Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Phản biện Xây dựng hệ thống tiêu chí về thành phố sống tốt cho Thủ đô Hà Nội

Xây dựng hệ thống tiêu chí về thành phố sống tốt cho Thủ đô Hà Nội

Viết email In

Chất lượng đô thị là một trong những mục tiêu quan trọng nằm trong chiến lược phát triển đô thị mỗi quốc gia; là thước đo đánh giá trình độ phát triển đô thị, chất lượng sống tốt trong đô thị. Chất lượng đô thị đồng thời cũng phản ánh trình độ phát triển kinh tế, xã hội quốc gia và của từng địa phương. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều cách để đánh giá chất lượng các đô thị, nhưng phần lớn đều tập trung vào việc xây dựng hệ thống các tiêu chí để đánh giá. Hệ thống tiêu chí này phản ánh các khía cạnh khác nhau trong phát triển đô thị, và tùy thuộc vào mục đích của việc đánh giá.

Theo ngân hàng Thế giới, phần lớn các tiêu chí đánh giá một đô thị có chất lượng sống tốt đều liên quan đến các vấn đề về môi trường sống, dịch vụ đô thị, tính cạnh tranh và vấn đề quản lí đô thị... Cụ thể:

  • Liveability: Khả năng sống của cư dân như việc làm, thu nhập, nhà ở, hệ thống dịch vụ xã hội;
  • Bankability: Khả năng tài chính đô thị như tiềm năng phát triển, thu nhập đô thị, các ngành kinh tế phát triển… ;
  • Urban Competitiveness: Cạnh tranh đô thị như khả năng tồn tại và phát triển của đô thị đó trong toàn bộ hệ thống đô thị xung quanh, khả năng chia sẻ và phối hợp phát triển như thế nào để đô thị đó có khả năng phát triển thịnh vượng và bền vững;
  • Good Governance: Đô thị có chính thể tốt bao gồm cả khía cạnh chính quyền và thể chế thích ứng với việc quản lí điều hành đô thị;

Dựa trên các tiêu chí này, chính quyền đô thị, các tổ chức liên quan sẽ tiến hành lập các tiêu chí cụ thể (sub-criteria) để đánh giá mức độ thành công của một đô thị trên thực tế phát triển nó. Một số các tổ chức, viện nghiên cứu uy tín trên thế giới cũng có những tiêu chí đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện chất lượng đô thị dựa trên các nhóm tiêu chí về chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó tiêu biểu là tổ chức Mercer. Hàng năm tổ chức này đều đưa ra các báo cáo chất lượng đô thị dựa trên 39 tiêu chí được phân thành các nhóm tiêu biểu như sau:

  1. Môi trường chính trị, xã hội/ổn định chính trị, xã hội, thực thi pháp luật... (Political and social environment/polictical stability, Crime, Law enforcenmnt, etc;)
  2. Môi trường kinh tế/dịch vụ ngân hàng,luật lệ tỉ giá chuyển đổi... (Economic environment/currency exchange regulations, banking services, etc;)
  3. Môi trường văn hóa, xã hội/Tự do, các giới hạn tự do cá nhân... (Socio-cultural environment/cesorship, limitations on personal freedom, ect;)
  4. Vệ sinh và sức khoẻ/Cung cấp dịch vụ y tế, các vấn đề về bệnh truyền nhiễm, rác, nước thải, ô nhiễm môi trường... (Health and sanitation/medical supplies and services, infectious diseases, sewage, waste disposal, air pollution, ect;
  5. Giáo dục và hệ thống trường học/các tiêu chuẩn, hệ thống phục vụ các trường quốc tế... (Schools and education/standard and availability of international schools, ect;)
  6. Hệ thống dịch vụ công cộng và giao thông/điện, nước, giao thông công cộng, các vấn đề ùn tắc giao thông... (Public services and transportation/electricity, water, public transport, traffic congestion, ect;)
  7. Dịch vụ vui chơi giải trí/hệ thống nhà hạng, nhà hát, rạp chiếu phim, thể thao và giải trí... (Recreation/restaurants, theatres, cinemas, sports and leisure, ect;)
  8. Hệ thống dịch vụ hàng hóa/khả năng cung cấp thức ăn, các mặt hàng sử dụng hàng ngày... (Consumer goods/ availability of food/dialy consumption items, cars, ect;)
  9. Nhà ở, trang thiết bị gia dụng, hệ thống dịch vụ bảo dưỡng v.v... (Housing, household appliances, furniture, maintenance services ect;)
  10. Môi trường tự nhiên/thời tiết, quan trắc và thiết bị cảnh báo thiên tai (Natural environment/climate, record of natural disaster, ect.)


Tại kì họp thứ 3, Quốc hội khoá XII đã thông qua việc mở rộng ranh giới Hà Nội với việc sáp nhập toàn bộ ranh giới tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình). Hà Nội mở rộng có diện tích tự nhiên trên 3300 km2, trong tương lai có dân số khoảng trên 12 triệu người, đứng vào hàng các đô thị cực lớn của Việt Nam, khu vực và thế giới.

Như vậy, kể từ năm 1010, Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) sau khi lên ngôi Hoàng đế và rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về "... ở giữa khu vực Trời Đất, được thế "Rồng cuộn Hổ ngồi", chính giữa Nam Bắc, Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước..." (vùng Đại La xưa), với tên gọi Thăng Long, kinh đô mới của nước Việt Nam độc lập dưới nền phong kiến tập quyền, đến năm 2008, Hà Nội mở rộng, thủ đô của Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lại ghi đậm dấu ấn lịch sử về tư duy chiến lược trong phát triển trường tồn Thăng Long-Hà Nội ở đầu thế kỉ 21 trong xu hướng hội nhập, vươn mình ra biển lớn của dân tộc.

Không gian đô thị Thăng Long-Hà Nội được mở rộng, kéo dài là cơ hội, là khát vọng để phát triển bền vững, trường tồn; hướng tới một đô thị thanh lịch, hiện đại; có môi trường sống trong sạch, an toàn; có nền kiến trúc đô thị tiến tiến, giàu bản sắc; có mối quan hệ và vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.

Để khát vọng thành hiện thực, Hà Nội cần phải làm gì?

Chắc chắn Hà Nội phải xây dựng cho mình hệ tiêu chí chất lượng sống tốt cho thành phố Thủ đô cùng với trách nhiệm, lòng tự trọng, biết xấu hổ của công dân thành phố này để nỗ lực phấn đấu ngõ hầu nhằm đạt được khát vong. Hệ tiêu chí ấy phải gắn với đặc điểm điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa... thể hiện bản sắc, tính hiện đại và xu hướng hội nhập quốc tế, thể hiện vai trò là thành phố Thủ đô của một quốc gia đang phát triển.

Dưới đây là ý kiến sơ lược ban đầu về hệ tiêu chí chất lượng sống tốt cho đô thị Hà Nội để cùng trao đổi.

Thứ nhất, về chất lượng tổ chức không gian. Hà Nội mở rộng cần có một Qui hoạch chung có tầm và chất lượng đẳng cấp quốc tế. Qui hoạch này phải có tầm nhìn xa, trông rộng; phải đảm bảo đô thị Hà Nội có một cấu trúc khoa học, linh hoạt để phát triển trường tồn; cấu trúc đô thị ấy phải toát lên khí phách hào hoa, linh thiêng cho muôn đời; được phát triển dựa trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vô giá mà ở các vùng đất thiêng Hà Nội, Hà Tây, Mê linh và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung của Vĩnh Phúc và Hoà Bình hiện còn lưu giữ, hội tụ về vùng đất mở rộng... Nó phải đảm bảo vừa được phát triển theo chiều rộng, chiêu cao vừa được phát triển theo chiều sâu. Chiều rộng, chiều cao là không gian, đảm bảo cho Hà Nội phát triển “đàng hoàng, to đẹp”, hài hòa giữa cũ và mới, giữa thiên nhiên và con người. Chiều sâu là văn hóa và bản sắc, giữa hiện đại, hội nhập và truyền thống.

Thứ hai, về chất lượng “Thành phố đặc thù” phát triển dựa trên các yếu tố: Đất, Nước, Cây xanh, Văn hóa - Con người Hà Nội. (Các yếu tố tạo nên giá trị, hình ảnh không thể thiếu của Hà Nội ngàn năm văn hiến):

  1. Yếu tố đất/Vị trí hay thế đất/địa kinh tế, chính trị; môi trường–tài nguyên đất… Khai thác hợp lí, tiết kiệm tài nguyên đất đai; giới hạn ngưỡng phát triển đất đô thị, công nghiệp; bảo vệ đa dạng hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ sạch...
  2. Yếu tố nước/Vai trò của nước trong đời sống KT-XH, tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường sinh thái Hà Nội... Hạn chế khai thác nguồn nước ngầm; bảo vệ tối đa diện tích mặt nước tự nhiên sông, hồ, ao của Hà Nội; làm sạch môi trường nước và sống lại các con sông, hồ như sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích... Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Thanh Nhàn, hồ Ngọc Khánh, hồ Linh Đàm, Đồng Mô-Ngải Sơn...
  3. Yếu tố cây xanh/Vai trò của cây xanh trong đời sống KT-XH, tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường sinh thái Hà Nội… Bảo vệ, duy trì hệ khung thiên nhiên, các vùng cảnh quan danh thắng có giá trị như vườn quốc gia Ba Vì, Đá Chông, Hương Sơn, những dãy núi đá trùng điệp, có nhiều hang động, cảnh quan kì thú (Quốc Oai, Mĩ Đức)...; hệ thống cây xanh cảnh quan có gía trị...
  4. Yếu tố văn hóa/Vai trò của văn hóa; văn hóa-con người Hà Nội… Hà Nội nghìn năm văn hiến, với thời gian, lịch sử đã để lại cho Hà Nội một bề dày văn hóa, truyền thống có giá trị. Cùng với phong tục tập quán, lối sống thanh lịch của người Hà Nội, tất cả đã tạo nên một diện mạo đô thị hào hoa, linh thiêng đáng tự hào. Cần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phẩm chất con người Hà Nội trong môi trường phát triển và hệ thống giá trị mới...

 

Thứ ba, về chất lượng hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kĩ thuật. Hãy đừng cãi nhau và phạt các bạn trẻ khi phải đá bóng dưới lòng đường; đừng bận tâm về việc xô lấn chen đẩy, cướp đường vượt lên phía trước bất chấp đèn đỏ; đừng trách nhau vì chuyện con cái ta luôn chúi mũi vào các quán Internet để chít, chát, gemes thủ suốt ngày... Đô thị nếu không vị nhân sinh thì chỉ sản sinh các ổ dịch bệnh tàn phá tâm hồn, thể chất của con người. Vậy nên, các hạng mục hạ tầng xã hội và hạ tầng kĩ thuật thiết yếu trong đô thị như nhà trẻ, trường học, bênh viện, chợ búa, sân chơi...đường xá, điện, nước, thu gom rác thải...chưa cần phải hiện đại ngay nhưng phải đủ, đồng bộ, tiện dụng, an toàn trong kết nối và lưu thông. (Chẳng hạn, ở một khu đô thị kiểu mẫu như Linh Đàm nhất thiết không thể thiếu trường học, cơ sở dịch vụ thương mại, chất lượng nước sạch... và phải đảm bảo sự kết nối tốt, không bị tắc ngẽn với hệ thống giao thông chính đô thị...).

Thứ tư, về môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội và sinh thái. Năm 1992, người Sigapore đã có kế hoạch xây dựng quốc đảo của mình cho các giai đoạn đến năm 2000, 2010 và đến năm X nào đó với ngưỡng 4 triệu dân. Với ý tưởng xây dựng Singapore trở thành một đô thị có cảnh quan tuyệt hảo, một hòn đảo sống động và một nơi hấp dẫn đầu tư nước ngoài, với các mục tiêu cụ thể là đô thị để kinh doanh; đô thị để sống, để nghỉ ngơi và đô thị với cảnh quan thiên nhiên đẹp... Hà Nội hãy trở thành mộ đô thị để kinh doanh, một đô thị có nhiều công ăn việc làm, dù mức sống có chênh lệch nhưng mức nghèo đô thị phải kiểm soát được. Từ qui hoạch, xây dựng... đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân phải được quan tâm, quản lí tạo nên bộ mặt đô thị ngăn nắp, trật tự...

Thứ năm, về sự an toàn, về nếp sống văn minh đô thị. Sự an toàn của một đô thị không phải chỉ được xây dựng trên nền đất ổn định, giảm thiểu được thiên tai... Mà còn phải an toàn cho con người sống trong đô thị, từ ăn ở, đi lại, sinh hoạt, lao động, sản xuất, học hành... Một đô thị không có tai nạn giao thông; ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn; an toàn thực phẩm; an ninh trật tự; không trộm cắp, tệ nạn xã hội...Một đô thị dựa trên nguyên tắc sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật.

Thứ sáu, về trình độ quản lí đô thị và nhân cách người lãnh đạo. Là một trong những tiêu chí đòi hỏi phải có chất lượng cao. Làm sao xoá bỏ được căn bệnh “thời vụ”, “nhiệm kì” của một số lãnh đạo trong các chính quyền đô thị; xoá bỏ được cơ chê xin, cho (quyền xin là của các nhà đầu tư, quyền cho là quyền năng của các nhà lãnh đạo)…? Đô thị do con người tạo dựng, trong quá trình phát triển sự tham gia của các bên liên quan (yếu tố cộng đồng) phải trở thành nguyên tắc và cơ chế để thúc đẩy phát triển...

Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc phải là một đô thị có chất lượng tốt để sống, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, trong lành, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao... hệ tiêu chí chất lượng sống tốt cho đô thị Hà Nội dù ở cung bậc hay cấp độ nào cũng phải đạt được các mục tiêu làm tăng giá trị chất lượng cuộc sống.

Tài liệu tham khảo

  • "Development and Urban of Taipei City", Department of Urban Development, Taipei Government, 
  • "Điều chỉnh Qui hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2050", Viện Kiến trúc, Qui hoạch Đô thị & Nông thôn (Bộ Xây dựng)   

TS.KTS Trương Văn Quảng - Viện Kiến trúc, Qui hoạch Đô thị và Nông thôn

(Bài tham luận tại Hội thảo "Hà Nội : thành phố thân thiện và sống tốt cho cộng đồng" (Hanoi : a Livable City for all) diễn ra trong hai ngày 1-2/7/2009) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo