Với Nghị quyết 26, khóa X của Đảng, lần đầu tiên Việt Nam có một văn kiện khẳng định phát triển nông nghiệp, và xây dựng nông thôn mới có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Vậy sau gần hai năm thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta đang gặp những vướng mắc gì?
Qui hoạch: Hiện nay, chúng ta thiếu chiến lược phát triển nông thôn và qui hoạch cấp vùng, do vậy sự liên kết kinh tế, giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp và dịch vụ với nông nghiệp trong không gian vùng không có định hướng rõ ràng; đồng thời cần qui hoạch mạng lưới cụm nông công nghiệp hiện đại (cluster) làm động lực cho phát triển nông nghiệp tại các vùng, ở đó cần có những vùng sản xuất nông nghiệp quản lí hiện đại, sản xuất có quản lí tốt kết nối với công nghiệp, dịch vụ, thị trường.
Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện chỉ ở cấp xã. Vì vậy việc qui hoạch nông thôn mới cấp xã, hiện nay đang đồng loạt làm ở nhiều địa phương, gây ra khan hiếm tư vấn, có nhiều tư vấn kém chất lượng, nhiều tư vấn chỉ chuyên ngành thực hiện trợ giúp các xã mà đôi khi cũng không hiểu rằng qui hoạch xây dựng nông thôn mới, khác với qui hoạch chuyên ngành bởi vì nó bao hàm tính chất tổng thể, thể hiện cả chiến lược phát triển nông thôn của xã đó, mà đôi khi từng nhà tư vấn còn thiếu hụt.
- Ảnh bên: xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã Tân Trào - huyện Kiến Thụy - Hải Phòng (Ảnh: Duy Lân)
Thể chế nông thôn: Xây dựng nông thôn mới, cần thiết xây dựng được thể chế mới ở nông thôn, qui định luật chơi mới trong nông thôn giữa các cộng đồng dân cư, giữa các cộng đồng nghề nghiệp, giữa Nhà nước và cộng đồng, giữa Nhà nước và tư nhân, vai trò của hệ thống dịch vụ công. Những nội dung này, được đề cập trong Nghị quyết 26, nhưng đến thời điểm hiện nay ít được thực hiện trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu của Chương trình: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thực tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát , triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. |
Khi chúng ta xây dựng được thể chế mới trong nông thôn, thì xây dựng nông thôn mới không là chương trình dự án của Nhà nước, mà là một quá trình xã hội, do các tác nhân nông thôn tự đầu tư, hành động theo định hướng, điều phối của Nhà nước. Vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, hộ nông dân cần được coi trọng và được thể chế hóa trong các văn bản chính sách, pháp luật.
Huy động vốn đầu tư: Chương trình xây dựng nông thôn mới, là một chương trình khung xây dựng định hướng, nền tảng cho toàn bộ xã hội, các chương trình đầu tư của Nhà nước, dân cư, doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển nông thôn. Nhưng hiện nay, phần lớn hoạt động xây dựng nông thôn mới ở các địa phương vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn Nhà nước, chưa tạo được một động lực đầu tư của nhân dân, toàn xã hội. Nguyên nhân chính của tình trạng này là chúng ta chưa tạo ra một môi trường an toàn đầu tư trong nông nghiệp nông thôn, nhất là về qui hoạch tổng thể, sử dụng đất, hạ tầng. Không một doanh nghiệp, hộ nông dân nào nghĩ đến đầu tư dài hạn, nếu vùng nguyên liệu luôn được qui hoạch thay đổi, chính sách hỗ trợ qui hoạch của Nhà nước không rõ ràng.
Nâng cao năng lực cư dân nông thôn: Là một trong những nhu cầu cấp thiết không chỉ cho sự phát triển của nông nghiệp, nông dân mà có sự quan hệ mật thiết với nhu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa dịch vụ, hiện đại hóa nông nghiệp. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần đào tạo để cho một bộ phận lớn dân cư sẽ rời khỏi nông nghiệp, rời nông thôn ra đô thị sinh sống, mặt khác, xây dựng đội ngũ nông dân trẻ, có trình độ đủ sức làm chủ nền nông nghiệp hiện đại cả về công nghệ và quản lí.
Cần thống nhất nhận thức một cách sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Có thể nói đây là một chương trình nhằm cụ thể hóa một nội dung rất cơ bản, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Đó không phải là một dự án đầu tư xây dựng hạ tầng mà là một chương trình phát triển tổng hợp, cả về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, là chương trình cả Đảng và Nhà nước cùng chăm lo phát triển đời sống của nhân dân trên địa bàn nông thôn, hay nói cách khác là chăm lo cho 70% dân số của đất nước. |
Việc cấp thiết hiện nay là đổi mới hình thức tổ chức đào tạo. Nhà nước nên xây dựng một mạng lưới các cơ sở sản xuất, trang trại, dịch vụ tại các thành phố, vùng trong cả nước để họ trở thành mạng lưới liên kết đào tạo. Một thanh niên nông thôn có thể có một thẻ tín dụng đào tạo, anh ta có thể đăng kí học nghề trong các cơ sở sản xuất trong mạng lưới cấp phép, sau đó chính các cơ sở sản xuất sẽ thẩm định trên cơ sở liên kết với trường nghề (Nhà nước, tư nhân) để cấp chứng chỉ nghề. Nguồn ngân sách đào tạo, nên để mở cho đấu thầu tự do cho những cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo nghề. Các sở lao động thương binh xã hội, sở giáo dục, làm nhiệm vụ giám sát, đánh giá hơn là tự tổ chức thực hiện như hiện nay.
Vai trò khoa học công nghệ: Khi xây dựng nông thôn mới, khó nhất, như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã nhiều lần chỉ đạo, đó là cách làm, phương pháp làm. Do đó, có thể thấy, vai trò của các nhà nghiên cứu trong việc thử nghiệm, nghiên cứu, xây dựng các phương pháp, cách làm. Trong thời gian vừa qua, sự đóng góp của các cơ quan nghiên cứu, viện nghiên cứu cho các vấn đề đặt ra của Nghị quyết 26 Tam nông về xây dựng nông thôn mới, còn chưa tương xứng. Có thể các nhà nghiên cứu chưa thực sự hiểu đầy đủ tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới, thực hiện nghiên cứu đôi khi ít quan tâm đến định hướng chính sách của Nhà nước, nhu cầu thị trường, nhu cầu của xã hội. Cũng có thể, do nguồn kinh phí dành cho các dự án, đề tài về xây dựng nông thôn mới còn eo hẹp.
Vai trò các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài: Chúng ta cần đưa các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài vào tham gia nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo cán bộ, đầu tư theo định hướng của các địa phương, Trung ương trong xây dựng nông thôn mới. Bộ NN & PTNT phối hợp với FAO và các tổ chức Liên Hiệp Quốc tổ chức diễn đàn quốc tế xây dựng nông thôn mới vào hai ngày 9 và 10/11. Hy vọng rằng, với sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh, Bộ ngành, các tổ chức quốc tế, chúng ta sẽ xác định được những bài học kinh nghiệm quốc tế, những vấn đề hợp tác cần thiết.
***
Có thể nói, xây dựng nông thôn mới là một quá trình kinh tế xã hội, nhằm tạo ra những giá trị mới về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường phù hợp với nhu cầu xã hội trong thời kì công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Xây dựng nông thôn mới thành công, cần sự quyết tâm chính trị ở mức cao nhất của Đảng và Nhà nước, và sự làm chủ thực sự cũng ở mức cao nhất của mọi tầng lớp trong nông thôn và toàn xã hội.
Vũ Trọng Bình
- Giải bài toán sử dụng đất vàng như thế nào?
- Dự án, món hàng xin - cho: ai cũng mê!
- Các bộ trưởng đăng đàn về vấn đề ùn tắc giao thông
- Giảm ùn tắc giao thông: mới chỉ khuấy động dư luận
- Tâm và tầm, được và mất
- Bản chất và lịch sử tiến hóa karst Hạ Long
- 5 giải pháp giảm ùn tắc giao thông của nguyên bộ trưởng Lê Doãn Hợp
- Kết nối quy hoạch với quản lý đô thị
- Giao thông và những toan tính tiểu nông
- Đô thị vệ tinh, nhìn lại từ khái niệm đến luận chứng