Có thể nói, nông thôn đang trong giai đoạn biến động rất lớn. Đây là điều tất yếu trong quá trình phát triển. Xáo trộn lớn nhất mà ta có thế thấy đó là sự thay đổi trong cơ cấu nông thôn. Đặc điểm quan trọng nhất của xã hội Việt Nam là nhân tố làng. Vậy nhưng, nhân tố quan trọng này đang dần bị mất đi, kéo theo những “cái mất” của đời sống văn hóa.
Làng trong đời sống người dân
Trong lịch sử dân tộc, làng là một nhân tố rất linh thiêng, đặc biệt là khu vực Bắc Bộ. Xưa kia, mỗi huyện bao gồm nhiều làng chứ không có xã. Nhiều làng thì họp thành một Tổng, Tổng này không phải là đơn vị hành chính mà chỉ là đặc phái viên của huyện với làng. Trong thực tế đời sống, người dân nông thôn “sống với làng” là chính. Cơ cấu làng là cơ cấu cực kỳ quan trọng, nó tạo nên sức mạnh cộng đồng, sức mạnh đoàn kết. Có thế nói, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã phá vỡ đơn vị làng. Từ đó dẫn đến những rạn nứt, phá vỡ mối quan hệ làng xóm, phá vỡ nét sinh hoạt cộng đồng. Văn hóa Việt xuất phát từ văn hóa làng. Chính vì vậy khi làng bị phá vỡ, yếu tố văn hóa cũng mất theo.
Bắc Ninh có thể coi là cái nôi của văn hóa miền Bắc. Nhưng hiện nay nhìn vào ta có thể thấy ngay sự “tàn phá văn hóa” rất nặng nề. Những di tích văn hóa tín ngưỡng bản địa như chùa Dâu, quanh đó là chùa Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Tuy nhiên, các chùa này đang bị những khu công nghiệp vây sát, kiến trúc cảnh quan không gian bị phá vỡ. Theo tôi, với những kinh đô văn hóa dày đặc như vậy ta nên phát triển và bảo tồn nó, không nên phát triển công nghiệp, mà dành sang những khu đất khác để bảo tồn những nét truyền thống.
Bản thân tôi đã từng sống và tìm hiểu rất nhiều tại vùng Tây Nguyên. Nơi đây, có thể nói yếu tố làng là yếu tố vô cùng quan trọng. Đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất của Tây Nguyên là Làng. Không có từ nào chỉ đơn vị cao hơn làng. Làng được gọi với nhiều ngôn từ khác nhau, tiếng Êdê gọi là Buôn, tiếng Mơnông gọi là Bon, tiếng Bana, Giarai gọi là Play… Người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao, tính cộng đồng đó là tính cộng đồng làng. Khi gặp một người Tây Nguyên, hỏi họ tên là gì thì câu đầu tiên họ trả lời là tên làng mình. Mỗi cá nhân nơi đây gắn với làng, khi phạm tội nặng nhất là bị đuổi ra khỏi làng. Làng là nhân tố kinh thiêng và vô cùng quan trọng.
Với Tây Nguyên rộng lớn, làng là rừng. Mỗi Làng có những khu rừng khác nhau được phân chia bằng những dòng sông, con suối. Những điều này đều được ghi trong luật tục của làng, được truyền lại từ đời này sang đời kia. Khi rừng bị mất thì làng cũng tan theo. Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa làng. Tổ chức UNESCO đã rất tài khi công nhận Không gian văn hóa Cồng chiêng là di sản Văn hóa Thế giới chứ không phải riêng bản thân Cồng chiêng. Không gian văn hóa Cồng chiêng là rừng và làng, nếu Cồng chiêng không đặt trong không gian làng, rừng nơi đây, nó không còn là nét văn hóa Tây Nguyên nữa.
Văn hóa là thứ không thể “dựng sẵn”
Tôi còn nhớ có lần làm phim về Tây Nguyên, chúng tôi tìm được một khu làng rất cổ của người KơTu. Kiến trúc làng rất đặc biệt theo hình ovan. Giữa làng là nhà Gươl (một kiểu nhà như nhà Rông). Người dân KơTu coi làng là một vũ trụ thu nhỏ và nhà Gươl là trung tâm của vũ trụ ấy. Trong nhà Gươl, kiến trúc cũng theo hình ovan, giữa nhà là một cột trụ đứng trạm khắc rất điêu luyện. Tuy nhiên, do đời sống kinh tế của người dân nơi đây còn nghèo nên ngôi nhà này trên thực tế rất nhỏ và nhìn bề ngoài chưa đẹp. Bản thân đoàn làm phim chúng tôi muốn có một ngôi nhà lớn để quay. Chính vì vậy, người dân nơi đây đã giúp chúng tôi xây một ngôi nhà rất khang trang, cao lớn. Sau khi quay xong, chúng tôi đã làm lễ tặng lại ngôi nhà cho làng vì nghĩ rằng người dân nơi đây sẽ rất vui. Vậy nhưng sau một năm trở lại, tôi thực sự ngạc nhiên khi ngôi nhà khang trang này không có ai bước chân đến. Mối mọt và bụi bẩn khắp nơi. Còn ngôi nhà cũ kia thì luôn đông kín người mỗi tối. Qua đó, tôi đã hiểu rằng, văn hóa là thứ không thể đem tặng.
Cũng tương tự như vậy, khi chúng ta xây dựng những khu tái định cư cho người dân, nếu không hiểu văn hóa đời sống của họ sẽ rất khó. Tôi có một anh bạn làm dự án tái định cư. Khi vào Tây Nguyên, anh rất tự hào khoe với tôi về những khu làng hiện đại và chắc chắn mà đơn vị anh đã làm cho người dân. Tuy nhiên, một điều đáng buồn đó là khi di dời, người dân không thích ở nhà mới. Họ ở rất miễn cưỡng. Đặc biệt, nét sinh hoạt văn hóa tại nhà Rông mỗi tối, nơi mà người dân ngồi bên bếp lửa, và kể cho nhau nghe những kinh nghiệm sống nay đã không còn nữa. Nhà bằng bê tông hết rồi, không phải là nhà Rông nữa. Chính từ đó, những nét văn hóa đã mất đi.
Hãy để cho người dân tự chọn
Có một hiện tượng rất nguy hiểm đang diễn ra trong cộng đồng người Tây Nguyên, đó là sự “giả tạo” trong văn hóa. Người dân có thể trình diễn Cồng chiêng cho chúng ta quay phim, chụp ảnh nhưng bên trong đó không phải là nét sinh hoạt văn hóa thật. Cồng chiêng là thứ ngôn ngữ để người dân giao tiếp với thần linh, khi cầu khấn điều gì đó. Đây cũng là thứ ngôn ngữ để giao tiếp giữa làng này với làng kia. Khi nghe tiếng Cồng chiêng, người làng khác có thể đoán biết ngay được làng bên đang diễn ra chuyện gì.
Trong quá trình tái định cư hay xây dựng mô hình nông thôn mới, chúng ta cần để cho người dân tự chọn. Tự chọn khu đất, tự chọn khoảnh rừng. Những người già làng thường có kinh nghiệm chọn đất rất giỏi, họ biết chỗ nào có mạch nước, chỗ nào đất lành. Trước khi chọn đất, buổi tối hôm trước người già làng sẽ lấy một nhúm gạo, cho vào cái cốc và úp xuống mặt đất. Sáng hôm sau, nếu những hạt gạo còn nguyên vẹn thì đó là đất có thể ở được, còn nếu những hạt gạo này bị giun, mối ăn thì đây là khu đất không ở được.
Khi chúng ta đề cho người dân tự quyết chuyện nhà cửa, đất đai, người dân sẽ thấy mình thực sự được làm chủ. Lúc đó, họ sẽ tự nguyện thực sự chứ không phải theo kiểu chống đối như hiện nay. Có những khu vực giao rừng lại cho các làng, người dân bảo vệ rừng rất tốt, đặc biệt là rừng đầu nguồn vì với họ, đó là rừng thiêng, nơi thần linh sống nên không được động tới.
Có thể nói, nếu như khôi phục được nét văn hóa làng và trao quyền tự chọn cho người dân trong những mô hình nông thôn mới, chắc chắn chúng ta sẽ thành công, không chỉ trong kinh tế mà còn trong văn hóa cộng đồng.
Nhà văn Nguyên Ngọc
[ Chuyên đề: Kiến trúc nông thôn ]
- Nhà ống và xe gắn máy: diện mạo hay bản sắc?
- Vài gợi ý cho chủ trương xây dựng Thành phố Thừa Thiên - Huế
- Dự thảo Luật thuế nhà, đất: Vẫn cần cân nhắc thêm
- Tìm cách nâng tầm đô thị Huế
- Tàu buýt trên sông
- Chiến lược và chính sách quản lý tài nguyên nước tại VN
- TPHCM: Điều chỉnh quy hoạch để giải bài toán phát triển đô thị
- Định hình diện mạo mới cho Thủ đô
- Những khuyến nghị cho quy hoạch giao thông Hà Nội
- Hội thảo "giải mã" phong thủy: “Không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai”