Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Phản biện Dự thảo Luật thuế nhà, đất: Vẫn cần cân nhắc thêm

Dự thảo Luật thuế nhà, đất: Vẫn cần cân nhắc thêm

Viết email In

Ban soạn thảo Luật Thuế nhà, đất đã hoàn thành bản dự thảo mới và dự kiến sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Như vậy, ít nhất đây cũng là bản dự thảo thứ 5 của đạo luật này. Tại hội thảo nhằm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thuế nhà, đất do Hội Luật gia Hà Nội tổ chức hôm 22-1 vừa qua, rất nhiều ý kiến khác nhau đã được đưa ra.

Câu hỏi trước tiên là có nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế hay không? Dự thảo luật đưa ra hai phương án là đưa và chưa đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Nhưng phần lớn các ý kiến tại hội thảo đều nhất trí phương án đưa cả nhà ở vào đối tượng chịu thuế vì những lý do sau:

1. Thuế nhà, đất về bản chất là thuế tài sản, một loại thuế trực thu đánh vào các tài sản không phục vụ mục đích kinh doanh nhằm điều tiết thu nhập của tầng lớp có thu nhập cao trong xã hội. Không thể cho rằng, đánh thuế đối với nhà ở là “thuế chồng lên thuế” như một số ý kiến đã nêu. Bởi mỗi sắc thuế có một đối tượng điều chỉnh và mục tiêu riêng.

Ở các nước phát triển như Đức, Singapore, Mỹ… sắc thuế này là phổ biến. Nguyên lý chung để hình thành loại thuế này là tiền, tài sản của bất cứ cá nhân nào, suy cho cùng cũng là tài sản của xã hội và chúng phải được huy động vào sản xuất, kinh doanh, hạn chế việc tồn trữ, không sử dụng như đầu cơ, làm vật trang trí không cần thiết…

Tuy nhiên, sử dụng tài sản cá nhân như thế nào lại thuộc quyền của từng cá nhân, pháp luật không thể quy định cứng nhắc. Vì vậy chỉ có thể sử dụng chính sách thuế để hạn chế những hành vi nói trên. Với nguyên lý đó, thuế tài sản là loại thuế đánh vào các tài sản cá nhân đến một mức nhất định, người có tài sản có trách nhiệm nộp thuế cho nhà nước. Khi đó, tình trạng đầu cơ và sử dụng lãng phí tài sản xã hội sẽ được hạn chế.

2. Hiện nay tình trạng đầu cơ nhà, đất ở nước ta đang rất nghiêm trọng. Vì vậy, rất cần những biện pháp để hạn chế tình trạng này, huy động tất cả nguồn lực vào phát triển kinh tế. Tất nhiên, cũng cần khẳng định thuế không phải là công cụ duy nhất mà chỉ là một trong những công cụ có hiệu quả nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản.

3. Nguồn thu ngân sách của nước ta sẽ bị giảm khá nhiều trong những năm tới. Vì vậy, rất cần tạo ra nguồn thu hợp pháp để phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh tế, tránh tình trạng dồn nhiều khoản thu vào doanh nghiệp.Một vấn đề khác mà nhiều người quan tâm là quy định về đối tượng chịu thuế. Theo đó, cần làm rõ đối tượng chịu thuế là nhà, đất không nhằm mục đích kinh doanh như nhà ở, đất ở. Nếu đưa vào đối tượng chịu thuế cả “đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp” như ở khoản 3 điều 2 là không đồng nhất.

Về người nộp thuế, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ, chủ sở hữu nhà là người nộp thuế, không nên mở rộng cho cả người thuê nhà. Bởi lẽ, người thuê nhà rất đa dạng, cả người cư trú, người không cư trú và có thể thường xuyên thay đổi. Điều này sẽ dẫn đến sự phức tạp cho việc thu thuế, tiềm ẩn khả năng thất thu khi không thể truy tìm được người thuê nhà đã chấm dứt hợp đồng thuê trước kỳ thu thuế.

Một vấn đề không kém phần quan trọng nữa là căn cứ tính thuế đối với nhà ở. Phần lớn các ý kiến tại hội thảo đều nhất trí phương án tính thuế theo diện tích nhà ở chịu thuế và mức thuế tuyệt đối trên 1 mét vuông nhà ở chịu thuế của từng cấp nhà với những lý do như: tính thuế theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị nhà rất phức tạp, có nhiều kẽ hở cho tiêu cực. Trong khi đó, nếu tính thuế bằng mức tuyệt đối trên 1 mét vuông diện tích sẽ khả thi hơn, thuận lợi cho việc tính thuế và giám sát. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, việc đảm bảo minh bạch và tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật có vị trí rất quan trọng.

Tuy nhiên, vấn đề thu hút sự quan tâm nhiều nhất hiện nay là quy định về diện tích tính thuế và mức thuế tuyệt đối trên 1 mét vuông nhà.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, để Luật Thuế nhà, đất đi vào thực tiễn, rất cần một cuộc điều tra kỹ hơn thực trạng về nhà ở hiện nay. Nguyên tắc quan trọng cần tuân thủ là chỉ đánh thuế nhà đối với những trường hợp có thu nhập cao, có nhiều nhà nhưng không sử dụng cho bản thân và gia đình. Những người làm công ăn lương, chắt chiu từng đồng để có căn nhà thì sẽ không phải nộp thuế. Rất cần tránh tình trạng “đánh nhầm, hơn bỏ sót”.

Dự thảo luật quy định với diện tích nhà ở 200 mét vuông thì mức thuế là 0 đồng/mét vuông, song quy định như vậy cũng không hợp lý, chưa đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Chẳng hạn, một căn hộ 200 mét vuông sử dụng cho ba người ở sẽ không phải nộp thuế, căn hộ 220 mét vuông sử dụng cho 10 người ở lại phải nộp thuế! Vì vậy, nhiều người đề nghị sửa lại như sau: “Diện tích tính thuế đối với nhà ở là toàn bộ diện tích sàn xây dựng trừ đi diện tích miễn thu theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ”.

Về diện tích miễn thu thuế nhà ở phải căn cứ vào hạn mức diện tích nhà ở bình quân đầu người trong từng thời kỳ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2009, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở nước ta là 19 mét vuông và năm 2010 sẽ đạt 20 mét vuông/người. Chính phủ đã có văn bản đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở nước ta sẽ đạt 37,5 mét vuông. Vì vậy, cứ mỗi năm năm, Chính phủ có thể ban hành văn bản quy định mức miễn thu để tính thuế nhà ở. Khi đó tổng diện tích miễn thu thuế nhà ở cho một căn nhà = Số nhân khẩu thường xuyên ở trong căn nhà x diện tích miễn thu/người và Diện tích tính thuế = Tổng diện tích căn hộ - Tổng diện tích miễn thu.

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam

>> Luật Thuế nhà, đất: Mấy vấn đề cần minh định từ đầu 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo