Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Góc nhìn Phòng, chống sạt lở ở ĐBSCL: Lở đâu, chạy đó!

Phòng, chống sạt lở ở ĐBSCL: Lở đâu, chạy đó!

Viết email In

Sạt lở ở ĐBSCL diễn ra ở các khu dân cư, công trình ven sông, bờ kè, đường giao thông, cầu cống, các tuyến đê biển, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài đối phó theo cách “sạt lở đâu, chạy đó”, các địa phương vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

Sạt lở ngày càng nhiều

Vụ sạt lở gần đây nhất gây xôn xao dư luận xảy ra ở bờ sông Hậu, phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, An Giang. Một vạt đất dài hơn 120m, ăn sâu vào bờ gần 30m đã lọt tõm xuống sông, cuốn theo 6 nhà dân và một nhà máy nước đá; hàng chục hộ dân di dời khẩn cấp. Cơ quan chức năng phải định vị, cắm mốc, gắn biển cảnh báo khu vực sạt lở trong phạm vi có chiều dài dọc bờ sông Hậu 400m. UBND tỉnh An Giang thuê tư vấn khảo sát lập hồ sơ thiết kế và chọn nhà thầu sớm tổ chức thi công lấp ngay các hố xoáy, nhằm ngăn chặn hiện tượng sạt lở… Vậy là không chỉ tốn tiền của thiệt hại mà chính quyền địa phương phải tốn ngân sách ngăn chặn sạt lở. Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương như Cà Mau, Cần Thơ…

  • Ảnh bên: Số tiền khắc phục vụ sạt lở cầu Trà Niền, Cần Thơ năm 2010 lên đến 36 tỷ đồng. 

Cầu Trà Niền, Cần Thơ bị sạt lở cách nay hơn 2 năm (ngày 6/3/2010), kéo theo 5 căn nhà trôi xuống sông làm 2 người chết nhưng đến nay những tổn thất của nó mới được “định vị”. Sau hơn 2 năm bị bỏ hoang, mới đây chính quyền TP Cần Thơ cùng với các đơn vị liên quan mới tìm được giải pháp khắc phục “tạm” dự án cầu Trà Niền với số tiền 36 tỷ đồng, gần bằng với tổng vốn đầu tư ban đầu (khoảng 40 tỷ đồng). Trước khi triển khai công trình cầu Trà Niền, người dân và nhiều chuyên gia đã cảnh báo vị trí xây cầu sẽ có nguy cơ sạt lở làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, bởi nền đất yếu, lòng sông khu vực này thường xuyên xảy ra sạt lở, vị trí xây cầu lại sát mé sông nhưng các cấp chính quyền vẫn bỏ ngoài tai.

Hiện nay, sạt lở diễn ra ở hầu hết các địa phương làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, gây thiệt hại nặng nề tính mạng và tài sản của người dân. Thống kê của các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu cho thấy: Có 18 khu vực sạt lở với tốc độ 10m/năm, 37 khu vực sạt lở 5 - 10m/năm và 26 khu vực sạt lở với tốc độ nhỏ hơn 5m/năm. Hầu hết các địa phương đều có hệ thống sông rạch sạt lở. Trong đó, 3 vùng điển hình là vùng chịu ảnh hưởng thủy triều là chính, vùng chịu ảnh hưởng của cả triều và dòng chảy thượng nguồn, vùng chịu ảnh hưởng chủ yếu của thượng nguồn.

Cà Mau là vùng đặc trưng sạt lở ảnh hưởng thủy triều với 48 vị trí sạt lở bờ ở sông Gành Hào, Cửa Lớn, cửa Bồ Đề, Sông Đốc; các huyện phía Tây tỉnh Tiền Giang là vùng đặc trưng ảnh hưởng của thủy triều và dòng chảy từ thượng nguồn. Theo thống kê trên toàn hệ thống sông rạch ở vùng này, có 40 khu vực xảy ra hiện tượng sạt lở. Sạt lở thường xảy ra mạnh tại các vị trí bờ lõm của các đoạn sông cong, ngã ba sông điển hình như sông Cái Cối, Trà Lọt, rạch Ba Rài, Trà Tân…

Trong khi đó, Đồng Tháp là vùng đặc trưng sạt lở do ảnh hưởng của thượng nguồn. Điều tra thực địa và tổng hợp của chi cục thủy lợi địa phương cho thấy, khá nhiều tuyến kênh rạch ở Đồng Tháp xảy ra hiện tượng sạt lở. Khu vực sạt lở chủ yếu ở đoạn sông cong, có trục động lực ép sát bờ. Các tuyến kênh, rạch là trục giao thông thủy cũng thường xuyên bị sạt lở do tác động của sóng từ các loại tàu thuyền lưu thông trong khu vực.

Tìm giải pháp 

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, kênh rạch có thể phân thành 2 khu vực: các sông chịu ảnh hưởng chủ yếu của thượng nguồn (sông Tiền, sông Hậu) và khu vực các sông kênh rạch chịu ảnh hưởng chủ yếu của thủy triều. Dòng chảy thượng nguồn, đặc biệt là dòng chảy lũ có vận tốc lớn hơn nhiều so với sức chịu của bùn cát lòng sông. Sạt lở sẽ gia tăng do thiếu hụt bùn cát trong lòng dẫn.

  • Ảnh bên: Sạt lở đang cuốn hàng trăm ngôi nhà ở ĐBSCL xuống sông trong những năm gần đây (Ảnh: Cao Phong)

Giải pháp được các nhà khoa học đưa ra hiện nay là thiết lập quy hoạch chỉnh trị hệ thống sông ở ĐBSCL và các kênh rạch. Nghiên cứu ứng dụng các công trình chủ động điều chỉnh phân lưu lượng hợp lý ở các đoạn sông để giảm thiểu sạt lở, nghiên cứu giải pháp hợp lý chống sạt lở các kênh rạch giao thông chính trong vùng. An Giang hiện có 52 khu vực bờ sông có nguy cơ sạt lở cao. Đáng lo nhất là 4,3km bờ sông Hậu đi qua TP Long Xuyên, An Giang. Để giữ 4,3km bờ sông này, Sở TN-MT tỉnh An Giang kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt dự án chỉnh trị dòng chảy tuyến sông Hậu khu vực TP Long Xuyên với kinh phí khoảng 2.400 tỷ đồng.

Nếu các địa phương trong vùng đều có dự án chỉnh trị dòng chảy như An Giang, chắc hẳn phải cần đến vài chục ngàn tỷ đồng. Đây là phương án khó có thể thực hiện trên diện rộng cùng lúc ở ĐBSCL. Chính vì vậy, chuyện khảo sát thường xuyên, dự báo sạt lở kịp thời ở các khu vực trọng điểm là rất cần thiết. Các nhà khoa học khuyến cáo: Đối với những khu vực có nguy cơ sạt lở lớn, tốc độ sạt lở cao (nhất là khu vực có báo động cấp 2), các địa phương cần có kế hoạch để từng bước sơ tán toàn bộ tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.

Các công trình đã xây dựng, lấn chiếm ven sông, nhất là với các công trình lấn ra lòng sông, cản dòng chảy, tải trọng lớn trên bờ sông cần đề ra kế hoạch tháo dỡ kịp thời. Nghiêm cấm xây dựng các loại nhà cửa, công trình tạm trong phạm vi 20-30m tính từ mép bờ sông khi chưa có quy hoạch công trình bảo vệ bờ. Các nhà khoa học cũng đề xuất, giải pháp chống sạt lở vùng ven biển là kết hợp giữa giải pháp cứng và nhóm giải pháp mềm. Cụ thể là giải pháp công trình giảm sóng gây bồi kết hợp trồng rừng ngập mặn.

Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, biến động hình thái dải ven biển từ TPHCM đến Kiên Giang hết sức phức tạp. Ở một số khu vực như bờ biển Gò Công (Tiền Giang), Thạnh Phú (Bến Tre), Hiệp Thành (Trà Vinh), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) sạt lở diễn ra khá nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của các tuyến đê biển vốn được xem là lá chắn hữu hiệu trước những tác động bất lợi từ biển.

Đáng chú ý là khu vực bờ biển huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) giới hạn bởi 2 cửa sông Soài Rạp và cửa Tiểu có chiều dài khoảng 17km. Trong khoảng thời gian từ năm 1965 - 2010, sạt lở xảy ra trên hầu hết đoạn bờ biển này, tốc độ sạt lở 10 - 30m/năm tùy theo vị trí, mức độ sạt lở càng nhanh hơn trong thời gian gần đây. Hệ quả là rừng phòng hộ trước tuyến đê biển đã bị thu hẹp dần, trong đó 3km thuộc khu vực xã Tân Thành rừng đã hoàn toàn biến mất, biển đã xâm thực vào đến tận chân đê.

Cao Phong


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo