Ngày xuân nói chuyện linh khí, phong thuỷ quốc gia để thêm hiểu, thêm yêu kinh thành 1.000 năm tuổi, với khí thế “rồng bay lên” mang lại thịnh vượng cho hơn 86 triệu dân Việt Nam…
Đường kinh mạch linh thiêng
Ở phương diện hẹp, phong thuỷ hài hoà, gia đình mới hạnh phúc. Nhìn rộng hơn, phong thuỷ quốc gia hanh thông, đất nước mới thịnh vượng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà 1.000 năm trước, vua Lý Thái Tổ đã chọn thế “rồng cuộn, hổ chầu” của Thăng Long để ngày nay tiếng thơm ngàn năm. Nói vậy để nhớ lại rằng, từ xưa các cụ coi linh khí, long mạch đối với sự phát triển của đất nước là điều tối quan trọng.
Từ đỉnh Everest trên dãy Hymalaya cao 8.880 m so với mặt biển, có đường kinh mạch linh thiêng trông giống hình con Rồng lớn, đi từ nóc nhà thế giới là cao nguyên Tây Tạng dọc theo biên giới Ấn Độ, xéo qua cao nguyên Vân Nam, đến đỉnh Panxipang cao 3.143 m của dãy Hoàng Liên Sơn tỉnh Lao Cai, rồi toả ra trên Đồng bằng Bắc Bộ nước ta và chui xuống biển sâu ở Vịnh Hạ Long, cuối cùng đường kinh mạch kết thúc ở Vịnh Mindanao - Philippines ở đáy Đại dương sâu 10.800 m.
Đây là “con Rồng” lớn nhất thế giới. Những nhà nghiên cứu phong thuỷ đã phát hiện ra đường kinh mạch này và cho rằng, đây là đường kinh mạch quan trọng quyết định vận mệnh của quốc gia.
Thăng Long - tâm điểm của Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước
Trên sơ đồ NÚI CHẦU SÔNG TỤ mà nhà nghiên cứu phong thuỷ Ngô Nguyên Phi đã mô tả, thì 8 dãy núi vòng cung xoáy theo hình rẻ quạt đi lần lượt từ dãy Đông Triều, Bắc Sơn, Ngân Sơn, Sông Gâm theo hướng Đông Bắc Tây Nam, đến dãy Sông Đà và Ninh Bình từ phía Tây Nam hất ngược lên, cuối cùng là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Tam Đảo đi từ chính Bắc xuống… Tám dãy núi vòng cung quy tụ ở tâm điểm Thăng Long. Kèm theo hướng núi là hướng các con sông cũng đồng quy về trung tâm Thăng Long, đúng như 2 câu thơ vịnh của thầy Tả Ao:
“Thiên sơn vạn Thuỷ triều lai
Can Chi bát quái trong ngoài tôn nghinh”
Đó chính là thế quý hiểm độc nhất vô nhị của nước ta.
(ảnh minh họa: Ashui.com/forum)
Trên bản đồ địa hình, trong thế đồng quy của 8 dãy núi xoáy lại, không rõ từ mạch ngầm nào mà ngọn núi Ba Vì sừng sững “mọc lên”, như thể tạo hoá đã cố công dụng nạp linh khí của “bốn phương tám hướng” về đây.
Đỉnh núi chỉ cao 1.226 m, nhưng là đỉnh cao nhất của khu vực Thăng Long, là nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh với bao nhiêu câu chuyện truyền thuyết, như chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh thời Hùng Vương; chuyện từng đoàn quạ đen sà xuống bên Hồ Tây uy hiếp giấc ngủ của Mã Viện, sau khi ông tướng già đó truy đuổi hai bà Trưng Trắc Trưng Nhị, khiến hai bà phải nhảy xuống sông tự vẫn ở thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên; đến câu chuyện thầy phong thuỷ Cao Biền bị Tản Viên Sơn Thánh phạt khi ông phù thuỷ này định dùng tà thuật để đùa giỡn với Thánh Nhân Đất Việt vào cuối thế kỷ thứ 9.
Hồ Tây - yếu huyệt của Thăng Long
Lịch sử 1.200 năm trước, khi quan đô hộ sứ kiêm thầy phong thuỷ Cao Biền phát hiện ra linh khí của vùng đất quý hiển này, nên quyết tâm xây dựng Thành Đại La có 30 km bờ đê bao quanh, để lập ra một Vương quốc cho riêng mình, thì ông ta đã chọn Hồ Tây là “Não Thuỷ”, tức là nơi “Hào kiệt thời nào cũng có”.
Sông Hồng, Sông Tô đối với yếu huyệt Hồ Tây cũng có mối liên hệ mật thiết, là Long Mạch chủ của yếu huyệt. Câu chuyện Tản Viên Sơn luôn luôn gắn liền với hiện tượng các dòng sông sau khi chúng “gặp nhau” ở Việt Trì và thực sự “hội tụ” ở Thăng Long, khi sông Hồng mở ra rất rộng, rồi nối với sông Đuống, sông Cầu ở bên Tả ngạn và rất nhiều sông con ở bên Hữu ngạn, tất cả đều liên thông với Hồ Tây qua Long mạch chủ là sông Tô Lịch.
Dân ta không bao giờ quên những câu thơ trữ tình nói về sông Tô:
“Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Ngập ngừng muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu”
Việc sông Tô Lịch bị lấp, xây nên các phố Chợ Gạo, Ngõ Gạch, Hàng Buồm, Hàng Lược, Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Thuỵ Khuê, Hồ Khẩu, Chợ Bưởi... cắt đứt quan hệ với Hồ Tây và ngã ba tam hợp với sông Thiên Phù và sông Nhuệ thông với sông Hồng, đã tạo ra một dòng sông chết, khiến Sông Tô trong xanh ngày xưa thành nơi đổ nước thải.
(ảnh minh họa: Trần Thanh Vân)
Thăng Long - lịch sử và truyền thống
Chúng ta đang bước vào năm thứ 1.000 của Thăng Long – Hà Nội, nhưng muốn nói đến sự linh thiêng và huyền bí của vùng đất này, phải đi ngược lại 500 năm, trở lại thời Tiền Lý với cuộc khởi nghĩa của Lý Bí lập nên nước Vạn Xuân và nhân vật khai quốc công thần là Phạm Tu - Lý Phục Man. Cho đến khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi, đã di đô về lại Đại La và lấy tên là Thăng Long thì đất nước mới thật thịnh trị thái bình.
Như vậy, Kinh đô Thăng Long xưa đã hình thành và phát triển trên khung cốt của Đại La thành, trong đó dòng sông Tô Lịch là Long mạch chủ và Hồ Tây là Đại Minh Đường hình bán nguyệt. Đây chính là hồn cốt của Thăng Long cần thiết phải được khôi phục.
Quãng sông Tô từ phường Hà Khẩu xưa, nay là phố Chợ Gạo đến Làng Hồ Khẩu và Chợ Bưởi, tổng cộng chiều dài 15 km, đã bị lấp ngót 200 năm, thì không thể khôi phục được nữa. Nhưng chúng ta có điều kiện khôi phục trọn vẹn vùng đất một thời rất thịnh vượng là vùng Chợ Bưởi – Nghĩa Đô đến Xuân La - Xuân Đỉnh.
Phương án hiện thực là nối lại các dòng sông, trong đó dấu tích sông Thiên Phù gần như đã mất hết, nhưng những làng xóm và cánh đồng đi từ cống Liên Mạc qua sông Nhuệ theo hướng Tây Bắc Đông Nam thì vẫn còn nguyên vẹn, giúp ta khai thông lại một hệ thống kênh đào phục vụ du lịch như một Venice của nước Ý ngay phía Tây Hồ Tây. Đặc biệt, khu vực phường Nghĩa Đô đến Xuân La cần được nhìn nhận là một nơi yếu huyệt của Thủ đô hiện nay để được thiết kế quy hoạch lại…
KTS cảnh quan Trần Thanh Vân
- Lấn biển - cần thiết nhưng phải thận trọng
- Phát hiện mới về thành cổ thời Lê Hồng Đức
- Quy hoạch hai bên sông Hồng: Hà Nội đã hội tụ các điều kiện cần và đủ?
- Quy hoạch Hà Nội: Hòa hợp tinh hoa Thăng Long và Xứ Đoài
- Quy hoạch cảng biển: Sửa sai nhưng liệu có khả thi?
- Nhà ống và xe gắn máy: diện mạo hay bản sắc?
- Vài gợi ý cho chủ trương xây dựng Thành phố Thừa Thiên - Huế
- Dự thảo Luật thuế nhà, đất: Vẫn cần cân nhắc thêm
- Tìm cách nâng tầm đô thị Huế
- Tàu buýt trên sông