Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Phản biện Thăm sông Seine, nghĩ về "Quy hoạch Sông Hồng"

Thăm sông Seine, nghĩ về "Quy hoạch Sông Hồng"

Viết email In

Quy hoạch sông Hồng đang là vấn đề được tranh luận sôi nổi. Thử nhìn qua lăng kính văn hoá, nghệ thuật và lịch sử của một con sông đã... thành danh, sông Seine, để biết đâu có thể rút tỉa được vài kinh nghiệm hay giúp các nhà quy hoạch đô thị Hà Nội.

Sông Seine

Không phải ngẫu nhiên mà đôi bờ sông Seine, chảy giữa thủ đô Paris hoa lệ của Pháp lại được xếp vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO năm 1991. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi mà tổ chức quốc tế này "phong thánh" cho đôi bờ một con sông.

Sông Seine là một con sông được khai thác 2500 năm cách đây, khi những người Pháp đầu tiên đến Paris là đến khai phá đảo Cite nằm giữa sông. Từ bấy đến nay, đôi bờ sông đoạn chảy qua Paris đã trở thành hòn ngọc lung linh, góp phần không nhỏ tạo nên sự hấp dẫn của thành phố mỗi năm có tới 30 triệu khách du lịch.

Về mặt tự nhiên thì sông cũng "thường thường" với vẻ đẹp xanh lục, lưu lượng dòng chảy hiền hoà, độ sâu khoảng từ 6 đến 8 mét. Tức là cũng giống biết bao dòng sông khác ở Châu Âu, nhưng cái địa lợi là nằm chính giữa và chia thủ đô Pháp làm đôi bờ nam bắc. Chính cái đôi bờ mới làm đẹp thêm cho sông và chính những chiếc cầu nối đôi bờ mới làm đẹp cho cả sông lẫn bờ. Thì ra, người Pháp từ lâu đã coi sông Seine là một "mặt tiền" trời cho để làm sang với thiên hạ. Và, vì vậy mà họ đã khoe hết kiến trúc này đến đền đài khác trên cái mặt tiền dài khoảng 14km chảy qua nội đô này.

Tôi nhẩm đếm được có 37 chiếc cầu bắc ngang sông. Mỗi chiếc cầu là một tuyệt tác kiến trúc, không cái nào giống cái nào.

Ít có ai từng đến Paris mà không làm một chuyến du lịch dọc sông Seine của hãng Bateau-Mouches để thấy hết được vẻ đẹp lộng lẫy của Paris về đêm và vẻ đẹp trầm mặc của các lâu đài tráng lệ ban ngày. Nhiều sinh hoạt cộng đồng còn được tổ chức bên bờ sông. Người Pháp còn chịu khó chở cát rải trên bờ làm bãi tắm "biển" về mùa hè và nhiều người câu cá, nhiều đôi nam nữ tự tình trên bờ.

Người Paris đã khéo biến sông Seine thành một trong những con sông lãng mạn và đẹp nhất thế giới.




Sông Hồng


Người Hà Nội cổ đã biết khai thác sông Hồng sớm hơn người Paris khai thác sông Seine hơn 1000 năm. Sông Hồng đã từng là một con sông huyết mạch giao thông quan trọng nhất trong thời cổ đại. Sông Hồng khi đó quả là một "mặt tiền" giao thương. Đến thời trung đại và cận đại, sông Hồng vẫn đóng một vai trò quan trọng. Trong các cửa ô vào Kinh thành, có nhiều cửa ô là bến sông, nay chỉ còn lại mỗi dấu tích ô Quan Chưởng.

Khi Lý Công Uẩn lập đô ở Thăng Long cũng dẫn đoàn tuỳ tùng cập bến ở sông Hồng. Khi thực dân Pháp tiến chiếm Hà Nội cũng từ sông Hồng mà vào. Rõ ràng là vai trò sông Hồng đối với Hà Nội quan trọng trong lịch sử. Nhưng cùng với đà phát triển của giao thông hiện đại, sông Hồng đã trở thành một tuyến giao thông mờ nhạt.

Kinh tế hiện đại đã bỏ quên sông Hồng và người Hà Nội cũng bỏ quên sông Hồng. Còn nhiều lý do nữa, nhưng cái đáng trách nhất là các nhà làm quy hoạch không có tầm nhìn xa.

Đi dọc sông Hồng, mới cảm nhận được đầy đủ cái "mặt tiền" của Hà Nội một thời nó đã thành "lem nhem" hết chỗ nói. Nhà tạm xây bừa bãi mà lại quay phần lớn công trình phụ ra sông, rác và đồ phế thải... Vô tình, cái "mặt tiền" biến thành cái "cửa hậu" lúc nào không hay. Rõ ràng là các nhà quy hoạch đô thị và quản lý Hà Nội đã có lỗi lớn trong việc quy hoạch sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội.




Trả lại "mặt tiền" cho sông Hồng

Không một thành phố lớn hay thủ đô của một nước nào lại ứng xử với dòng sông chảy băng qua mình một cách vô lý như Hà Nội. Sông Hồng không thể trở thành sông Seine, nhưng các nhà quy hoạch có thể học được bài học sông Seine. Đó là làm đẹp sông Hồng, biến đây trở lại đúng vai trò là một trong những "mặt tiền" mới của Thủ đô.

"May mắn" là đôi bờ sông Hồng ít di tích lịch sử có giá trị, vì thế việc quy hoạch thuận lợi hơn nhiều. Chúng ta phải tính đến Hà Nội trong nhiều thập kỷ nữa, phải tính đến chuyện các công trình hôm nay xây sẽ là di sản mai sau. Những chiếc cầu mới xây, về mặt mỹ thuật thì cũng phải bàn thêm. Một loạt những cầu dáng dấp xấu từa tựa nhau thì liệu có là di sản bàn giao cho thế hệ mai sau?

Dự án "Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội" mới đây quả là đáng được quan tâm. Về cơ bản, dự án có thể "cứu" được mặt tiền Hà Nội. Một số công trình hiện đại đôi bên bờ sông sẽ là bộ mặt mới của Hà Nội bên cạnh một Hà Nội 36 phố phường.

Về mặt lịch sử văn hoá, rất mong các nhà quy hoạch có những điểm nhấn tượng đài, vì con sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội là con sông lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước. Việc làm tượng đài cần phải đẹp và các nhà sử học, khảo cổ học xác định vị trí lịch sử chính xác.

Mong sao, dẫu quá muộn, sẽ có một ngày có tuyến du lịch dọc ngang sông Hồng có thể tự hào giới thiệu với du khách các cây cầu, tượng đài và công trình hiện đại xứng với tầm thủ đô một nước.

 

Lời bình  

 
+4 # Nguyễn Thị Minh Tâm 20/03/2014 22:58
Tôi hết sức hoan nghênh bài viết. Thực ra, có rất nhiều những dấu tích lịch sử gần ngay sát sông Hồng. Chỉ cần chạy qua một con phố nối từ bờ sông lên là tới Nhà Hát Lớn Thành phố, Hồ Hoàn Kiếm....Và dọc hai bên bờ sông là rất nhiều những di tích đã và đang bị con người chen lấn vì cuộc sống mưu sinh. Hãy biến những con đường chạy từ bờ sông lên, đi thẳng vào trung tâm cho thật đẹp, rộng rãi; và tạo ra những con đường viền bên bờ sông thật thơ mộng... Tôi đã tưởng tượng ra một dòng sông Hồng đẹp vẻ kiêu sa, thêm chút dữ dằn và đầy trắc ẩn như một cô gái.... giống như cái đặc tính vốn có của dòng sông. Ở nước mình, có rất nhiều thành phố đã kịp làm trước Hà Nội việc xây dựng bên bờ sông những con phố đẹp, thậm chí đẹp đến mê hồn, như Đà Nẵng với sông Hàn cùng với cây cầu Rồng nổi tiếng, rồi cây cầu quay, cầu Trần Thị Lý.... mỗi cây cầu có một nét đặc sắc. Rồi Huế với Sông Hương núi Ngự, cầu Tràng Tiền. Thành phố Quảng Ngãi cũng vừa xây dựng được một quần thể phố đẹp thơ mộng bên bờ sông Trà... Còn một con sông nữa của Hà Nội với cái tên rất đẹp rất gợi cảm, đó là sông Tô Lịch, dòng sông mà chỉ đọc tên thôi, tôi đã thấy mùi hôi rất đặc trưng của nó xộc lên khướu giác, xộc cả vào ký ưc. Dòng fsông này đang đau đáu chờ đợi các nhà chức trách quan tâm, mong được qui hoạch xử lý, để dòng nước vốn hiền hoà trở thành trong xanh, và thơm mùi hoa cỏ.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo