Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Phản biện Về việc bảo tồn Khu trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long

Về việc bảo tồn Khu trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long

Viết email In

Sau 7 năm phát lộ di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (từ tháng 12/2002 đến 3/2004 với diện tích khai quật là 19.000m2) cho đến nay, làm sao để hàng triệu "hiện vật vô giá" đã tồn tại hàng thế kỷ trong lòng đất giữ nguyên được hình hài, hồn cốt.

Làm sao để trong vòng xoáy của phát triển đô thị, Khu trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, một di sản đang được đề cử là Di sản Văn hóa thế giới, không bị xâm lấn bởi môi trường và cảnh quan là mối quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu, văn hóa, các nhà quản lý... Tuy nhiên, vấn đề nóng hổi này luôn gây nhiều tranh luận vì nhiều ý kiến không đồng nhất.

  • Ảnh bên : Sơ đồ khu di tích


Đã có sự xuống cấp của di tích

Nằm ở vị trí đắc địa nhất giữa lòng thủ đô Hà Nội, Khu trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long, trải qua biến thiên của lịch sử, vẫn còn lưu giữ  trong mình những gia sản vô giá, điều này càng được khẳng định rõ ràng hơn khi năm 2002-2003 cuộc khai quật khảo cổ do Viện Khảo cổ tiến hành tại 18 Hoàng Diệu với độ sâu 4m so với mặt bằng đã phát lộ hàng triệu hiện vật.

Thông qua những di vật tìm thấy ở đây làm cho các nhà khoa học khẳng định một điều chắc chắn Thăng Long - Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam trong suốt gần 1300 năm.

Gìn giữ những di sản quý báu của ông cha - di sản văn hóa lịch sử có một không hai của đất nước bằng cách bảo tồn khu di tích đã được đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế quan tâm đặc biệt.

Tuy nhiên, để bảo tồn di tích tránh tác động của môi trường không phải là điều dễ dàng, một sớm một chiều có thể thực hiện ngay được. Cũng bởi khó khăn đầu tiên do từ trước đến nay Việt Nam chưa có kinh nghiệm khai quật một số lượng di vật khổng lồ với diện tích lớn đến thế (19.000m2) trong vòng 15 tháng. Cũng bởi với một núi những di vật không thuần nhất, làm sao có thể bảo quản tốt nhất trong khí hậu thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ thay đổi thất thường.

Các loại hình di tích kiến trúc,  từ nền nhà của các cung điện, lầu gác, hệ thống giếng nước, đường cống thoát nước... đến số lượng lớn gạch, ngói, bằng đất nung, đá, gỗ...  và cả các loại di vật đa dạng, gồm bát, đĩa, bình, vò, lọ, kiếm, tiền... được làm bằng chất liệu phong phú như đồ gốm, sứ, sành, với đủ các loại men quý, hiếm, đồ gỗ, kim loại, thủy tinh... và còn có cả di cốt mộ táng... nhưng tiếc thay, không phải tất cả những di vật khai quật được đều còn nguyên vẹn.


Di tích kiến trúc và Di tích "Lầu lục giác"

Một vấn đề cần đặt ra, chúng ta sẽ làm gì để bảo tồn những di vật cổ của quốc gia đã may mắn tồn tại trong lòng đất trải qua 1300 năm lịch sử? Nhất là tới thời điểm hiện nay, gần 7 năm trôi qua, từ khi khai quật đến giờ, một số di vật trong kho tư liệu đồ sộ này ít nhiều bị xuống cấp.

Đã có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khoa học và cả các nhà quản lý cùng phải thốt lên: "Sự xuống cấp của di tích có thể thấy rõ trên thực địa nếu so sánh với khi đang khai quật".

Xung quanh các cuộc hội thảo nóng lên về vấn đề bảo tồn Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, những ý kiến được mang ra tranh luận khá mạnh mẽ, quyết liệt nhưng xem ra cho tới thời điểm hiện nay, những di vật được khai quật phương pháp bảo quản còn sơ bộ, chỉ mang tính khắc phục tình thế, tạm thời chứ chưa lập được một chiến dịch xử lý khoa học lâu dài.

Tại thời điểm này, một số hiện vật vừa khai quật trong năm 2008 còn chưa kịp xử lý. Hàng chục vạn viên gạch, những mảnh hiện vật không định hình, vẫn đang nằm tại hiện trường chưa được quan tâm thỏa đáng... Việc làm mái che tại các hố khai quật hay địa điểm bảo quản các di vật cũng chỉ được xem là biện pháp "khắc phục tại chỗ".

Nghĩa là vừa nghiên cứu vừa bảo quản, hay vừa tham quan vừa bảo quản, hoặc vừa làm vừa nghĩ (trong khi nghĩ phương án bảo quản lâu dài thì một số các hiện vật hữu cơ vẫn chưa nằm trong phòng thí nghiệm đạt chuẩn)... Vấn đề về bảo tồn Khu trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long vẫn đang là một bài toán nan giải chưa có hồi kết. Và nếu chúng ta chưa có một phương án tối ưu để bảo quản lâu dài, bền vững thì cơ hội cho khách đến tham quan, du lịch cũng còn là tương lai xa, mờ mịt.


Gạch "Đại thông độ", gạch có chữ Chăm, gạch "Vĩnh Ninh trường", gạch "Tráng phong quân"

Đề xuất trái chiều

Việc bảo tồn  khu di tích trong điều kiện hiện nay, quả thật không phải tất cả những ai tham gia về công tác bảo quản đều có tiếng nói chung. Như Giáo sư (GS) Kunikazu Ueno, Trường đại học Phụ nữ Nara - Nhật Bản (ông đang cùng với Việt Nam nghiên cứu để đưa ra kết quả mới về Khu trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long) thẳng thắn nói với chúng tôi: "Phải thừa nhận các bạn không có nhiều kinh nghiệm bảo tồn những kiến trúc di vật cổ. Đặc biệt, sau khi đã khai quật công trình nhưng chưa phân tích được hiện vật thuộc giai đoạn lịch sử nào và không đồng nhất đưa ra cách thức bảo vệ. Các bạn thường suy nghĩ trong một thời gian rất dài mới đưa ra kết luận. Điều đó lại có ảnh hưởng không tốt đến hiện vật, chúng rất dễ hỏng và bị phân hủy”.

Với những di tích kiến trúc đang được căng mái che cẩn thận tại một số điểm di tích, ông GS người Nhật lại có ý kiến khác hẳn: "Tôi nghĩ chúng ta nên bảo vệ những công trình này bằng cát. Phủ cát lên hiện vật để không khí không trực tiếp tiếp xúc sẽ làm quá trình phân hủy nhanh hơn". 

Sự háo hức, mong đợi của khách đến tham quan, thưởng thức đồng thời bảo tồn giá trị khu di tích lại là vấn đề e ngại lớn với GS Kunikazu Ueno, vì ông cho rằng sẽ gặp phải một vấn đề khó khăn vì hiện vật được khai quật thường dễ bốc mùi, hình hài cũng bị biến dạng.

Và ông đưa ra phương án: "Biện pháp tốt nhất là che phủ bằng cát nếu không di vật sẽ bị hủy hoại. Trên lớp cát đó, chúng ta có thể xây dựng những mô hình mô phỏng hiện vật để người dân đến tham quan, tìm hiểu. Vấn đề quan trọng hiện nay là kinh phí nên các bạn Việt Nam cần cân nhắc phần nào để lộ thiên, phần nào lấp cát rồi tạo mô hình".


Gạch "Giang Tây quân ", Ngói ống Đại La, Giếng nước Đại La

Không hẳn đồng tình với đề xuất của GS Kunikazu Ueno, ông Trần Quang Dũng, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội lại lật lại vấn đề: "Trên thế giới có rất nhiều kinh nghiệm về công tác bảo tồn nhưng ta không thể bê nguyên xi thế giới về để áp dụng được vì còn địa hình, khí hậu và môi trường điều kiện khác, kinh phí khác... Chúng ta nghiên cứu để vừa kế thừa công nghệ thế giới và chọn lọc công nghệ nào phù hợp với Việt Nam và chúng ta có thể lựa chọn nhiều cách khác nhau".

Theo ông Dũng thì sẽ có nhiều phương pháp để bảo quản. Như bảo quản lộ thiên, bảo quản bằng lấp cát, bảo quản bằng mái che. Phân điều kiện các hiện vật để chọn phương pháp bảo tồn khác nhau nhưng cũng phải giới thiệu cho công chúng hình dung được trọn vẹn về khu di tích.

Nếu chỉ để bảo tồn kho tàng trữ liệu của di sản ông cha bằng cách lấp hết đi cho tốt, con cháu hôm nay không được tận mắt thưởng thức thì hỏi trong việc bảo tồn còn có ý nghĩa ?! Và cả những ý kiến về những hiện vật sẽ được làm đông cứng để chuyển đến các bảo tàng để trưng bày.

Ông Dũng cũng có quan điểm khác: Sau khi làm xong quy hoạch chi tiết sẽ triển khai các dự án theo hướng trưng bày tại chỗ thì di tích mới sống động, mới có hồn, chứ vào khu di tích mà hồn cốt lại bị mang trưng bày ở nơi khác thì quả là đáng buồn.

Cũng nên có những địa điểm để cho du khách tham quan thấy được dấu tích vật chất của hiện vật, như đến giếng nước mà thấy mạch nước trong veo điều đó tạo cho người xem hứng thú hơn rất nhiều so với mô hình khô cứng, hay nhưng lý thuyết rao giảng cứng nhắc.

Cũng theo ông Dũng, vào thời điểm hiện tại, hiện vật chỉ phục vụ cho phương pháp nghiên cứu, chưa phải phục vụ cho khách thăm nên được bảo quản tốt nhưng chỉ là "biện pháp tình thế" tạm thời. Tới đây, trong tương lai không xa khu di tích sẽ mở cửa cho khách thăm và ngay tại nơi khai quật sẽ có một "bảo tàng ngoài trời".

Đó chính là phòng trưng bày mini xinh xắn các hiện vật để không che lấp cảnh quan xung quanh. Công việc này sẽ phải đan xen nhiều loại hiện vật. Có những hiện vật sau khi nghiên cứu hoàn chỉnh sẽ được trưng bày và có cách bảo quản trong quá trình trưng bày hiện vật. Nhưng đồng thời có hiện vật phải tạm dừng việc nghiên cứu để lấp cát.

  • Ảnh bên : Cấm thành trong quan hệ với các vật chuẩn


Bảo tồn di sản trong bối cảnh phát triển đô thị

Trong bối cảnh đô thị hóa của Hà Nội, vị trí của khu di sản nằm ngay trong khu Quảng trường Ba Đình lịch sử - trung tâm chính trị, quân sự và hành chính của Việt Nam. Vì lẽ đó nên sự thương mại hóa cũng chưa có thể chạm vào được khu di tích này  như ở nhiều di tích khác.

Khu di tích có không gian liên thông với những công trình kiến trúc, văn hóa quan trọng bậc nhất ở nước ta: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước (Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, và trong tương lai là Nhà Quốc hội), Phủ Chủ tịch và các cơ quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng.

Theo dọc dài đất nước, Khu trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long với giá trị tự thân, luôn là một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh, đồng thời được đặt trong không gian của đô thị Thăng Long - Hà Nội. Nhiều cuộc họp đã đưa ra giải pháp bảo tồn di sản không được phép phá vỡ tính hoàn chỉnh trong tổng thể kiến trúc đang rất hài hòa trong khu vực Quảng trường Ba Đình.

Tiến sĩ Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: "Quy hoạch trung tâm chính trị - văn hóa Ba Đình cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi và cần thiết cho khu di sản (khu trung tâm chính trị - văn hóa Ba Đình đã có những quy hoạch kiến trúc chi tiết, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có khống chế quy mô về chiều cao các tòa nhà, nên không gây áp lực về kiến trúc và giảm thiểu sức ép do phát triển và thương mại hóa đến mức độ thấp nhất, nhưng lại đặt ra những yêu cầu khắt khe về nhiều mặt đối với những công trình xây dựng mới phục vụ nhu cầu bảo tồn di sản".

Giải pháp bảo tồn khu di sản đang có nhiều ý kiến đồng nhất với quan điểm của nhà sử học Lê Văn Lan: Xung quanh Khu trung tâm di tích Hoàng Thành Thăng Long, chúng ta không nên xây những công trình to lớn, hoành tránh, đồ sộ gì thêm nữa. Hãy làm những công viên cây xanh nhỏ nhắn để có thể phóng tầm mắt ra xa. Nơi đó sẽ là những khoảng lặng, để cho ta dừng bước, ru hồn về mảnh đất quá khứ hào hùng của dân tộc đã trải qua suốt 1300 năm lịch sử.

Trong thời điểm hiện nay, một vấn đề mà rất nhiều người quan tâm là xây dựng Nhà Quốc hội (đang trong quá trình thiết kế) nằm ở vị trí nhạy cảm cách trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long chưa đầy 100 mét phải làm sao cho thật phù hợp, hài hòa với cảnh quan môi trường của khu di tích.

Nhưng thế nào là hài hòa? Ông Trần Quang Dũng, sốt sắng: "Ai cũng nói về vấn đề hài hòa trong xây dựng Nhà Quốc hội. Nhưng khi Nhà Quốc hội xây xong rồi, đừng biến Khu trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long thành sân sau của Nhà Quốc hội, điều này thực không đơn giản!"

Trần Mỹ Hiền

>> Loay hoay tìm cách bảo tồn Hoàng thành Thăng Long 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...