Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Phản biện Đô thị sinh học HaBiotech – Giấc mơ hoá Rồng của thành phố Rồng bay

Đô thị sinh học HaBiotech – Giấc mơ hoá Rồng của thành phố Rồng bay

Viết email In

"Đô thị hoá bởi các khu vực đô thị kiểu mới"

Từ ngày 20 - 29/4/2009, Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI), ĐH Xây Dựng đã phối hợp cùng ĐH Kiến trúc thuộc Hiệp hội KTS Anh, Luân Đôn (AA Graduate School) đồng tổ chức một chương trình Workshop quốc tế về thiết kế đô thi (gọi tắt là WS) với chủ đề “Đô thị hoá bởi các khu vực đô thị kiểu mới ". WS đã lấy trường hợp cụ thể là Khu nghiên cứu phát triển dược phẩm sinh học Hà Nội – HaBiotech do Pacific Land ltd.- một doanh nghiệp bất động sản quốc tế làm chủ đầu tư và Vinaconex R&D làm tư vấn thiết kế - để nghiên cứu.

Khu HaBiotech rộng 200ha, phía Nam là đường quy hoạch (QH) mặt cắt 60m giáp Khu đô thị Phú Diễn - Minh Khai và Khu công nghiệp Phú Minh; phía Tây, Tây Bắc và Đông đều là đường QH mặt cắt 40m. Dự kiến 200 triệu USD hạ tầng khu công viên và 800 triệu USD là công trình, chưa tính thiết bị đặc chủng và đóng góp của các nhà đầu tư thứ phát.


Vị trí và ranh giới nghiên cứu của Dự án


Cơ cấu sử dụng đất


Định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan


Phối cảnh dự án HaBiotech

Mục tiêu là xây dựng khu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học đầu tiên tại VN, với tiêu chuẩn hàng đầu thế giới; gồm các khu dưỡng nghiệm, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, phát triển, đào tạo liên quan ngành sinh học, nhằm thu hút các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới. Theo Chủ đầu tư, khách hàng tiềm năng của HaBiotech sẽ là các công ty và tập đoàn dược hàng đầu thế giới.

Vì dự án có kết quả hứa hẹn như vậy, TP Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai dự án. Dự án đã được TP Hà Nội đưa vào danh mục các dự án chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.


Đô thị sinh học hay trung tâm công nghệ cao, những bài học thực tiễn

Trong bài trình bầy tại WS, TS.KTS Shacha Hayselmayer (AA Graduate School) phân tích số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy : VN là nước nghèo nhưng có hệ thống y tế cơ sở diện rộng. Hơn 600 bệnh viện huyện và 9.806 trạm y tế xã, phường. VN tỷ lệ chết vì tai nạn giao thông tăng cao hơn vì bệnh tật. Mặt khác, bệnh tật vì nghiện ngập, rượu bia thuốc lá, ngộ độc thực phẩm, suy dinh dưỡng và gần đây gia tăng những dịch bệnh do môi trường sống ô nhiễm… VN nên tăng cường chất lượng y tế cấp cơ sở hơn là chú trọng đến công nghệ y tế chất lượng cao. Điều cần ngay là điều chỉnh hành vi, nhận thức phòng ngừa bệnh tật hơn là nghiên cứu các phương pháp điều trị hay tìm ra loại thuốc đặc hiệu.

Nhận định về triển vọng các tập đoàn Y dược hàng đầu sẽ vào HaBiotech để đầu tư nghiên cứu sản xuất sản phẩm Y – Dược là khá chủ quan. Số liệu cho thấy người dân VN bỏ tiền túi ra chi phí Y tế chiếm 86,1% - tỷ lệ lớn so với nhiều quốc gia, nhưng do thu nhập thấp nên tổng giá trị không đủ hấp dẫn. Là doanh nghiệp, các tập đoàn ưu tiên đến thị trường, lợi nhuận hơn là từ thiện.


Công viên khoa học IDEON-Lund, Thuỵ Điển : mối liên quan trường đại học nổi tiếng hàng trăm năm nay với công viên nghiên cứu, khu vực sản xuất công nghiệp và nghiên cứu thực nghiệm 


Sophia-Antypolis-Cốte d’Azur, Pháp: Công viên khoa học hàng đầu thế giới với 40 năm hoạt động thu hút 25.000 kỹ sư nghiên cứu viên từ các quốc gia

TS.KTS Arthua Aw đến từ Singapore - quốc gia rất thành công trong việc thu hút nhân tài khắp thế giới đến các TT công nghệ sinh học để sản xuất dược phẩm chất lượng cao - cho rằng, mặc dù môi trường làm việc rất hấp dẫn và khuyến khích sáng tạo, nhưng sự sáng tạo thì không có giới hạn. Chuyên gia giỏi chọn Singgapore là điểm dừng chân tạm thời còn đích đến tiếp theo là Bắc Mỹ, Tây Âu.


Một khu Technopolis tại Singapore, vị trí khu nhà ở, trường ĐH kỹ thuật, viện nghiên cứu, bệnh viện và các trục giao thông thành phố 

Manila - thủ đô Philippines, có nơi rất hiện đại, đô thị đại học được quy hoạch rộng mênh trong đó có khu công nghệ cao. Tuy vậy những bức ảnh chụp cho thấy hàng chục năm nay, khu này chậm phát triển bên cạnh một thế giới thay đổi từng ngày. Một quốc gia nói tiếng Anh, người Mỹ ở đây khá lâu và Quốc gia đã kêu gọi đầu tư nước ngoài từ những năm 1970. Đất nước 90 triệu dân, nhận kiều hối 18 tỷ USD/năm từ xuất khẩu lao động. Tuy vậy không mấy ai biết đến những trung tâm công nghệ cao đã có ở đây.


Hai mặt của TP Manila: những khu nhà hiện đại ngay sát các khu phố lộn xộn 

Hiện thực của Manila nhắc nhở chúng ta là “Không phải giấc mơ nào cũng thành hiện thực và hiện thực rất khác những giấc mơ".


Những bước đi cụ thể hoá giấc mơ Thành phố sinh học thành hiện thực

Để có 200ha đất giai đoạn1, khoảng 2.546 hộ dân thuộc 5 xã huyện Từ Liêm: Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế sẽ phải di chuyển. Chi phí đền bù ước khoảng 1.000 tỉ đồng. Giai đoạn 2 dự kiến thêm 300ha, tổng cộng 500ha (bằng diện tích quận Hoàn Kiếm).

Chủ trì thiết kế Habiotech, TS Hoàng Hữu Phê - Giám đốc Vinaconex R&D đã giới thiệu tại WS nội dung chính dự án. Phân bố thành 15 hạng mục: nghiên cứu sinh học và dược phẩm, nông nghiệp; Trường đại học, Bệnh viện; Sản xuất thí điểm; Hỗ trợ thử nghiệm; Phát triển phần mềm chuyên ngành, tổng cộng 93,3ha (45,6%). Đất giao thông, công viên, mặt nước, sân tập golf, thể thao, bể bơi, quảng trường, biệt thự cao cấp… hơn 100ha (54,4%).

KTS Nguyễn Ngọc Minh - thành viên tham gia WS - vẫn băn khoăn vì ý đồ của chủ đầu tư thể hiện không rõ trong dự án. HaBiotech đề cao vai trò của công nghệ sinh học nhưng tổ hợp các công trình không có gì đặc biệt để thúc đẩy phát triển công nghệ sinh hoá dược.

Theo tôi nên để lại các làng xóm và ruộng vườn, cải tạo thành các nơi trồng cây thí nghiệm cho ra giống rau quả sản lượng cao, giàu dinh dưỡng, có giá trị thương mại. Để Hà Nội vừa có một vườn ươm sinh thái, trung tâm nghiên cứu thực nghiệm công nghệ sinh học, đem lại cho bà con nông dân mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao lại vừa bảo tồn một làng quê ven đô Thăng Long đầy chất nhân văn, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng có khi hữu ích hơn” - KTS Minh nêu quan điểm.


Cánh đồng hiện trạng, nơi dự kiến đặt khu công nghệ sinh học

TS.KTS Phó Đức Tùng đi theo hướng nghiên cứu đô thị đặc sắc Á Đông, ứng dụng Kinh Dịch nhìn nhận ở khía cạnh khác: “Khu công nghệ sinh học là nơi hội tụ sự sáng tạo mà sức mạnh của nó có thể thay đổi hoàn cảnh kinh tế xã hội. Nơi ấy cần một nền tảng văn hoá sáng tạo vô điều kiện mà khung cảnh này ở Việt Nam chưa có”.


Liệu các toà nhà nghiên cứu công nghệ tương lai có thể thay thế thiên nhiên tuyệt đẹp hiện có như thế này 

Là cư dân Hà Nội, ai cũng ao ước bằng cách nào đó để TP nhanh chóng giàu có, thịnh vượng. Nhưng Hà Nội ta cũng đã hơn một lần nghe tới các dự án kỳ vĩ, quy mô 2.300 đến 8.000ha, vẽ ra viễn cảnh huy hoàng nhưng rất thiếu cơ sở : Thành phố hàng đầu Châu Á, Kỳ tích sông Hồng, TP với Sinh thái với tầm nhìn cho 100-150 năm sau….

Theo TS Hoàng Hữu Phê, nguồn vốn thực hiện dự án vượt quá khả năng tài chính thông thường của Chính phủ nên vốn đầu tư mạo hiểm đến từ nước ngoài là thuận lợi không thể bỏ qua. Các chuyên gia thì nhận xét, ấn tượng về Đô thị đặc thù công nghệ sinh học rất mờ nhạt, nhưng dự án chiếm vị trí cửa ngõ thành phố, thuận lợi đường bộ và gần sân bay, có khả năng liên kết với các dự án kinh doanh bất động sản rất thành công quanh đó, vì vậy có triển vọng thu hồi vốn chắc chắn, không có gì là mạo hiểm và lợi nhuận không nhỏ.

Rất có thể trước những quyết tâm rất cao của lãnh đạo TP, thiện ý của nhà đầu tư nhưng hạn chế ở trong tay người lập dự án : chưa đủ khả năng diễn đạt cái giấc mơ đẹp đẽ tới cái tầm cần thiết phải vươn tới.

  • Chú thích : Tư liệu, hình ảnh do viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) cung cấp 

KTS Trần Huy Ánh 

[ FORUM

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...