Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Phản biện Chợ vấn thân thiện với người dân Hà Nội hôm nay và mai sau

Chợ vấn thân thiện với người dân Hà Nội hôm nay và mai sau

Viết email In

Có thể nói: tiếng nói chung của chúng ta, những nhà quy hoạch đô thị, các nhà quản lý, các cộng đồng dân cư hay tất cả mọi người dân đô thị ngày càng tiến tới thống nhất – vì sự thân thiện với môi trường hướng tới một thành phố THÂN THIỆN – SỐNG TỐT. Sự tiến triển thể hiện qua các thuật ngữ trong thế kỷ thứ 20: “Hãy bảo vệ môi trường”, cuối thế kỷ: “Môi trường sinh thái”; khu ở sinh thái rồi đô thị sinh thái đầu thế kỷ 21: “Vì môi trường xanh – sạch đẹp”, “Thân thiện với môi trường”. Và nay ta họp Hội thảo “thành phố thân thiện – cuộc sống tốt”.

Theo tôi hiểu thì ý nghĩa môi trường cứ ngày càng rộng ra và đầy đủ hơn, toàn diện hơn. Nhưng nói về cuộc sống đô thị thì rất nhiều vấn đề phải nói và vấn đề ở - làm việc - nghỉ ngơi, đi theo nó có hàng chục hàng trăm các chức năng khác mà cái con người cần và cái con người phải làm là tương ứng với nhau.


"Chợ chồm hổm" -  Còn nét gì Việt Nam hơn chợ chồm hổm? Chỉ cần một khoảnh đất, một góc phố... để đặt rổ hàng rồi ngồi bên cạnh, vậy là thành chợ với đầy nón lá và... đàn bà! (tranh : Võ Hoài Nam / Ashui.com biên tập)

Tôi chỉ chọn một vấn đề nhỏ trong hàng trăm việc cần phải nói, Nhưng đối với con người (với người đô thị) thì nó cũng chẳng nhỏ chút nào! – Đó là cái chợ, mạng lưới chợ của người Hà Nội, hay là văn hóa chợ, truyền thống chợ của người đô thị Việt Nam. Ngay từ khi còn trứng nước – ban đầu là chợ, nơi hội tụ dân cư nơi trên bến dưới thuyền, nơi bán và mua các thực phẩm tươi sống như rau, quả, thịt, đậu, tôm cá v.v… tới cái kim sợi chỉ, cái bút quyển vở, cái gương cái lược v.v… những thứ thiết yếu với từng người dân, họ cần cho cuộc sống hàng ngày.

Từ tính chất hội tụ, tập trung và thiết yếu hàng ngày, chợ trở thành nơi giao tiếp của nhiều tầng lớp dân cư già trẻ, gái trai, giàu nghèo, mà nhiều nhất vẫn là những người bình dân trung lưu và cả những người khá giả, người nghèo mà thành phần chính vẫn là phụ nữ ở vùng xuôi. Tuy nhiên vùng cao, vùng núi thì chợ còn bao gồm phái nam cũng chả kém gì phụ nữ và già trẻ đều chan hòa đông vui tấp nập. Vì chợ còn mang tính văn hóa cao, chợ còn là nơi giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí với các hoạt động văn nghệ thể thao, tìm kiếm bạn bè và tìm bạn tình đôi lứa đề dẫn tới hôn nhân, vì thế người ta còn gọi là các “chợ tình” là vậy.

  • Ảnh bên : Chợ tình Khâu Vai (Hà Giang) 

Cứ như thế trải qua nhiều thế kỷ, nhiều thế hệ cùng với đặc điểm đô thị hóa Việt Nam, nền văn minh nông nghiệp gắn chặt với chế độ phong kiến hàng 2000 năm lịch sử, cùng với nền văn minh lúa nước và lối sống nông nghiệp, tốc độ phát triển đô thị hóa rất chặt chẽ (kể từ năm 1990 trở về trước tỷ lệ này chỉ trên dưới 20% dân số), chợ vẫn là vô cùng cần thiết với cuộc sống của người dân đô thị Việt Nam.

Nói trên bình diện toàn quốc thì chợ không những rất cần mà vẫn còn thiếu ở nhiều nơi.

Theo cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở 01/10/1999 tổng số chợ nước ta là 8213 chợ, trong đó khu vực đô thị là 1959 chiếm 23,8%. Tính theo đô thị thì 1 đô thị chỉ có 2 chợ và 31% số phường có được 0,5 chợ/phường - xã, còn gần 70% phường xã chỉ đạt được 0,2% chợ/phường. Bình quân 1.000 dân có 1,07 chỗ bán.

Đối với thành phố Hà Nôi, tình cảm và sự gần gũi thân thiện với các chợ cũng không khác với những điều tôi nói ở trên, theo số liệu điều tra tháng 11 năm 1997, Hà Nội có 135 chợ bao gồm 56 chợ nội thành và 79 chợ ngoại thành: 20 chợ quận, 06 chợ huyện, 52 chợ phường, 40 chợ xã (lúc này Hà Nội chỉ có 7 quận, 5 huyện - dân số 2,5 triệu cả nội ngoại thành).

Hình thức họp chợ: vẫn tồn tại 2 loại là chợ chính và chợ tạm.

- Chợ chính là chợ có ranh giới có công trình xây dựng kiên cố và có thể có một phần khuôn viên thoáng hở những quầy sạp và lều quán cố định rõ ràng, có quản lý chặt chẽ. Hiện toàn thành phố có 37 chợ chính. Nhiều chợ chính có dấu ấn lịch sử lâu đời, quen thuộc trong tư duy tình cảm của đa số người dân Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Bưởi, chợ Ô Chợ Dừa, chợ Châu Lon v.v…

- Chợ tạm là chợ không được xây dựng chính quy, bố trí trên các vỉa hè, các đường nhỏ trong các khu nhà ở, gần các đầu mối giao thông, quảng trường – có 82 chợ tạm. Tuy là chợ tạm nhưng các chợ này cũng họp thường xuyên, cũng trở nên quen thuộc. Trong những năm gần đây, từ năm 2000 đến nay đã có nhiều chợ tạm được xây dựng mới, có một số chợ lớn được cải tạp nâng cấp và xây cao tầng thành trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống ở tầng 1.


Chợ Đồng Xuân 

Đồng thời trong thời gian này do kinh tế thị trường mở mới bung ra phát triển, các luồng di dân tự do từ nông thôn ra thành thị là rất lớn có tính ồ ạt, chợ cũng bùng ra phát sinh nhiều chợ có tính tự phát – đó là các chợ cóc, chợ xanh tụ điểm theo thời gian cao điểm, thiếu trật tự và không kiểm soát nổi. Mặt khác người dân Hà Nội cũng có thói quen thích tiện dụng cá nhân với giao thông hai bánh (xe máy, xe đạp) một số nhà xã hội học nước ngoài đã có nhận định: Văn hóa đường phố cùng với thói quen đặc điểm của người dân đô thị Việt Nam mà ngay chính tại thủ đô Hà Nội là “Xe hai bánh + nhà mặt phố - nhà ống + chợ vỉa hè + ra gánh đã hình thành nên một phương thức đi lại và nếp sinh hoạt rất đặc trưng của người dân Hà Nội, Việt Nam”.

Tôi cho rằng tình trạng này trở nên quá mức của sư “thân thiện” mà ngược lại đã gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự trị an ninh đường phố và ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Sau khi thành phố Hà Nội đã quan tâm giải quyết vấn đề trên thông qua dự án quy hoạch cải tạo mạng lưới chợ Hà Nội tới năm 2020 và tiếp theo đó còn nhiều đề tài khoa học và dự án về mạng lưới thương mại dịch vụ Hà Nội; chợ tại các khu đô thị mới vv… Tình trạng về chợ đã được cải thiện nhiều mặt đáng kể như:

- Nhiệm vụ trước mắt tới 2005 là giải quyết thanh toán triệt để xóa bỏ các chợ cóc, chợ xanh tự phát và các tụ điểm không hợp lý.

- Nhiệm vụ dài hạn hơn, đến năm 2020 là phải xây dựng được một mạng lưới chợ thống nhất cho toàn thành phố, chủ yếu là Nội thành, từng bước cho ngoài thành.

- Đã có một khái niệm về chợ có tính khoa học và thực tiễn, thống nhất đó là: “Chợ là một loại hình thương nghiệp, có tính truyền thống, một bộ phận của thị trường xã hội, là nơi diễn ra tập trung các hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ phong phú của các thành phần kinh tế mà đa phần là kinh tế cá thể với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày là chủ yếu. Đối tượng phục vụ là toàn thể các hộ dân cư thành phố trên những địa điểm được chính quyền lựa chọn, quy định và cho phép hoạt động theo từng mức độ khác nhau tùy theo các hoạt động của nền kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”.

  • Ảnh bên : Công trình xây mới chợ Cửa Nam (ảnh: An ninh Thủ đô)

Ở nhiều nước trên thế giới vẫn có chợ và chợ thường hình thành từ rất sớm. Những nước Châu Âu – Mỹ, chợ biến đổi rất nhanh chóng thành các trung tâm thương mại và các siêu thị. Ngày nay chúng ta chỉ còn thấy các chợ bán rau quả tươi, đặc sản của nông dân trồng được hoặc 1 vài đồ do thu công sản xuất – Mỗi đô thị chỉ còn một vài chợ như vậy – nó không phải phục vụ đại trà, hàng ngày.

Nhưng ở Hà Nội, người dân đô thị tuy hàng 10 năm các siêu thị đã phát triển khá nhiều và nhân dẫn cũng đã vào mua tại các siêu thị khá thường xuyên, song đa số họ là các tầng lớp trẻ và thu nhập khá giả, là người đương chức. Đại bộ phận những người nội trợ vẫn thích mua ở  chợ vì: thực phẩm tươi sống hơn, đa dạng hơn, giá rẻ hơn, cho đến nay, chúng tôi dự báo mạng lưới chợ truyền thống vẫn tồn tại lâu dài với người dân Hà Nội.

Phân tích mối quan hệ kinh tế - xã hội và văn hóa của hệ thống chợ trong quy hoạch đô thị, chúng ta đã dựa trên những quan điểm sau:

1. Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, chợ sẽ tồn tại và phát triển trong mối quan hệ mật thiêt với các hính thức thương mại khác. Hơn nữa chợ vừa là một cơ sở kinh tế xã hội vừa là một công trình văn hóa gắn với nếp sống cảnh quan, môi trường của một vùng lãnh thổ, hay một đô thị.

2. Số lượng và cơ cấu dân cư trên vùng lãnh thổ là cơ sở quan trọng, quyết định số lượng chợ và phân bố mạng lưới chợ.

3. Chợ không tôn tại đơn lẻ mà tạo thành một hệ thống trong tổng thể thống nhất, có phân loại và phân cấp quản lý.

4. Chợ bao gồm kinh doanh tổng hợp nhiều nguồn hàng hoặc có thể chuyên doanh theo một ngành hàng khác nhau. Điều này được phân bố khác nhau theo loại chợ.

5. Nếu có một số “chợ trời” và “chợ Đồ cũ” lưu chuyển nhu cầu mua và bán của người dân đô thị - tận dụng sản phẩm đáp ứng với các tầng lớp dân nghèo, khó khắn như sinh viên học sinh, tầng lớp trung lưu, khá giả… đều có những nhu cầu này.

6. Quy hoạch phát triển các chợ có ý nghĩa kinh tế xã hội và chính trị rất lớn là đáp ứng nhu cầu hành ngày cho mọi người dân mà chủ yếu cho tầng lớp trung lưu và dân nghèo đô thị. Mặt khác giải quyết việc làm và thu nhập cho những người lao động, buôn bán nhỏ, không mất nhiều công đào tạo, đặc biệt cho phụ nữ.

  • Ảnh bên : người dân Hà Nội mua sắm trong siêu thị BigC 

Về dự án Quy hoạch xây dựng mới và cải tạo mạng lưới chợ đến năm 2020:

- Phân ra hai loại chợ có tính chất khác nhau đó là:

  • Chợ kinh doanh tổng hợp phục vụ mọi nhu cầu của người dân – vị trí gắn với các khu dân cư theo quy hoạch
  • Chợ chuyên doanh, đặc biệt (không chia loại)

Chợ kinh doanh tổng hợp được phân thành 3 loại dựa trên các tiêu chí: bán kính phục vụ trên quy mô dân cư và cự ly đi lại; theo tần suất sử dụng của người dân ứng với các mặt hàng; theo phân cấp quản lý chợ, theo số chỗ bán và diện tích chợ.

A. Phân loại chợ:

- Chợ loại I: phục vụ kinh doanh tổng hợp trên qui mô rộng cho toàn thành phố, liên tỉnh hoặc có tính chất quốc gia, có ít nhất 500 chỗ bán cố định và diện tích chợ khoảng 10000m2; có đủ các loại mặt hàng phục vụ cho cả 3 chu kỳ tần suất sử dụng của người dân: hàng ngày, ngắn ngày và dài ngày. Vị trí của chợ chủ yếu đã có lịch sử lâu đời, quen thuộc thường gắn kết với trung tâm thương mại.

- Chợ loại II: phục vụ trong một khu thành phố hay gọi là một quận, huyện – bán kính phục vụ khoảng 2500m-3000m, có quy mô từ 200 >500 chỗ bán cố định, với diện tích xây dựng từ 6000 đến dưới 10.000m2. Hàng hóa kinh doanh ứng với chu kỳ ngắn hạn và hàng ngay. Vị trí được xác định trên quy hoạch – được xây dựng kiến cố chủ yếu tầng 1 – 2, có thể kết hợp với công trình kinh doanh dịch vụ khác từ tầng 3 trở lên, có giao thông thuận tiện, tạo bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị phù hợp trong từng khu vực.

- Chợ loại III: là chợ cấp khu vực, kinh doanh dịch vụ trên khu dân cư một phường lớn hoặc liên phường, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, chu kỳ hàng ngày như lương thực, thực phẩm tươi sống, hàng khô, hàng sơ chế tạp hóa, quần áo vải vóc đơn giản…, cự ly bán kính đi lại khoảng 1000m – 1200m, có hơn 100 – 200 chỗ bán cố định, thường xuyên, diện tích xây dựng từ 2000 – 3000m2. Hình dáng kiến trúc đẹp, thoáng mở gắn với giao thông thuận tiện.


Chợ Hoa tại khu Nghi Tàm - Quảng An, Hà Nội (ảnh: photobucket.com)

B. Chợ chuyên doanh; chợ đặc biệt:

Chợ chuyên doanh cũng bao gồm nhiều loại chợ khác nhau nhưng có đặc điểm chung là kinh doanh một chủng loại mặt hàng nhưng lại rất phong phú như chợ Trời, chợ đồ cũ, chợ Hoa – cây – sinh vật cảnh, chợ văn hóa (sách – lưu niệm), chợ vật liệu xây dựng, chợ xe máy – thiết bị phụ tùng ôtô xe máy cũ, chợ du lịch.

Chợ đặc biệt như: chợ đêm, chợ phiên, chợ Lễ Hội trong năm như chợ Hóa xuân (tết) chợ tết Trung Thu (hàng Mã), chợ tết Thiếu nhi 1-6 (đồ chơi, quần áo trẻ em…).

PGS.TS.KTS Tô Thị Minh Thông - Ủy viên BCH Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam 

(Bài tham luận tại Hội thảo "Hà Nội : thành phố thân thiện và sống tốt cho cộng đồng" (Hanoi : a Livable City for all) diễn ra trong hai ngày 1-2/7/2009)  

>> Về mạng lưới chợ Hà Nội xưa và nay 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo