Ashui.com

Thursday
Jan 23rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Hội nghị về biến đổi khí hậu thêm một lần lỡ hẹn

Hội nghị về biến đổi khí hậu thêm một lần lỡ hẹn

Viết email In

Mặc dù đã được kéo dài thêm gần hai ngày so với kế hoạch ban đầu, nhưng Hội nghị lần thứ 17 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-17) tại Durban (Nam Phi) vẫn không thể đi tới một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý đầy đủ, mạnh mẽ và công bằng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đây là năm thứ ba liên tiếp các nhà lãnh đạo thế giới bỏ lỡ cơ hội, bất chấp một thực tế không thể thay đổi là giai đoạn 1 của Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2012, trong khi những tác động của biến đối khí hậu đã gần chạm ngưỡng không thể đảo ngược.

Nhu cầu phát triển nội tại, sự mâu thuẫn về lợi ích và bất đồng trong việc chia sẻ trách nhiệm cứu Trái Đất là những lý do chính khiến hội nghị COP 17 chỉ đạt được cam kết chính trị yếu ớt, thay vì một thỏa thuận tham vọng để ngăn nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Có thể nói COP 17 là một trong những hội nghị nóng bỏng và gay cấn nhất trong lịch sử các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Sự gay cấn đó thể hiện rõ ngay từ ngày đầu và kéo dài suốt tiến trình thảo luận 14 ngày của hội nghị khi sự bất đồng quan điểm không chỉ được thể hiện giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển, mà còn trong chính nội bộ hai nhóm nước này.

Trong nhóm nước phát triển, mâu thuẫn nổi lên sau khi Nga, Nhật Bản và Canada cùng đồng loạt tuyên bố không tham gia giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto do những khó khăn về tài chính, những đòi hỏi khắt khe của việc cắt giảm khí thải trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp sau khủng hoảng, và quan trọng nhất là thiếu sự góp mặt của những “đại gia khí thải” trên thế giới như Mỹ và 4 thành viên nhóm BRICS, gồm Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc.

Sự thay đổi lập trường của Nga, Nhật Bản và Canada đã đẩy Liên minh châu Âu (EU) vào tình cảnh “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến cắt giảm khí thải toàn cầu. Và đây chính là lý do tại sao EU đã quyết định đưa ra bản đề xuất xây dựng một thỏa thuận ràng buộc mới với sự tham gia của “tất cả các ống khói lớn trên thế giới” từ năm 2015 để làm cơ sở đưa vào thực hiện từ năm 2020.

Ngoài ra, EU cũng là thể chế duy nhất tuyên bố sẵn sàng tham gia giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto theo đúng lộ trình quy định nếu những nước khác cũng thực hiện nghĩa vụ tương tự (tức phải cắt giảm 20% khí thải vào năm 2020 so với mức của năm 1990).

Tuy nhiên, những nỗ lực của EU không đủ để đưa Nga, Nhật Bản và Canada quay lại với "đoàn tàu" chống biến đổi khí hậu. Nó cũng không đủ để kéo 3 ống khói lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ bước lên đoàn tàu chung.

Lý do mà Nga, Nhật Bản và Canada đưa ra là những nỗ lực cắt giảm của họ chỉ như “muối bỏ bể” nếu không có sự tham của những “đại gia khí thải.”

Mỹ, nước phát triển duy nhất không tham gia Nghị định thư Kyoto, cũng đưa ra lập luận tương tự đối với sự vắng bóng của Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước hiện chiếm hơn 50% tổng lượng khí thải toàn cầu mỗi năm.

Thế nhưng, hai nền kinh tế mới nổi hàng đầu châu Á cũng có những lý lẽ riêng của mình khi cho rằng họ không có nghĩa vụ phải gánh vác trách nhiệm lịch sử trong việc cắt giảm khí thải, khi mà chỉ số khí thải bình quân đầu người của hai nước này thấp hơn nhiều so với các nước phát triển và hiện ở mỗi nước đang có hàng chục triệu người phải sống trong cảnh nghèo đói.

Trung Quốc và Ấn Độ khẳng định sẽ không hy sinh mục tiêu phát triển kinh tế để thực hiện các cam kết về cắt giảm khí thải ít nhất cho đến khi kết thúc Nghị định thư Kyoto vào năm 2020 và cần tiếp tục duy trì “bức tường lửa” giữa một bên là các nước phát triển với cam kết cắt giảm khí thải bắt buộc và một bên là những nước còn lại với những cam kết tự nguyện.



Trước sự bế tắc có nguy cơ đẩy hội nghị rơi vào thất bại, Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS), các nước kém phát triển (LDCs), Braxin và nước chủ nhà Nam Phi đã quyết định chọn cách tiếp cận mềm dẻo hơn khi quay sang ủng hộ đề xuất của EU.

Sự hậu thuẫn của 120/194 nước vào những phút chót đã cứu hội nghị Durban trước “một bàn thua trông thấy”, nhưng thực chất đây cũng chỉ là một cam kết chính trị yếu ớt, thể hiện đúng bản chất phức tạp của vấn đề và là kết quả tất yếu của việc các nước đặt lợi ích kinh tế cao hơn ý chí chính trị. “Thành quả hiếm hoi” sau “đêm trắng” cuối cùng của hội nghị là sự nhất trí về một lộ trình thương thảo cho thời kỳ cam kết mới.

Theo đó, thế giới sẽ có 4 năm (2012 – 2015) để thảo luận về khung cam kết mới và 5 năm tiếp theo (2016-2020) để ký thông qua khung pháp lý này trước khi chính thức đưa vào thực hiện sau năm 2020.

Điều này có nghĩa trong thời gian lẽ ra phải là giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto (2013-2020), các nước được tùy cơ định liệu mục tiêu cắt giảm khí thải và không phải chịu bất kỳ sự điều chỉnh nào từ Nghị định thư Kyoto, văn kiện ràng buộc pháp lý duy nhất cho đến nay quy định mục tiêu cắt giảm khí thải của 37 nước công nghiệp.

Nói cách khác, mục tiêu của hội nghị COP 17 là đưa ra thỏa thuận về giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto đã không thành hiện thực, mà thay vào đó là một thỏa thuận về lộ trình xây dựng cam kết hoàn toàn mới.

Thế giới đã phải mất đúng 10 năm để xây dựng Nghị định thư Kyoto và một nửa số thời gian đó để văn kiện này chính thức có hiệu lực. Giờ đây, thế giới có thể cũng sẽ phải mất ngần ấy thời gian để đạt được một khung cam kết hoàn toàn mới.

Thậm chí, có ý kiến quan ngại thời gian đàm phán có thể sẽ còn kéo dài hơn vì bối cảnh nay đã khác trước rất nhiều. Trước đây, khi thảo luận và thông qua Nghị định thư Kyoto, người ta chỉ quan tâm đến nghĩa vụ và trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển.

Nay, các nhà thảo luận phải quan tâm đến cả trách nhiệm và nghĩa vụ của các nền kinh tế mới nổi, đến sự cân bằng và chia sẻ lợi ích trong cuộc chơi chung, và sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế cũng như địa chính trị nhằm tránh đi lại vết xe đổ của Nghị định thư Kyoto như trước đây.

Trong phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch COP -17, Ngoại trưởng Nam Phi Mkoana Mashabane, cũng thừa nhận rằng những thỏa thuận đạt được tại Durban chưa hoàn hảo.

Tuy nhiên, trước sự cấp bách của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, trước một trận tuyến luôn đầy mâu thuẫn, thế giới phải biết học cách “cho và nhận.” Biết hy sinh những lợi ích trước mắt và đón nhận những quan điểm khác biệt để cùng hướng tới mục tiêu lâu dài.

Điều này càng trở nên quan trọng khi thời gian để cứu Trái đất không còn nhiều, không cho phép thế giới lại có thêm một lần lỡ hẹn để rồi phải chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của các thảm họa thiên nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...