lối sống ảnh hưởng đô thị nhiều hơn nên bố trí ở phần không gian mềm là phù hợp. Các công trình công cộng như dịch vụ công cộng, chợ, cửa hàng, khách sạn, nhà hàng... đây là những chức năng mới phục vụ nhu cầu đời sống của đô thị nên bố trí ở phần không gian mềm. Ngoài ra để phục vụ nhu cầu văn hoá, xã hội, giáo dục, khoa học kỹ thuật sẽ có thêm trường học, nhà trẻ, trạm xã, trường dạy nghề, thông tin bưu điện, câu lạc bộ, nhà văn hoá, sân vận động... Đây là các chức năng mới do yêu cầu của đô thị hoá, cần có diện tích và tiêu chuẩn đất đai xây dựng phù hợp, cần bố trí ở phần không gian mềm mới có khả năng đáp ứng đủ quy mô.

  • Không gian đan xen (hỗn hợp)

Đây là không gian có thể kết hợp các chức năng cũ và mới bố trí linh hoạt trong cơ cấu quy hoạch làng có thể là cây xanh, vườn hoa, sân chơi, vườn dạo, tiểu cảnh hoặc công viên nhỏ phục vụ nghỉ ngơi giải trí, đây là thành phần chức năng mới so với cấu trúc làng truyền thống. Tuy nhiên chức năng này tuỳ theo giải pháp và điều kiện có thể kết hợp hài hoà với chức năng văn hoá, xã hội, giáo dục và sinh hoạt công cộng truyền thống vì cùng nhóm chức năng văn hoá - xã hội. Đường giao thông, công trình kỹ thuật hạ tầng, môi trường vệ sinh phân rác là thành phần cần thiết để cải tạo và hiện đại không gian làng. Tuỳ theo đặc trưng của mỗi làng có thể lựa chọn giải pháp cụ thể mang ý nghĩa tiếp biến, tiếp nhận yếu tố mới. Nghề truyền thống kết hợp kinh doanh dịch vụ được tổ chức theo hai dạng: trong khuôn viên nhà ở, trong không gian làng truyền thống tập trung nhỏ theo nhóm, phường (dạng  tổ hợp) và ở không gian mềm.

4 - Phân loai các nhóm làng ngoại thành đặc trưng ở Hà Nội theo phương pháp lập bảng phân loại và mô phỏng quá trình đô thị hoá ở Hà Nội. Với dự báo của quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội, theo bán kính tính từ trung tâm trở ra có thể  phân ra các nhóm đặc trưng sau:

- Nhóm A - Nhóm làng lọt vào khu hạn chế phát triển là nhóm các làng có nhiều nghề thủ công của Thăng Long cũ và có một số lượng công trình lịch sử văn hoá tín ngưỡng lớn. Các làng này đã phải chịu một chế độ đô thị hoá cưỡng bức do đã hoặc đang chuyển đổi toàn bộ đất nông nghiệp sang đất đô thị trong một thời gian ngắn. Do đất đai có hạn, dân số tăng lên nhưng vẫn còn ảnh hưởng nhiều của lối sống nông thôn. Các làng lọt đô thị khu vực hạn chế phát triển hầu hết sẽ trở thành một nhóm ở hoặc đơn vị ở. Như vậy chức năng ở kết hợp dịch vụ sẽ là chủ yếu, nếu có nghề truyền thống cần phải khai thác nhưng ở mức độ sạch, cao cấp. Các định lượng đặc trưng truyền thống cần thu hẹp đến mức độ tiêu biểu mang ý nghĩa bảo tồn giá trị truyền thống, bảo tàng, lưu niệm, giới thiệu trao đổi văn hoá.  

- Nhóm B - Nhóm làng lọt vào khu phát triển, mức độ tác động của đô thị hoá chậm hơn và lâu dài hơn, do đó quá trình chuyển đổi đất đai và sản xuất chậm hơn so với nhóm trên. Vì trước mắt vẫn còn sản xuất nông nghiệp nhưng trong tương lai sẽ lọt vào đô thị nên yếu tố sản xuất nông nghiệp sẽ giảm dần. Do có điều kiện chủ động về thời gian nên chọn mô hình cộng đồng dân cư truyền thống đổi mới có yếu tố sản xuất, dịch vụ dựa vào thế mạnh của nghề truyền thống như thủ công, làm vườn  cây hoa, bán thực phẩm, dịch vụ du lịch vui chơi giải trí. Vì vậy cần có biện pháp chủ động hiện đại hoá các làng, để chuẩn bị cho quá trình hội nhập vào cuộc sống đô thị. Với sự tổ chức theo mô hình không gian mềm sẽ chủ động được về kinh tế, cải tạo hiện đại hoá và giữ gìn phát triển được giá trị văn hoá truyền thống.

- Nhóm C - Nhóm làng kề đô thị có vị trí gần hoặc giáp ranh với nội thành thuộc các huyện: Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh. Do  tác động của đô thị hoá và kinh tế thị trường sẽ có sự chuyển đổi nghề nghiệp, lao động nhưng vẫn còn khả năng sản xuất nông nghiệp và ít chịu những điều kiện bắt buộc của đô thị. Vì vậy nhóm làng kề đô thị được chủ động về thời gian, còn khả năng đất đai nên việc chuyển đổi kinh tế nông nghiệp kết hợp sản xuất bán nông nghiệp, nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nghỉ ngơi văn hoá sẽ tuỳ thuộc vào thế mạnh của mỗi làng.

- Nhóm D - Nhóm làng xa đô thị do tác động của đô thị giảm dần theo khoảng cách đối với trung tâm thành phố. Sự căng thẳng va chạm về văn hoá truyền thống với văn minh đô thị không cao, nhóm làng này hoàn toàn được chủ động với tác động của đô thị hoá. Vì vậy hiện đại hoá nhóm làng này chính là việc đưa thêm các chức năng mới của đô thị kết hợp với chức năng sản xuất nông nghiệp là chính. Chức năng của các làng này là sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp kết hợp dịch vụ, sản xuất, du lịch nghỉ ngơi.

Về ý nghĩa quy hoạch vật thể và tác động qua lại về kinh tế, xã hội, văn hoá có thể nhận thấy một quy luật: Càng vào gần đô thị các yếu tố kỹ thuật, kinh tế, văn minh, lối sống đô thị càng đòi hỏi cao, ngược lại các yếu tố truyền thống: sản xuất, văn hoá, xã hội nông nghiệp sẽ giảm dần theo yêu cầu ràng buộc về môi trường, kinh tế, xã hội của đô thị. Đây chính là cơ sở cho việc lựa chọn giải pháp phù hợp đối với mỗi nhóm làng trong đô thị. Về ý nghĩa giao lưu và tiếp biến văn hoá có thể thấy đây là một quá trình tiếp xúc cưỡng bức, tiếp biến và tiếp nhận theo 3 đỉnh của tam giác truyền thống - đổi mới - hiện đại.

- Nhóm đặc biệt: là các làng cổ, các làng nằm trong khu di tích lịch sử, văn hoá, khu vực cảnh qua văn hoá môi trường như: ở quanh Hồ Tây với mật độ cao các giá trị văn hoá  lịch sử, công trình tôn giáo tín ngưỡng và cảnh quan thiên nhiên; ở Đông Anh với trung tâm văn hoá truyền thống Thành Cổ Loa đô thị cổ đầu tiên của Việt Nam với đặc trưng của một làng việt cổ - "Kẻ chủ" với một quần thể các công trình văn hoá tôn giáo tín ngưỡng, lịch sử của dân tộc, đền, chùa, đình,miếu, giếng làng và sông Thiếp, đầm Vân Trì; khu vực Hà Tây (cũ)… Việc nghiên cứu tổ chức hệ thống phải thực hiện theo một thiết chế hết sức thận trọng, chặt chẽ, phù hợp vị trí vai trò giá trị cụ thể của mỗi làng nhằm tạo ra đặc trưng cho đô thị Hà Nội mà còn giải quyết các yêu cầu về kinh tế du lịch khai thác bảo vệ các giá trị: văn hoá truyền thống hệ thống môi trường cảnh quan của thành phố và của quốc gia.

Những đề xuất nêu ra trong bài tham luận mới chỉ là những nghiên cứu ban đầu ở giai đoạn này không phải là mới mẻ hoặc đã  quá muộn song cũng không còn là quá sớm nữa với mong muốn các KTS, các nhà quy hoạch, các nhà quản lý đô thị và các cấp chính quyền địa phương trong thời gian tới sẽ có nhiều nghiên cứu và ý kiến phong phú đóng vào vào quá trình xây dựng các chương trình, các chính sách mang tính chất định hướng chiến lược để thực hiên đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo và xây dựng Thủ đô của Việt Nam vừa dân tộc vừa hiện đại. 

TS.KTS Hoàng Đình Tuấn - Sở Kiến trúc – Quy hoạch Hà Nội

[ Chuyên đề : Kiến trúc nông thôn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo