Hà Nội là đô thị đã có quá trình phát triển hàng nghìn năm, lại được kế thừa yếu tố truyền thống về yêu thiên nhiên, thuận lợi về khí hậu nên đã tạo lập được hệ thống không gian xanh mặt nước công cộng, rất đặc trưng. Nếu như trước giải phóng Thủ đô chỉ có Vườn Bách Thảo 20 ha và một số vườn hoa nhỏ với tổng diện tích gần 34 ha thì đến nay đã có nhiều công viên lớn như công viên Thống Nhất 54 ha, công viên Thủ Lệ 28 ha, công viên Tuổi trẻ 18 ha, công viên Nghĩa Tân 12 ha, công viên Yên Sở (giai đoạn 1 gần 100 ha)… Tổng diện tích công viên, vườn hoa năm 2006 tới 400 ha.
Trước giải phóng Hà Nội có khoảng 16.000 cây bóng mát thì đến năm 2006 đã có 200.000 cây với 67 loại khác nhau. Toàn thành phố cả cây xanh tập trung và phân tán tương ứng với 10.805,14 ha cây xanh, chiếm 11,73% tổng diện tích đất tự nhiên.
- Ảnh bên : Màu xanh quí giá trong công viên Thống Nhất (Ảnh: VNN)
Các chỉ số xanh theo thống kê là:
- Độ che phủ chung của cây xanh toàn thành phố là 11,7%. Nội thành có độ che phủ chung 7%, phân bố cũng không đồng đều, quận có độ che phủ thấp nhất là Hai Bà Trưng (4,3%) và cao nhất là Thanh Xuân (13,3%). Ngoại thành có độ che phủ chung là 12,2%, phân bố không đều, huyện có độ che phủ cao nhất là Sóc Sơn (19%) và thấp nhất là Gia Lâm (6,8%).
- Số cây xanh bình quân/người: Toàn thành phố có số cây xanh bình quân/người là 4,7 cây/người, phân bố không đồng đều giữa nội thành và ngoại thành. Nội thành trung bình 0,3 cây/người, ngoại thành trung bình 9,7 cây/người.
- Diện tích công viên - vườn hoa/người toàn thành phố trung bình là 1,09m2/người; Cao nhất là quận Ba Đình (5,68m2/người), thấp nhất là quận Thanh Xuân (0,03m2/người). Các công viên - vườn hoa có diện tích lớn thường tập trung ở các quận trung tâm.
Thực trạng nêu trên cho thấy các chỉ tiêu trên thấp hơn nhiều so với đô thị khác trên Thế Giới bởi vậy cần phải quan tâm nhiều hơn. Đây là yếu tố không chỉ có ý nghĩa về cải tạo vi khí hậu, bảo vệ môi trường, có giá trị về kinh tế, tạo cảnh quan đô thị mỹ quan, tạo điều kiện sống tốt mà còn là không quan nghỉ ngơi giải trí, tạo điều kiện thân thiện với đô thị và giao tiếp giữa các cư dân cộng đồng.
Phố Hoàng Diệu (Hà Nội)
Không gian xanh công cộng trong quá trình đô thị hoá đã trở thành một trong những hợp phần quan trọng không thể thiếu trong quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tạo lập nét đặc trưng của Hà Nội. Phát triển không gian xanh Hà Nội trên cơ sở các quan điểm sau:
1. Quan điểm về văn hoá, lịch sử: Với vai trò là Thủ đô, không gian xanh của Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của các vùng lãnh thổ của Việt Nam cùng những đặc điểm về văn hoá, lịch sử của từng vùng.
Không gian xanh của Hà Nội phải gắn với văn hoá của Hà Nội, từ cảm nhận thẩm mỹ của cộng đồng đến kế thừa những chọn lựa từ hình thức tổ chức đến chủng loại cây.
2. Quan điểm về môi trường và kinh tế: Không gian xanh Thủ đô nhằm tạo ra môi trường sống lành mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại do khí hậu và quá trình đô thị hoá gây ra, đồng thời không gian xanh cũng góp phần đem lại những lợi ích kinh tế trực tiếp cho cư dân.
Xét về môi trường thì ngoài việc hạn chế những tác hại xấu do bất lợi về khí hậu … gây ra mà còn bao gồm cả những khía cạnh văn hoá, xã hội như đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đối với hệ thống các nghĩa trang, hệ thống các bãi chứa rác thải…
"Phát triển không gian xanh là quá trình nâng cao chất lượng cuộc sống nhân loại trong phạm vi đáp ứng được của hệ sinh thái"
3. Quan điểm xây dựng đồng bộ không gian xanh: Không gian xanh công cộng có giá trị và phát huy vai trò khi có giải pháp xây dựng đồng bộ từ toàn bộ đô thị đến từng khu chức năng, đến từng công trình. Những khu phố mới xây phải đảm bảo được diện tích cây xanh tối thiểu theo Quy chuẩn Xây dựng hiện hành và cụ thể theo đề xuất là phải gắn với không gian công cộng để đáp ứng nhu cầu hàng ngày, thường xuyên phải gắn với không gian công cộng để đáp ứng nhu cầu hàng ngày, thường xuyên hoặc định kỳ của người dân… Trong những trường hợp thuận lợi về đất đai có thể tăng diện tích cây xanh vượt qua ngưỡng tối thiểu trong Quy chuẩn.
- Ảnh bên : Một góc Hà Nội từ trên cao (ảnh minh họa: Ashui.com)
Không gian xanh là nhu cầu thiết yếu của môi trường đô thị của giao tiếp cộng đồng nên cần phải được xem xét để phân bố đồng đều, để hài hoà giữa nội thành và ngoại thành, giữa các khu chức năng đô thị, thuận tiện cho mọi cư dân tiếp cận.
Đối với Hà Nội, đô thị đang có tốc độ đô thị hoá cao thì cần phải chú trọng đồng bộ các không gian xanh công cộng bao gồm:
1. Cây xanh vườn hoa, công viên: dành mọi khả năng đất đai có thể để xây dựng nhiều công viên, vườn hoa, vườn dạo gắn với trung tâm phục vụ cấp hàng ngày và trung tâm phục vụ cấp định kỳ.
Tổ chức nhiều vườn hoa đa năng và đơn chức năng tuỳ thuộc bố cục quy hoạch. Vườn hoa trong khu ở cũng chỉ có bán kính phục vụ khoảng 0,5km-1km, phục vụ thường xuyên mọi đối tượng người già, trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn với các hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi, tập thể dục.
2. Cây xanh chuyên dùng: Khai thác tối đa quỹ đất lưu không, quỹ đất dọc theo các sông, kênh, mương thoát nước … Ngoài ra, còn phải kể đến không gian xanh các công trình cách ly nghĩa trang, bãi chứa rác thải … Chỉ tiêu định hướng cho loại này phải chiếm tối thiểu 20% - 25% diện tích không gian xanh.
3. Cây xanh chức năng: Phải đạt tối thiểu 20% diện tích công trình công cộng (mật độ khống chế trong Quy chuẩn Xây dựng). Loại hình cây xanh này đang có lợi thế phát triển bởi những khu công nghiệp mới bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển.
4. Cây xanh trường học, công sở: Phải đạt tối thiểu 40% diện tích công trình (mật độ khống chế trong Quy chuẩn Xây dựng). Loại hình cây xanh này có điều kiện thuận lợi để phát triển theo quy hoạch.
5. Cây xanh hộ gia đình và khu dân cư: Phải đạt tối thiểu 20% diện tích (mật độ khống chế trong Quy chuẩn Xây dựng). Các hộ gia đình được khuyến khích phát triển không gian xanh trong từng hộ, từng dãy nhà … theo hướng tận dụng tối đa trong điều kiện có thể trồng các loài gỗ nhỏ, các loài dây leo, cây cảnh các loại…
Trong gia đoạn tới khi phát triển đô thị chủ yếu bằng các khu đô thị mới thì trong đó cần giải quyết đủ các thành phần như sơ đồ sau:
Không gian xanh công cộng trong khu đô thị mới ngoài tác dụng rõ rệt về môi trường, về cảnh quan còn có vai trò quan trọng tác động đến môi trường sống, đến tiện nghi và hoạt động xã hội, với các yêu cầu về chức năng khai thác không gian xanh, được thể hiện như sau:
Các chức năng nêu trên phải chăng là những yêu cầu để mọi cư dân đô thị có điều kiện sống tốt và thân thiết với đô thị hơn.
Trên đây chỉ là trao đổi bước đầu về một vấn đề chuyên ngành hẹp là không gian xanh công cộng của Hà Nội với mong muốn là: Để Hà Nội trở thành Thành phố sống tốt - thân thiện hãy quan tâm đến đồng bộ hệ thống không gian xanh công cộng từ giai đoạn lập quy hoạch đến quản lý, khai thác sử dụng.
KTS Tiến Ngọc, Viện Kiến Trúc - Quy hoạch Đô Thị và Nông thôn
(Bài tham luận tại Hội thảo "Hà Nội : thành phố thân thiện và sống tốt cho cộng đồng" (Hanoi : a Livable City for all) diễn ra trong hai ngày 1-2/7/2009)
- Vị trí của biển trong văn hóa Sa Huỳnh
- Di tích như một hằng số trong sự biến đổi và chuyển hóa không gian đô thị
- Phong trào "làm mới di tích" và kinh nghiệm phục chế EFEO
- Nâng cao chất lượng bảo tồn di tích
- Điều chỉnh quy hoạch tại TP.HCM: Giảm đất công trình công cộng?
- Siêu dự án đô thị ven sông Hồng: Giới chuyên môn đứng ngoài?
- Xây dựng hệ thống tiêu chí về thành phố sống tốt cho Thủ đô Hà Nội
- Không gian kiến trúc làng ngoại thành trong quá trình đô thị hóa ở Hà Nội
- Chợ vấn thân thiện với người dân Hà Nội hôm nay và mai sau
- Hà Nội - thành phố thân thiện, sống tốt: thực trạng & trách nhiệm