350.org là tên của một chiến dịch toàn cầu chống biến đổi khí hậu có quy mô lớn nhất thế giới hiện nay. Chiến dịch lấy tên này để nhắc nhở loài người về sự cấp thiết phải đưa nồng độ điôxít cacbon (CO2) trong bầu khí quyển về giới hạn an toàn tối đa là 350ppm (phần triệu) từ mức hiện nay là 393ppm. Nồng độ CO2 trong bầu khí quyển càng cao thì nhiệt độ càng tăng, vốn đang gây ra tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày một nguy cấp như hiện nay. 350 không còn là một con số đơn thuần nữa – nó đã trở thành mục tiêu của toàn nhân loại.
Tuy đã có hoạt động từ những năm 2009 – 2010, nhưng năm nay mới là năm đầu tiên chiến dịch 350.org được phát động trên phạm vi toàn quốc, và trở thành chiến dịch quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam hoàn toàn do tình nguyện viên (TNV) và cộng đồng thực hiện. Và họ đã làm gì?
Không ống hút
Mỗi ngày, cả Việt Nam thải ra 2.500 tấn đồ nhựa dùng một lần rồi bỏ. Bản thân đồ nhựa không có tội, nhưng với những đồ nhựa dùng một lần rồi bỏ, giá trị sử dụng của nó quá nhỏ không bù được những cái hại mà nó gây ra đối với môi trường.
Các TNV của 350 đã cần mẫn đi tới từng quán càphê, trà sữa, nhà hàng… để tuyên truyền và thuyết phục mọi người giảm thiểu sử dụng ống hút. Các đại sứ của chiến dịch đã thực hiện một series áp phích cổ động cho dự án này. Và tại tất cả các sự kiện của 350, ống hút nhựa đều được thay bằng ống hút sinh thái, là ống trúc, hoặc bằng những cọng rau muống.
Bạn hãy dần bỏ thói quen dùng ống hút nhé. Không khó đâu, vì cái này cũng chỉ là một cái thói quen ta mới học được gần đây thôi. Từ nay mỗi khi vào quán gọi đồ uống, bạn hãy thử nói với nhân viên phục vụ là bạn không lấy ống hút nhé. Hoặc ở nhà, mỗi khi đãi tiệc, bạn hãy chuẩn bị một mớ cọng rau muống đã được ngâm bằng nước muối để làm ống hút. Các thực khách của bạn chắc chắn sẽ trầm trồ thú vị đấy.
Cho giấy một cơ hội tái sinh
Mỗi ngày, ở nhà và tại văn phòng của bạn, có bao nhiêu giấy đã qua sử dụng bị bỏ đi. Từ giờ, bạn hãy giữ chúng lại và gửi cho 350 nhé, để công ty Giấy Sài Gòn, là đối tác của 350, sẽ tái sinh chúng thành giấy mới. Trung bình, cần khoảng 2,2 – 4,4 tấn gỗ để sản xuất được mỗi tấn bột giấy. Tuy nhiên chỉ cần 1,4 tấn giấy đã qua sử dụng có thể tạo ra 1 tấn bột giấy. Chỉ cần một việc rất “kế hoạch nhỏ” như vậy, bạn đã góp phần cứu hàng triệu cây xanh mỗi ngày khỏi bị chặt trên toàn cầu, để sản xuất giấy mới.
Chút nghỉ ngơi xanh
Nếu bạn ở Hà Nội, chắc bạn có thể đã nhìn thấy tại một góc ngã tư đông đúc nào đó vào giờ cao điểm, một nhóm bạn trẻ mặc áo 350 giơ cao một tấm biển đề nghị mọi người tắt máy xe khi có đèn đỏ. Sáng kiến “Green Pause” của các TNV 350 tại Hà Nội, không những giúp giảm lượng khí thải vào bầu không khí, cho chiếc xe của bạn nghỉ ngơi một chút, mà còn giúp bạn và tất cả những người xung quanh tại ngã tư đó dễ thở hơn chút.
Mái trắng tường xanh
Sơn mái nhà màu trắng là một sáng kiến chống BĐKH đơn giản mà hiệu quả đang được một số quốc gia như Mỹ, Singapore áp dụng ngày càng nhiều. Cụ thể hơn, các ngôi nhà ở các nước có khí hậu nóng khi mái được sơn màu trắng sẽ giúp làm giảm lượng điện chạy điều hoà, do mái nhà trắng sẽ phản xạ tia sáng mặt trời, giúp giảm nhiệt độ bên trong nhà. Một mái nhà màu trắng có diện tích 10m2 có thể làm giảm 1 tấn CO2 trong một năm. Ngoài ra, bạn hãy trồng các loại cây leo tường, cũng sẽ giúp giảm nhiệt độ trong nhà, hấp thụ CO2.
Còn doanh nghiệp của tôi thì sao?
Tất nhiên là sẽ cũng có hàng trăm việc mà doanh nghiệp của bạn có thể làm để trở thành một thành viên tích cực trong cuộc chiến chống BĐKH, như cái cách mà ngân hàng VPBank (nhà tài trợ chính của chiến dịch năm nay) đã làm: đặt nhiệt độ điều hoà ở 26 độ, tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời và gió tự nhiên trong không gian làm việc, in trên cả hai mặt và dùng giấy tái chế, khuyến khích dùng xe đạp hoặc phương tiện giao thông công cộng khi có thể, phân loại rác (giấy, chai nhựa, vỏ lon) rồi liên hệ các cơ sở tái chế tới thu gom v.v. Và nếu như bạn đang lên kế hoạch cho kỳ nghỉ toàn công ty lần tới, hãy cân nhắc việc biến nó thành một hoạt động trại khí hậu 350. Chắc chắn nhân viên của công ty bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị của một chuyến đi về với thiên nhiên, đồng thời lại giúp được các cộng đồng nghèo bị ảnh hưởng bởi BĐKH.
Hoàng Thị Minh Hồng
Được khởi xướng từ năm 2007 tại Mỹ, chỉ sau bốn năm, chiến dịch 350.org đã thu hút được sự tham gia của 188 quốc gia trên toàn thế giới, với những hoạt động cụ thể, thực tế cho từng địa phương, nhằm giảm phát thải và kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra những chính sách quyết liệt chống BĐKH toàn cầu. Ngày hành động toàn cầu mang tên “Hành tinh chuyển động” ngày 24.9 vừa qua đã thu hút hàng trăm ngàn người ở mọi quốc gia, từ các thủ đô châu Âu đến những quốc đảo nhỏ nhất ở Thái Bình Dương, chưa kể những hoạt động diễn ra thường xuyên trên khắp các châu lục trong nhiều tháng trước đó. |
- Năm 2012 xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm
- Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu
- Chống ngập triều, xâm nhập mặn và ngập lũ tại TPHCM
- Hội nghị về biến đổi khí hậu thêm một lần lỡ hẹn
- Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP-17
- Đằng sau những con đập thủy điện trên sông Mê Kông
- TPHCM: Hàng triệu tấn bùn thải đổ đi đâu?
- Ngôi nhà đa mục tiêu chống biến đổi khí hậu
- Ảnh hưởng của công trình xây dựng đến môi trường
- Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: "ảnh hưởng nhưng không nghiêm trọng" (?)