Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP-17

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP-17

Durban - thành phố cảng lớn nhất Nam Phi, đang háo hức chờ đợi Hội nghị lần thứ 17 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-17) sẽ diễn ra từ 28/11 đến 9/12/2011, với sự tham gia của các đại biểu đến từ 194 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Theo ban tổ chức, lễ khai mạc sẽ diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc tế thành phố Durban (DICC) với những nét đặc trưng mang đậm bản sắc châu Phi.



Với tư cách nước chủ nhà, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma sẽ có bài phát biểu quan trọng đề cập vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt tại khu vực châu Phi, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng ấm lên của Trái Đất khi mọi việc chưa quá muộn.

Đây là năm đầu tiên châu Phi được Liên hợp quốc lựa chọn là nơi tổ chức hội nghị khí hậu lớn nhất hành tinh, cùng với một biểu tượng đầy ý nghĩa là cây bao báp (bombac) khổng lồ với những cành khô trơ trụi đang vươn những chiếc rễ phủ xanh các sa mạc khô cằn.

Nếu ai từng đến châu Phi, chắc chắn sẽ không thể quên được hình ảnh về một loại cây khổng lồ hàng chục người ôm không xuể vì có chu vi gốc lên tới 22-35m và cao khoảng 50m.

Đây là loại cây có sức sống rất mãnh liệt, xanh tươi quanh năm, ngay cả trên các sa mạc mà thiên nhiên đã ban tặng cho lục địa Đen, một trong những khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu và là nơi được các chuyên gia cảnh báo sẽ phải đối mặt với thảm họa hạn hán nghiêm trọng trong thời gian tới.

Bởi vậy, có thể thấy rằng biểu tượng của COP-17 vừa mang đầy đủ ý nghĩa, vừa là lời cảnh báo sâu sắc đối với toàn thế giới về sự cấp thiết phải chung tay hành động cứu lấy hành tinh xanh.

"Kế thừa" những kết quả không mấy khả quan từ các kỳ hội nghị trước, mà đặc biệt là COP-15 diễn ra ở Đan Mạch năm 2010 và COP-16 ở Mexico năm 2011, các đại biểu tham dự COP-17 sẽ phải đối mặt với bài toán vô cùng nan giải trong việc làm thế nào thu hẹp khoảng cách giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển trong việc thực thi trách nhiệm cắt giảm khí thải nhà kính, cũng như hỗ trợ tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển.

Theo báo cáo thường niên "Thu hẹp khoảng cách" vừa mới được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố, thế giới sẽ khó có thể đạt được mục tiêu kìm hãm sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 2 độ C như khuyến cáo của các nhà khoa học, cho dù có hoàn thành tất cả các mục tiêu cắt giảm khí thải đề ra.

Người đứng đầu nhóm tác giả nghiên cứu, giáo sư Joseph Alcamo cho biết: "Cả thế giới đang phải hứng chịu tác động của tình trạng gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Vì vậy, các quốc gia cần chia sẻ trách nhiệm trong việc thu hẹp khoảng cách về mục tiêu khí thải." Đây cũng là nhận định được đưa ra trong bản báo cáo lần thứ 5 công bố hôm 22/11 của Ủy ban liên chính phủ về biến đối khí hậu (ICCC).

Trong bài phát biểu mới đây về COP-17 và Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto lần thứ 7 (CMP-7), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới cần đẩy nhanh việc xây dựng và thông qua một văn kiện mới thay thế cho giai đoạn I của Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào cuối năm 2012, nhằm giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt và khó dự đoán.

Cũng theo người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh, các bên cần nỗ lực đưa ra cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn như gia tăng hiện tượng khí hậu cực đoan, bất ổn an ninh lương thực, khan hiếm tài nguyên, đe dọa hòa bình khu vực và quốc tế do xung đột nguồn nước và nạn di cư ồ ạt.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không thể được thực hiện đơn lẻ mà phải có sự hợp lực chung toàn cầu, vì sự ổn định của ngôi nhà chung Trái Đất và tương lai của các thế hệ mai sau.

Theo kế hoạch, COP-17 sẽ tập trung thảo luận 5 vấn đề chính, liên quan đến lộ trình thực thi các thỏa thuận đã đạt được tại hai hội nghị trước cũng như hội nghị lần này; việc xây dựng văn kiện ràng buộc pháp lý mới thay thế giai đoạn I của Nghị định thư Kyoto; xác định rõ trách nhiệm tài chính và nghĩa vụ cắt giảm khí thải của các nước phát triển và một số nước mới nổi có lượng khí thải lớn; tìm ra cơ chế phối hợp thực hiện các biện pháp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu; và cuối cùng là đảm bảo sự gắn kết của các thỏa thuận với nguyên tắc lợi ích chung của các bên và cộng đồng quốc tế.

Tất nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn đe dọa có thể cuốn các nền kinh tế vào một vòng xoáy suy thoái mới, COP-17 chắc chắn sẽ vấp phải không ít khó khăn.

Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo và người dân thế giới vẫn không từ bỏ hy vọng rằng COP-17 sẽ trở thành con tàu phá tan những tảng băng lớn đang ngăn cản nỗ lực chung chống tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu./.

Mạnh Hùng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm