Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen: Hy vọng và chờ đợi

Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen: Hy vọng và chờ đợi

Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, diễn ra từ 7-18/12 tại Copenhagen (Đan Mạch) là sự kiện quan trọng được dư luận quốc tế trông đợi từ lâu.

Mục đích lớn nhất của hội nghị này là cho ra đời một thỏa thuận khung toàn cầu về vấn đề khí thải cácbon điôxít (CO2), gây hiệu ứng nhà kính để thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012.

Một quan chức cấp cao không nêu tên nhận định: “Các nhà lãnh đạo sẽ không muốn ra về tay không”.

Trên thực tế, cũng giống như các cuộc đàm phán toàn cầu khác, cuộc đàm phán về vấn đề biến đổi khí hậu đã có nhiều thay đổi vào thời điểm cuối. Ông Yvo de Boer, quan chức phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cho biết đã có nhiều tiến triển trong hai tuần vừa qua, và mọi việc dường như đang đi gần tới đích.

Một loạt tuyên bố của nhiều quốc gia trong mấy tuần qua cho thấy các nội dung cơ bản của thỏa thuận, được các bên đàm phán trong suốt hai năm qua, đã gần ngã ngũ.

Các nước phát triển đồng ý sẽ cắt giảm đáng kể lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2020, trong khi các nước đang phát triển sẽ hạn chế tốc độ gia tăng loại khí thải, là thủ phạm chính của tình trạng nóng lên toàn cầu này.

Ngay trước thềm hội nghị Copenhagen, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc, ba nước phát thải lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, là ba nước cuối cùng, lần lượt công bố mục tiêu cắt giảm mạnh lượng khí CO2.

Trước đó, các nước đang phát triển có tiềm năng kinh tế lớn, như Brazil, Indonesia, Mexico đã đưa ra cam kết cắt giảm khí thải, sau khi Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và nhiều nước khác đã nhất trí từ lâu.

  • Ảnh bên : Khai mạc Hội nghị COP15 (nguồn:Scanpix/AFP)

Các nhà phân tích cho rằng các cam kết này đang đưa thế giới tới rất gần mức cắt giảm cần thiết để có thể tránh khỏi những thảm họa do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

Tuy nhiên, để nhận định này không bị coi là quá lạc quan, các nhà lãnh đạo thế giới cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo các cam kết ấy được đưa ra một cách chính thức nhất và được bảo đảm ở mức cao nhất.

Về phía Mỹ, nước phát thải nhiều nhất lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song những thay đổi gần đây trong chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama so với cựu Tổng thống George Bush về vấn đề cắt giảm khí CO2, được cộng đồng quốc tế đánh giá là bước đi tích cực.

Tuy nhiên, mục tiêu do Washington đặt ra từ nay đến năm 2020 cắt giảm 17% lượng khí CO2 so với năm 2005 đã khiến nhiều nước thất vọng.

Theo Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Sakihito Ozawa, mục tiêu này "rất chưa thỏa đáng", bởi từ nay đến năm 2020, nước này chỉ cắt giảm gần 3% lượng khí thải so với năm 1990, trong khi Nhật Bản đã cam kết cắt giảm vô điều kiện tới 25%.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng mục tiêu cắt giảm khí thải của Mỹ mang tính thực tế cao do trong bối cảnh hiện nay, phục hồi kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Obama.

Hơn nữa, việc Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn Hiệp ước An ninh và Năng lượng sạch (ACES) (trong đó đề xuất cắt giảm 17% lượng khí CO2 vào năm 2020 so với năm 2005), nhưng lại đang bị “mắc cạn” tại Thượng viện, cho thấy ông Obama khó có thể đưa ra mục tiêu tham vọng hơn.

Còn nữa, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định sẽ tham dự phiên họp cuối cùng của hội nghị đã khiến giới quan sát tin tưởng vào thành công của diễn đàn này khi một thỏa thuận "có sức nặng" rất có khả năng sẽ được thông qua.

Khác với Mỹ, Trung Quốc dường như đang cố gắng gây ấn tượng với thế giới, khi tuyên bố vào năm 2020 sẽ cắt giảm từ 40% đến 45% lượng khí thải CO2 so với năm 2005.

  • Ảnh bên : Scanpix/Reuters

Thế nhưng, nếu lưu ý một thực tế rằng theo tính toán của các nhà khoa học, trong giai đoạn 2005 đến 2020, với mức dự báo tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 8%/năm, thì GDP của Trung Quốc sẽ tăng gấp 3 lần. Điều này đồng nghĩa với việc lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nước này sẽ tăng gấp đôi, vì vậy mức cắt giảm mà Bắc Kinh cam kết vẫn thấp hơn mong đợi của cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng việc cắt giảm khí thải CO2 là một "hành động tự nguyện trên cơ sở tình hình cụ thể của Trung Quốc", chứng tỏ Bắc Kinh vẫn e ngại khi phải tham gia các thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý về vấn đề cắt giảm khí thải trên thế giới.

Ấn Độ với 1,2 tỷ dân, là nước có “đóng góp” lớn vào việc làm ô nhiễm môi trường thế giới, cũng cam kết đến năm 2020 sẽ cắt giảm từ 20-25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2005.

Tuy nhiên, New Delhi cũng đưa ra điều kiện kèm theo “nếu được cộng đồng quốc tế ủng hộ”, ngầm ám chỉ phải được các nước công nghiệp phát triển hỗ trợ tài chính và công nghệ, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu cắt giảm này là tự nguyện và không bắt buộc.

Mặc dù cam kết của ba “cường quốc” thải khí CO2 không được như mong đợi, song đó sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị Copenhagen lần này tập trung vào việc xây dựng một thoả thuận khung chống biến đổi khí hậu toàn cầu thay thế Nghị định thư Kyoto.

Tuy nhiên, trên thực tế, một loạt bất đồng chưa được giải quyết, trong đó vấn đề gai góc nhất là trợ giúp tài chính của các nước giàu, giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, khiến các nước này khó có thể thực hiện được những gì đã thỏa thuận.

May thay, với việc Liên hợp quốc mới đây quyết định các nước giàu phải đưa ra một cam kết chung (giúp các nước nghèo trong cuộc chiến đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu), thay vì cam kết riêng lẻ, đã giúp đơn giản hóa vấn đề rất nhiều.

Theo Liên hợp quốc, số tiền này nên tăng dần và đạt tới 100 tỷ USD vào năm 2020. Chưa hết, Liên hợp quốc còn yêu cầu các nước giàu phải có những cam kết tài trợ ngắn hạn cụ thể, ít nhất là 10 tỷ USD/năm trong vòng 3 năm tới, và được biết Mỹ dường như đã sẵn sàng cấp 1,4 tỷ USD, trong khi Anh đã hứa sẽ tài trợ 1,3 tỷ USD nữa để chống lại tình trạng Trái Đất đang nóng lên từng ngày.

Nếu các con số này được cam kết chính thức tại Copenhagen và số tiền tài trợ dài hạn được ràng buộc bằng những văn bản cụ thể, hy vọng nhân loại sẽ được sống trong môi trường trong lành hơn từ sau Hội nghị Copenhagen là điều hoàn toàn có cơ sở./.

>> COP 15 - vì sao mình hờ hững? 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm