Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Tin tức Việt Nam Hà Nội sẽ có hầm đường bộ xuyên qua lòng... hồ Tây?

Hà Nội sẽ có hầm đường bộ xuyên qua lòng... hồ Tây?

Viết email In

Posco E&C vừa đề xuất với UBND TP Hà Nội dự án cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng, nối liền với một hầm đường bộ qua hồ Tây nhằm chia sẻ lưu lượng giao thông với cầu Chương Dương và tạo lập một hướng giao thông mới sang Đông Anh (Hà Nội)...

Theo Posco E&C, đây sẽ là một dự án hợp tác giữa tư nhân và nhà nước, mà cụ thể là chính quyền Thành phố Hà Nội và Posco E&C cùng hợp tác đầu tư, thực hiện dự án và cùng chia sẻ lợi ích theo tỉ lệ vốn cổ phần. Trong đó, Posco E&C sẽ "đảm trách" vấn đề tài chính, qui hoạch, thiết kế và xây dựng, còn TP Hà Nội có trách nhiệm chấp thuận, đền bù, thu hồi đất, tái định cư và giải phóng mặt bằng.


Sẽ có một hầm đường bộ xuyên dưới đáy hồ Tây (Hà Nội)? (Ảnh tư liệu dự án).

Dự án này được chia làm 2 phần chính: cầu Tứ Liên, hầm đường bộ qua hồ Tây và kế hoạch phát triển đất phía đông Đông Anh (được coi là dự án phụ trợ để thu hồi vốn xây cầu và hầm kể trên bởi Posco E&C cho rằng cầu Tứ Liên sẽ không dễ thu phí giao thông và không có nguồn thu từ phí dịch vụ).

Cầu Tứ Liên, theo mô tả của nhà đầu tư này trong đề xuất sơ bộ, là một cầu cáp dây văng có vị trí theo sát Qui hoạch tổng thể TP Hà Nội 1998, một đầu là khu vực đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ) và đầu kia tại quốc lộ 3 (huyện Đông Anh) với tổng chiều dài 6.810m. Tuy nhiên, phần cầu chỉ dài khoảng 2.590m và phần đường dài 4.220m.

Việc xây dựng cầu Tứ Liên được coi là giai đoạn 1 của một trong hai phần dự án, với tổng chi phí xấp xỉ 395 triệu USD (cả xây dựng và đền bù). Nếu cộng cả tăng giá do lạm phát, lãi suất trong thời gian xây dựng và các chi phí khác thì tổng mức đầu tư cây cầu này có thể "đội" lên thành 594 triệu USD. Nhà đầu tư kỳ vọng việc đền bù sẽ hoàn tất 100% vào năm 2009 để sau đó có thể tiến hành xây dựng và hoàn thành cây cầu vào 2012.


Phối cảnh cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng trong tương lai (Ảnh tư liệu dự án).

Nối liền với cầu này, Posco E&C đề xuất xây dựng một hầm đường bộ qua lòng hồ Tây kéo dài, một đầu nằm trên phố Văn Cao (quận Ba Đình), đầu kia ở đường Nghi Tàm (kể trên). Nhà đầu tư cam đoan đường hầm này sẽ không can thiệp vào bán đảo Quảng An và có tổng chiều dài 3.020m (trong đó, chiều dài phần đường là 760m, phần cầu 2.260m).

Hầm đường bộ qua hồ Tây được hoạch định là giai đoạn 2 của một phần dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 534 triệu USD (442 triệu USD xây dựng và 92 triệu USD đền bù). Rõ ràng, vì "chui" qua hồ nên khối lượng hộ dân phải di dời khi xây hầm này sẽ không "khổng lồ" như nhiều dự án đường bộ trên mặt đất. 

"Ngoài các cầu vượt sông Hồng đã xây dựng, hoàn thành xây dựng 2 cầu là cầu Thanh Trì (trên đường vành đai III) và cầu Vĩnh Tuy  (trên đường vành đai II); triển khai xây dựng cầu Nhật Tân (trên đường  vành đai II); đầu tư xây dựng mới các cầu trên đường vành đai IV và V là cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Vĩnh Thịnh. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện quy hoạch, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên. Mặt cắt ngang các cầu xây dựng mới vượt sông Hồng có quy mô từ 6 - 8 làn xe (không áp dụng cho cầu Tứ Liên)".

Qui hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến 2020
Song song với việc xây dựng cầu Tứ Liên và hầm đường bộ trên, Posco E&C đề xuất kế hoạch phát triển 2.170ha đất phía đông huyện Đông Anh thành một đô thị đa chức năng và cho rằng "cần sớm tiến hành bán đất nhằm giảm thiểu thiếu vốn và giảm lãi suất" dự án này.

Sở dĩ khu vực này được nhà đầu tư "nhắm" vì nó nằm kế cận vùng nội đô, có tiềm năng trực tiếp kết nối với trung tâm Hà Nội rất thuận tiện khi cầu Tứ Liên và hầm qua hồ Tây (kể trên) hoàn thành.

Nhà đầu tư tính toán rằng, bây giờ và cả tương lai, 2.170ha đất dự kiến phát triển đô thị để hoàn vốn BT của họ sẽ nằm trên trục giao thông chính Thái Nguyên - Đông Anh - nội đô Hà Nội - Hà Tây, khu vực vành đai 2, 3 và quốc lộ 5 kéo dài. Hơn thế nữa, nó có mặt nước rộng, kế cận sông Hồng, sông Đuống và đường thủy chạy dọc trục giao thông...

Dự án đất này cũng được Posco E&C chia làm 2 giai đoạn: 420ha giai đoạn 1 đầu tư 210 triệu USD và 1.750ha giai đoạn 2 đầu tư 875 triệu USD. Nhà đầu tư cho rằng nếu dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) sẽ giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho Chính phủ.
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo