Chuyện hy hữu từ một phát hiện khảo cổ dịp Tết Canh Dần: Nhờ sự cắt thành cổ bằng... gàu máy xúc mà một đoạn thành lộ ra, tầng văn hoá đầy mảnh gốm và vật liệu kiến trúc. Được biết từ lâu đây là đoạn thành được vẽ trên bản đồ thời Lê Hồng Đức.
Các nhà khoa học đã đề nghị bảo tồn, nhưng khi một cơ quan xây dựng liều cắt thành, không có một bóng dáng nhà khoa học nào. Âu cũng là một bài học cay đắng cho văn hoá và quy hoạch đô thị Hà Nội, nhất là dịp kỷ niệm ngàn năm đang đến gần.
- Ảnh bên : Một đoạn thành cổ còn nguyên tầng văn hoá và vật liệu kiến trúc.
Phá nát thành thời Lê Hồng Đức
Không biết nên gọi đó là cái rủi hay là cái may cho một di sản độc nhất vô nhị: đang nằm yên trong lòng đất nhiều trăm năm, bỗng dưng bị… cưa ngang thân và lộ ra một mảng tường thành dài trăm mét. Một cuộc đào phá di tích ngoạn mục giữa lòng thủ đô. Đó là cái rủi, còn cái may là nhờ vậy mà biết được chắc chắn một đoạn thành cổ với cả vóc dáng và còn nguyên tầng văn hoá.
Thế là, cùng với di tích Hoàng Thành trong lòng đất phố Hoàng Diệu và thành Cổ Loa, lại thêm một đoạn thành nữa “bằng xương bằng thịt” lộ ra để chứng minh cho thế giới biết Thủ đô Hà Nội quả là một đô thị thành quách ngàn năm.
Đi dọc một đoạn thành mới thấy được các mảnh gốm, mảnh gạch ngói thời Lê, Nguyễn vứt lăn lóc dưới chân. Ngước nhìn lên vách thành còn thấy nguyên cả một tầng văn hoá, mà theo thuật ngữ của ngành khảo cổ, có thể kể ra các lớp đất từ trên xuống dưới như sau:
Trên cùng là lớp đường nhựa và đá răm xây dựng, đang là mặt đường Hoàng Hoa Thám (hiện thuộc địa bàn phường Ngọc Hà, quận Ba Đình và phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ). Lớp này là lớp đất hiện đại do làm đường gần đây mới có.
Tiếp đó là các lớp đất nện, nhiều chỗ ken mảnh gốm, các vật liệu kiến trúc của thời Nguyễn, thời Lê. Lớp đất này có độ dày hàng mét. Chắc chắn đây là lớp thành đất đắp mà lịch sử nói đến.
Sâu nhất của lớp thành cổ đang nhìn thấy này vẫn chưa tới nền đất gốc. Có nghĩa là có khả năng đào sâu xuống vẫn còn có những lớp thành có niên đại sớm hơn.
Vậy thì đích thực đây là thành cổ, còn chưa một ai động đến trong một vài trăm năm qua mới giữ được nguyên vẹn tầng văn hoá như vậy.
- Ảnh bên : Bản đồ Hồng Đức và vị trí thành cổ bị cắt ngang thân.
Thế mà, không rõ phép tắc từ đâu, các phương tiện cơ giới đã cắt béng ngang thân đoạn thành này với chiều dọc lên tới 10 mét. Vết gàu xúc đất hằn lên vách thành. Chưa một toà thành cổ nào bị ứng xử một cách thô bạo nhường vậy.
Không rõ các nhà quản lý văn hoá Hà Nội quản lý kiểu gì mà để các “nhà khảo cổ nghiệp dư” quen… điều khiển máy xúc hành nghề. Đến thăm thành cổ đầu xuân mới thấy hết được cái tan hoang, cái ngậm ngùi của một di tích bị phá nát, các mảnh gốm, mảnh vật liệu kiến trúc cổ bị văng ra tung toé.
Thực ra, các nhà khoa học đã biết đến từ lâu có một đoạn thành cổ nằm gọn trong lòng phố Hoàng Hoa Thám. Cuối thế kỷ 19, người Pháp phá tan nhiều thành quách Hà Nội để xây phố mới, mà đoạn thành này vẫn chưa bị phá, nhiều người cho rằng họ cũng ngại vấn đề tâm linh vì theo lời truyền miệng của dân sở tại thì thành cổ như một huyệt mạch nghìn đời mà dân “Thập tam trại” vùng Ngọc Hà không cho phá.
Khi đó con đường chạy trên mặt thành gọi là “Đường Thành”. Còn trước khi người Pháp sang thì dân trong vùng gọi đó là “Thành thời Lý”. Các nhà khoa học đã nhiều lần đề nghị giữ lại đoạn thành này để làm di tích, để mai sau này con cháu có nhiều tiền thì khai quật bài bản hơn để tìm hiểu những trang sử sống động của Hà Nội bằng hiện vật trong lòng thành cổ.
Tuy nhiên, cho đến nay, thành đã bị phá nát, bị “cưa” hẳn một khúc. Hỏi rằng có những ai hoặc cơ quan nào táo tợn đến mức coi di sản cha ông chẳng bằng một công trình thuỷ lợi? Câu hỏi này xin dành gửi đến Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mà đại diện là Ban Quản lý Giao thông đô thị đang thi công xây dựng công trình nơi đây và những người có trọng trách coi sóc về mặt văn hoá ở Hà Nội.
Giá trị văn hoá lịch sử của ngôi thành cổ
Thành bị cưa ngang một khúc rồi, chẳng thể đắp lại được nữa. Nhưng, dẫu sao nhân chuyện này mà tìm hiểu giá trị của thành, chẳng phải cũng là một dịp hoài niệm một di sản đích thực đang sắp tan biến vào cõi vĩnh hằng, nhân dịp thành phố đang trong cao trào tìm lại lịch sử ngàn năm tuổi, thiết nghĩ cũng là một điều thú vị. Mà biết đâu, chợt tỉnh ra, ai đó lại kịp cho dừng việc phá thành thì thật phúc đức biết bao, vì công trình kinh tế có thể xây chỗ này chỗ khác, còn thành thì chỉ có một chỗ mà thôi.
Đoạn thành cổ, nay là phố Hoàng Hoa Thám vốn được vẽ từ thời Lê Hồng Đức trên một bản đồ do chính Vua Lê Thánh Tông lập ra vào năm 1490 và được các nhà khoa học gọi một cách vắn tắt là Bản đồ Hồng Đức.
- Ảnh bên : Gốm và vật liệu kiến trúc.
Trên bản đồ, đoạn thành được thể hiện cong hình cánh chim đúng như đường cong lượn của phố Hoàng Hoa Thám hiện tại. Phía bắc thành có dòng sông Tô Lịch, nay còn vết tích ở đoạn chảy qua chùa Đồng Cổ và phường Thuỵ Khuê.
Một số hiện vật còn găm trong vách thành là gốm và vật liệu kiến trúc có niên đại Lê, trùng hợp với niên đại của bản đồ Hồng Đức. Vì thế, từ nguồn tư liệu bản đồ, truyền thuyết kết hợp với những dấu tích khảo cổ vừa phát hiện đã chứng minh một mảng lịch sử sống động của Hà Nội là một điều mà ít thủ đô nào có được.
Liên quan đến đoạn thành cổ này còn nhiều bí ẩn mà các nhà sử học và khảo cổ còn phải làm rõ: đây là đoạn thành nhà Lê, nhưng còn có thể có niên đại sớm hơn nữa, nếu như lần giở từng trang sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, thì thấy đây cũng có thể là một đoạn thành trong những lần đắp thành Đại La: năm 767, Trương Bá Nghi đắp La Thành cách sông Tô Lịch 200 thước.
Liên tục các năm 791, 808, 824 đều có tu sửa và đắp thêm. Nhưng phải đến năm Bính Tuất 866, Cao Biền mới đắp thành Đại La bề thế hơn. Đến thời Lý - Trần, Vua Lý Công Uẩn lên ngôi đã cho sửa lại thành Đại La làm các vòng thành Thăng Long.
Một thời, thành còn mang tên là thành Đại Độ (năm 1749, Vua Lê, Chúa Trịnh sai đắp sửa thành Đại La và gọi tên thành là Đại Độ). Vì thế, đoạn thành mới phát hiện là thành Đại La? thành nhà Lý? đoạn ngoài cùng của Hoàng thành nhà Lê? thành Đại Độ hay chính là cùng một đoạn thành mà mang tên gọi khác nhau qua từng thời kỳ? May mắn là nếu có những cuộc khai quật lòng thành mai sau sẽ mang lại những câu trả lời thú vị và xác đáng.
- Ảnh bên : Một đoạn thành cổ Hà Nội được chụp cuối thế kỷ 19.
Có đọc một đoạn trong Đại Việt Sử ký Toàn thư mới thấy được đoạn thành cổ này được xây công phu ra sao: “Vào đời Hồng Thuận (1509-1516), Vua Lê thích làm nhiều công trình thổ mộc, đắp thành rộng lớn mấy ngàn trượng, bao quanh điện Tường Quang, quán Trấn Vũ (nay là đền Quán Thánh), chùa Thiên Hoa ở chùa Kim Cổ, từ phía đông đến phía tây bắc, chắn ngang sông Tô Lịch (nay còn vết tích ở phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ), trên đắp Hoàng Thành, dưới làm cửa cống, dùng ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến và gạch vuông xây lên…” (quyển 15, tờ 26b).
Một đoạn khác còn ghi rõ việc xây thành là việc “nước sông, công lính” đánh đổi biết bao mồ hôi và cả tính mạng: “dân chúng đau khổ, binh lính mệt nhọc. Quân 5 phủ đắp thành chưa xong được. Đến đây lại có lệnh bắt các nha môn ở trong ngoài kinh thành phải làm, tập hợp nhau lấy hồ, khiêng đất… Có chỗ làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt. Quân lính đắp thành mắc chứng dịch lệ đến một phần mười” (quyển 15, tờ 27a).
Chứa chất nhiều công sức và sự kiện lịch sử như thế, việc giữ thành cổ để phục vụ du lịch và nghiên cứu là điều khỏi phải bàn. Chưa kể, cách đắp thành còn cho thấy một truyền thống dựng thành bằng cách đắp đất và kè gốm, vật liệu kiến trúc để vừa là thành luỹ vừa là một con đê ngăn nước lũ sông Tô Lịch.
Kiểu thành đất này giống với 3 vòng thành Cổ Loa, cũng kè gốm, vừa là thành vừa là đê ngăn nước lũ sông Hoàng Giang. Một khía cạnh nào đó, cần có sự phát huy giá trị của di sản để có thể phục vụ du lịch di sản thành quách trong tương lai. Di tích thành cổ đối với nhiều quốc gia đã trở thành một dạng bảo tàng ngoài trời đặc biệt, không cần đầu tư nhiều, không lo ngại thời tiết huỷ hoại vì vốn thành quách đã là di tích “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Hà Nội đang trong cơn lốc đô thị hoá. Vì ấu trĩ mà ta đã phá đi một số di tích lịch sử, trong đó có đoạn thành… thực sự cổ này. Giờ thì tiếc cũng chẳng được. Chỉ mong rằng những gì còn lại của đoạn thành này, nếu chưa phá thì cần bảo tồn gấp. Mà cũng lạ, một việc động trời là việc phá thành cổ giữa thanh thiên bạch nhật, các nhà khoa học đã lên tiếng bảo vệ nhiều lần mà chẳng ai nghe, các cơ quan quản lý cũng không thèm…quản lý. Để đến nỗi thành bị phá một đoạn lớn. Đó cũng là bài học về sự quản lý yếu kém, thiếu tầm nhìn xa và coi nhẹ di sản cha ông.
Một Hà Nội ngàn năm tuổi sẽ cuốn hút du khách nhiều hơn ở các giá trị văn hoá vật thể đích thực như Hoàng Thành-Thăng Long, thành Cổ Loa, thành cổ thời Lê Hồng Đức chứ chưa chắc quyến rũ họ bằng các khách sạn cao tầng hay dăm ba công trình loè loẹt niên đại vài ba tuổi. Nhưng trên hết, nếu thực sự giữ được nhiều đoạn thành cổ thì đấy mới là sự tri ân với lịch sử ngàn năm Hà Nội mà cái giá trị còn hơn cả việc lôi cuốn du khách.
PGS.TS. Trịnh Sinh
- Nhà đầu tư được lợi trong khi xã hội chịu thiệt
- Giải quyết vấn nạn lụt đô thị: Thêm không gian cho NƯỚC
- Điều hành giao thông bất cập so với sự phức tạp của giao thông
- TPHCM: Quy hoạch sử dụng đất phải chú ý đến đất chứa lũ
- Lấn biển - cần thiết nhưng phải thận trọng
- Quy hoạch hai bên sông Hồng: Hà Nội đã hội tụ các điều kiện cần và đủ?
- Quy hoạch Hà Nội: Hòa hợp tinh hoa Thăng Long và Xứ Đoài
- Quy hoạch cảng biển: Sửa sai nhưng liệu có khả thi?
- Phong thuỷ và linh khí Thăng Long
- Nhà ống và xe gắn máy: diện mạo hay bản sắc?