Bảo tồn di tích là một lĩnh vực đa ngành. Hoạt động bảo tồn, trùng tu di tích không những phải xử lý các vấn đề liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, thẩm mỹ mà còn phải ứng xử phù hợp với các yếu tố lịch sử, văn hóa, các đặc trưng và giá trị truyền thống. Di tích là một đối tượng đang tồn tại ở dạng vật thể nhưng hàm chứa trong đó những yếu tố phi vật thể được tạo ra từ quá khứ và tích tụ trong suốt quá trình tồn tại, liên quan đến lịch sử, văn hóa, vị trí địa lý và chủ nhân sáng tạo và sử dụng. Hoạt động bảo tồn, trùng tu di tích là sự can thiệp vào một đối tượng có sẵn, với những đặc điểm riêng biệt, những giá trị vật thể và phi vật thể đa dạng, nhiều lớp nhưng lại khá mong manh. Bởi vậy, việc trùng tu di tích - sự can thiệp vào một "cơ thể sống" dễ bị tổn thương ấy, phải được thực hiện theo dự án được lập một cách nghiêm túc, có bài bản trên cơ sở những kết quả nghiên cứu về di tích đó một cách thấu đáo, đồng thời được tổ chức thực hiện và giám sát một cách cẩn trọng.
Làng cổ Đường Lâm (ảnh : Ashui.com)
Nước ta có một hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa rất phong phú và đa dạng. Ðã có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Nhu cầu về bảo tồn, trùng tu di tích rất lớn. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, trùng tu di tích từ ngân sách Nhà nước và từ cộng đồng khá dồi dào. Trong khi đó nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kinh nghiệm trùng tu di tích lại quá hạn hẹp, dẫn đến một thực tế là càng đầu tư lớn, các di tích càng có nguy cơ bị mất mát giá trị sau khi được trùng tu.
Việc vừa qua có những ý kiến gắt gao về chất lượng công tác trùng tu di tích là biểu hiện mối quan tâm lớn của cộng đồng đối với các di tích lịch sử, văn hóa của dân tộc. Những ý kiến đó có thể còn có những chi tiết chưa chính xác nhưng có cơ sở thực tế, vì vậy rất đáng được xem xét một cách khách quan, đầy đủ để có cách khắc phục. Một số trường hợp báo chí nêu về việc trùng tu yếu kém là có thật. Do sự hiểu biết hạn chế về bảo tồn di tích, nhiều người đã làm mất đi giá trị, thậm chí "giết chết" di tích một cách hồn nhiên trong quá trình trùng tu mà bản thân họ cũng không ý thức được điều đó. Người ta nỗ lực làm lại hoàn toàn mới nhiều thành phần thậm chí cả một hạng mục công trình mà không hề biết rằng như thế di tích đã bị xóa sổ, thay vào đó là một hình ảnh vô hồn (giống hoặc chỉ gần giống) của di tích. Khi trùng tu di tích có thể phải thay thế một số cấu kiện không thể sử dụng được nữa để bảo đảm độ ổn định, bền vững lâu dài của di tích; đồng thời cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng, phát huy giá trị của công trình bởi chúng là các di tích "sống" - tức là vẫn đang được sử dụng theo đúng chức năng vốn có của nó trong cuộc sống đương đại. Vấn đề là thay mới đến đâu và bảo tồn đến mức độ nào các yếu tố gốc cấu thành và tạo nên giá trị của di tích thì lại đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về bảo tồn di sản văn hóa và lương tâm, cách hành xử của người thực hiện đối với "tài sản văn hóa" của dân tộc.
- Ảnh bên : Để trùng tu chùa Bổ (Bắc Giang), người ta đã phá một khoảng lớn của bức tường đất tuyệt đẹp để xe cộ xông vào (Ảnh: Đỗ Lãng Quân)
Thực trạng trên rất đáng được bàn luận, tuy nhiên chỉ nói như vậy thì chưa thấy hết được bức tranh toàn cảnh về công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di tích của nước ta. Cần phải khẳng định rằng, công tác bảo tồn di tích thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể. Rất nhiều di tích đã được bảo tồn, cứu vãn khỏi nguy cơ đổ vỡ, bảo đảm độ bền vững lâu dài, được tạo điều kiện sử dụng và phát huy tốt. Hàng loạt các khu di tích quan trọng của đất nước như khu di tích Ðền Hùng, khu di tích Yên Tử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể di tích Cố đô Huế, khu phố cổ Hội An... và nhiều di tích khác nữa đã được bảo tồn và phát huy giá trị một cách hiệu quả. Việt Nam đã có nhiều di tích được đưa vào danh sách di sản thế giới và đang tiếp tục được xem xét các đề xuất tiếp theo với kết quả rất khả quan. Ðiều đó chứng tỏ công tác bảo tồn, trùng tu của chúng ta đã được các chuyên gia UNESCO đánh giá tốt. Chúng ta đã hợp tác với các chuyên gia quốc tế đến từ Ba Lan, CHLB Ðức, Italy, Nhật Bản... trùng tu có hiệu quả các di tích Chăm, Cố đô Huế, khu phố cổ Hội An, chùa Bút tháp, nhà cổ ở Bắc Ninh. Chúng ta cũng có thể tổ chức thực hiện một cách bài bản khoa học và có kết quả tốt việc trùng tu một di tích kiến trúc gỗ hơn 400 năm tuổi như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã giao cho Cục Di sản văn hóa và Viện Bảo tồn di tích làm thí điểm tại đình Chu Quyến để từ đó rút ra những chuẩn mực về bảo tồn, trùng tu áp dụng cho các di tích khác. Những bước đi vững chắc kể trên đang tạo cơ sở, nền tảng và lòng tự tin cho việc phát triển ngành bảo tồn di tích của Việt Nam.
Trở lại các trường hợp trùng tu yếu kém ở một số nơi, có thể còn nhiều ý kiến trái ngược nhau, nhưng cách giải quyết tích cực là tìm ra những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém đó và có giải pháp khắc phục. Thiếu vắng đội ngũ chuyên nghiệp (cả trong quản lý và thực thi công tác bảo tồn di tích) và cơ chế chính sách chưa phù hợp là hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng trùng tu di tích không bảo đảm như hiện nay.
Di tích kiến trúc và Di tích "Lầu lục giác" - Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (ảnh : Ashui.com)
Trước hết, như trên đã trình bày, bảo tồn di tích là chuyên ngành hẹp có tính đặc thù cao, người làm bảo tồn phải có kiến thức chuyên sâu và tận tâm với nghề. Nhưng cho đến nay, chúng ta chưa hề có cơ sở nào đào tạo cơ bản về lĩnh vực này. Trên thực tế có rất nhiều người được giao phó (hoặc giành lấy) việc trùng tu di tích và hăm hở thực hiện chỉ bằng lòng "nhiệt tình" và kiến thức chắp vá, đã xâm hại đến các giá trị vốn có của di tích trong quá trình trùng tu. Hơn thế nữa, đối với đội ngũ thợ, những người trực tiếp can thiệp vào cơ thể của di tích, cho tới nay chưa hề có bất cứ sự đào tạo nào. Bởi vậy, đào tạo lực lượng chuyên nghiệp và chuyên nghiệp hóa lực lượng làm bảo tồn, trùng tu di tích hiện có (kể cả cán bộ kỹ thuật và đội ngũ thợ) là việc hết sức cần thiết và cấp bách. Cần phải đưa công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bảo tồn di tích vào chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Một điều kiện tiên quyết: giao và chỉ giao việc trùng tu di tích cho lực lượng chuyên nghiệp có đủ kiến thức, năng lực và kinh nghiệm về lĩnh vực này, đồng thời có chính sách đãi ngộ phù hợp và xứng đáng với công việc của họ. Có như vậy thì mới nâng cao được chất lượng bảo tồn, trùng tu di tích.
Nguyên nhân cơ bản thứ hai là từ cơ chế hiện hành. Có thể dễ dàng thấy rằng, trùng tu di tích hoàn toàn khác với xây dựng hay sửa chữa nhà cửa thông thường. Vậy mà hầu hết các hoạt động trong trùng tu di tích đều chịu sự điều chỉnh của các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đó, chi phí lập dự án trùng tu di tích không đủ cho việc khảo sát, nghiên cứu về di tích nên nội dung này thường được thực hiện sơ sài. Giai đoạn thiết kế bị tách rời, sau khi thiết kế xong giao cho đơn vị khác thi công, người thi công không hiểu biết cặn kẽ về di tích, người thiết kế có vai trò mờ nhạt trong quá trình thi công. Vì vậy chất lượng bảo tồn trùng tu không thể tốt được. Ngoài ra, việc điều chỉnh, bổ sung thiết kế trong suốt quá trình thi công trùng tu di tích là rất phổ biến nhưng luôn gặp khó khăn về thủ tục nên thường bị bỏ qua. Ðơn giá, định mức cũng còn rất nhiều mục không phù hợp... Trong khi đó, các doanh nghiệp tư vấn hay thi công vẫn phải bảo đảm duy trì hoạt động và có lợi nhuận. Kết quả là di tích phải gánh chịu tất cả những bất cập đó. Trên thực tế, những thứ "hữu hình" có thể cân đo đong đếm được, các nhà thầu cố gắng thực hiện đầy đủ còn các yếu tố "vô hình" như ta vẫn thường nhắc đến một cách trân trọng là "các giá trị phi vật thể của di tích" thì bị coi nhẹ, bỏ qua và do đó mất mát dần sau mỗi lần trùng tu.
Như vậy, xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành bảo tồn di tích, điều chỉnh bổ sung các văn bản pháp luật về bảo tồn trùng tu di tích, ban hành các quy định và tạo cơ chế phù hợp với chuyên ngành này là những ưu tiên hàng đầu để nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, trùng tu di tích. Ngoài ra, tổ chức công bố rộng rãi thông tin về dự án trùng tu trước khi thực hiện, tổ chức giám sát chặt chẽ (kể cả giám sát từ cộng đồng), có chế tài đủ mạnh xử lý những người xâm hại di tích dưới mọi hình thức (kể cả trong khi trùng tu)... là những biện pháp cần thiết để bảo đảm chất lượng trùng tu di tích.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bảo tồn di tích là nhân tố quan trọng của phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng công tác bảo tồn di tích là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích
[ Chuyên đề : Bảo tồn di tích ]
- Dự án thành phố sông Hồng: Thít chặt lòng sông, sao thoát được lũ?
- Hồng Hà – Hà Nội, trăm năm gần gũi và giận dỗi
- Vị trí của biển trong văn hóa Sa Huỳnh
- Di tích như một hằng số trong sự biến đổi và chuyển hóa không gian đô thị
- Phong trào "làm mới di tích" và kinh nghiệm phục chế EFEO
- Điều chỉnh quy hoạch tại TP.HCM: Giảm đất công trình công cộng?
- Không gian xanh công cộng - yếu tố quan trọng để Hà Nội là thành phố sống tốt
- Siêu dự án đô thị ven sông Hồng: Giới chuyên môn đứng ngoài?
- Xây dựng hệ thống tiêu chí về thành phố sống tốt cho Thủ đô Hà Nội
- Không gian kiến trúc làng ngoại thành trong quá trình đô thị hóa ở Hà Nội
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này