Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Phản biện 1.500 km đường sắt cao tốc - Một dự án chưa thực tế

1.500 km đường sắt cao tốc - Một dự án chưa thực tế

Viết email In

Trước sự kiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) công bố dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) 56 tỉ USD, Tiến sĩ (TS) Trần Đình Bá - Hội Kinh tế vận tải ĐSVN - đoạt giải thưởng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về hiến kế "Mở rộng đường sắt để giảm thiểu tai nạn giao thông" đã có bài viết đầy tâm huyết và trách nhiệm về vấn đề hiện đại ĐSVN.

Trong những năm gần đây, công luận đang "bội thực" với món ăn "đường sắt cao tốc" được liên tục đều đặn phát đi từ Tổng Công ty ĐSVN trên các phương tiện thông tin đại chúng: "Đã khởi động 4 tuyến ĐSCT 30 tỉ USD", "đã khởi động dự án ĐSCT Bắc - Nam 350km/giờ với chi phí 33 tỉ USD".

Đích thân Tổng giám đốc ĐSVN sẽ đi Tây Nguyên thị sát tình hình để vạch tuyến ĐSCT mới ưu việt hơn, ngắn hơn, tiết kiệm 100km, dự án ĐSCT Bắc - Nam sẽ hoàn thành trong vòng 6 năm... mà không phải là 9 năm... Đã khởi động dự án ĐSCT TP HCM - Nha Trang với 6,5 tỉ USD viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc... và gần đây nhất là dự án ĐSCT với con số 56 tỉ USD...

Những thông tin trên ngày càng nhiễu loạn,  những dự án "siêu quốc tế" 30,8 tỉ USD, 33 tỉ USD, 56 tỉ USD... đang ngày càng trở thành xa vời trước thực trạng quá tải và tai nạn giao thông ở nước ta ngày càng trầm trọng.

Những đoàn tàu "con rùa" già nua, èo uột đang vật lộn trên khổ đường sắt (ĐS) gầy còm chỉ 1m chứa đựng tiềm tàng rủi ro... đang làm nản lòng tin của nhân dân, trở thành gánh nặng cho các địa phương có đường sắt đi qua. Nhiều người đã bắt đầu hoài nghi và quay lưng lại với ĐS. Gần đây chính quyền TP HCM đã có lúc đưa ra kiến nghị dời ga trung tâm ra khỏi thành phố.  

Tư duy bảo thủ giữ lại ĐS lạc hậu khổ 1m cùng với tư duy cấp tiến phải làm 1.500km ĐSCT tốc độ 350km/giờ với 56 tỉ USD, cùng với những quan điểm phải cổ phần hóa ĐS, quản lý điều hành bằng công ty mẹ, công ty con... đang kìm hãm ĐS nước ta trong vòng luẩn quẩn lạc hậu kéo dài mà chưa tìm ra hồi kết.

Là một loại phương tiện giao thông công cộng cơ giới chủ lực với nhiều đặc tính ưu việt mà các cường quốc đang lựa chọn để đảm bảo phát triển bền vững. Phương tiện giao thông này đã đi qua nhiều thế kỷ vẫn luôn được khẳng định với những ưu điểm hơn hẳn so với các loại hình phương tiện giao thông cơ giới  khác.

Đó là khả năng vận chuyển với khối lượng lớn, đi xa, tốc độ cao, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và hoạt động trong mọi thời gian, thích hợp với mọi tầng lớp dân cư, ít chiếm dụng diện tích đất.

Với cùng một khối lượng vận chuyển, ĐS đôi hai chiều riêng biệt chỉ chiếm bề rộng đất là 21m trong khi các phương tiện đường bộ cao tốc, siêu tốc phải là 70-100m mà tốc độ an toàn của tàu hỏa loại thường là 150-180km/h vượt xa tốc độ ôtô trên các con đường bộ siêu tốc nhưng mức độ an toàn cao hơn.

Vì vậy, các nước văn minh đều chọn ĐS để phát triển bền vững: Mỹ có 226.600km, Nga có 86.200km, Trung Quốc có 74.400km và  Pháp có 28.800km đều là ĐS khổ rộng an toàn trên 1,435m.



Kể từ sau ngày khôi phục ĐS xuyên Việt năm 1976, nước ta đã phải trả giá quá đắt trong việc thiếu chiến lược giao thông, đặc biệt là chiến lược ĐS nên hệ thống lạc hậu 1m chưa được cải thiện.

Mạng lưới ĐS đã không được phát triển kéo dài thêm mà còn bị cắt bỏ hàng chục kilômét quan trọng nối thông với các hải cảng, không cảng như ở TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... hệ thống ĐS nội đô ở Hà Nội hoàn toàn bị xóa sổ. Hai tuyến ĐS nổi tiếng mang nhiều giá trị như Sài Gòn - Tiền Giang, Tháp Chàm - Đà Lạt chưa được quan tâm khôi phục...

Với 3.200km khổ hẹp chỉ 1m, ĐS nước ta  chỉ phù hợp với đầu máy hơi nước đốt than và toa xe cỡ nhỏ thời Pháp. Hiện nay do nhu cầu vận tải và đổi mới kỹ thuật nên hầu hết sử dụng đầu máy diezel có công suất lớn để kéo các toa tàu đều có khối lượng lớn.

Hệ số mômen kháng lật của khổ đường 1m rất mong manh trước khát vọng phải tăng tốc để tăng năng lực vận tải, khổ đường lạc hậu tồn tại hơn 100 năm đã và đang trở thành "hàm chặn trên " (limitted upper) kìm hãm ĐS trong vòng èo uột khắc khoải, đang "trói chặt" mọi tiềm năng, kéo lùi ĐSVN vào vị trí tụt hậu nhất của 5 loại hình vận tải và ngày càng không thể giữ nổi thị phần của mình vốn đã rất thấp chỉ đạt  8% về hành khách và 4% về hàng hóa.

Với tốc độ tăng trưởng GDP trên 7% năm cùng tăng trưởng dân số 1 triệu người/năm thì mặc nhiên thị phần sẽ phải giảm đi khoảng 1- 1,5%  và sức giảm không dừng lại theo lũy tiến của biểu đồ tăng trưởng. Nếu không nhanh chóng được mở rộng để hiện đại thì dự báo đến năm 2012  thị phần vận tải ĐS chỉ còn dưới 5% và nguy cơ phá sản vào năm 2015 là khó tránh khỏi.

Do không thể đáp ứng được trên 50% thị phần  nên áp lực dòng chảy của "động mạch chủ" trên ĐS phải đổ dồn lên các loại hình giao thông khác điển hình là đường bộ gây nên thực trạng tăng nhanh đột biến mật độ phương tiện lưu thông là ôtô và xe gắn máy, gây va chạm tạo nên những vụ tai nạn kinh hoàng và càng ngày càng nghiêm trọng trên các quốc lộ.

Tai nạn giao thông hàng năm hiện nay làm trên 13.000 người chết, gấp nhiều lần số đó là bị thương, thiệt hại về kinh tế mỗi năm gần 1 tỉ USD... Áp lực quá tải đang gây "sốc", đang tác động xấu đến hoạt động kinh tế, đầu tư, an ninh, quốc phòng và cả kinh tế đối ngoại. Nhìn thẳng vào sự thật nguyên nhân của thực trạng giao thông nước ta là sự trả giá của những sai lầm về chiến lược ĐS và sự tụt hậu thê thảm của  ĐSVN.

Các cường quốc trên thế giới đều khôn ngoan chọn dùng ĐS thường khổ 1,435m điện khí hóa tốc độ 130-180 km/h mà không phải là ĐSCT 350km/h vì họ coi đó là một món hàng xa xỉ và đắt nhất thế giới, giàu như nước Mỹ cũng mới chỉ có 400km mà thôi. Đài Loan vừa khánh thành 300km ĐSCT công nghệ Shikansen ngốn hết 18 tỉ USD.

Tham vọng 1.500km ĐSCT 350km/h với 56 tỉ USD ở nước ta còn xa vời giá trị thực, vậy nhưng đã vượt  quá sức tưởng tượng với một đất nước chưa thoát khỏi danh sách những quốc gia nghèo, lại không đủ lượng hành khách cho sự vận hành của tuyến đường đó.

Các nước công nghiệp phát triển đều quan tâm hiện đại ĐS, coi ĐS là phương tiện giao thông chủ lực,  Chính phủ Trung Quốc thành lập cả  Bộ Đường sắt và họ đã thành công mỹ mãn trong việc mở rộng toàn bộ hệ thống 74.000km ĐS lạc hậu khổ 1m thành khổ 1,435m, đảm bảo an toàn tiết kiệm, kinh tế và thống nhất trên toàn quốc chỉ một hệ điều hành khổ 1,435m. Đoạn đường sắt khổ 1m từ Hà Khẩu đi Côn Minh được chính phủ cho phép giữ lại chỉ để làm bảo tàng ĐS.

Thực trạng giao thông của nước ta đã cho thấy: Muốn giải được bài toán giao thông toàn cục trước hết phải bắt đầu từ bài toán ĐS vì đây là phương tiện giao thông công cộng chủ lực "nặng ký" để có thể nhanh chóng làm thăng bằng lại cán cân "cung cầu" trong bài toán vận tải vĩ mô.

Chỉ khi nào chúng ta mở rộng được khổ kỹ thuật từ 1m qua 1,435m để tăng tốc, tăng năng lực, giải quyết được trên 50% thị phần vận tải mới hy vọng giải quyết được vấn nạn quốc gia về giao thông hiện nay.

Lợi thế to lớn của hệ thống ĐS nước ta chạy dọc theo đất nước, đã được thử thách cả trăm năm, có được một nền móng vững chắc, một hệ thống cầu hầm - nhà ga  - tín hiệu - bảo vệ... đảm bảo hoạt động bình thường trong mọi điều kiện thời tiết qua thời gian đã tích lũy được cả một giá trị nội lực hàng chục tỉ USD. Chỉ cần đầu tư  3-5 tỉ USD để  mở rộng kỹ thuật khổ đường từ 1m qua 1,435m, hệ thống ĐS nước ta sẽ được nhanh chóng hiện đại hóa chỉ trong vòng 2-3 năm mà không phải mỏi mắt đợi đến 15-20 năm sau.

Mở rộng kỹ thuật toàn bộ hệ thống ĐS là bước đổi mới công nghệ quan trọng nhất  để  tăng tốc độ chạy tàu an toàn 150-200km/h, mở ra cơ hội để ĐSVN nhanh chóng hội nhập quốc tế và trở thành ngành giao thông chủ lực về kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, tăng nhanh được thị phần 13% lên 60-80% mà không phải ngốn thêm  50km2 "bờ xôi - ruộng mật ", di dời hàng triệu cư dân để làm ĐS cao tốc, để lại món nợ thế kỷ 56 tỉ USD cho các thế hệ con cháu.

Rõ ràng rằng, đầu tư  mở rộng kỹ thuật trên hệ thống ĐS hiện có là một sự lựa chọn thông minh và khôn ngoan để chớp lấy cơ hội vàng nhằm tối ưu hóa mạng lưới để nhanh chóng hiện đại ĐSVN trước năm 2012 và còn có thể sớm hơn. Đó là phép mầu của trí tuệ khoa học để "cải lão hoàn đồng", thành công việc hiện đại ĐSVN ngay trên con đường sắt già cỗi 100 năm.

Hướng đầu tư này sẽ lập tức hình thành nên không gian liên kết kinh tế có lợi nhất giữa ĐS với các ngành như  Điện lực, Du lịch, Bưu chính, Thương mại,  các vùng kinh tế trọng điểm... tác động ngay vào thu hút đầu tư  và đặc biệt phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ an ninh - quốc phòng và các nhiệm vụ chiến lược quan trọng khác.

Khi ĐS đáp ứng được trên 50% thị phần vận tải lập tức sẽ "khai thông huyết mạch "làm giảm ngay áp lực quá tải trên đường bộ nhằm giảm thiểu hữu hiệu tai nạn giao thông, cứu được hàng ngàn sinh mạng con người.

Không mở rộng hoặc không chịu nghĩ cách mở rộng ĐSVN là một thiệt thòi to lớn cho một quốc gia 85 triệu dân. Để kéo dài lạc hậu của ĐSVN còn là điều trăn trở nhức nhối của toàn dân và của trí thức Việt Nam trước thời cơ và vận hội.

Giao thông phản ảnh trình độ văn minh của mỗi quốc gia, bài toán tụt hậu của giao thông ĐS hiện nay cùng các bài toán hóc búa khác như tai nạn giao thông, bài toán tối ưu về kinh tế vận tải đáp ứng nhịp độ tăng trưởng kinh tế - tăng trưởng dân số cùng lối mở hội nhập... đang đòi hỏi phải nhanh chóng khẩn cấp có lời giải và đã được giải.

Đáp số này cùng một lúc vừa loại bỏ được "vòng kim cô" của ĐS lạc hậu khổ 1m, vừa đồng bộ thống nhất hóa, hiện đại hóa toàn bộ mạng lưới cùng một lúc, vừa tối ưu hệ thống điều hành, quản lý kinh doanh để nhanh chóng tăng nhanh hiệu quả đầu tư và nhanh chóng hoàn vốn đầu tư.

Vấn nạn quốc gia về giao thông hiện nay thực sự nóng bỏng và cho thấy đã đến lúc phải nhanh chóng mở rộng và hiện đại ĐSVN mà chưa nên nghĩ đến giấc mơ viển vông ĐSCT! 

Trần Đình Bá 

Gần 55,8 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam 

Tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu cho dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam, có tổng chiều dài là 1.555 km, do Liên danh Tư vấn Việt Nam-Nhật Bản (VJC) đưa ra là gần 55,8 tỷ USD.

Trong tổng số vốn này, hơn 35 tỷ USD chi phí dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng và sẽ do Nhà nước đầu tư hoặc bảo lãnh vay; chi phí còn lại cho giải phóng mặt bằng, đầu máy toa xe và bảo dưỡng toa xe... sẽ do các doanh nghiệp khai thác vận tải tự lo.

Liên danh VJC gồm: Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (TRICC) cùng 3 đối tác của Nhật là Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), Hiệp hội Dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JARTS) và Công ty TNHH Nippon Koei (NK).

Sau khi so sánh và phân tích 3 loại hình công nghệ đường sắt cao tốc tiên tiến trên thế giời là Shinkansen (Nhật Bản), TGV (Pháp) và ICE (Đức) dựa trên các tiêu chí: tốc độ, độ an toàn, tiện nghi cho hành khách, tính đúng giờ, thân thiện với môi trường và năng lực vận tải, VJC đề xuất lựa chọn công nghệ cho đường sắt cao tốc ở Việt Nam là Shinkansen có cập nhật, bổ sung để phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Với sự lựa chọn này, đường sắt cao tốc Bắc-Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 350km/h; trong đó hướng tuyến được ưu tiên triển khai trước là Hà Nội-Vinh và Sài Gòn-Nha Trang.

Trên toàn tuyến có 27 ga, trong đó 2 ga đầu cuối là ga Hà Nội và Hòa Hưng. Dự kiến, đường sắt cao tốc Bắc-Nam đến năm 2020 sẽ khai thác đoạn Hà Nội-Vinh và Tp.HCM-Nha Trang; năm 2030 sẽ đưa vào khai thác đoạn Vinh-Đà Nẵng và năm 2035 sẽ đưa vào khai thác đoạn Hà Nội-Tp.HCM.

Trên tất cả các đoạn tuyến trên, giá vé dự kiến bằng nửa giá vé của máy bay. Đoạn cuối Hà Nội-Tp.HCM sẽ khai thác vào năm 2035, kết hợp chạy 2 hình thức tàu nhanh và tàu thường đan xen; thời gian chạy 5 giờ 26 phút với tàu nhanh và 6 giờ 33 phút với tàu thường. 

Nguồn : TBKT 

>> Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Cần huy động nguồn vốn tư nhân 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...