Ashui.com

Saturday
Oct 26th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn xuyên suốt

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn xuyên suốt

Viết email In

Kinh tế phát triển năng động, đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế. Đồng Nai phát triển theo mô hình bền vững sử dụng năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế số; phát triển kinh tế tuần hoàn xuyên suốt, đồng bộ các ngành. Thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Đó là định hướng phát triển quan trọng được xác định trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp


Theo kế hoạch tháng 9/2026 khi “siêu dự án” sân bay quốc tế Long Thành đi vào khai thác sẽ tạo động lực thúc đẩy lớn cho tỉnh Đồng Nai phát triển đột phá. (Ảnh: Nguyễn Đức /Ashui.com)

Về mục tiêu tổng quát, Quy hoạch tỉnh xác định: đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Xây dựng các khu công nghiệp xanh

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai xác định 5 đột phá phát triển. Đó là (i) Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay. (ii) Hoàn thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD).

(iii) Xây dựng các khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các Khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải cac-bon. Tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. (iv) Xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho Vùng Đông Nam Bộ. (v) Triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp, tập trung phát triển: các khu đô thị - du lịch - dịch vụ kề cận sân bay Long Thành; khu đô thị - du lịch núi Chứa Chan, hồ Núi Le; chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai (ưu tiên khu vực thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch).


Nhà máy của Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hoà ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất.
(Ảnh: Thu Nga)

Thực hiện mục tiêu Net Zero

Căn cứ chủ trương, định hướng của Trung ương và trên cơ sở khả năng khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, tỉnh lựa chọn 5 nhóm ngành kinh tế quan trọng làm trụ cột phát triển, gồm:(i) Trung tâm công nghiệp & dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại: phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành/Khu công nghệ cao; các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp đa dạng; Trung tâm thử nghiệm, R&D, vườn ươm khởi nghiệp, đào tạo nghề chất lượng cao. (ii) Thành phố sân bay –trung tâm hội nhập quốc tế: phát triển Trung tâm logistics quốc tế; Khu mậu dịch tự do sân bay, trung tâm hội nghị, triển lãm, xúc tiến thương mại quốc tế; Tổ hợp đô thị sân bay hiện đại; Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, giáo dục của vùng Đông Nam Bộ. (iii) Phát triển du lịch đô thị dịch vụ: Đồng Nai là điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái; Chuỗi đô thị dịch vụ ven núi, ven sông, ven hồ đẳng cấp tích hợp các dịch vụ hàng đầu; Quần thể văn hóa, giải trí, thể thao; (iv) Nông nghiệp hiệu quả cao & bền vững: Đồng Nai sẽ thành trung tâm trồng trọt rau củ & cây ăn quả của vùng Đông Nam Bộ; Quần thể vườn cây dược liệu, hoa, cây cảnh giá trị cao; mô hình chăn nuôi gia súc & gia cầm hiện đại, khép kín & hiệu quả cao. (v) Phát triển bền vững theo hướng phát triển và sử dụng năng lượng xanh: Đồng Nai phát triển theo mô hình bền vững sử dụng năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế số; phát triển kinh tế tuần hoàn xuyên suốt, đồng bộ các ngành. Thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050.


Khu đô thị sinh thái du lịch tại huyện Nhơn Trạch.
(Ảnh: N.Liên)

Bảo Phương

(Đại biểu Nhân dân)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo