Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Hà Nội - thành phố thân thiện, sống tốt: thực trạng & trách nhiệm

Hà Nội - thành phố thân thiện, sống tốt: thực trạng & trách nhiệm

Viết email In

Hội thảo quốc tế với chủ đề "Hà Nội : thành phố thân thiện và sống tốt cho cộng đồng" (Hanoi : a Livable City for all) diễn ra trong hai ngày 1-2/7/2009 do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) tổ chức với sự tham gia của thị trưởng thủ đô Băng-Cốc (Thái Lan), các chuyên gia đến từ Đại học Hawaii (Mỹ), các tổ chức của Pháp,... sẽ cùng nghiên cứu, trao đổi, hướng tới thống nhất giữa các nhà quản lý, nhà chuyên môn và cộng đồng về nhận thức, khái niệm "thành phố sống tốt" (livable city) và lựa chọn mô hình thích hợp cho thủ đô Hà Nội trong bối cảnh đang nghiên cứu Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng. Ashui.com xin giới thiệu cùng bạn đọc bài tham luận của TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội: 


Khu đô thị mới Mỹ Đình - Từ Liêm, Hà Nội (ảnh minh họa : Ashui.com) 

Quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam luôn đồng hành cùng với đô thị hóa. Nếu như 1998 cả nước chỉ có 633 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa là 24% thì đến đầu 2009 đã có tới 747 đô thị với tỷ lệ đô thị ≈ 30% và dự báo đến 2020 có thể tới 45-50% (khoảng hơn 50 triệu người sống trong các đô thị).

Đô thị hóa cao tạo nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế, cho bảo vệ môi trường, tạo nhiều việc làm và tạo môi trường sống tốt hơn song cũng còn những bất cập, hạn chế nếu không giải quyết tốt giữa tăng số lượng với chất lượng đô thị. Trong bối cảnh chung của thế giới (Thế kỷ 21: thiên niên kỷ đô thị), Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến định hướng phát triển cho đô thị. Nhiều mô hình và ý tưởng về đô thị tương lai đã được đề xuất trao đổi với những thuật ngữ khác nhau như khái niệm "đô thị bền vững" với các yếu tố: đất đai, con người, di sản và phát triển kinh tế. Trong thập niên gần đây thuật ngữ "sống tốt - thân thiện" (Livable Cities) đã được đề cập. Đây là vấn đề rất cần trao đổi để tìm sự thống nhất giữa các nhà quản lý, nhà chuyên môn và cộng đồng. Riêng với thủ đô Hà Nội trong bối cảnh đang nghiên cứu Quy hoạch chung cho Hà Nội mở rộng (3344km2) thì đây là dịp tốt, là cơ hội để cùng nghiên cứu, trao đổi, hướng tới thống nhất về nhận thức và lựa chọn mô hình thích hợp.

Thế nào là thành phố sống tốt, thân thiện?

Mỗi khái niệm được diễn giải khác nhau tùy theo quan điểm (kinh tế, xã hội, văn hóa) và “Thành phố thân thiện” cũng được nhiều chuyên gia của thế giới và của Việt Nam nêu các tiêu chí khác nhau. Song nhìn chung đều thống nhất là “thành phố có nhiều ý nghĩa, nhiều giá trị tốt cho cộng đồng”.

Cuộc hội thảo này cũng sẽ tập trung trao đổi về các vấn đề nhằm tạo nên sự thân thiện của cộng đồng. Xu thế tất yếu của “xã hội dân sự”.

Theo tôi, các yếu tố cần xem xét để tạo nên thành phố thân thiện (Livable cities) phải chăng là:

  • Môi trường sống tốt: không ô nhiễm, được cung cấp đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, cơ cấu dân cư thích hợp.
  • Tạo được sự phát triển của mọi thành viên trong cơ cấu cộng đồng ( kể cả người nhâp cư, khách vãng lai) bao gồm: Có việc làm thích hợp với năng lực, đảm bảo gìn giữ sức khỏe, có điều kiện hưởng thụ giáo dục, bảo đảm an ninh.
  • Được tạo điều kiện để hưởng các dịch vụ văn hóa, xã hội: tiếp cận được tập quán, tiện nghi văn hóa, có không gian cộng đồng thích hợp để giao tiếp, có tiện nghi đi lại hợp lý…
  • Có điều kiện tham gia quản lý đô thị, từ lập, thẩm tra đến quản lý đô thị theo quy hoạch đến thông tin về định hướng phát triển, về quản lý đất đai.

Để đạt được những tiêu chí trên, Hà Nội ngoài những yêu cầu chung còn phải xem xét đến những đặc thù, nhận đúng hiện trạng để có những giải pháp hữu hiệu. Xin nêu một vài vấn đề:

1. Bảo tồn di sản, cảnh quan tự  nhiên

Hà Nội đã có quá trình phát triển hàng nghìn năm, bởi vậy trong tổ chức không gian phải đặt đúng tầm yếu tố văn hóa, bảo tồn di sản. Bài học kinh nghiệm từ nhiều nơi trên thấy rõ đặc trưng của mỗi thành phố là sự hài hòa với tự nhiên chính là tạo môi trường sống thân thiện với công dân thành phố. Nhiều thành phố trên thế giới đang phải phá dỡ nhiều ngôi nhà đã xây dựng theo mô hình đô thị những năm 70 - 80 để khôi phục lại các dòng sông, kênh đào, kiểu đường giao thông với kiến trúc dọc sông, kênh đào theo kiểu Ý, Hà Lan. Bởi vậy đã có chuyên gia từng nói: Cảnh quan thiên nhiên, di sản là những “cỗ máy in tiền" ổn định cho phát triển kinh tế.

Với Hà Nội cần quan tâm đến khu Hoàng thành, khu phố Cổ (dấu ấn đô thị phong kiến) với qui mô gần 100 ha, có khu phố Pháp (gồm 4 khu vực) với qui mô gần 800 ha, với quy hoạch và thiết kế đô thị với nhiều loại công trình từ nhà ở đến công trình công cộng hài hòa, có bản sắc phù hợp với điều kiện khí hậu và môi trường sống Việt. Hà Nội mở rộng có gần 5.200 di tích trong đó gần 1000 di tích xếp hạng quốc gia (chiếm khoảng 40% cả nước) rải đều trên cả địa bàn. Có tới gần 1270 làng nghề truyền thống, có văn hóa “xứ Đoài”, làng cổ Đường lâm, có những thắng cảnh như Chùa Hương, Chùa Thầy, Quan Sơn v.v… Nhận diện đầy đủ quỹ di sản, cảnh quan tự nhiên không chỉ để tạo bản sắc, tạo sự “cạnh tranh” giữa các đô thị mà còn là tạo điều kiện thân thiện cho mọi người dân thành phố.


Làng cổ Đường Lâm (ảnh : Ashui.com) 

2. Tạo việc làm hợp lý cho mọi đối tượng cư dân

Thành phố Hà Nội mở rộng với dân số gần 6.4 triệu (chỉ có 43% dân số thành thị) gồm 29 đơn vị hành chính trực thuộc (10 quận, 18 huyện, 1 thị xã) với tổng số 577 đơn vị hành chính cấp Xã, Phường, Thị trấn. Không những thế Hà Nội mỗi năm còn trên 3 triệu khách vãng lai, khách du lịch…. Trong số cư dân trên, theo thống kê 2008 thì lao động nông nghiệp  ≈ 32% công nghiệp - xây dựng khoảng 31% còn lại là dịch vụ, không những thế còn có sự khác biệt về thu nhập, về nhập cư bởi vậy để được xem là thành phố thân thiện thì dù là dân cư chính thức, người nhập cư, người nghèo, thu nhập thấp đều cần được tiếp cận với nơi ở thích hợp với việc làm và với dịch vụ tương thích. Không ít đô thị do chính quyền gặp nhiều khó khăn trong quản lý nhập cư thường giảm bớt trách nhiệm bằng tạo rào cản như cấm bán hàng rong, chợ cóc…

Vừa qua theo điều tra của Tạp chí thương mại Mỹ (Business Week) thông báo danh sách 55 thành phố có môi trường làm việc kém trên cơ sở xem xét các tiêu chí như: Ô nhiễm, nguy cơ bệnh tật, bất tiện về dịch vụ và cung cấp hàng hóa, rủi ro cho người lao động… đã xếp Hà Nội thứ 11, thành phố Hồ Chí Minh thứ 9 trên tổng số 20 thành phố kém. Đây là điều tra để tham khảo song cũng là vấn đề cần xem xét trong nghiên cứu qui hoạch chung cho Hà Nội. Bài học từ nước ngoài cho thấy như Nam Ninh (Trung Quốc) trong không gian nhà cao tầng vẫn dành chỗ cho người nghèo đô thị như các cửa hàng nhỏ, không gian giao tiếp cho dân cư khu vực, Singapore vẫn dành chỗ cho bán hàng rong nhưng ở nơi thích hợp theo qui hoạch và có kiểm soát vệ sinh. Giải quyết các yêu cầu này là tạo được thành phố sống tốt cho cả cộng đồng.


Những "thành phố sống tốt" theo xếp hạng năm 2008 của Business Week (ảnh : Ashui.com) 

3. Phát triển kinh tế bền vững, đồng bộ

Cần quan niệm rằng phát triển kinh tế không chỉ là phát triển sản xuất là đầu tư các dịch vụ thương mại hiện đại mà còn là cung cấp đầy đủ hệ thống dịch vụ giáo dục, y tế, không gian công cộng và dịch vụ văn hóa truyền thống.

Chỉ lấy dịch vụ y tế của Hà nội cũng thấy rõ cần phải gia tăng cơ cấu và số lượng cơ sở khám chữa bệnh mới có thể đạt được chỉ tiêu giường bệnh/1000 dân như các nước phát triển, các đô thị có điều kiện sống tốt.  Về cây xanh công cộng theo thống kê sau mở rộng Hà Nội mới chỉ đạt 2.5m2/người trong khi đó theo qui chuẩn thì phải ít nhất là 6m2/người, ở một số nước đã đạt tới : Matxcơva 21m2/người; Seoul: 41,6m2/người; Jakata: 3,75m2/người…. Bởi vậy phải xác định đủ hệ thống không gian xanh công cộng từ công viên thành phố, khu vực, đến vườn hoa, vườn dạo trong khu đô thị, đơn vị ở, nhóm ở.


Hồ Gươm (ảnh : Ashui.com)

4. Đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật

Để hướng tới thành phố sống tốt có đồng bộ hạ tâng kỹ thuật đang là vấn đề còn nhiều tồn tại; thiếu và quá tải. Nếu tính cả các loại đường giao thông thì Hà Nội mới chỉ đạt 1,24 km đường/km2, không liên hoàn để tạo giao thông thông suốt, thiếu tổ chức phân luồng giao thông hợp lý. Quỹ đất dành cho giao thông chỉ dưới 8% đất đô thị (dưới 40% mức hợp lý cho đô thị).

Về giao thông công cộng Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích song cũng chỉ mới đáp ứng chưa quá 15% như cầu đi lại. Về cấp nước, thoát nước thải, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang, cấp điện, thông tin liên lạc cũng còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Tổng quan cho thấy rằng hạ tầng kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu sống tốt còn cần giải quyết từ qui hoạch đến cơ chế đầu tư và quản lý khai thác.

Từ những trình bày khái quát trên cho thấy để Hà Nội tiến tới thành phố sống tốt – thân thiện  còn nhiều thách thức. Để giải quyết phải chăng trước hết cần giải quyết từ nhận thức và đến bước đi đầu cần quan tâm là công tác qui hoạch và xây dựng đô thị (Nội dung của hội thảo này).

Mong rằng những vấn đề nêu trên được trao đổi cụ thể hơn để có được định hướng có chất lượng cho qui hoạch chung Hà Nội đang triển khai nghiên cứu.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

>> Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội: Thực trạng, tiềm năng & ý tưởng 

[ FORUM : Hội thảo quốc tế "Hà Nội : thành phố thân thiện và sống tốt cho cộng đồng"

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo