Trước kia, hình ảnh ống khói của một nhà máy nhả khói nghi ngút là biểu tượng cho một nền công nghiệp phát triển. Ngày nay, hình ảnh đó lại chứng minh cho sự làm ô nhiễm môi trường của nhiều KCN và đô thị.
- Quần thể Chùa Núi Bà Đen tại Tây Ninh (ảnh: Thư Viện Hoa Sen)
Bắt đầu từ văn bản pháp quy
Nhiệt độ trên thế giới ngày càng biến đổi phức tạp và sự chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm lớn hơn trước; ô nhiễm không khí cũng nghiêm trọng hơn… Đó là hệ quả của quá trình bê tông hóa và sự quy hoạch không bền vững. Tại hội thảo “Tầm nhìn đô thị sinh thái” tại Tây Ninh vừa qua, một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của việc cần giữ gìn, khắc phục môi trường toàn cầu nói chung và môi trường Việt Nam nói riêng khi sự phát triển như vũ bão của nền công nghiệp và mật độ dân số ngày càng cao, nhất là tại các khu đô thị và KCN. Lo lắng trước tình hình này, KTS Lê Văn Nin - nguyên Giám đốc Cty Tư vấn Xây dựng tổng hợp (Bộ Xây dựng) đặt vấn đề: “Việc quy hoạch đô thị sinh thái thì không thể giải quyết ngay một bước được, nhất là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp. Vậy chúng ta cần bắt đầu từ đâu?”. KTS Nguyễn Thị Hạnh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) trả lời: "Đúng là cần một quá trình, bắt đầu từ văn bản pháp quy quy định thế nào là đô thị sinh thái. Và đây là việc của Bộ Xây dựng, cụ thể là Vụ Kiến trúc Quy hoạch và Cục Phát triển Đô thị”.
Cũng thuộc vấn đề pháp lý, một nhà đầu tư người Nga quan tâm: “Khi quy hoạch một khu đô thị sinh thái tại Việt Nam thì có ngoại lệ hay áp dụng một cách máy móc các tiêu chí?”. Vấn đề này được KTS Lý Khánh Tâm Thảo (Sở QHKT TP.HCM) trả lời: “Tiêu chí là cần thiết, nó sẽ được thực hiện theo một lộ trình để có được đô thị sinh thái theo đúng nghĩa. Nhưng nếu có những sáng kiến của cá nhân hay tổ chức đã được chứng nhận thì có thể đưa ra áp dụng, không cần thiết phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia. Đó có thể là chiến lược phát triển maketting”. Ông Matsumo - đại diện Tòa thị chính Kitakyushu - Nhật Bản cho biết: “Đô thị của Nawasaki (một đô thị sinh thái kiểu mẫu trên thế giới), luôn hướng về môi trường. Trước khi quy hoạch, thiết kế thì phải khảo sát, đánh giá. Tất cả các dự án đều phải tuân theo luật định không có trường hợp ngoại lệ”.
Đô thị sinh thái đặc thù của Việt Nam
Tây Ninh được các chuyên gia đánh giá là có nhiều lợi thế để có một đô thị sinh thái, khi hệ thống pháp quy về môi trường của Việt Nam chưa hoàn thiện, là hạ lưu của sông Mê Kông, giá trị có sẵn của môi trường vẫn còn bảo tồn, các KCN mới được quy hoạch chưa bị ô nhiễm... Nhiều nhà đầu tư tại đây cũng rất quan tâm và định hướng phát triển kinh doanh theo hướng bền vững cùng môi trường, nhưng họ còn đang lúng túng vì chưa có tiêu chí cụ thể thế nào là đô thị sinh thái.
“Khi đầu tư để phát triển khu đô thị sinh thái sẽ làm tăng chi phí ban đầu. Tuy nhiên, khi phát triển thì lợi ích sẽ thấy được rõ ràng và được tính theo thời gian dài hạn, phù hợp với loại hình đầu tư bất động sản. Quan trọng là cần có những cơ chế định hướng phát triển, từ khâu lập quy hoạch tổng thể đến thực hiện quy hoạch chi tiết. Cùng đó, cần có những chế độ ưu đãi về nội dung kinh tế kỹ thuật trong dự án, những ưu đãi về tài chính (vốn, thuế…). Tây Ninh đang từng bước hoàn thiện để trở thành đô thị sinh thái” - KTS Tâm Thảo nhận định.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - Nguyễn Văn Nên cho rằng: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận ý kiến đóng góp, cần có sự đồng thuận và sự nhận thức đúng về môi trường sinh thái của cộng đồng, đây không phải việc của từng cá nhân, hay từng địa phương. Ngay một lúc chúng tôi không thể “xây dựng ngay một tòa nhà” như mong muốn của mình, mà chỉ có xây từng “ngôi nhà” nhỏ. Tây Ninh chọn Trảng Bàng là nơi để thực hiện ý tưởng về một đô thị sinh thái. Tại đây, đã có nhà đầu tư ủng hộ định hướng của chúng tôi như dự án KCN mang tên “Vườn công nghiệp Bourbon An Hòa”. Như vậy định hướng về một đô thị công nghiệp xanh-sạch-đẹp của Tây Ninh là hướng đi phù hợp với thời cuộc”.
Phối cảnh tổng thể Vườn công nghiệp Bourbon An Hòa
Vườn công nghiệp thực hiện các mục tiêu: Cải thiện hiệu quả kinh tế của các Cty tham gia. Giảm thiểu những ảnh hưởng môi trường thông qua thiết kế “xanh” cơ sở hạ tầng KCN và nhà máy; sản xuất sạch hơn; ngăn chặn ô nhiễm; hiệu quả năng lượng và sự tương tác giữa các doanh nghiệp. Bảo vệ khả năng phát triển sinh thái trong hệ thống tự nhiên. Đảm bảo chất lượng chấp nhận được cho cuộc sống con người. Duy trì khả năng phát triển sinh thái của các hệ thống công nghiệp, thương mại và kinh doanh.
Với lợi thế về điều kiện địa lý, tự nhiên và lịch sử của Trảng Bàng, có một vườn công nghiệp hấp dẫn các nhà đầu tư, cho nên các nhà đầu tư vườn công nghiệp còn có ý tưởng đầu tư quy hoạch và xây dựng Trảng Bàng thành đô thị sinh thái. Trảng Bàng có diện tích 337,8km2, dân số gần 140 nghìn người. Cách thị xã Tây Ninh 47km, Hóc Môn (TP.HCM) 31km, có đường biên giới Việt Nam - Campuchia dài 14km, có hai con sông chảy qua là sông Vàm Cỏ và sông Sài Gòn. Các yếu tố thuận lợi của Trảng Bàng là danh thắng phát triển du lịch, môi trường thiên nhiên, yếu tố cộng đồng và giao thông thủy bộ. Các nhà đầu tư xây dựng Bourbon An Hòa hy vọng sẽ xây dựng được một “đô thị sinh thái Việt Nam” trên bản đồ sinh thái thế giới.
Mai Thanh
>>
- Xây dựng hệ thống tiêu chí về thành phố sống tốt cho Thủ đô Hà Nội
- Không gian kiến trúc làng ngoại thành trong quá trình đô thị hóa ở Hà Nội
- Chợ vấn thân thiện với người dân Hà Nội hôm nay và mai sau
- Hà Nội - thành phố thân thiện, sống tốt: thực trạng & trách nhiệm
- Đường Cổ Ngư, chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây…
- Quy hoạch, kiến trúc cho nhà ở xã hội: Giải pháp nào?
- Di sản đô thị: nhận thức và ứng xử
- Bảo tồn phố cổ : cũ mà vẫn mới
- Nhà giá rẻ có thực sự rẻ?
- Nhà ở giá thấp cần sự can thiệp của Nhà nước