Quả thật, với tuyên bố “người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã cho rằng: “Hệ thống nguyên lý lý thuyết là tiền đề của khoa phong thủy đã thất truyền và sai lệch”. Và phải xác lập hay phục hồi lại sự đúng đắn của nguyên lý tiền đề đó.
Thất truyền và sai lệch
- Ảnh bên : Sơ đồ Hậu Thiên Bát Quái Lạc Việt phối Hà Đồ
Khẳng định sức sống bền bỉ của phong thủy, nhưng đồng thời người ta cũng nhận thấy các khái niệm, phương pháp ứng dụng của phong thủy có phần mù mờ, mâu thuẫn nhau. Trong quá trình tồn tại, những phương pháp ứng dụng của phong thủy đã bị pha tạp với những giá trị văn hóa phi phong thủy và tùy theo không gian văn hóa và nhận thức của thời đại, người ta đã giải thích nó một cách huyền bí. Thậm chí, bùa chú - một hiện tượng văn hóa cổ của nhân loại, có trong văn hóa cổ Đông phương; hoặc cúng bái là những nghi lễ có tính tín ngưỡng cũng tham gia vào sự ứng dụng của khoa phong thủy - qua những nghi lễ động thổ, nhập trạch như là sự bổ sung cho phương pháp ứng dụng của phong thủy. Rồi cách giải thích mang tính thần quyền cho các nguyên lý lý thuyết căn bản của phong thủy qua hàng ngàn năm, đã khiến môn phong thủy ngày càng huyền bí trong con mắt thế nhân.
Vậy phải chăng phong thủy là phi khoa học, là thần bí, thậm chí đã không ít ý kiến cho rằng: phong thủy là một thứ tín ngưỡng, hoặc là một hình thức mê tín dị đoan... Nhưng ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đặt giải thuyết rằng: Hệ thống nguyên lý lý thuyết là tiền đề của khoa phong thủy đã thất truyền và sai lệch. Và bản chất khởi nguyên của bộ môn này trong thời đại văn minh sinh ra nó, vốn là một hệ thống hoàn chỉnh, nhất quán trong phương pháp ứng dụng. Và như thế phải chăng khoa phong thủy ngày nay chỉ là những mảnh vụn còn sót lại sau những thăng trầm của lịch sử con người?
“Người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai” - ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đã có “nguyên lý mới” cho phong thủy?
Thời gian qua, người ta đã ít nhiều được biết đến chuyện ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã đưa ra nguyên lý nền tảng mới để “thống nhất” phong thủy. Đó chính là Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ - một nguyên lý Âm-Dương - Ngũ hành tương đối chuyên biệt, mà chúng tôi không muốn đi sâu trong bài tường thuật này. Nhưng có thể hiểu vắn tắt rằng nguyên lý này được nhiều người cho là thống nhất mọi phương pháp ứng dụng của phong thủy tồn tại một cách rời rạc và mâu thuẫn từ những cổ thư lưu truyền trong văn hóa Đông phương - quen gọi là trường phái - trong Phong Thủy Lạc Việt.
Ông Tuấn Anh giải thích: “Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu bản chất của Lý học Đông phương - trên cơ sở định hướng bởi giả thiết về sự thất truyền và sai lệch trong các cổ thư còn lại, chúng tôi đã nhận thấy tính bất hợp lý ngay từ nguyên lý căn để lưu truyền trong cổ thư liên quan đến Lý học Đông phương. Đó là nguyên lý: “Hậu Thiên Văn Vương phối Lạc Thư”. Sau khi hiệu chỉnh lại thành “Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ”, đối chiếu với tiêu chí khoa học, chúng tôi đã từng bước hệ thống hóa và phục hồi lại toàn bộ thuyết Âm - Dương- Ngũ hành, trong đó có khoa phong thủy - là một bộ môn ứng dụng của học thuyết này với phương pháp luận của nó” - ông Tuấn Anh cho biết.
Cụ thể đối với phong thủy thì: Sự tương tác của từ trường Trái đất lên vị trí nhà và ảnh hưởng đến con người (được ứng dụng chủ yếu trong phương pháp quen gọi là Trường phái Bát trạch). Sự tương tác của cảnh quan môi trường thiên nhiên quanh khu nhà (được ứng dụng chủ yếu trong phương pháp quen gọi là Trường phái Loan đầu). Sự tương tác của cấu trúc ngôi nhà liên quan đến môi trường với con người (được ứng dụng chủ yếu trong phương pháp quen gọi là Trường phái Dương trạch tam yếu). Và cuối cùng, sự tương tác có tính quy luật và chu kỳ của vũ trụ trong bầu trời không gian của Thái Dương hệ (được ứng dụng chủ yếu trong phương pháp quen gọi là Trường phái Huyền không).
“Không căn cứ trên nguyên lý này thì phong thủy theo bản văn cổ không có tính hệ thống, tính nhất quán và không có khả năng phản ánh hợp lý một thực tế khách quan làm nền tảng của hệ thống phương pháp luận của nó, cũng như tính hợp lý trong cấu trúc hệ thống của nó. Ngoại trừ hiệu quả ứng dụng” - ông Tuấn Anh kết luận.
Hội thảo "giải mã" phong thủy
Lời kết về chuyện phong thủy
Như lời dẫn trong kỳ 1, chúng tôi đã nói, trái ngược với xu thế “ấu trĩ” một thời là quy mọi tri thức mù mờ của người xưa là “mê tín, dị đoan”, gần đây người ta lại ra sức cổ vũ cho chúng, thậm chí coi chúng là “siêu việt”. Và tôi không đồng tình với những thông tin cho rằng, căn nhà bố trí hợp lý theo phong thủy có thể chữa được... bệnh điên. Bất cập và thái quá đều không phải là thái độ biện chứng trong khoa học.
Không phải tất cả các cụ nhà ta thời xưa đều mù quáng theo các lời phán của phong thủy. Còn nhớ ông nội tôi, vốn là một nhà Nho trong ngôi làng cổ, tạm coi là đủ cả y, lý, số nữa nên cũng được bà con mời chọn đất đặt mộ, trấn trạch, động thổ... Cụ có “di huấn” lại các con bài thơ hài hước sau: Ba thước dây gai mồi nhử thịt/ Một vừng gỗ mít cối xay xôi/ Thế gian khả hữu vương đồ địa/ Chả để mả bố mày có phí không? (đại ý rằng, mấy thứ đồ nghề của thầy phong thủy kia (dây gai, la bàn bằng gỗ mít) chỉ là cái cần “câu” rượu thịt. Thế gian đầy đất đế vương. Đặt mồ mả chỗ nào chả được”. Hóa ra cụ cũng chả tin phong thủy một cách mù quáng. Đặt mồ mả chỗ nào cũng được miễn là thế đất cao ráo, thoáng đãng... Còn những nghi thức rườm rà của thầy phong thủy thì cũng chỉ múa may để bà con... yên tâm mà thôi.
Những nghiên cứu của Trung tâm Lý học Đông Phương có thể là hết sức nghiêm túc, trên tinh thần biện chứng, nhằm giải mã phong thủy và có tham vọng xác lập một nguyên lý mới cho nó. Tuy nhiên, phong thủy có được “lành mạnh hóa” hay không, tính khoa học của nó có được phát huy hay không, lại phụ thuộc vào sự tiếp nhận của xã hội. Sự bùng nổ tràn lan của những “dịch vụ phong thủy” với những đồ đạc trấn yểm, với những quan niệm cầu kỳ về chuyện động thổ, về hướng nhà, về màu sắc công trình... không phải là một dấu hiệu tốt lành vì nó cho thấy người ta đang đi vào quá sâu những yếu tố mù mờ của phong thủy.
Muốn cho xã hội tiếp thu một cách lành mạnh thì hãy “công khai” hóa các tri thức lành mạnh về phong thủy, để thiên hạ không dùng phong thủy “phán bậy” và để “lòe bịp” lẫn nhau. Nếu vậy, việc chắt lọc các yếu tố tinh túy của phong thủy, đưa vào các trường chuyên ngành kiến trúc, xây dựng... để biến thành những kiến thức cơ bản cho các kỹ sư, KTS như suy nghĩ của KTS Phạm Cương là một hướng làm đúng, có thể làm được và nên làm ngay.
Đông Kinh
>>
- Nông thôn mới & nhân tố làng
- Chiến lược và chính sách quản lý tài nguyên nước tại VN
- TPHCM: Điều chỉnh quy hoạch để giải bài toán phát triển đô thị
- Định hình diện mạo mới cho Thủ đô
- Những khuyến nghị cho quy hoạch giao thông Hà Nội
- Đừng khoác lên phong thủy tấm áo thần bí
- Hà Nội vươn mình về phía Đông và Đông Bắc
- Phong thủy là khoa học chứ không phải tín ngưỡng
- Để Hà Nội "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"
- Chí Linh Bát Cổ