Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Phản biện Quy hoạch đô thị: Lợi ích của dân phải được đặt lên đầu

Quy hoạch đô thị: Lợi ích của dân phải được đặt lên đầu

Viết email In

Để góp phần làm rõ nội dung "lấy ý kiến người dân trong Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị", các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu đưa ra một số đề xuất cụ thể.

KTS. Phạm Hùng Cường, Đại học Xây Dựng: Ba quyền cơ bản của dân

Sự tham gia của cộng đồng thể hịên rõ tính dân chủ của xã hội, phát huy được vai trò của xã hội với công tác xây dựng phát triển đô thị. Do đó, Luật Quy hoạch đô thị cần khẳng định 3 quyền lợi cơ bản của người dân:

1. Quyền được tham gia lập đồ án quy hoạch: cộng đồng dân cư và những người có liên quan phải được tham gia trong cả quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch và quá trình lập đồ án quy hoạch.

2. Quyền được cung cấp thông tin quy hoạch: cộng đồng dân cư có quyền được cung cấp thông tin về đồ án quy hoạch, được giải thích rõ ràng khi có yêu cầu và các thông tin đó phải được cập nhật đầy đủ phản ánh đúng quá trình thực hiện quy hoạch.

3. Quyền được tham gia giám sát thực hiện quy hoạch

Người dân có quyền được tham gia giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, giám sát sự thực hiện của các cơ quan quản lý quy hoạch, phát hiện các hành vi thực hiện sai với các đồ án quy hoạch đã phê duyệt.

Luật cũng phải quy định trách nhịêm của công dân về việc thực hịên quy hoạch, những điều khoản xử phạt với các hành vi vi phạm hoặc cản trở công tác thực hịên quy hoạch. Dưới Luật cần có những Nghị định hoặc hướng dẫn cụ thể về sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch.

Các điều khoản quy định về phương thức cung cấp thông tin, quy trình và cách đóng góp ý kiến, các quy trình trả lời và tiếp nhận thông tin cho người dân, quy định trách nhịêm cụ thể của từng cơ quan, chính quyền địa phương.

Các cơ quan tư vấn thiết kế ngoài công việc lập các đồ án quy hoạch như hiện nay, có thể tham gia cùng với cơ quan quản lý quy hoạch cung cấp thông tin quy hoạch, hướng dẫn và tư vấn cho người dân như một loại hình dịch vụ công khai.

Ví dụ, một người đang tìm mua nhà có thể được tư vấn về vị trí với các thông tin về nhà trẻ, trường học, chợ xung quanh, tình hình cấp địên, nước khu vực, tình hình đường sá lụt lội hay ách tắc giao thông kết hợp với các thông tin về các dự án quy hoạch tương lai để có sự lựa chọn.  


Các panô dự án mọc lên giữa ruộng lúa - Ảnh: Trần Việt Đức


TS. Nguyễn Ngọc Hiếu: Quyền yêu cầu trình bày


Việc lấy ý kiến cần giải thích rõ về thuật ngữ, nếu không thì việc lấy ý kiến không có mục đích rõ ràng, không giới hạn được phạm vi và việc tổ chức lấy ý kiến rất có thể làm qua loa đại khái.

Ví dụ nội dung trọng tâm là thông tin về tính chất và mức độ ảnh hưởng cũng như quan điểm về xử lý các ảnh hưởng cũng như quan điểm về xử lý các ảnh hưởng (xấu và tốt) của dự án lên các đối tượng lại không được bên đề xuất cung cấp một cách đầy đủ.

Những thông tin và mâu thuẫn sau này có thể gây ách tắc dự án nhiều hơn.

Các quốc gia khác đều nhận thức rõ vấn đề này và họ tạo cơ hội cho bên góp ý bằng quyền yêu cầu trình bày (và phản biện). Tham khảo Luật quy hoạch Anh quốc, các nước khối Thịnh Vượng Chung hay Thụy Điển cho thấy, quyền này có thể được thực thi bằng tổ chức nghề nghiệp, cộng đồng, hay cá nhân.

Hội đồng địa phương hoặc cơ quan chủ trì lập quy hoạch phải tổ chức buổi làm việc, nghe và trao đổi với bên đương sự khi họ trình bày ý kiến của mình. Bên nộp đơn yêu cầu trình bày phải nộp một khoản phí, không lớn quá để người nghèo vẫn có thể tiếp cận được, nhưng cũng không phải quá ít để việc làm này ai cũng muốn lợi dụng.


TP Hồ Chí Minh - Ảnh : KT&ĐS


TS. Nguyễn Hoàn: Lấy ý kiến ít nhất 3 lần

Thứ nhất, trách nhiệm tổ chức thiết lập quy hoạch đô thị thuộc ai thì người đó phải tổ chức lấy ý kiến, không được ủy quyền cho tổ chức cấp dưới của mình như: sở, vụ, cục, tổng cục.

Thứ hai, việc lấy ý kiến quy hoạch đô thị ít nhất 3 lần:

- Lần 1: trước khi trình nhiệm vụ quy hoạch. Việc này phải được tiến hành công khai thông qua các cuộc hội thảo khoa học tổng hợp; hoặc lấy ý kiến trực tiếp các chuyên gia khoa học, hoặc các tổ chức công quyền, các tổ chức phi chính phủ, hoặc tổ chức thu tuyển lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị phát triển bền vững có nhiều tổ chức tư vấn quy hoạch tham gia.

- Lần thứ 2: sau khi các tổ chức tư vấn nộp đồ án dự thi quy hoạch đô thị phát triển bền vững, được tổ chức công khai, rộng rãi.

- Lần thứ 3: sau khi tổ chức tư vấn nộp chính thức đồ án quy hoạch, trước khi lập tờ trình cấp trên phê duyệt.

  • Ảnh bên : Triển lãm Dự án "Thành phố sông Hồng" tại sân vận động Quần Ngựa - Hà Nội tốn 4,6 tỉ đồng! (Ảnh : Ashui.com)


Bà Nguyễn Thị Hiền, Tổ chức Hành động vì đô thị: Cấp ngân sách để phản hồi ý kiến

1. Nội dung lấy ý kiến phải được tiến hành song song từng bước tiến hành quy hoạch, chứ không thể là một khâu sau cùng. Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ xây dựng quy định rằng giai đoạn xây dựng nhiệm vụ quy hoạch xây dựng cần lấy ý kiến công chúng. Cần cân nhắc xem thời điểm thực hiện việc này có quá muộn hay không.

Nên chăng, quá trình quy hoạch xây dựng cần được bổ sung thêm bước xác định mục đích quy hoạch. Và người dân cần được lấy ý kiến ngay từ khâu này.

2. Nhà nước nên thông báo về quy hoạch và các dự án đầu tư, một cách có hệ thống, bằng nhiều phương tiện và càng sớm càng tốt, nhằm giúp cho người dân có cơ sở để đưa ra ý kiến của mình, để đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận được thông tin.

3. Thông tin thu thập được ở mỗi bước quy hoạch và mỗi giai đoạn quản lý phải kèm theo cơ chế phản hồi minh bạch. Mỗi cấp chính quyền cần cử người đảm nhận công việc tổng kết lại ý kiến người dân và đưa kết quả rõ ràng lên các trang web, báo chí hoặc bảng tin công cộng ở phường, quận.

4. Đối với bất kỳ dự án quy hoạch nào, nên lấy ý kiến tham gia của nhiều người hơn là chỉ lấy ý kiến của một số người bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án đó. Làm điều này không khó, cũng không tốn kém hơn, khi mà internet ngày càng trở nên phổ biến hơn thậm chí với những người dân thường.

5. Hiện nay chính quyền cùng lúc vừa nằm dưới sự giám sát cộng đồng, vừa xét duyệt việc cấp kinh phí cho các hoạt động giám sát đó. Do vậy, sẽ hiệu quả hơn nếu như nhà nước dành riêng một phần ngân sách cho sự tham gia, bao gồm các chi phí của chính quyền trong việc phổ biến thông tin, thu thập, xử lý và đặc biệt là phản hồi ý kiến.

Linh Thủy (lược ghi) 

>> Quy hoạch đô thị: Không minh bạch vì giằng co lợi ích? 

>> Về phương pháp quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo