Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Góc nhìn Bảo tồn từ... kiến trúc lòng dân

Bảo tồn từ... kiến trúc lòng dân

Viết email In

Tháng trước, UBND TP.HCM cơ bản đồng ý với đề án “Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn” do sở Quy hoạch – Kiến trúc trình. Ban đầu, bản đề án xác định ba khu vực chính tạo ra điểm nhấn (và cũng để thí điểm bảo tồn) ở phố cổ Chợ Lớn, gồm: khu 4,2ha giữa các tuyến đường Tháp Mười – Lê Tấn Kế – kênh Hàng Bàng – Bãi Sậy – kênh Hàng Bàng – Trần Bình; khu 4,6ha giữa các tuyến đường Phù Đổng Thiên Vương – Nguyễn Trãi – Lương Nhữ Học – Trần Hưng Đạo và khoảng 5,2ha được giới hạn bởi các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông – Vạn Kiếp – đại lộ Võ Văn Kiệt.


Mặt tiền nhà phố trên đường Hải Thượng Lãn Ông.

Chợ Lớn có lịch sử lâu đời, gắn với đời sống sinh hoạt thương mại, cộng đồng, văn hoá tâm linh của người Hoa. Là nơi giao thoa văn hoá Hoa – Việt. Chùa, đình, hội quán, chợ, nhà cửa, đường sá, kênh rạch… ở đây đều mang đậm dấu ấn lịch sử của một trung tâm thương mại, lớn nhất Sài Gòn thuở ban đầu và được tiếp biến linh hoạt trong tiến trình lịch sử. Cho nên, theo bản đề án, việc trùng tu và quy hoạch kiến trúc nhất định phải đi đôi với bảo tồn cho được thứ “kiến trúc tinh thần”, hồn vía của nơi chốn, tức là đời sống, nếp sống con người bản địa.

Theo ý kiến của đơn vị tư vấn bảo tồn – công ty tư vấn DCU (Tây Ban Nha) thì việc thực hiện dự án sẽ tạo ra sản phẩm là một khu phố cổ có xu hướng “mở” chứ không khép kín, tư duy hoài niệm. Nghĩa là, bảo tồn phải hài hoà với phát triển. Một cuộc điều tra nguyện vọng của người dân được tổ chức. Hầu hết người dân đều mong muốn không gian sống được chỉnh trang, họ lạc quan vào tiềm năng phát triển du lịch sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho Chợ Lớn trong tương lai. Nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn lo ngại dự án treo và đời sống kinh doanh làm ăn bị xáo trộn.

Đây là vấn đề khó khăn nhất của việc bảo tồn và cải tạo không gian di sản kiến trúc cổ của không riêng gì Chợ Lớn, mà với cả những di sản phố cổ ở các nước có công nghệ bảo tồn kiến trúc phát triển, một khi dân số bản địa trở nên quá tải và việc quy hoạch kiến trúc không được theo dõi, định hướng chặt chẽ và khoa học trước đó. KTS Nguyễn Trường Lưu (phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM, thành viên hội đồng thẩm định đề án này) bày tỏ quan điểm trên tờ Sài Gòn Tiếp thị: “Bảo tồn là cần thiết, nhưng bảo tồn phải đảm bảo mục đích phát triển. Một đô thị phát triển bền vững, hài hoà phải có quá khứ, hiện tại và tương lai”. Ông nói thêm: “bảo tồn thế nào thì bảo tồn, mục đích cuối cùng vẫn phải vì cuộc sống của người dân nơi đây”.


Hội Quán Hà Chương lọt thỏm trong không gian kiến trúc hiện đại.

Trong khi đó, giữa tháng 7 vừa qua, HĐND thành phố cũng đã thông qua quy hoạch phát triển văn hoá Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Điều đáng chú ý trong những dự án này là thông tin tám năm nữa, Hà Nội sẽ chuyển 70% cư dân sống trong khu phố cổ ra các khu đô thị mới. Cuộc “can thiệp giảm tải”, “sắp xếp lại” này xem ra sẽ chạm trực tiếp đến lợi ích của người dân đang sinh sống, buôn bán trong khu vực phố cổ. Phố cổ chật chội, thậm chí, hỗn loạn, mất vệ sinh, chất lượng sống của cư dân trong những ngõ nhỏ phố nhỏ không đảm bảo, không gian kiến trúc cổ bị xâm phạm tuỳ tiện… là chuyện ai cũng biết. Nhưng việc chính quyền “ra tay” sắp xếp lại sao cho khoa học, thể hiện sự tôn trọng văn hoá kiến trúc, xem ra là việc rất khó trong một sớm một chiều nếu thiếu vắng một tiến trình chuẩn bị cần thiết. Tiến trình đó nằm trong tư duy chiến lược bảo tồn những giá trị không gian sống của di sản bền vững, lâu dài của thủ đô, ở đó, phải xác định tinh thần người dân là chủ thể của di sản. Nếu thiếu quá trình chuẩn bị và sắp xếp, thiếu tư duy quy hoạch lâu dài, mọi dự án bảo tồn được thực hiện theo kiểu nhất thời kiểu “đánh xong cuốn gói để mặc”, chắc chắn sẽ phản tác dụng, duy ý chí, không hiệu quả.

Một gợi ý rất hay cho việc bảo tồn đúng nghĩa di sản kiến trúc phố cổ tại Việt Nam đó chính là câu chuyện của Hội An. Trong rất nhiều nguyên nhân làm cho Hội An đến nay vẫn là khu đô thị cổ làm tốt việc bảo tồn đó chính là tầm nhìn của nhà quy hoạch nói riêng và nhà nước địa phương nói chung. Tầm nhìn đó được xây dựng, truyền trao trong xuyên suốt quá trình lịch sử. Và quan trọng là, ở đó, có một thiết chế văn hoá dân sự, đặt người dân là trung tâm của di sản. Quyền lợi tinh thần và vật chất của người dân với di sản sẽ là nguồn tài nguyên quý giá, tạo ra thứ “kiến trúc” bền vững nhất. Người dân gắn bó với di sản vì đó là không khí mà họ không thể thiếu; là đời sống, nếp sống; là ứng xử rất đỗi tự nhiên của họ. Điều này làm cho việc bảo tồn, chỉnh trang nếu được phát động diễn ra, cũng rất nhẹ nhàng và thuận lợi vì được sự tin tưởng, hưởng ứng, chia sẻ của dân và hiệu quả của việc bảo tồn sẽ đảm bảo về độ bền vững.


Mặt tiền một ngôi nhà ở phố cổ Chợ Lớn.

Ngược lại, những giải pháp nhất thời và duy ý chí sẽ rất nặng nề. Nếu có đủ sức mạnh áp đặt để thực hiện, thì cũng sẽ dễ dàng làm tổn thương bầu khí quyển văn hoá được tạo dựng bởi đời sống của những chủ thể kiến trúc. Sản phẩm của di sản bảo tồn trong trường hợp này sẽ bị “đóng gói” thành một mô hình kiểng, không hơn không kém.

Trở lại câu chuyện bảo tồn và cải tạo phố cổ Chợ Lớn, Sài Gòn. Một động thái cần thiết mà những người chủ trương dự án thực hiện mà người dân được thấy, chính là “trưng cầu dân ý”. Dĩ nhiên, còn nhiều việc phải làm tiếp theo trong quá trình thực thi dự án. Song, bước đầu, bên cạnh sự đảm bảo về tính chuyên môn, thì đó là cách biểu thị sự tôn trọng người dân và cũng đánh thức ý thức làm chủ di sản nơi họ, để ý nghĩa bảo tồn không chỉ dừng lại trên vật thể, mà sâu xa, là trong lòng người, trong văn hoá, tinh thần bản địa.

Nguyễn Vĩnh Nguyên - Ảnh: Nguyễn Đình

TS Nguyễn Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm Nghiên cứu kiến trúc sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM:

Khi ý tưởng bảo tồn khu Chợ Lớn được triển khai thành dự án thì người dân trong khu bảo tồn sẽ không được xây cao hoặc cơi nới rộng hơn so với hiện tại. Trường hợp xây dựng mới cũng phải có kiến trúc hài hoà, đồng bộ với cả khu phố. Trong phạm vi bán kính 50m quanh các di sản quan trọng, nhà dân sẽ bị hạn chế tầng cao, không được sử dụng bảng quảng cáo to che khuất công trình, người dân không được cải tạo nhà bằng những loại vật liệu không phù hợp...

Đổi lại, việc cải tạo cảnh quan cùng với bảo tồn những di sản văn hoá vô hình và hữu hình của khu vực sẽ kéo du khách đến đông và người dân kinh doanh, buôn bán thuận lợi hơn, nhất là những khu phố dành đi bộ. Người dân sẽ được hưởng môi trường sống tốt, không bị ô nhiễm, có nhiều không gian công cộng. Giá trị nhà đất trong khu vực này sẽ tăng lên nhờ giá trị đô thị tăng.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ có nhiều chính sách để hỗ trợ người dân như: hỗ trợ tiền để phục hồi và cải tạo, miễn thuế kinh doanh hoặc cho vay ưu đãi.

Bà Huỳnh Thị Thảo, chủ tịch UBND quận 5 cho rằng:

Dự án khi triển khai trên thực tế cần thận trọng vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Đó là do nếu không cho phép xây dựng, sửa chữa nhà cửa mà không có một lợi ích tương xứng dành cho họ thì người dân sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi. Do đó, theo bà Thảo, cần thiết phải lấy ý kiến của người dân và các hội quán liên quan trước khi thí điểm đề án.

Ông Đào Tuấn Kiệt, chủ hộ bán thuốc Bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông:

Chúng tôi ủng hộ ý tưởng bảo tồn khu phố Chợ Lớn. Bởi khi được bảo tồn thì khách du lịch đến đây cũng đông hơn, chúng tôi sẽ có điều kiện làm ăn buôn bán tốt hơn. Bên cạnh đó, khi được bảo tồn thì những ngành nghề truyền thống lâu đời nhưng cũng sẽ được gìn giữ. Tuy nhiên, nhà nước cần có một kế hoạch cải tạo đồng bộ, vừa bảo tồn được những giá trị văn hoá cổ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế – văn hoá, tránh quy hoạch treo làm khổ người dân.

Bà Vũ Thị Duyên ngụ 206A, đường Lương Nhữ Học, phường 11, quận 5:

Người dân vui và hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, nhất là bảo tồn, tôn tạo những căn nhà có giá trị lịch sử, trùng tu đình, chùa mang đậm nét văn hoá, tâm linh. Tuy nhiên, cần phải được khảo sát và nghiên cứu kỹ trước khi làm, vì dự án này ảnh hưởng tới không ít người dân. Nhà nước nên đưa ra một kế hoạch cải tạo đồng bộ, bảo tồn được cốt lõi của khu dân cư cổ nhưng cần tránh tình trạng quy hoạch treo.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...