Tại hội thảo khoa học các vấn đề môi trường liên quan tới dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, do hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (Vacne) tổ chức tại Hà Nội ngày 30/9, đã có nhà khoa học và cán bộ của các cơ quan chức năng có cách nói khác theo hướng ủng hộ nhà đầu tư.
Theo cách nói này, thì dự án có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến môi trường và vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và dòng chảy sông Đồng Nai, nhưng "không đến mức nghiêm trọng như một bộ phận dư luận xã hội đánh giá".
"Không có chi"
TS Nguyễn Đình Hòe (ảnh bên), trưởng ban phản biện xã hội (Vacne) cho rằng: “Bài toán đánh đổi giữa kinh tế và môi trường, cơ sở xem xét sự đánh đổi là nguyên tắc phát triển bền vững: đảm bảo sự hài hòa các phúc lợi kinh tế, xã hội và môi trường”.
Ông Hòe cho rằng khu Cát Lộc rộng gần 31 ngàn ha, phần sẽ bị ngập nước do thủy điện rộng 137 ha, chiến 0,44% diện tích trên thực tế chỉ làm giảm chút ít nơi kiếm ăn của động vật, rất ít ảnh hưởng đến nơi cư trú của động vật. Phần diện tích sẽ bị ngập tuy có một số loài thực vât quý nhưng không nhiều, do nơi đây là vùng bị rải chất diệt cỏ trong chiến tranh, phần lớn là sinh cảnh rừng mọc lại, lồ ô và cây bụi, lại bị khai hoang làm nương rẫy nhiều.
Về lo ngại dự án gây hại cho khu đất ngập nước Bàu Sấu, ông Hòe giải thích Bàu Sấu đã xuất hiện hàng ngàn năm qua do các yếu tố tự nhiên sụt hạ địa chất, được nuôi dưỡng bằng nguồn nước tại chỗ từ nhiều khe suối xung quanh chảy vào, tạo ra dị thường thủy văn dạng hướng tâm, trước đây nước Bầu Sấu vẫn chạy ngược ra sông Đồng Nai. Thủy điện Đồng Nai 3 tích nước 5-6 tháng trong năm 2010-2020 nhưng Bàu Sấu vẫn tồn tại. Như vậy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thời gian tích nước nhiều lắm là 1 tháng, có gây tác động đến Bàu Sấu nhưng tính đàn hồi môi trường của Bàu Sấu có thể chống chịu được.
Nghiên cứu hồ sơ và kiểm tra hiện trường, tổng cục Lâm nghiệp cũng khẳng định, việc xây dựng thủy điện này không gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu bảo tồn tê giác cũng như vùng sinh cảnh Bàu Sấu.
Về lo ngại thủy điện có thể làm gia tăng lũ và hạn cho vùng hạ lưu đập, nhất là huyện Cát Tiên – Lâm Đồng, ông Hòe cho rằng, ngay trước khi chưa có thủy điện trên sông Đồng Nai thì huyện Cát Tiên đã là “rốn lũ” của Lâm Đồng do mưa tại Cát Tiên là 2.800 - 3.000mm/năm. Cát Tiên vốn là một bồn địa giữa núi, sông Đồng Nai uốn khúc mạnh vào có đoạn thắt hẹp nên cứ mưa to là lụt.
Ông Hòe kết luận, dự án có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến môi trường và vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và dòng chảy sông Đồng Nai, nhưng không đến mức nghiêm trọng như một bộ phận dư luận xã hội đánh giá. Nếu chủ đầu tư cân nhắc thực hiện các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực, đồng thời nâng cấp chất lượng đánh giá tác động môi trường (hiện nay báo cáo này mới là dự thảo, bộ Tài nguyên và môi trường chưa thẩm định) thì có thể cho phép nhà đầu tư tiếp tục thực hiện 2 dự án trên.
"Đồng ca" ủng hộ
Nếu thêm thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, sông Đồng Nai sẽ biến thành một dãy những hồ lớn nhỏ làm thay đổi cả hệ sinh thái lưu vực của nó. (Ảnh: T.L)
"Đề nghị chủ đầu tư đánh giá đầy đủ lại tác động của dự án tới môi trường, kinh tế - xã hội trên các mặt các khác để thấy được cái được và chưa được. Đồng thời chủ đầu tư phải có cam kết chặt về các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực", thạc sĩ Nguyễn Xuân Khôi, vụ Khoa học công nghệ và môi trường gợi ý.
TS Mai Thanh Dũng, cục trưởng cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (bộ Tài nguyên môi trường) cho biết, đơn vị này cũng chịu những áp lực rất lớn khi thẩm định những dự án lớn như Đồng Nai 6 và 6A. Tuy nhiên, việc đánh giá ĐTM là một quá trình, vấn đề cốt lõi là phải làm sao xem tác động tới môi trường của dự án ở mức chấp nhận được.
Vụ phó vụ Năng lượng, bộ Công thương thì đưa ra quan điểm, với con số bình quân diện tích rừng mất cho 1MW thủy điện là 4 ha thì con số 135 ha rừng mất cho 240 MW thủy điện của dự án này thấp hơn so với những dự án khác.
Đại diện cho tiếng nói của địa phương, ông Bùi Văn Thanh, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho rằng, nếu Chính phủ đồng ý với dự án thì địa phương cũng không phản đối. Tuy nhiên, vì liên quan tới rừng Cát Tiên nên đề nghị chủ đầu tư phải kết hợp với chủ đầu tư các dự án thủy điện Đồng Nai 1, 2, 3, 4, 5 để xây dựng vận hành liên hồ trên sông Đồng Nai, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng tối đa tới dòng chảy của Nam Cát Tiên. Trồng lại diện tích rừng đã bị ngập, bảo đảm không làm hư hại đến đường giao thông hiện hữu, đầu tư thêm đường dây điện, đặc biệt phải có cam kết hỗ trợ các hộ dân đồng bào hạ lưu sông Đồng Nai, đó là yêu cầu của Bình Phước.
"Các tỉnh Bình Phước, Đắc Nông, Đồng Nai sẽ cùng phối hợp lập ra đơn vị kiểm soát chặt việc thi công của chủ đầu tư", ông Thành nhấn mạnh.
Mong các nhà khoa học góp ý xác đáng Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ bức tử rừng Cát Tiên. (Ảnh: MQA) Ông Trần Văn Thành, giám đốc VQG Cát Tiên: Đứng ở góc độ bảo tồn thì hoàn toàn tôi không ủng hộ. Nếu nói để phát triển thì cũng không thể bỏ qua công tác bảo tổn. Chúng ta cần thông minh để xem xét thế nào là đúng, hòa hợp. Mong các nhà khoa học có góp ý xác đáng để Chính phủ và các ngành có ý kiến chính thức. TS Vũ Ngọc Long, viện phó viện Sinh học nhiệt đới, trong bài tham luận gửi đến hội thảo, cho rằng việc xây dựng hai dự án thủy điện trên có thể dẫn đến tình trạng kiệt nước vào mùa khô và lũ lụt nặng hơn vào mùa mưa. Trung tâm huyện lỵ Cát Tiên nằm ở phía hạ lưu vốn đã là một rốn lũ. Nếu hai đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A xả lũ sẽ khiến lũ chồng lũ, Cát Tiên sẽ thiệt hại nặng nề như các vùng hạ lưu thủy điện A Vương, sông Ba và Đa Nhim từng gặp phải. Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đưa ra những thiếu sót trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án thủy điện trên: chưa đánh giá đúng sự tác động đến các loài động thực vật quý hiếm, hệ sinh thái; bỏ qua hoặc đánh giá không đầy đủ các chi tiết liên quan việc thay đổi hệ sinh thái, di dân và sinh kế, quản lý bảo vệ rừng, thay đổi môi trường sống… Đặc biệt, các kế hoạch quản lý môi trường do chủ đầu tư đưa ra cần xem xét lại tính khả thi của nó. Ông Long nhấn mạnh, cần đánh giá lại toàn diện những tác động môi trường, xã hội của hai dự án, đồng thời xây dựng các giải pháp, từ đó mới có thể xem xét đến việc cho phép triển khai hai dự án trên hay không? Nhiều người nói không Trước đó, các nhà khoa học thuộc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN, trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và nhiều nhà khoa học, nhà quản lý khác đã phản ứng mạnh mẽ trước dự án thủy Đồng Nai 6 và 6A. Đã có văn bản của các nhà khoa học môi trường kiến nghị Quốc hội xem xét lại toàn bộ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, viện phó viện Sinh học nhiệt đới, nói: "Nếu biểu quyết thì tôi và nhiều nhà khoa học khác sẽ nói không làm thủy điện trên sông Đồng Nai nữa, vì mật độ thủy điện ở đây đã quá dày đặc rồi, cộng thêm cái mất do thủy điện nhiều hơn cái được". Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu đại học Cần Thơ cũng khẳng định: "Tôi phản đối xây thủy điện trên sông Đồng Nai!". Theo các nhà khoa học, căn cứ để kiến nghị là dựa vào nghị quyết của Quốc hội số 49/2010/QH 12 và điều 7 Luật đa dạng sinh học số 20/2008/QH 12. Theo đó, tại điều 3 trong nghị quyết Quốc hội số 49/2010/QH 12 ngày 19/6/2010 đã nói tiêu chí về dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại Việt Nam phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Ngoài ra theo điều 7 Luật đa dạng sinh học số 20/2008/QH 12 ngày 13/11/2008 quy định: “Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học” chỉ rõ việc nghiêm cấm “... Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn...”. Trước đó, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Hoài Nam, cục phó cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, thuộc bộ Tài nguyên và môi trường, khẳng định: “Ngay từ đầu, báo cáo đánh giá tác động môi trường hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã không đủ điều kiện để thẩm định, vượt ngưỡng cho phép nên chúng tôi đã trả lại hồ sơ và đề nghị đưa hai dự án này ra lấy ý kiến của Quốc hội. Quốc hội phải đồng ý thì chúng tôi mới thẩm định”. Ngày 21/7/2011, bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khi được hỏi "có ý kiến gì về trường hợp dự án Đồng Nai 6 và 6A?", đã trả lời: "Quan điểm trước sau như một của bộ Công thương là thuỷ điện không được đụng tới rừng đặc dụng, vườn quốc gia, trừ trường hợp là công trình quan trọng quốc gia, có ý kiến về mặt chủ trương của Quốc hội buộc phải xem xét thì lúc đó sẽ tính". Ngày 22/7/2011, tại cuộc họp báo thường kỳ, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định: đã kiến nghị các cơ quan chức năng về tác động của thủy điện trên sông Đồng Nai và đề nghị dừng lại dự án. Tháng 11/2010, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, bộ Công thương kiến nghị điều chỉnh quy hoạch, hạn chế tối đa việc xây dựng các dự án thuỷ điện trên sông Đồng Nai. Theo UBND TP.HCM, việc xây dựng nhiều công trình thuỷ điện trên đầu nguồn sông Đồng Nai đã và đang tác động lớn đến môi trường sinh thái lưu vực sông Đồng Nai, gây tác động không tốt hoặc cạn kiệt nước trong vùng khô hạn cho vùng hạ lưu, khiến nước sinh hoạt, sản xuất thiếu trầm trọng. |
Thanh Tuyền
- 350 và chống biến đổi khí hậu
- Đằng sau những con đập thủy điện trên sông Mê Kông
- TPHCM: Hàng triệu tấn bùn thải đổ đi đâu?
- Ngôi nhà đa mục tiêu chống biến đổi khí hậu
- Ảnh hưởng của công trình xây dựng đến môi trường
- Biến đổi khí hậu thay đổi diện mạo khu sinh quyển Cát Bà
- Tăng trưởng các-bon thấp: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam
- Phong điện - món quà tặng quý giá của thiên nhiên
- Ba trụ cột của mô hình quản trị môi trường
- Biến đổi khí hậu đe dọa các quốc đảo Thái Bình Dương